Nữ Nghệ Sĩ Thanh Nga -- Một Kiếp Hồng Nhan Đa Truân Thứ tư - 28/04/2004 01:38
Nữ Nghệ Sĩ Thanh Nga -- Một Kiếp Hồng Nhan Đa Truân
Võ Lương
* Cuộc đời của người thiếu nữ không có tuổi xuân thì.
* Mất đúng vào năm tuổi, không thoát khỏi mệnh số.
Sanh năm Nhâm Ngọ (1942), Mất năm Mậu Ngọ (1978).Từ lâu, tôi có ý định viết một bài về nữ nghệ sĩ Thanh Nga nhưng chưa có dịp, kể từ sau ngày cô mất đi (26-11-1978), vĩnh viễn rời xa sân khấu và cuộc đời.
Thật ra, Thanh Nga quá nổi danh, được nhiều người biết đến nên viết về cuộc đời cô cũng đã từng có người viết rồi. Ở đây chúng tôi muốn nói về một khía cạnh khác trong cuộc đời của người nữ nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn này, đó là câu "tài mệnh tương đố" dường như thể hiện rõ trong cuộc đời cô kể từ khi chào đời cho đến ngày mất đi, ảnh hưởng qua số mạng. Như cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng hai câu trong tác phẩm Kim Vân Kiều :
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trong bài viết này, cuộc đời của Thanh Nga sẽ được chia làm nhiều giai đoạn, từ tuổi thơ ấu đến trưởng thành, sự nghiệp sân khấu, những mối tình trong đời và cuối cùng là số mạng của cô kết thúc thật ngắn ngủi đúng vào năm vận hạn. Một kiếp hồng nhan ... đa truân và mệnh bạc !
Cô Gái Mang Tên Juliette Nga.
Thanh Nga là con gái của bà Nguyễn Thị Thơ sanh trưởng tại Tây Ninh năm 1942 (tuổi Nhâm Ngọ). Bà Thơ lấy ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi tại Tây Ninh, có hai người
con là Nguyễn Hữu Thình sanh năm 1940 (tuổi Canh Thìn) và Nguyễn Thị Ngạ Ông Lợi vốn có đời vợ trước, có mấy người con mà người nổi tiếng trong giới kinh doanh điện ảnh sau này chính là bà Gilberte Nguyễn Văn Lợi, chủ nhân hãng nhập cảng phim nổi tiếng Cosunam tại Saigon ở đường Nguyễn Thái Học gần nhà Tổng phát hành sách báo Độc Lập và Nam Cường. Bà Gilberte còn một người chị sống tại Pháp là bà Licie Nguyễn Văn Lợi, và một người em trai nữa tên Charles.
Ông hội đồng Lợi bị Việt Minh sát hại khoảng năm 1945 trong một kỳ ông đi thâu lúa ruộng. Bà Thơ góa chồng mấy năm, sau mới chấp nối cùng với nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa (người gốc Bạc Liêu) lúc ấy đang hát cho đoàn Hậu Tấn trình diễn khắp nơi tại
miền Nam. Cùng với Năm Nghĩa bà Thơ có thêm năm người con nữa, trong số đó có một người tiếp tục theo nghiệp cầm ca là nghệ sĩ Bảo Quốc.
Do là con của ông hội đồng Lợi nên hai anh em Hữu Thình và Thanh Nga đều có quốc tịch Pháp từ nhỏ. Thanh Nga mang tên Juliette, còn Hữu Thình (tôi không nhớ rõ
lắm) là Albert hay Gilbert gì đó. Bà Thơ vốn là người giỏi dắn, thông minh cơ xảo nên nghệ sĩ Năm Nghĩa lấy bà chỉ một năm sau là họ khai trương bảng hiệu thành lập đoàn hát mang tên Thanh Minh vào năm 1950. Do đó mà cuộc đời của cô gái mang tên Juliette Nga gắn bó với sân khấu từ thuở còn thơ dại.
Người Thiếu Nữ Không Có Tuổi Xuân Thì
Thời kỳ 1950 là lúc danh ca sáu câu Năm Nghĩa ở đỉnh cao sáng chói nhất, nên khi thành lập gánh hát một mình ông vừa là diễn viên chánh, vừa là soạn giả và hướng dẫn sân khấu cho nghệ sĩ trong đoàn. Bà Thơ lúc ấy vì các con còn nhỏ, nên sự quán xuyến cùng
chồng lo cho đoàn hát chưa được hoàn toàn lắm.
Tuổi thơ của Juliette cũng lớn dần theo tháng năm cùng với sự trưởng thành và vững vàng của gánh hát gia đình. Cô bé Nga mê say ánh đèn sân khấu, nên cuối
cùng rồi thì nghệ sĩ Năm Nghĩa cũng đã phải chìu ý. Hướng dẫn uốn nắn từng chút cho cô bé chập chững làm quen với ánh đèn màu, lãnh những vai phụ (ngay khi chưa ... đủ tuổi). Cô đã trang điểm, mặc áo dài người lớn và mang guốc cao gót cho cao để đóng những vai ... thiếu nữ. Không những Năm Nghĩa uốn nắn tập luyện cho cô, mà còn có những người bạn sân khấu của ông cũng tiếp phần chỉ dạy cho Thanh Nga, trong đó có bà
Phùng Há và nghệ sĩ Thanh Loan. Người chỉ dẫn về phong cách diễn xuất, kẻ uốn nắn lời cạ Bà Thanh Loan vốn là "người tình" của ông Trần Tấn Quốc (thuộc lớp ký giả tiền phong kỳ cựu vào thời ấy), ông Quốc là chủ nhiệm nhựt báo Tiếng Dội, người có sáng kiến thành lập giải Thanh Tâm. Bà Loan vào khoảng năm 1968 không biết chuyện hụi hè sao đó, mà đã bỏ trốn vào trong bưng theo cách mạng luôn cho tới sau tháng 4 năm 1975
mới trở lại Saigon.
Trở lại với cuộc đời Thanh Nga, tại sao gọi cô là người thiếu nữ không có tuổi xuân? Lẽ thật giản dị, vì cô đã trưởng thành quá sớm, lên sân khấu khi tuổi còn nhỏ dại, cô đã lớn lên ... khi tuổi đời còn non nớt. Như bao thiếu nữ khác cùng trang lứa, cũng có những giây phút lãng mạn, mơ mộng, ôm ấp những ước vọng và hoài bão đầu đời của tuổi dậy thì, một chàng trai anh tuấn nào đó đến với mình trong cuộc đời mai sau. Thế nhưng, Thanh Nga không được có những phút giây ấy, cô như con chim nhỏ chỉ biết cất
cao tiếng hót trong chiếc lồng son ... sân khấu, và tuổi thơ ngây đã vụt qua lúc nào không hay.
Đỉnh cao sáng chói nhất đến với Thanh Nga vào năm 1958, khi cô được nhận lãnh huy chương vàng diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm của ký giả Trần Tấn Quốc, một giải thưởng sân khấu giá trị dành cho những nghệ sĩ trẻ có nhiều triển vọng nhất trong năm. Năm ấy Thanh Nga mới vừa 17 tuổi.
Huy chương vàng năm kế tiếp 1959 có hai diễn viên trẻ một nam, một nữ cùng đoạt giải Thanh Tâm là Hùng Minh và Lan Chi. Xin mở ngoặc ở đây để nhắc thêm về đôi nghệ sĩ nàỵ Hùng Minh sau đó tiếp tục theo nghề hát nhưng không mấy nổi tiếng mặc dù anh có sắc vóc đủ tiêu chuẩn của một anh kép chánh (chỉ thiếu có giọng hát truyền cảm). Trôi nổi nhiều năm dưới ánh đèn màu, Hùng Minh kết hôn với danh ca Thanh Hương (cô
có làn hơi trong vút nổi tiếng với bài vọng cổ "Cô Bán Đèn Hoa Giấy"). Thanh Hương là con gái của nghệ sĩ tiền phong Năm Châu cùng với cô Tư Sạn.
Hùng Minh theo đuổi nghề đến tận cùng, sau khi Thanh Hương mất vì sanh khó vào khoảng năm 71, 72 anh vẫn tiếp tục nghiệp dĩ cho đến nay. Nhưng từ sau năm 1975,
Hùng Minh có khuynh hướng ngã về diễn hài hơn là mùi.
Trường hợp huy chương vàng Lan Chi thì sau khi đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1959, có lẽ không có hướng phát triển nên sau đó vài năm cô đã bỏ nghề luôn.
Biến Cố Làm Đổi Thay Cuộc Đời Thanh Nga
Sau khi đoạt giải Thanh Tâm năm 1958, tài năng của Thanh Nga ngày một đi lên cũng như sự lớn mạnh của đoàn hát gia đình mang tên Thanh Minh. Từ ấy cô đã có thể thủ
diễn những vai quan trọng hơn, một cách tự tin và vững vàng bên cạnh những đàn chị như Ngọc Nuôi, Út Bạch Lan, Kim Giác ...
Nhưng bất hạnh thay, một biến cố lớn đã xảy ra mà có thể đó là nguyên nhân ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời của Thanh Nga về sau này. Đó là nghệ sĩ Năm Nghĩa, người cha kế của cô, người đã có công đào tạo và dẫn dắt cô trên bước đường nghệ thuật, sau nhiều năm xốc vác, lo toan cho đoàn hát từ tháng 5 năm 1950 đã lâm bệnh và qua đời vào những tháng gần cuối năm 1959 tại bệnh viện Đồn Đất (Grall).
Bây giờ người ta mới thấy khả năng quáng xuyến và tài điều hành giỏi của bà Nguyễn Thị Thơ, thân mẫu của Thanh Nga. Chồng mất không bao lâu, bà Thơ đã cho đoàn hát mang tên mới thành Đoàn ca kịch Thanh Minh - Thanh Nga, với Thanh Nga là diễn viên chánh, và đưa đoàn hát trở nên một đại ban vào những năm 60, 61. Lúc bấy giờ, các báo Xuân xuất bản tại Saigon hầu hết đều có nguyên một trang quảng cáo ở bìa sau mỗi năm của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga với hình ảnh của các diễn viên trong đoàn cùng với lịch trình diễn Tết trong suốt một tháng.
Thời gian này Thanh Nga rất đẹp, một nét đẹp tự nhiên và sắc vóc rất thanh nhã đài các, cô là một đóa hoa rực rỡ trong giới nghệ sĩ cùng thời nhưng nổi trội hơn cả. Ong bướm tránh sao khỏi dập dìu, nhưng một bông hoa đẹp thắm tươi chỉ nên để cho người ta ngắm,
nhất là khi ấy cô còn có một người giữ vườn quá ... cơ trí, người ấy không ai khác hơn là mẹ ruột cô, bà Thợ Và cứ thế, Thanh Nga để cho tuổi xuân mình cứ tiếp tục trôi, trong khi ấy có biết bao nhiêu người chỉ mong được ... lọt vào mắt xanh của nàng.
Những bậc đại công tử, thương gia thời ấy thiếu gì, như anh Thành con bà Bút Trà (chủ nhiệm báo Saigon Mới), Nghĩa Hynos thương gia (người từng mời tài tử Vương Vũ từ Hong Kong về Saigon quay một đoạn phim quảng cáo kem đánh răng Hynos năm 1971, khiến cuộc đời của anh tài tử Tàu gốc Chợ Lớn này về sau xuống dốc luôn), không kể nhiều chàng soạn giả, nhạc sĩ, bác sĩ, ký giả, tài tử điện ảnh đều có những ước mơ ...
thầm kín với Thanh Nga, hằng đêm đã ngồi ngay hàng ghế thứ nhất sát sân khấu chỉ để được ngắm nàng. Giới chính trị còn có cả đại sứ P.Đ.Lâm sau này cũng vì quá "ái mộ" Thanh Nga mà đã bị gài bẫy triệt hạ uy tín ngay tại Paris trong lúc hòa đàm đang diễn ra
tại Pháp năm 1969. Thậm chí kể cả những diễn viên sân khấu, bạn đồng diễn với Thanh Nga cũng dành cho cô mối tình cảm rất sâu đậm như Hữu Phước, Thành Được ...
Ở Mỹ chắc hẳn bạn đọc không thể không biết nữ tài tử trẻ đẹp Brooke Shields khoảng hơn mười năm trước đây, cô nổi tiếng khi mới 15 tuổi qua cuốn phim Blue Lagoon (Đầm Xanh), có bà mẹ Teri bên cạnh cô suốt cuộc đời để ... chăm sóc, và chăm sóc quá kỹ nên cuộc đời cô cũng không còn mùa xuân, và trường hợp này cũng gần giống như với hoàn cảnh của Thanh Nga ngày xưa.
Và mặc dầu đã trưởng thành, Thanh Nga vẫn mãi mãi là con chim quý chỉ biết hót trong lòng son, không thể vươn đôi cánh bay đi theo ý mình. Dưới đôi mắt của một nhà kinh doanh chính là bà mẹ ruột của mình, một nghệ sĩ tên tuổi như cô không thể có đời sống riêng, và vì thế Thanh Nga không thể lập gia đình, cô đành phải hy sinh hạnh phúc cá nhân chìu theo nhu cầu, sự sống còn của đoàn hát và gia đình ?
Khúc Quanh Bên Đời
Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, sinh hoạt sân khấu xuống dốc do tình hình chiến cuộc gia tăng, đô thành lại có lệnh giới nghiêm nên các rạp hát phải mở màn sớm do đó số thâu không còn khả quan như trước. Một ít đoàn hát nhỏ phải tan rã, các diễn viên lớn phải
tìm về với các đại ban để tiếp tục nghề nghiệp.
Trong số này có Thành Được, sau khi tan vỡ cuộc sống lứa đôi với Út Bạch Lan (cũng như đoàn hát của hai người) anh về đầu quân cho Thanh Minh - Thanh Ngạ Ở -dây, có một khoảng thời gian tưởng như cuộc đời Thanh Nga phải đi vào một khúc quanh mới, yên ổn hơn. Với Thành Được, một người bạn diễn mà cô cảm thấy tương xứng nhất, mà một trong những vở diễn tâm đác nhất (đối với cả hai) là vở "Sân Khấu Về Khuya" của soạn giả Năm Châu, vai Lĩnh Nam và Giáng Hương. Nhưng Thanh Nga không thể thoát ra được khỏi định mệnh (tại nhân hay tại thiên ?...) một nghệ sĩ nổi danh như cô không thể nào có gia đình (chính thức) như bao nhiêu người khác !
Sự sâu xé dằn vặt từ nhiều phía, cuối cùng Thành Được thất vọng rời bỏ đoàn Thanh Minh -Thanh Nga với cái đầu cạo trọc, tâm sự ủ ê. Có dạo thiên hạ đồn Thanh Nga cũng chán đời, muốn tự tử, cạo đầu đi tu
v.v...
Rồi sau cùng thì với một uẩn khúc khác, Thanh Nga trong chiếc áo cưới bước lên xe hoa chính thức cùng đại úy Mẫn, tiệc cưới có đãi đằng long trọng tại nhà hàng, có báo chí tới dự, với rất nhiều nghệ sĩ các giới, rượu champagne nổ dòn tan. Cuộc vui chưa được
bao lâu, vài tháng sau đại úy Mẫn ra tòa quân sự lãnh án và vào tù. Tiếp đó một loạt những scandale khác dồn dập tới như oan khiên đeo đẳng cuộc đời Thanh
Nga.
Các báo Saigon loan tin giựt gân, một người đàn bà tố cáo Thanh Nga giựt chồng bà ta, rồi đến một bà nhà quê (không biết do ai mướn ?) lên Saigon đến các báo yêu cầu đăng tin chính bà là mẹ ruột Thanh Nga muốn nhận lại con sau nhiều năm thất lạc. Tất cả những rối rắm dường như có lớp lang thứ tự, xô đẩy cô đến nghiệt ngã tang thương.
Đến lúc này thì "cặp mắt kinh doanh" không còn tác động với cô được nữa, Thanh Nga muốn bay ra khỏi những vướng mắc bằng chính đôi cánh của mình, của con chim quý trong chiếc lồng son. Năm đó cô gặp người bạn đời sau cùng, luật sư cựu đông lý văn
phòng Bộ Thông Tinh, Phạm Duy Lân. Cũng là năm mà đoàn Thanh Minh - Thanh Nga chính thức đóng cửa. Cô hoàn toàn có một cuộc đời mới ...
Quyết định tách rời khỏi gia đình, rời bỏ mái ấm 240 Trần Hưng Đạo, ra khỏi sự chăm sóc ..., đối với Thanh Nga là một quyết định quan trọng dù cô biết rằng tình cảm có thể sứt mẻ rất lớn. Nhưng Thanh Nga nghĩ rằng sự hy sinh bấy nhiêu đã quá đủ, cô có quyền
định đoạt cho cuộc đời cô khi đã đến lúc.
Hồng Nhan Bạc Mệnh Có Phải Giành Riêng cho Thanh Nga & Ca Sĩ Ngọc Lan
Khi tôi còn là một đứa trẻ ngồi lê la chơi bán hàng với trẻ con cùng xóm, thì Thanh Nga đã nổi tiếng lắm rồi. Dù khi ấy cô cũng chỉ vào tuổi đôi mươi, và dù thế giới cổ nhạc có biết bao nhiêu là tên tuổi như Bạch Tuyết, Phượng Liên, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Út Bạch Lan… chưa kể đến những nghệ sĩ lão thành như Phùng Há, Kim Chung. Qua báo chí, tôi được biết Thanh Nga lập gia đình với một quân nhân chức phận. Báo chí thời đó cũng bàn luận về những hạnh phúc hoặc đổ vỡ trong cuộc đời riêng tư của cô. Nhưng chuyện đời tư của Thanh Nga khi đó và cả sau này cũng không phải là chuyện để một đứa con nít như tôi quan tâm. Chị em chúng tôi thích Thanh Nga trước hết là ở dáng dấp mảnh mai đài các. Giọng ca của cô cũng khác những giọng ca cải lương của thời ấy. Khi cô đào Lệ Thủy hay Mỹ Châu lên sáu câu vọng cổ, ai cũng vỗ tay nồng nhiệt, khen giọng ca ngọt lịm như mía lùi. Nhưng chúng tôi lại thấy giọng ca rất tự nhiên của cô mới là đặc biệt. Nó không mùi mẫn, cũng không sướt mướt khóc than. Thế mà khi cô ngân, cách rung ở làn hơi lại nghe buồn như tiếng khóc.
Khả năng hiểu biết và trình độ thưởng thức nhạc cải lương của tôi rất hạn hẹp. Vậy mà tối thứ Sáu nào có những vở cải lương do Thanh Nga trình diễn, tôi cũng đều dán mắt vào cái TV. Có khi đào kép hát lâu quá, tôi phải chạy đi tìm một cái gì ăn vặt rồi trở lại mà những câu vọng cổ xàng xê vẫn chưa dứt. Chỉ có khi Thanh Nga xuất hiện là tôi mới chịu ngồi yên, nhìn ngắm chiếc miệng nhỏ bé xinh xắn của cô không ngớt buông ra những lời ca thắm thiết bi ai. Chúng tôi nhất định cho rằng môi của Thanh Nga là môi trái tim và khuôn mặt của cô chính là khuôn mặt trái soan như thường hay nghe tả trong sách vở. Thanh Nga còn có một mái tóc dài óng ả. Có khi được bới cao, có lúc lại xõa dài ôm lấy bờ vai tùy theo vai trò cô thủ diễn. Và hình như lúc nào tôi cũng thấy hình ảnh của cô đi đôi với mái tóc dài. Một mái tóc đen dài và thẳng tắp mang đầy vẻ thùy mị e ấp của người con gái Việt Nam. Nụ cười và giọng nói của cô thì trăm hình vạn trạng. Trong vở “Giai Nhân Và Bạo Tướng” cô dùng mỹ nhân kế cười nói nũng nịu lả lơi bao nhiêu thì trong “Tiếng Trống Mê Linh” giọng cô lại sang sảng uy quyền bấy nhiêu.
Tuy Thanh Nga xuất thân từ giới cổ nhạc, nhưng nhan sắc và khả năng diễn xuất của cô đã mang cô sang những lãnh vực khác. Nhiều nhà làm phim ảnh đã mời cô đóng phim. Những phim như Nắng Chiều, Năm Vua Hề Về Làng, được coi là khá thành công. Nhưng thật ra kỹ thuật điện ảnh ở giai đoạn còn phôi thai đã không phản ảnh được đúng khả năng của cô. Sở trường của cô là trình diễn trên sân khấu. Phải nhìn cô hát và diễn mới thấy được trọn vẹn tài năng của cô. Tuy nhiên, ở bộ môn kịch nói, cô rất duyên dáng và điệu nghệ không kém gì so với bộ môn cải lương. Có một vở kịch tôi không còn nhớ tên. Trong đó cô thủ vai nữ chúa của một băng đảng, lái motocycle trong bộ y phục gọn gàng thời trang, khác hẳn khi cô yểu điệu tha thướt trên sân khấu cải lương. Mái tóc cô được cột ra phía sau bằng một giải lụa dài. Vòng chân bước ra khỏi chiếc motocycle, cô dùng tay rút chiếc khăn buộc tóc và xổ tung mái tóc một cách rất điệu nghệ. Trông cô giống như một trong những người đẹp của điệp viên hào hoa 007 James Bond.
Thanh Nga có người em trai thân thiết là nghệ sĩ cải lương Bảo Quốc. Anh rất đẹp trai và có cái miệng duyên dáng như chị mình. Sau này, Bảo Quốc hầu như chỉ đóng vai hài. Trong một vở tuồng cải lương mà tôi lại không nhớ tên cũng vì cái tật không ngồi yên một chỗ, Bảo Quốc đóng vai một tên lính hống hách, đến hạch sách gia đình một thanh niên rất nghèo nhưng rất hiếu thảo và hiếu học. Để tâng công với chủ tướng của mình, anh lính Bảo Quốc đã “nói xấu” anh học trò nhà nghèo đó đại khái như sau: “Dạ bẩm Quan. Thằng này nó xảo quyệt, nói láo dữ lắm! Nhà chỉ có một chén cơm nguội nó nhường cho mẹ. Mẹ hỏi con ăn chưa? Nó dám nói con ăn no lắm rồi, xin mẹ cứ dùng hết đi. Nó nói láo như vậy đó quan!” Câu nói chỉ có vậy mà cách nói cùng điệu bộ hết sức nghiêm trọng của anh hề Bảo Quốc đã làm cho hai chị em tôi cười nghiêng ngả.
Khi thủ vai Trưng Trắc trong Tiếng Trống Mê Linh, Thanh Nga đang ở tột đỉnh danh vọng. Nhan sắc ở lứa tuổi ba mươi nơi cô là nhan sắc của người đàn bà mang đầy tự tin. Tôi không còn thấy một Thanh Nga thiếu nữ đượm nỗi buồn như ngày trước nữa. Mặt cô sáng như trăng rằm và nụ cười vô cùng rạng rỡ. Ai đã xem Tiếng Trống Mê Linh chắc cũng phải nhớ hoài nét xuất thần của cô khi giải thích cho em là Trưng Nhị vì sao phải làm bộ nhún nhường trước quân xâm lăng. Trong ánh lửa bập bùng, mặt cô uy nghi như một thánh nữ. Mắt cô long lanh mối hận phải trả thù cho chồng, đôi môi hình trái tim (Tôi vẫn cho là hình trái tim) mím chặt cương quyết. Cô ví chiến thuật tấn công của mình như của loài mãnh hổ, bao giờ cũng co chân thủ thế trước khi giương móng vuốt chồm lên hạ con mồi. Cô muốn cho khán giả thấy đàng sau tấm thân liễu yếu đào tơ đó là cả một sức mạnh và một khối óc phi thường. Vở tuồng Tiếng Trống Mê Linh đã nhắc lại sự thua chạy của quân Tàu xâm lăng dưới tay chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị trong lịch sử Việt Nam ở hàng bao nhiêu thế kỷ trước. Thanh Nga diễn xuất quá thần sầu và vở tuồng quá nổi tiếng nên khi cô mất đi, hầu như tất cả báo chí dư luận đều cho rằng cô đã bị hạ sát vì lý do chính trị. Vở tuồng đã được dựng lên trong thời điểm mà Việt Nam và Trung Cộng đang có quan hệ không tốt đẹp. Tóm lại người ta cho rằng cô đã mất về tay những kẻ quá khích.
Chúng tôi không rõ chuyện thời sự. Chỉ vô cùng thương tiếc cho một nhan sắc tài hoa. Ngày được tin Thanh Nga mất ai cũng bàng hoàng không tin đó là sự thật. Cứ tưởng lại có người muốn tung tin giật gân và cũng cứ mong là như vậy. Nhưng rồi đám tang của cô được diễn ra, qua nhiều đường phố và cuối cùng mang cô về an nghỉ trong một nghĩa trang nhỏ ở Gia Định. Rất nhiều khán giả đã theo tiễn chân cô, nhỏ lệ khóc thương cho người nghệ sĩ vắn số. Nhiều ngày sau đó, sự ra đi của cô vẫn còn là một đề tài sôi động cho mọi giới. Trong buổi tụ họp bạn bè ở một ngày cuối năm. Chúng tôi ngồi bên nhau ưu tư cho tương lai trước mặt. Nói hết chuyện này đến chuyện khác xong lại nhắc đến Thanh Nga. Một người kết luận bằng câu “Hồng nhan bạc phận.” Có tiếng phản đối: “Đâu phải cái gì cũng đổ thừa cho định mệnh?”
Người lên tiếng phản đối đó sau này trở thành ca sĩ Ngọc Lan. Để rồi nhiều năm sau đó, lại có người mượn chữ “Hồng nhan bạc phận” để nói về cái chết cũng như cuộc sống của chính cô(Ngọc Lan).
Theo www.dalanquan.com