Bước vào nghề từ một sinh viên nghèo bữa đói, bữa no, Ngọc Sơn trở thành một ca sĩ được khán giả yêu mến với dòng nhạc trữ tình quê hương. Biết bao điều tiếng, sự kiện không hay xảy ra chung quanh cái mác “ngôi sao chơi ngông nhất Việt Nam”, cái tên này vẫn tồn tại và được một bộ phận khán giả chấp nhận.
Ngọc Sơn nhắc đến tuổi thơ của mình bằng những ký ức của một học trò nghèo. Cha anh quê ở Đà Nẵng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, gặp mẹ anh ở Hải Phòng, kết hôn và sinh ra 4 người con. Cha mẹ làm nghề giáo nhưng Sơm chỉ mê ca hát. Ngọc Sơn bảo mình từ nhỏ có tính hiếu động, luôn quyết tâm thực hiện bằng được những ước mơ. Ba mẹ có ý khuyến khích các con theo nghề giáo, nhưng Sơn chọn nghề diễn viên.
Năm 1975, gia đình anh chuyển hẳn vào Nam sinh sống. Mảnh đất Bạc Liêu là nơi cả nhà dừng chân. Mẹ anh làm hiệu trưởng một trường THCS, cha anh công tác tại ngành giáo dục tỉnh. Những năm tháng ở vùng đất chiếc nôi của Dạ cổ hoài lang, Ngọc Sơn càng khao khát nghệ thuật.
Cùng một nhóm bạn, Sơn tham gia đờn ca tài tử, ca hát nghêu ngao. Năm 1987, anh được tuyển lên TP HCM học lớp đào tạo diễn viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Theo học khoa Diễn viên kịch nói, nhưng đến năm 1988 anh lại thi vào khoa Thanh nhạc Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Cũng từ đó, cái tên Ngọc Sơn bắt đầu xuất hiện trên sân khấu ca nhạc Sao Đêm của đạo diễn Phương Sóc tại Nhà Văn hóa quận 10.
Điểm lại quãng đời tuổi thơ, Ngọc Sơn cười rạng rỡ: "Tôi chẳng có gì hối hận về việc chọn nghề ca hát. Vì tuổi thơ tôi mê ca hát, mà ông bà xưa có hát ru: "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con mê hát bội mẹ liều con hư". Ba má tôi hồi đầu chẳng ưng ý việc tôi làm ca sĩ. Ông bà vẫn tin rằng tôi sẽ theo ngành sư phạm. Thế nhưng chị tôi theo nghề y, các em tôi lại nối gót theo tôi làm ca sĩ. Đời người như một dòng sông mà chỉ có người cầm lái mới biết khúc sông nào sâu, cạn. Quan trọng là đừng buông lái, đừng để mình sống buông thả như bản thân tôi đã có một giai đoạn... buông chèo".
Sân khấu Sao Đêm là nơi chàng trai gốc Bắc bước chập chững vào làng ca nhạc. Thời đó, Sơn thường phải ngồi chờ gần 1 giờ đồng hồ mới được ra sân khấu. Vóc dáng ốm tong, cao lêu nghêu, đi chiếc xe đạp sườn ngang, nếu không ai giới thiệu, khán giả sẽ lầm tưởng anh là một nhân viên bảo vệ. Nhưng khi cất giọng hát, chất giọng ngọt ngào, trầm ấm của Ngọc Sơn đã chinh phục khán giả. Anh được chú ý và được mời về hát ở Nhà hát Hòa Bình. Chỉ vài tháng sau, từ cát-xê “chết đói” 10.000 đồng một đêm, Ngọc Sơn được trả 500.000 đồng đến 1-2 triệu đồng mỗi sô diễn.
Lúc nổi tiếng, báo chí nhắc đến, công chúng hâm mộ, từ chiếc xe đạp sườn ngang, Ngọc Sơn mua xe gắn máy phân khối lớn, rồi “xế hộp” đời mới. Sô diễn chất chồng xếp lịch phải né ngày, né giờ, thậm chí bầu sô đặt cọc trước suất diễn, tặng thêm tiền “lì xì” để chỉ hát cho họ. Sơn tậu nhà lầu, rước cha mẹ, chị em lên TP HCM sinh sống, dắt hai em theo nghiệp hát.
Lúc này, cha mẹ không còn cấm đoán chuyện Sơn hát xướng nữa. Chẳng ai có thể khuyên ngăn nổi những bước đi của anh. Một số bài báo thời đó đã góp ý anh về cách biểu diễn. Công luận cho rằng phong cách trữ tình không thể chấp nhận việc nhảy múa như nhạc rock, nhưng Ngọc Sơn lại cho đó là “ưu thế” của mình, vì vậy anh bị xem là ca sĩ ngông cuồng.
năm 1993, khi anh tham gia thu âm một số bài hát chưa được phép công bố (trong đó có bài Bông cỏ may nói về lính cộng hòa). Anh bị kết án tù 8 tháng 12 ngày.
Ngọc Sơn tâm sự: "Thời gian này tôi thật sự khủng hoảng tinh thần. Sự ngu ngơ của tôi đã phải trả cái giá quá đắt. Một số đầu nậu đĩa về nước mời tham gia thu âm, tôi không kiểm tra những ca khúc ấy có được Bộ VHTT cấp phép lưu hành hay chưa, và thu bừa. Tính hiếu thắng đã khiến tôi trả cái giá quá đắt. Trong suốt thời gian tôi bị giam, ba má tôi rất khổ sở, nhưng ông bà vẫn là niềm động viên lớn nhất với tôi. Bản thân tôi biết mình có tội, đã làm cho cha mẹ buồn. Tôi lao vào học ngoại ngữ, học để bù đắp những lỗi lầm và tin tưởng sẽ được mọi người tha thứ".
Rời trại giam, Ngọc Sơn khác hẳn trong mắt bạn bè về một con người không còn muốn chứng tỏ mình là “số một”. Anh làm lại từ đầu với việc lao vào sáng tác ca khúc. Các ca khúc Tình cha, Lòng mẹ (cùng tên với ca khúc Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân), Tình mẹ... được khán giả hết lòng đón nhận bởi sự chân thành của anh về hai đấng sinh thành đã quá khổ do sự “nổi tiếng” của con trai.
Vào thời điểm đó, sức hút của Ngọc Sơn quá mạnh. Phần vì anh vừa được trả tự do, phần vì sự thay đổi phong cách nên các sô diễn về với anh dày đặc, sân bãi tổ chức đại nhạc hội treo tên anh có suất thu hút 10.000 người xem ở các tỉnh miền Tây. Sơn tập hợp những bài hát hay và ra mắt album ca nhạc đầu tiên. Thời đó, CD Tiếng hát Ngọc Sơn được bán với giá 36.000 đồng và tiêu thụ hơn 800.000 đĩa.
Ngọc Sơn nhớ lại và đúc kết: “Tôi nghĩ mình may mắn. Đã có lúc tôi thấy mình cô đơn, tuyệt vọng, nhưng rồi những phút giây ấy cũng qua nhanh. Bù lại tôi lao vào học tập không ngừng. Đời người là một hòn đá thô, có mài, có giũa, chịu được sự cọ xát của quy luật cuộc sống thì đá kia mới trở nên quý giá. Tôi quan niệm sống trên đời là trả nợ. Mình nợ rất nhiều tình thương của cha mẹ, sự giáo huấn của xã hội, nhà trường, thày cô và với cái nghề của tôi thì nợ khán giả. Tôi là hòn đá mắc nợ trần gian".
Hỏi bao giờ cưới vợ, Ngọc Sơn ngập ngừng: “Tôi sống với đại gia đình chân tình, cưới vợ rồi chỉ phải lo cho một người, cảm thấy ích kỷ quá, nên cứ để lần hồi hãy tính. Duyên số đến thì tôi sẽ công bố. Vợ tôi sẽ không là người trong nghề, có thể sẽ là khán giả của tôi”. Còn một liveshow Ngọc Sơn của 15 năm ca hát? Anh cười rất thực tế: "Làm liveshow cho mình mà lỗ mấy trăm triệu, số tiền đó để giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh có lẽ tốt hơn".
(Sưu Tầm)