1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Vương Tuấn hiện nay đang là diễn viên chính của đoàn cải lương Long An, một nghệ sĩ tài đức vẹn toàn, một Đảng viên gương mẫu, có nhiều đóng góp cho đoàn cải lương Long An, cho sự nghiệp sân khấu chung của cả nước.

    Hơn 25 năm trên cương vị của người nghệ sĩ – chiến sĩ Vương Tuấn có mặt khắp nơi, từ Nam ra Bắc, dọc tuyến miền Trung… Theo bước chân lưu diễn của đoàn cải lương Long An hát phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, thể hiện tinh thần xung phong, chấp nhận mọi gian nan, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đúng bản chất của một nghệ sĩ Văn Công.

    Ngược thời gian, cách đây đúng 25 năm… Mùa hè năm 1988 có một thanh niên vừa tròn 20 tuổi, tên Nguyễn Văn Thuộc, quê ở Huyện Châu Thành, Tỉnh Long An, mặt mày sáng sủa, có giọng ca trong sáng ngọt ngào, đến gặp ông Năm Vui Trưởng đoàn Cải lương Long An xin vào học hát.

    Khi còn ở nhà Thuộc có học ca với ông Sáu Sinh một nhạc lễ cao đài Tây Ninh, được ông rèn cho ca đúng nhịp bài Vọng cổ và một số bài bản ngắn, đủ đi hát cải lương. Đoàn Cải lương Long An lúc ấy lực lượng rất hùng mạnh cùng lúc có 2 nam diễn viên chính là Thanh Tâm và Bảo Thanh, chưa kể những diễn viên kế cận đều là những người hát có nghề, ca hay, diễn giỏi.

    Vậy là Văn Thuộc được phân công làm hậu đài, vốn con nhà nông nên chuyện khuân vác cực nhọc là chuyện bình thường, miển sao mỗi đêm vẫn được coi đàn anh, đàn chị ca diễn. Thuộc được nghệ sĩ Phương Tùng, là phó đoàn phụ trách chuyên môn nhận làm đệ tử, ông dạy Thuộc rất nhiều từ sân khấu đến cuộc đời…

    Thấy đệ tử có khuôn mặt đẹp, vóc dáng đúng chuẩn “kép chánh” ca giống danh ca Thanh Tuấn nên ông đặt cho nghệ danh Vương Tuấn (Lúc nầy Minh Vương, Thanh Tuấn là 2 ngôi sao đang được khán giả mến mộ nhất) để tạo sự chú ý. Hai năm sau, từ hậu đài Vương Tuấn được phân công hát những vai nhỏ, rồi lên kép nhì.

    Năm 1994, ông năm Vui mất, NSƯT Hữu Lộc lên làm trưởng đoàn, ông chú ý đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ thay thế một số nghệ sĩ rời đoàn, Vương Tuấn được đôn lên hát chính trở thành một trong những học trò xuất sắc nhất của ông, một diễn viên trụ cột của đoàn. Ở đoàn Long An Vương Tuấn được nhiều người lớn chỉ dạy.

    Nhưng đặc biệt nhất là nghệ sĩ Phương Tùng, như người cha dạy cho con trai bước chập chững đầu tiên, còn NSƯT Hữu Lộc là người thầy có công vun đắp, do ni đóng giày những vai diễn nặng ký khai thác hết khả năng ca diễn, đưa anh lên vị trí một nghệ sĩ có tầm cỡ. Vương Tuấn phù hợp với những vai chính diện, vai cán bộ cách mạng.

    Hầu hết những vai anh hùng cách mạng như Nguyễn Trung Trực, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu… Đều được đoàn phân vai cho Vương Tuấn, và anh đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.
    NS Vương Tuấn - Hồ Ngọc Trinh
    Trong vở Nghĩa sĩ Cần Giuộc


    Trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 tại TPHCM, Vương Tuấn vào vai nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong vở Nghĩa sĩ Cần Giuộc, cùng với Hồ Ngọc Trinh cũng rất xuất sắc trong vai bà Lê Thị Điền, vợ nhà thơ, đem về 2 HCV cá nhân, được đồng nghiệp đánh giá cao.

    Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, Vương Tuấn khi hóa trang vào vai Nguyễn Đình Chiểu gương mặt rất giống bức ảnh chụp chân dung nhà thơ, rất tự nhiên như người thật, có lẽ nhờ vậy mà Vương Tuấn vào vai nầy rất ngọt, thể hiện được thần thái, uy dũng, khí tiết của nhà thơ khi đối mặt với giặc cướp nước. Có thể nói đây là vai diễn hay nhất, để đời của Vương Tuấn.

    Với chất giọng nam trung, trong sáng, ảnh hưởng giọng ca của NSƯT Thanh Tuấn, Vương Tuấn là giọng ca hay, theo trường phái nầy. Cách sắp nhịp điêu luyện , ca diễn cảm, có chiều sâu, anh là tấm gương khổ luyện tự hoàn thiện, nâng mình lên từ một vị trí nhỏ trở thành trụ cột, từ một tay ca nghiệp dư, thành diễn viên chánh của tình Long An, đứng vào hàng những nghệ sĩ trẻ tài năng của sân khấu cải lương cả nước.

    Tánh tình hiền lành không ngại khó , không câu nệ vai diễn, ý thức tổ chức kỷ luật rất tốt, Vương Tuấn là mẫu nghệ sĩ tài đức vẹn toàn thuộc biến chế của đoàn cải lương nhà nước, đang được các đàn em tập tành theo nghề học tập. Vương Tuấn đã kết hôn, người bạn đời là nghệ sĩ Kim Ngà , diễn viên nữ chính của đoàn, thuộc lớp diễn viên do đoàn đào tạo, cùng là dân Long An.

    Nhiều năm họ là bạn diễn ăn ý trên sân khấu , là đôi bạn tình qua nhiều vở diễn, để rồi tình trên sân khấu biến thành hạnh phúc đời thường, họ đã có một cháu trai kháu khỉnh, đang học lớp 3. Có con muộn, nhưng vợ chồng Vương Tuấn – Kim Ngà đã có gần 20 năm mặn nồng, ấm lạnh.

    Đoàn Cải lương Long An trở thành mái nhà chung, và Vương Tuấn sẽ hát cho đoàn đến khi giải nghệ. Ngoài HCV Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2009, Vương Tuấn có thêm HCB tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2012, vai út Mót trong Phố An Cư không nhiều đất diễn như vai Nguyễn Đình Chiểu, Vương Tuấn không coi đó là bước lùi, nhưng đặt quyết tâm hơn nếu lần sau còn đi hội diễn.

    Nhìn lại chặng đường 25 năm hoạt động sân khấu, Vương Tuấn cho rằng mình có nhiều may mắn khi có môi trường tốt như đoàn Long An, có những lãnh đạo giỏi có tâm, có tài như Ông Tám Kỳ, ông Nguyễn Minh Tuấn, NSƯT Hữu Lộc… Đã rước những thầy giỏi như NSND Huỳnh Nga, NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, những tác giả nổi tiếng như Lê Duy Hạnh, Ngọc Linh, Đăng Minh, Ngô Hồng Khanh…

    Về dàn dựng, dạy nghề cho các nghệ sĩ trẻ, biến những cô gái chàng trai chân quê thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Vương Tuấn quan niệm giá trị đích thực của người nghệ sĩ là những vai diễn để đời, sự hơn kém không phải ở tiền cát sê cao hay thấp, ở đoàn tỉnh hay đoàn TP.

    “Đầu chuột” dẫu sao vẫn phải hơn “đuôi voi” là nghệ sĩ ở đoàn Cải lương nhà nước có thể thua kém hơn các nghệ sĩ tự do về thu nhập, về cuộc sống vật chất, nhưng chắc chắn không thua kém tài, nhất là định hướng nghệ thuật, một giá trị không thể đo bằng tiền. Anh hài lòng với những gì mình đang có.

    Hát cho bà con thân thương ở miền quê dù có cực khổ, nắng bụi, mưa lầy vẫn thấy ấm áp nghĩa tình, càng hát càng thấy cuộc đời mình gắn bó, chia sẽ những gian lao nhọc nhằn của bà con công nông, từ đồng ruộng đến công trường, xí nghiệp, đâu đâu khán giả mộ điệu cùng xem họ như những người thân thuộc nhất, tiếng hát vì nghĩa tình, không vì mua bán.

    Sự trân trọng, yêu quí khán giả không ở đầu môi, mà tự đáy lòng người nghệ sĩ vốn là con nhà nông hát với lòng tri ân sâu sắc, biết ơn những con người biết làm giàu đẹp quê hương đất nước. Đời nghệ sĩ hạnh phúc nhất là khi được hát bằng tất cả cảm xúc chân thành xuất phát từ trái tim “nghệ thuật vị nhân sinh”.

    VIỆT KHANG
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (12-12-2013)

  3. Duongtonhu
    Avatar của Duongtonhu
    Nghệ sĩ Vương Tuấn vai Nguyễn Đình Chiểu
    Trong: Nghĩa sĩ Cần Giuộc
    Hội diễn SKCNTQ 2009

    Vương Tuấn cùng Hồ Ngọc Trinh

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Duongtonhu For This Useful Post:

    romeo (13-12-2013)

ANH EM CHANNEL