Nhiều đoàn cải lương ngưng hoạt động, hệ quả kéo theo nhiều người không có việc làm. Những nghệ sĩ lớn nhỏ, nổi tiếng hay vô danh lần lượt chuyển nghề hoặc hoạt động cầm chừng.
Tại một phòng thu âm nhỏ ở Gò Vấp, Tuấn Vương giải tỏa nỗi nhớ nghề của mình bằng công việc thu âm những giọng ca cải lương của các anh em bạn bè nghệ sĩ. Có dịp gặp gỡ trao đổi mới biết người nghệ sĩ khi đã mang lấy nghiệp vào thân thì không dễ dàng vứt bỏ.
Mặc dầu nếu cứ bám vào sân khấu thì chưa chắc cuộc đời của họ sung sướng hơn, nhưng đã là nỗi đam mê thì nó theo suốt một đời. Tuấn Vương là một nghệ sĩ mang tâm trạng như vậy. Mê cải lương, đi theo nhiều đoàn hát, thần tượng là Thanh Tuấn, Minh Vương nên tự đặt cho mình là Tuấn Vương.
Xuất thân từ quê hương Phù Cát – Bình Định, 10 tuổi đã mê cải lương từ giọng hát của nghệ sĩ Chí Tâm qua bài tân cổ Lan và Điệp. Cứ mỗi lần có đoàn hát cải lương về diễn gần nhà là anh lén ba đi coi dù rằng sau đó bị những trận đòn đau điếng. Ba anh muốn cho con mình theo học chữ, ông nghĩ người miền Trung thì khó mà hát cải lương hay.
Vậy mà Tuấn Vương vẫn mê. Ngày ấy đoàn Mây Tần của ông bầu Trương Vũ thường hay hát quanh quẩn tỉnh Bình Định. Những nghệ sĩ Thanh Liêm, Hiếu Liêm, Diệp Linh Giang là thần tượng của anh. Rồi đoàn Minh Cảnh, đoàn Hề Sa đến Phù Cát biểu diễn, được gặp gỡ những nghệ sĩ tài danh.
Những giọng ca vàng ước mơ làm nghệ sĩ cải lương ngày càng cháy bỏng hơn trong lòng cậu bé 14 – 15 tuổi. Nhớ có lần anh cùng mẹ và em đi xem hát, khi trở về bị ba đóng cửa không cho vào nhà. Vậy là ba mẹ con đành ngủ ngoài hè.
Khi nhỏ thì mê Chí Tâm, lớn một chút thì mê Tấn Tài qua vở tuồng Bóng hồng sa mạc. Tuấn Vương đã tự học ca vọng cổ qua đài phát thanh, qua băng đĩa. Có một thời gian gia đình vào ở Lương Sơn - Hòa Đa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1974 thì ba mất anh em theo mẹ lên KonTum lập nghiệp.
Vùng đất cao nguyên này rất hiếm khi cải lương đến diễn mà người dân thì rất mê, anh bèn tham gia đội văn nghệ xã hát mấy vở cải lương ngắn phục vụ tuyên truyền cho địa phương, có chen vào diễn vở Tấm Cám trích từ trong đĩa hát. Có làn hơi khá tốt nhưng yếu nhịp, dù vậy với bà con chung quanh lúc đó anh vẫn là “giọng ca số một”.
Khi tròn 18 tuổi nghe Thanh Tuấn hát Tìm lại cuộc đời, Chuyến xe Tây Ninh, mê quá Tuấn Vương bắt chước ca theo. Hát địa phương mãi cũng chán, năm 1979 Tuấn Vương bỏ nhà theo đoàn cải lương Ninh Khánh (Nha Trang). Vào làm hậu đài, trong đoàn quen với anh Minh Ngọc, sau đó vài tháng được anh Ngọc dẫn qua đoàn cải lương Hương Biển của nghệ sĩ Phương Bình, có tăng cường danh hài Thanh Việt.
Được phân cho hát vai thần núi Tản Viên trong vở Sơn tinh Thủy tinh. Cũng chỉ trụ ở đoàn cải lương Hương Biển được vài tháng có người rủ qua đoàn Cao Văn Lầu đang lưu diễn miền Trung. Muốn biết đất miền Tây như thế nào Tuấn Vương đã theo về Bạc Liêu, đi diễn ở vùng nông thôn sông nước.
Lúc đó lực lượng của đoàn gồm có Thanh Tâm, Hương Chung Thủy… có lần đoàn cải lương Cao Văn Lầu qua phà An Hóa về Bến Tre diễn. Trời mưa lớn, nước cuốn trôi xe tải chở cảnh trí, phải buộc chặt vô gốc dừa mới giữ xe lại được, gian nan mà thấy vui vì được đông đảo bà con ủng hộ.
Diễn xong ở Bến Tre, đoàn Cao Văn Lầu về Long An diễn gặp đoàn cải lương Long Giang của ông bầu Sáu Nở, được móc nối Tuấn Vương lại bỏ đoàn Cao Văn Lầu qua đoàn mới. Được cho hát vai kép nhì, kép ba nhưng sở trường vẫn là kép lão. Đôi lúc được hát thế vai cho nghệ sĩ Nhật Thanh (tức Văn Bảnh, khôi nguyên vọng cổ trước NSƯT Minh Vương).
Trong đoàn còn có Hoa Mỹ Hạnh, Lệ Trinh, Cẩm Thu. Năm 1988 Tuấn Vương về đoàn cải lương Hương Mùa Thu hát chung với Vũ Minh Vương. Tại đoàn này Tuấn Vương được hát một số vai kép. Soạn giả Thu An tận tình chỉ bảo, nâng đỡ Tuấn Vương tạo được uy tìn với bạn bè đồng nghiệp. Rời đoàn Hương Mùa Thu Tuấn Vương về cộng tác với đoàn cải lương Bến Tre hát chung với Diệp Tuyết Anh, Chung Tuấn, Phương Linh.
Sau nhiều năm đi khắp đó đây với các đoàn cải lương, Tuấn Vương trở về quê nghỉ ngơi một thời gian. Nhớ sân khấu, anh trở lại hát cho đoàn cải lương Sông Bé mới với các nghệ sĩ Vũ Tâm, Vũ Minh, Bích Ngọc, hề Tẩu Tẩu. Đến năm 1990 thì lập gia đình, tình hình sân khấu cải lương cũng dần dần sa sút anh về định cư tại số 499 Lê Quang Định, quận Gò Vấp, đối diện rạp 30-4.
Tình cờ nghe Thanh Ngân hát bài Hương tóc mạ non thấy thích. Rồi phong trào làm băng đĩa rộ lên Tuấn Vương nảy ý định lập phòng thu. Để học kinh nghiệm anh đến một số phòng thu khác thu giọng ca của mình, sau đó về rút kinh nghiệm và tìm thầy học kỹ thuật thu. Bây giờ phòng thu âm của anh rất được nhiều bạn bè nghệ sĩ ủng hộ.Tuấn Vương như trẻ hơn, giọng ca vẫn trong, mượt, âm vực rộng, vang xa. Ở tại nhà anh vẫn được sống với niềm đam mê từ thuở nhỏ.
Nói về mình, Tuấn Vương tâm sự: “Tôi đi hát vì niềm đam mê cải lương, nhờ có sân khấu mà tôi thực hiện được mơ ước trở thành nghệ sĩ. Tuy chưa phải tài năng hay danh tiếng gì, nhưng khi làm nghề tôi mới hiểu thêm nghệ thuật cải lương quá độc đáo. Muốn làm nghề hay không phải dễ, ngoài năng khiếu bẩm sinh còn phải khổ luyện và cần nhất là phải có cơ hội.
Đồng lớp với tôi có nhiều bạn hát rất hay, nhưng vì cứ lưu diễn miết nên không có cơ hội lăng xê tên tuổi, thành ra cứ mai một dần ở vùng sâu vùng xa. Tôi biết ơn nghề thấy mình đã chọn đúng. Đi hát tuy có vất vả nhưng rất phù hợp với tâm hồn lãng tử của tôi, thay đổi đoàn hát nhiều là vì tôi muốn biết mỗi đoàn có gì khác nhau.
Với tôi, những gì mình đã làm như thế đã quá đủ. Tôi ở một vùng đất xa xôi, không phải là đất của cải lương, mà mình vẫn phấn đấu để trở thành một nghệ sĩ cải lương. Tôi rất hạnh phúc với những gì mình đã có. Một lần nữa tôi rất cám ơn sân khấu. Xin được khấn Tổ nghiệp phù hộ cho sân khấu cải lương vượt qua cơn khó khăn hiện tại”.
Tuấn Vương bây giờ đã có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc bên người vợ hiền xinh đẹp, được sống với nghề bằng công việc thu âm hàng ngày. Mừng cho anh vẫn luôn gắn bó đời mình với nghiệp hát.