1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nhắc đến Minh Quân người ta nhớ đến một ông bầu chuyên tổ chức các chương trình văn nghệ tổng hợp ở các rạp Hưng Đạo, Thủ Đô, các tụ điểm 126, Trống Đồng, Nam Quang, v.v… tính người vui vẻ, dễ gần gũi, biết chăm sóc nghệ sĩ và chương trình luôn đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả. Những người quen sau này ít ai biết Minh Quân xưa từng là kép chánh của nhiều đoàn cải lương lớn như Thanh Nga, Sài Gòn 3, Sài Gòn 2, Phước Chung,… cuộc đời đi hát của anh cũng có nhiều điều thú vị.

    CUỘC DẠO CHƠI TÌNH CỜ

    Minh Quân tên thật là Lê Hoàng Ân, sinh năm 1951 tại thành phố Cần Thơ. Như bao nhiêu thanh niên ở miền Tây sông nước, đờn ca tài tử cải lương là niềm vui, là thú đam mê để giải trí sau giờ học tập, lao động. Khi còn 13,14 tuồi anh thường hay đi đờn ca với bạn bè ở các đám cưới, đám giỗ, những đêm trăng thanh gió mát ngồi trước sân vườn nhà tụ hội ca hát cho vui.

    Lớn hơn một chút, anh làm quen với một người bạn thợ may tên Cảnh, người bạn này có ngón đớn ghi-ta phím lõm khá hay, hướng dẫn anh cách ca đúng nhịp nhàng, họ trở thành một đôi song tấu có tiếng ở miền quê Cần Thơ. Nhờ vóc dáng cao ráo, gương mặt điển trai Minh Quân nổi lên như một “nghệ sĩ” miệt vườn, được bà con xóm làng mến mộ.

    Năm 1973 có đoàn ca múa nhạc của nghệ sĩ Hoàng Biếu quy tụ một số nghệ sĩ ở Sài Gòn xuống diễn quanh vùng Cần Thơ, trong đoàn có nhạc sĩ Thanh Kim – một cây đờn Hạ Uy Di tân nhạc, đang rất nổi tiếng, nhiều đĩa đờn của ông cho các nghệ sĩ cải lương tài danh bán rất chạy, trở thành hiện tượng một thời.

    Minh Quân vốn rất ái mộ danh cầm Thanh Kim, tiếp cận làm quen, được Thanh Kim nhận làm em kết nghĩa. Hai người thường đờn ca chơi với nhau. Trong một đêm diễn tại một rạp hát ở Cần Thơ, chương trình biểu diễn có tăng cường nghệ sĩ Thành Được. Đêm đó ông bầu Hoàng Biếu bán hết vé, khán giả nô nức chờ đợi thần tượng của mình.

    Đến giờ diễn, Thành Được không có mặt, ông bầu Hoàng Biếu lo lắng vì trong đoàn không ai có thể tạm thời hát thế. Thanh Kim bèn hiến kế nên đưa Minh Quân lên hát thử, với lời bảo đảm chắc như đinh đóng cột: “Thằng này sẽ làm cho khán giả hài lòng, bỏ qua vụ Thành Được không tới…”.

    Đó là lần đầu tiên Minh Quân được bước lên sân khấu hát có tiền cát-xê đàng hoàng. Thời đó giọng hát của hoàng đế đĩa nhạc Tần Tài rất được khán giả yêu thích, Minh Quân lại rất thần tượng Tấn Tài, đã bắt chước cách ca ấy. Khi Minh Quân bước ra sân khấu khán giả ồ lên vì một anh “kép” lạ rất đẹp trai, ca vọng cổ rất hay mang âm hưởng Tấn Tài.

    Những tràn pháo tay tán thưởng, những lời yêu cầu hát tiếp vang cả rạp. Nhân dịp đó ông bầu Hoàng Biếu mới ra cáo lỗi về sự vắng mặt đột xuất của nghệ sĩ Thành Được. Khán giả đã thỏa mãn với chương trình biểu diễn của đoàn cộng thêm những bài ca độc đáo của anh kép trẻ đẹp trai, họ bỏ qua sự việc, cảm thông cho một “tai nạn nghề nghiệp” của mấy ông bầu.

    Sau đêm diễn đó, Minh Quân trở thành một diễn viên chủ lực của đoàn Hoàng Biếu. Trong đoàn có nghệ sĩ Minh Ngọc thấy “thằng nhỏ” mới có nhiều triển vọng, hứa khi về sài Gòn sẽ giới thiệu vào hãng phim làm tài tử điện ảnh.

    Đúng vậy, nghệ sĩ Minh Ngọc đã giới thiệu Minh Quân với nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, tại đây anh được làm quen với nghệ sĩ Thanh Tú. Nhiều người lúc đó nhìn, nói anh có nét hao hao giống Lý Tiểu Long, Thanh Tú mới đặt tên cho đàn em là Lê Phi Long. Lại nghe Phi Long ca vọng cổ.

    Thanh Tú càng bất ngờ hơn, liền mời tham gia vào đoàn cải lương Kim Tinh do chính Thanh Tú làm bầu. Lực lượng của đoàn lúc đó gồm có Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Hải, v.v… Vậy là Lê Phi Long vừa tập hát cải lương, vừa đi đóng phim, được vài phim, chưa kịp phát hành thì Sài Gòn được giải phóng.

    LƯU DIỄN CÙNG CÁC ĐOÀN CẢI LƯƠNG

    Trở về Cần Thơ chưa biết làm gì, bạn bè bảo Lê Phi Long “cứ đi hát cải lương”. Có đoàn Tiếng hát Mỹ Thanh (Cà Mau, tiền thân của đoàn cải lương Đất Mũi sau này) mời anh về hát, kép chánh của đoàn là nghệ sĩ Minh Minh Phụng. Năm 1976, đoàn Tiếng hát Mỹ Thanh lưu diễn tại Vũng Liêm (Vĩnh Long) trong một đêm diễn khán giả đánh nhau rồi quăng lựu đạn.

    Nghệ sĩ Minh Minh Phụng tử nạn, đoàn phải nằm lại Vũng Liêm gần một tháng để lo hậu sự. Không có kép chánh ông bầu đưa Lê Phi Long lên rồi đổi nghệ danh là Tân Tấn Tài, thứ nhất là để câu khách, thứ hai là vì anh ca rất giống nghệ sĩ Tấn Tài. Không ngờ lại thành công quá sức tưởng tượng, sau tai nạn đoàn lại được khán giả ủng hộ. Từ đó danh tiếng của Tân Tấn Tài vang xa ở các tỉnh miền Tây.

    Năm 1977 ông bầu Lam Giang của đoàn cải lương Anh Giang – Khánh Hồng đi tìm người hát thay cho nghệ sĩ Vũ Linh vừa rời đoàn. Ông Lam Giang đã chấm Tân Tấn Tài.

    Vậy là anh được mới về hát cặp với nghệ sĩ Ngọc Đáng. Trong một lần tà dư tửu hậu vui vẻ, ông Lam Giang mới nói “Thằng em mày hát rất có tương lai, nên đổi tên khác đi, Tân Tấn Tài nghe không hay lắm”.

    Anh lưỡng lự chưa biết chọn tên gì, trong lòng vẫn coi nghệ sĩ Tấn Tài là số một, được làm cái bóng của thần tượng cũng sung sướng lắm rồi, đâu cần gì hơn nữa. Suy nghĩ đơn giản của một thanh niên miệt vườn theo hát cải lương chỉ như vậy.

    Ông Lam Giang nói tiếp, “Mày có thể nổi tiếng, để tên Tân Tấn Tài nghe hơi quê. Thôi để tao đổi tên cho mày. Mày có làn hơi thì giống Tần Tài, nhưng cũng có chút pha trộn Hà Bửu Tân, tao sẽ đặt tên mày có cả hai. Vậy từ nay mày đổi nghệ danh là Tài Bửu Tân nghe”.

    Thấy nghệ danh là lạ, anh chấp nhận, Tân Tấn Tài trở thành Tài Bửu Tân. Trong giới có người độc miệng hay trêu đùa, chọc ghẹo gọi anh là “Tăng Tắng Tằng”. Anh vẫn không buồn, còn vui vẻ chấp nhận bởi với anh không ai bằng Tấn Tài, bắt chước Tấn Tài mà được hát kép chánh thì may mắn lắm rồi, cũng hơn được nhiều người.

    VỀ THÀNH PHỐ ĐỔI ĐỜI, ĐỔI TÊN

    Năm 1978 đoàn cải lương An Giang – Khánh Hồng về thành phố biểu diễn, Tài Bửu Tân được nghệ sĩ Thanh Điền chú ý. Với con mắt kinh nghiệm nghề nghiệp, Thanh Điền phát hiện Tài Bửu Tân sẽ là anh kép đẹp sáng sân khấu. Sân khấu thành phồ sẽ giúp anh kép trẻ này thành công hơn nữa.

    Tài Bửu Tân có một suy nghĩ khác hơn những nghệ sĩ cùng lứa với mình, anh thích thay đồi, thích được hát nhiều đoàn. Anh nghĩ cứ qua mỗi sân khấu mình sẽ được học hỏi nhiều hơn, được hát với nhiều bạn diễn khác nhau, hát cho thỏa thích nỗi đam mê.

    Tài Bửu Tân lúc ấy chưa nghĩ nhiều đến tiền bạc, chưa nghĩ nhiều đến danh tiếng, chỉ cần được hát kép chánh ở nhiều đoàn khác nhau là vui sướng lắm rồi. Đơn giản, mình có hát tốt thì mới được nhiều đoàn mời mọc.

    Và anh đã tự đặt chỉ tiêu trong vòng một hay hai năm là phải đổi một sân khấu mới. Điều đó lý giải tại sao anh đã qua gần hết các đoàn cải lương ở thành phố Hồ Chí Minh.

    (Còn tiếp)

    VIỆT KHANG
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    Duongtonhu (26-11-2013), romeo (26-11-2013)

  3. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nghệ sĩ Minh Quân: Đời người, hai duyên nghiệp Phần:2"

    ĐỔI ĐOÀN VÀ ĐỔI NGHỆ DANH: Ở đoàn cải lương Sài Gòn 3 Tài Bửu Tân có vị trí khá tốt, trở thành diễn viên trụ cột của đoàn. Trong vở Tình ca biên giới anh thủ vai Hà Mẫn Đạt khá tốt.

    Nổi lên là một kép đẹp rất được các fan nữ ngưỡng mộ. Giọng ca trẻ khỏe kết hợp với vốc dáng, gương mặt chuẩn một thời Tài Bửu Tân là ngôi sao trẻ mà nhiều đoàn cải lương muốn ký hợp đồng để anh về hát kép chánh.

    Năm 1979 anh chuyển sang đoàn cải lương Thanh Nga hát chánh với Mỹ Châu gieo ấn tượng tốt với khán giả và đồng nghiệp qua vai Phi Cát trong vở Truyền thuyết tình yêu.

    Anh luôn nhớ lời khen của danh hài Bảo Quốc khi cùng đứng chung sân khấu cải lương Thanh Nga, lúc hóa trang ngồi gần bên nhau “Em có giọng ca rất lạ, cố gắng lên…” Chỉ những lời ngắn ngủi ấy thôi cho tới hôm nay Minh Quân coi nó như một kỷ niệm rất đẹp trong thời đi hát của mình.

    Khi qua đoàn cải lương Thanh Nga anh không dùng nghệ danh Tài Bửu Tân nữa mà quyết định đổi thành Minh Quân. Rất quý và trọng tấm lòng bầu Thơ. Lúc được mời qua đoàn cải lương Thanh Nga, bà bầu hỏi “Lương con bao nhiêu?”, Anh thành thật trả lời “Má cứ cho lương con bằng như ở bên Sài Gòn 3”, nhưng bà bầu lại trả lương hơn gấp đôi.

    Các chế độ, thiệp mời, xăng cho xe hơi… đều rất cao. Bà bầu nói “Con phải hưởng xứng đáng với công sức của mình…” Từ thời đi hát cho tới khi về đoàn cải lương Thanh Nga chưa bao giờ Minh Quân được đối xử tốt như bà bầu Thơ đã đối xử với anh. Anh tôn trọng bà ngoài tình cảm đối với người chủ, bậc tiền bối kinh nghiệm trong nghề mà còn có tấm lòng của một đứa con đối với người mẹ. Bà bầu Thơ là thần tượng mà anh tôn kính nhứt.

    Ở đoàn cải lương Thanh Nga hơn một năm, Minh Quân về cộng tác với đoàn cải lương Phước Chung, hát vai Thạch Sanh đóng cặp với Diệu Hiền trong vở Thạch Sanh Lý Thông. Tiếp theo là hát cặp với nghệ sĩ Kiều Phượng Loan, đáng chú ý nhất là vai thái tử Ngũ Châu trong vở Đường gươm Nguyên Bá.

    Đúng một năm sau Minh Quân lại về Sài Gòn 2 hát chánh với nghệ sĩ Ngọc Bích trong vở Tìm lại cuộc đời, Khách sạn Hào Hoa, Cánh én mùa xuân.v.v… Đến năm 1983 Minh Quân về đoàn cải lương Hương Mùa Thu hát chánh với nghệ sĩ Ngọc Hương. Nổi bật với vai Trần Vinh trong vở Gánh cỏ sông Hàn.

    Lúc sinh tiền có lần nghệ sĩ Minh Phụng vào đoàn cải lương Hương Mùa Thu coi đàn em diễn vai của mình đã dành nhiều lời khen cho Minh Quân. Ông đặc biệt chú ý tới sự sáng đẹp, lộng lẫy của Minh Quân trên sân khấu. Minh Phụng rất thích những vai kép chánh đẹp trai.

    Đoàn cải lương Hương Mùa Thu đi lưu diễn nhiều, Minh Quân muốn trú chân ở thành phố nhiều hơn nên đã quay lại công tác với đoàn cải lương Thanh Nga cùng với nghệ sĩ Vũ Minh Vương nổi bật trong vở Huyền Trân công chúa. Thời gian này nội bộ đoàn cải lương Thanh Nga có nhiều bất ổn, gia đình bà bầu Thơ đã giao đoàn lại cho ban phụ trách mới.

    Minh Quân bị cô lập, coi như là thành phần thân cận với gia đình bà bầu cũ. Vốn tính thẳng thắn, không bao giờ chịu khuất phục Minh Quân vẫn hát nhưng trong lòng buồn lắm, bao nhiêu toan tính về đường tương lai bắt đầu hình thành. Nhiều lần đi hát show cho các chương trình đại nhạc hội, tiếp xúc với lớp khán giả khác Minh Quân có ý định làm bầu show.

    Như một số nghệ sĩ khác không tài nhưng nhiều tiền thừa lúc sân khầu xuống dốc đã đem tiền, vàng vào đúc lót với ban phụ trách để được hát, vì lợi nhuận trước mắt, có người sẵn sàng đưa những nghệ sĩ kém tài ấy lên hát chính, nói sao khán giả không chán, dần dần quay lưng với sân khấu cải lương.

    Muốn sân khấu phát triển phải có những nghệ thực tài. Thấy mình đã tới tuổi trung niên, qua thời “xuân sắc” lại chán cảnh nhân tình thế thái, cộng thêm sân khấu cải lương đã bớt đi phần hấp dẫn, khách mua vé đến rạp ngày càng thưa dần… Minh Quân chuyển nghề.

    DẤN THÂN VÀO NGHIỆP THỨ HAI

    NS Minh Quân và Bầu Duy Ngọc
    Năm 1989 Minh Quân quyết định chấm dứt nghiệp diễn chuyển sang nghiệp làm bầu. Do gia đình cũng có vốn kha khá, hơn nữa làm bầu show không phải để làm giàu (điều này không phải dễ, nhiều người đã tán gia bại sản vì làm bầu) mà vì để thỏa mãn sở thích bao nhiêu năm làm công Minh Quân muốn tự mình làm chủ với loại hình đại nhạc hội tổng hợp đang được khán giả yêu thích.

    Trong mỗi chương trình biểu diễn do anh làm bầu luôn có những tiết mục cải lương ưu tiên cho những nghệ sĩ ngôi sao bởi làm hài lòng khán giả không phải chuyện dễ dàng gì. Bên cạnh đó anh vẫn chăm chút dành đất diễn cho các nghệ sĩ trẻ vô danh, có tài chưa danh tiếng.

    Minh Quân là một ông bầu đại nhạc hội khá mát tay, không có sự ồ ạt rầm rộ, nhưng vẫn chưa phải chịu cảnh điều hiu vắng bóng khán giả. Chất lượng chương trình của anh luôn đạt từ trung bình trở lên. Nhiều nhà tổ chức biểu diễn đại nhạc hội đã gác kiếm hay phải lưu diễn vùng sâu vùng xa thì Minh Quân vẫn là ông bầu thường xuyên tổ chức chương trình trong thành phố Hồ Chí Minh.

    Với anh không phải là tài, không phải là kinh doanh thuần túy, mà là nghiệp – người nghệ sĩ đã vướng vào thân thì không dễ dàng dứt bỏ, mình không hát thì tổ chức cho người khác hát, vẫn sống bằng tiền thu nhập được từ nghệ thuật biểu diễn một cách đường hoàng lương thiện.

    Tuy nhiên vào thời điểm kinh tế khó khăn, việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật có bán vé gặp rất nhiều khó khăn, trong tích tắc có thể trắng tay, đòi hỏi người tổ chức phải thật chu đáo, biết lường trước những khó khăn có thể bất ngờ xảy đến. Với Minh Quân phương châm “ăn chắc mặc bền”, uy tín là sự đảm bảo tốt nhứt, nên chương trình của anh vẫn tiếp tục, không khoa trương, chủ yếu từ tình cảm, sự gắn bó của anh và các nghệ sĩ.

    NHỮNG ĐIỀU ĐỰƠC MẤT RÚT RA TỪ MẤY MƯƠI NĂM THEO NGHIỆP DIỄN

    Giải thích vì sao sự nghiệp của anh không rực rỡ có thể trở thành ngôi sao thượng hạn chứ không phải là ngôi sao vụt lóe sáng một thời, Minh Quân cho biết “… Tôi đi hát vì sự đam mê, thích phiêu lưu đây đó, hát cho “đã”, cho khán giả “sướng” là được rồi.

    Nên khi được hát kép chánh là tôi nghĩ mình đã đạt chỉ tiêu, biết mình sáng sân khấu nên tôi có chủ quan hài lòng với những gì có được trước mắt, không tôi luyện nhiều. Nhiều năm ở thành phố hết hát chánh cho đoàn này đến đoàn khác, lại được rất nhiều các fan nữ ái mộ nên tôi ham chơi.

    Những giờ rãnh rỗi sau khi màn nhung khép lại tôi thường lái xe ngao du cùng với những nhan sắc giàu đẹp bên mình, sống phong lưu lãng tử không cần biết đến ngày mai. Xuân sắc chỉ một thời, vinh quang nghề nghiệp cũng chỉ một thời. Giá trị đích thực của người nghệ sĩ là những giá trị nghệ thuật do sự lao động sáng tạo của mình để lại.

    Tôi không hiểu điều đó nên cứ sống buông thả, lúc đó tôi chả cần làm gì nhiều mà vẫn được hưởng. Cái hưởng vật chất, tầm thường dễ làm mọi người ngu muội, Sau này khi tỉnh lại, tôi đã thấy mình đánh mất quá nhiều. Sự trả giá rất đắt là tôi chỉ là nghệ sĩ tầm tầm bậc trung mà lẻ ra với khả năng của mình, tôi làm được nhiều hơn thế.

    Những giá trị vật chất như tiền bạc, nhà, xe,… nó không làm nên tài năng chân chính của người nghệ sĩ. Có nhiều nghệ sĩ không giàu tiền của nhưng họ đích thực là những bậc thầy sáng tạo. Cuộc đời nghệ thuật của họ là những giá trị vô giá mà thế hệ sau có thể học hỏi, rút ra nhiều bài học quý giá.

    Để tự an ủi mình, tôi cho là số trời, trời cho sao hưởng vậy, nhưng thật lòng mình phải biết chộp lấy cơ hội khi được trời cho. Sự hối tiếc luôn luôn muộn màng. Khi tuổi về chiều tôi chỉ mong mình được sống thanh nhàn, quá khứ là một kỷ niệm đẹp đáng trân trọng và nhìn lại đồng nghiệp khác thì kể ra mình cũng còn có phước.

    Tranh giành, toan tính, lừa lọc, hại nhau để được chút nhất thời nhưng cả đời sẽ mất rất nhiều. Tôi mong cuối đời mình sẽ được thanh thản với những công việc nhẹ nhàng, thư thái. Đời người tưởng lâu nhưng rất ngắn, sống sao đừng thẹn với người, với lương tâm”.

    VIỆT KHANG
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (03-12-2013)

ANH EM CHANNEL