Giải nhất của Nguyễn Thị Luận ở đêm chung kết xếp hạng cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm 2013 không nằm ngoài dự đoán của nhiều khán giả theo dõi chương trình. Không chỉ sở hữu giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, Nguyễn Thị Luận còn thể hiện khả năng cảm thụ nhân vật khá tốt và sự tự tin, bản lĩnh làm chủ sân khấu trong mọi tình huống. Trong 8 mùa thi, Nguyễn Thị Luận là một trong những thí sinh hiếm hoi giữ được phong độ ổn định qua các vòng thi và luôn là người dẫn đầu trong nhiều đêm thi kể từ vòng chung kết khu vực.
Nếu Nguyễn Thị Luận không "tự giới thiệu" có lẽ ít ai ngờ cô chỉ đến với cải lương chưa đầy 4 năm. Là chị Ba trong gia đình có bốn anh chị em, gia đình rất khó khăn, 15 tuổi cô bé Nguyễn Thị Luận đã phải nghỉ học ở nhà, hết làm công nhân đến phụ buôn bán để phụ ba mẹ lo kinh tế gia đình.
Đến với phong trào đờn ca tài tử từ duyên may tình cờ, Luận đam mê cổ nhạc từ đó. năm 2009, may mắn trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên do nhà hát Trần Hữu Trang và trường Cao đẳng nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, cuộc đời của Nguyễn Thị Luận bất ngờ rẽ sang một hướng đi khác nhưng cũng là lúc cô gái trẻ phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách.
Gia đình khó khăn, phải sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, giờ quay lại chuyện học hành, Luận luôn cảm giác mình lại trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Khăn gói từ An Giang lên thành phố Hồ Chí Minh trọ học, gia đình phải lo lắng cho Luận đủ thứ từ chi phí ăn uống, thuê trọ đến những chi tiêu cá nhân.
Sân khấu cải lương đang trong giai đoạn cá nhân, tương lai mông lung ở phía trước, Luận kể cô không còn nhớ bao nhiêu lần đã chợt có ý định nghỉ học, về quê. Ba mẹ vốn rất mê nghề hát nhưng lại không đủ điều kiện để trở thành diễn viên nên giờ gởi gắm đam mê đó cho con gái.
Biết Luận buồn, mẹ động viên: "Con ráng ăn học thành tài, ba mẹ ở quê cố gắng lo cho con. Chỉ cần con cố gắng luyện nghề, thay ba mẹ để thực hiện ước mơ là ba mẹ đã vui lắm rồi". Chỉ chừng đó thôi nhưng Nguyễn Thị Luận như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục gắn với lớp học, gắn với sàn diễn. Ở lớp, biết hoàn cảnh của cô trò nghèo, thầy cô cũng hết lòng giúp đỡ động viên để cuối cùng Nguyễn Thị Luận cũng vinh dự được nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Không chờ đến đêm chung kết xếp hạng, ngay từ những đêm thi đầu tiên, Nguyễn Thị Luận đã là ứng cử viên sáng giá nhất cho giải Chuông vàng. Nổ lực khẳng định mình của Nguyễn Thị Luận đã thể hiện rất rõ trong từng thêm thi.
Cô tâm sự: "Dù ít nhiều đã rút kinh nghiệm cho bản thân sau những lần thất bại của những năm trước, nhưng tôi cũng không bao giờ dám đặt kỳ vọng quá cao. Mục tiêu trong mỗi đêm thi luôn là phải cố gắng hết mình để thầy cô, gia đình và bạn bè không phải thất vọng về mình.
Tôi luôn đặt hết tâm trí của mình cho từng đêm thi, hoàn thành đêm thi này, nghe kết quả rồi tôi mới bắt đầu nghĩ tới đêm thi tiếp theo. Do vậy nếu có phải dừng chân ở bất kỳ điểm dừng nào tôi cũng không phải hối tiếc rằng mình đã chưa cố gắng hết mình".
Theo học diễn viên, tốt nghiệp ra trường cũng như bạn bè cùng khóa, Nguyễn Thị Luận cũng phải long đong suốt một thời gian dài trước khi chính thức trở thành diễn viên đoàn 1, nhà hát Trần Hữu Trang, nhưng vẫn chưa hết thử thách. Đoàn 1 chủ yếu chỉ đi biểu diễn phục vụ, diễn viên đông, suất diễn không nhiều nên Luận cũng không có nhiều cơ hội xuất hiện trước khán giả.
Thêm nữa nếu được biểu diễn cũng chỉ là biểu diễn những trích đoạn. Ước mơ được hóa thân vào nhân vật trong vở diễn dài với thực tế hiện nay có vẻ như đang trở nên xa xôi. Đặt câu hỏi: "Có bao giờ Luận thấy buồn chán, thất vọng và muốn bỏ nghề...". Luận thiệt thà: "Buồn trước thực tế của sân khấu cải lương hiện nay là điều đương nhiên phải có ở những người làm nghề.
Từng có lần trong tôi chợt xuất hiện suy nghĩ: "Có lẽ mình phải bỏ nghề. Tôi luôn có cảm giác mình có lỗi khi ở tuổi này vẫn cứ phải để ba mẹ lo. Cuộc sống ở thành phố lại quá tốn kém...". Nhưng khi bình tĩnh lại tôi nhận ra rằng tôi sẽ không sống nổi nếu thiếu cải lương. Hơn nữa nếu bỏ nghề tôi không chỉ làm uổng phí công sức học hành của chính mình mà còn phụ lòng tin và sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô".
Không nhiều cơ hội đứng trên sân khấu, Nguyễn Thị Luận vẫn không lơi việc luyện nghề với khát khao có thể hoàn thiện hơn nữa khả năng của mình. Không bỏ lỡ cơ hội đang còn ở tập thể chung với bạn cùng lớp, một người trong số đó lại biết đàn, Luận và các bạn chủ động tự tập ca sau đó đến nhờ thầy giúp luyện luyến láy, canh nhịp, giữ hơi...
Không có cơ hội diễn trên sân khấu, Luận luyện nghề bằng cách xem băng đĩa, xem các chương trình biểu diễn... với kỹ năng phân tích nhân vật được học ở lớp, Luận tự mày mò nghiên cứu, suy luận vì sao vai diễn nhân vật này lại được các nghệ sĩ xử lý theo cách đó mà không phải khác...
Nếu có cơ hội được thể hiện vai diễn đó, mình sẽ khai thác tâm lý, cách ca, diễn ... ra sao?... Kết quả của quá trình luyện tập đó đã giúp Luận phát huy tối đa sở trường của mình với những vai diễn khác nhau trong các đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ 2013.
Có thể đôi chỗ khán giả vẫn phát hiện sự non nớt trong diễn xuất nhưng bản lĩnh sân khấu và khả năng cảm thụ, phân tích nhân vật của Luận cho thấy cô còn có thể "làm được nhiều hơn thế". Vấn đề chỉ là thời gian và sự nổ lực của bản thân.
Gương mặt Chuông vàng thứ 8 Nguyễn Thị Luận nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ phía người xem. Hy vọng cô gái đến từ An Giang sẽ không làm người hâm mộ thất vọng.
Sau hai tháng đăng quang ở giải Chuông Vàng vọng cổ lần VIII – năm 2013 do Đài Truyền Hình Tp.HCM tổ chức, Ns Nguyễn Thị Luận đã có buổi biểu diễn giao lưu với khán giả yêu thích ca cổ tại hội trường Đài TNND TPHCM vào chiều 19-11.
Vượt lên 583 thí sinh tham dự cuộc thi năm nay, Nguyễn Thị Luận đã tạo được nhiều cảm tình cho khán giả khi cô thể hiện những bài ca cổ và diễn các trích đoạn giàu cảm xúc. Vai Lài (Tiếng hò sông hậu) và vai hoàng hậu (Thuyền ra cửa biển) đã cho thấy nổ lực hết mình của một diễn viên trẻ sau một năm tốt nghiệp lớp đào tạo diễn viên của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Với chất giọng mượt mà, chắc nhịp, cô đã từng để lại nhiều ấn tượng qua các vở diễn: Cội nguồn, Sáng mãi niềm tin, Khói sóng tiêu tương…
Sau khi đoạt giải chuông vàng, Ban giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã chúc mừng cô, thành viên thứ hai của nhà hát đã mang về vinh dự này sau thành công của Nguyễn Văn Mẹo (năm 2011)
Tác giả Lê Duy Hạnh (chủ tịch hội đồng giám khảo chuyên môn) nhận xét: “Luận giữ được tính ổn định qua các vòng thi. Dù còn trẻ nhưng đã chuyên nghiệp trong cách sắp câu, phân nhịp để làn hơi thể hiện vai diễn hết sức ấn tượng, tôi đánh giá cao em từ những vai diễn mà em báo cáo tốt nghiệp sau khi hoàn tất khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Mừng là em có bước tiến rất vững vàng, để có thể tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật khi em đã được sở văn hóa thể thao và Du lịch TPHCM tuyển vào đoàn 1 để công tác”.
Nói về cảm nghĩ sau khi lãnh giải, Nguyễn Thị Luận cho biết: “Cuộc thi năm nay đã cho thấy sự lan tỏa rất mạnh của phong trào đờn ca tài tử ở nhiều vùng miền khác nhau, và 4 vòng chung kết khu vực được tổ chức tại: Hà Nội, Tp HCM, Khánh Hòa và Bạc Liêu, khán giả yêu thích bài vọng cổ đã được xem những cuộc tranh tài sôi nổi.
Chúng tôi tham dự cuộc thi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ sự chỉ dẫn của hội đồng nghệ thuật. Điều vui hơn là cuộc thi năm nay đã khuyến khích nhiều tác giả sáng tác bài vọng cổ và trích đoạn cải lương mới, phản ánh những trăn trở, tâm tư của con người trước nhu cầu hội nhập của đất nước.
Và trong chương trình giao lưu tại Đài TNND TPHCM, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã được hát những bài ca cổ về mảnh đất Long An, trong đó tôi và anh Nguyễn Văn Mẹo đã song ca bài ca cổ Dòng Sông Quê Em của tác giả Huyền Nhung”.
Ông Cao Anh Minh – Phó tổng giám đốc đài Truyền hình Tp. HCM – Trưởng ban tổ chức cuộc thi đã phấn khởi cho biết: “Bảy năm là một bước ngoặt, đánh dấu sự trưởng thành của một cuộc thi có tính chất lâu dài và được xã hội đánh giá cao về tính nghệ thuật, tính nhân văn, đặc biệt là tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế.
Với số lượng 583 thí sinh đăng ký dự thi năm nay là một con số khả quan mà chúng tôi đạt được với kế hoạch mở rộng việc tổ chức tại nhiều vùng miền khác nhau, nhằm tìm kiếm nhiều giọng ca vọng cổ triển vọng.
Nguyễn Thị Luận đã xứng đáng giữ được sự ổn định từ vòng thi đầu cho đến đêm chung kết, đó là một nổ lực đáng ghi nhận và cho thấy tính chuyên nghiệp của cuộc thi đã góp phần nâng cao vị thế của những diễn viên trẻ đã từng xuất thân từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ”.