Hồ sơ khoa học Đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTTNB) đã được hoàn tất, đang trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Cục công tác phía Nam (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức Hội thảo khoa học “ĐCTTNB với việc nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng”. Thêm một lần nữa, ĐCTTNB được khẳng định là món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân miền sông nước Nam Bộ. Câu lạc bộ ĐCTT ấp 8 (xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long, Bạc Liêu) thường xuyên sinh hoạt. Dòng nhạc dân gian đặc trưng miền sông nước Nam Bộ
Là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, ĐCTT ghi đậm dấu ấn một thời tổ tiên đi khai hoang mở cõi phương nam. Ra đời thế kỷ 19 - muộn hơn các loại hình nghệ thuật dân gian khác - nhưng ĐCTT thừa hưởng tinh hoa của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và dân học dân gian.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê, sở dĩ ĐCTTNB có sức sống mãnh liệt và là một phần không thể thiếu trong đời sống âm nhạc của người bình dân ở Nam Bộ vì nó xuất phát từ những người bình dân, gần gũi với nhân dân, với miền sông nước Nam Bộ.
Thạc sĩ Trịnh Xuân Khoa - Đại học Văn hóa TPHCM - cho rằng, từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dưới sự ra đời của nhạc tài tử theo thể thức ca ra bộ đã đưa ĐCTTNB phát triển thành 2 con đường, mà thành tựu rực rỡ là sự ra đời và phát triển của bài “Dạ cổ Hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Còn theo ông Trần Minh Huần - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bạc Liêu - từ bài “Dạ cổ Hoài lang”, các nghệ nhân sau này phát triển thành bài vọng cổ ngày nay. Chính điều này mà một số người hiểu nhầm vọng cổ, cải lương với ĐCTTNB là một, thực chất rất khác nhau.
Những lời cảnh báo không thừa
ĐCTTNB phục vụ khách du lịch tại Vườn Nhãn (TP.Bạc Liêu).
TS Mai Mỹ Duyên - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM - cảnh báo: “Những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian trên sân khấu và không gian trình diễn mới đã làm câu hò, điệu lý, giọng hát ru trở nên lạc lõng, khô cứng hoặc chỉ còn là nỗi niềm hoài vọng quá khứ ở các nghệ nhân.
“Nhạc tài tử nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung đang trong tình trạng báo động về lực lượng kế thừa. Hơn 5 năm qua, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM trong hơn 5 năm qua không chiêu sinh được học viên để đào tạo nghệ thuật sân khấu truyền thống” - TS Duyên cho biết.
Còn theo nghệ nhân dân gian Lê Hoàng Tấn - Chủ nhiệm CLB ĐCTT, Trung tâm Văn hóa TPHCM - các đơn vị tạm gọi là chính quy (Trường Cao đẳng nghệ thuật sân khấu TPHCM, Trường Văn hóa nghệ thuật TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) có dạy 20 bài bản tổ, nhưng chủ yếu để phục vụ cho đờn, ca, diễn ở sân khấu cải lương.
Chính vì vậy, khi ra trường học viên không phát huy được. Việc truyền nghề tại các CLB ĐCTT hiện vẫn chưa có bộ giáo trình chuẩn, trong khi giới trẻ ưa thích bộ môn này ngày càng ít, vì vậy ngày càng có ít nghệ nhân trong lĩnh vực này.
Từ những thực trạng này, các đại biểu cho rằng: Rất cần sự đầu tư của nhà nước trong việc phát huy, phát triển bộ môn ĐCTTNB; quan tâm đến công tác đào tạo, truyền nghề (kể cả nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca); cố gắng gìn giữ nguyên bản ĐCTTNB song song với việc phát triển những lời mới dựa trên 20 bài, bản tổ...