Sinh ra và lớn lên ở vùng đất cuối trời của tổ quốc (Cà Mau), một trong những địa phương có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh, lại có cha là người chơi đờn ca tài tử có tiếng ở địa phương (nhạc sĩ Quách Ngọc Hoai) nên nghệ sĩ Châu Vương từ nhỏ đã rành ca 6 câu và các bài bản tổ.
Năm 1978, Châu Vương tham gia cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Minh Hải (cũ, nay tách ra thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), được xếp hạng cao, sẵn có tướng tá cao ráo nên được đoàn cải lương Hương Tràm nhận vô đoàn. Thế là con đường làm nghệ thuật đã rộng mở với anh kép miền sông nước Cà Mau.
Gần 3 năm tập sự ở đoàn Hương Tràm, Châu Vương cảm thấy tay nghề của mình đã cứng cáp nên anh đầu quân về hát kép nhì ở đoàn Cao Văn Lầu (từ năm 1981). Sự thăng tiến trong nghề nhanh chóng đã khiến lãnh đạo đoàn Sông Hậu 1 mời Châu Vương về hát kép chánh, chia vai với “hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài (năm 1983).
Ở sân khấu này, Châu Vương đã có 2 vai diễn rất thành công khi hát cùng Lệ Thu (em ruột NSND Lệ Thủy), vai Sơn Tùng (vở Gió bụi biên thùy), vai A Li Kha (vở Tình sử A Li Kha). Nhờ hát thành công ở đoàn Sông Hậu 1 nên tiếng lành đồn xa, nên Châu Vương đã được bà bầu Tâm (đoàn Cao Nguyên – Dak lak) từ miền Trung mời về cộng tác.
Hát chung với Tuấn Kiệt (tức nghệ sĩ Châu Thanh hiện nay), Lệ Thu, Dạ Hương, hề An Danh…tạo được tên tuổi ở miền Tây và miền Trung nên lúc này Châu Vương muốn về Sài Gòn để thử sức. Và anh đã rất thành công khi đảm nhiệm vai điệp (vở Lan và Điệp) và Hạt Tùng (vở Đưa em về quê mẹ) ở sân khấu đàon Phước Chung (1988).
Đầu năm 1990, nghệ sĩ Thanh Tuấn về làm bầu đoàn Cao Văn Lầu và có mời Châu Vương về cộng tác khoảng 7 tháng thì giao lại cho người khác. Tuy thời gian cộng tác không lâu nhưng Châu Vương rất thích vì được đứng chung với thần tượng của mình là nam tài danh Thanh Tuấn và đặc biệt là nữ nghệ sĩ khả ái NSND Lệ Thủy, người mà từ nhỏ Châu Vương rất mến mộ, không dám nghĩ rằng mình có dịp được hát chung trên một sân khấu.
Sau khi NSƯT Thanh Tuấn chuyển giao đoàn Cao Văn Lầu, Châu Vương lại về Sài Gòn hát chánh chia với nghệ sĩ Thanh Dũng ở đoàn Hương Mùa Thu. Hát ở đoàn HMT được hai năm, Châu Vương lần nữa trở lại hát kép chánh ở đoàn Phước Chung. Và anh có thêm một vai diễn thành công nữa ở sân khấu đoàn này: vai Đặng Hoàng Minh (tức Bạch Hải Đường), trong vở Tướng cướp Bạch Hải Đường.
Đến cuối năm 1994, khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, Châu Vương chuyển nghề làm MC rồi kinh doanh nhà hàng, làm ở quán nghệ sĩ, và sống đời hát rong (đi ca ở các đám tiệc, đám cưới, sinh nhật,…)
Từ năm 2010 đến nay, Châu Vương bắt đầu tham gia các hoạt động từ thiện cùng với bạn bè và một số chùa ở miền Đông, miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên,…, đồng thời tham gia sân khấu truyền hình, cộng tác cho một số đài tỉnh.
Đã qua rồi một thời lẫy lừng lưu diễn khắp nơi trên cả nước được bà con khán giả rất mến mộ. Giờ ôn lại chuyện cũ, Châu Vương rất bùi ngùi và mơ ước sân khấu cải lương sẽ có ngày khởi sắc trở lại để anh có được một sân khấu chính quy tiếp tục phụng sự cho nghiệp Tổ.
Đó cũng là niềm ao ước chung của những nghệ sĩ đã từng trãi qua những năm tháng huy hoàng cùng sân khấu cải lương, giờ phải sống kiếp hát rong để quên nỗi nhớ nghề và kiếm sống qua ngày như hiện nay.
A.T
Nguồn tin: Báo sân khấu