Kỳ 1: Nét sinh hoạt của người dân Nam Bộ^^ Từ thế kỷ XIX, đờn ca tài tử (ĐCTT) đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một nét sinh hoạt độc đáo của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ĐCTT vẫn vẹn nguyên giá trị của nó.
Buổi sinh hoạt của CLB ĐCTT xã Vĩnh Trạch.
Sân chơi của những người có cùng sở thích:
Về nông thôn, cuộc sống của người dân rất giản dị. Sau những giờ tất bật bên ruộng đồng, họ rất cần giải trí để có thể quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống. Do vậy, có người thì rủ nhau chơi cờ, uống trà, uống cà phê, có người chuẩn bị vài món để lai rai. Trong những lúc nhâm nhi từng ly rượu đế thì máu văn nghệ của các “tay chơi miệt vườn” lại nổi lên.
Chỉ cần một cây đàn guitar phím lõm kết hợp với song lan là những tay đờn nghiệp dư có thể thể hiện những nhịp điệu của các bài nhạc ĐCTT, còn tài tử ca thì có thể thể hiện những tâm tư tình cảm của mình trong từng câu hát, lời ca theo nhịp điệu của các tiếng đờn.
Chính vì có cùng chung một sở thích là đờn và ca mà những người nông dân ấp Trung Bình Tiến (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) đã cùng tụ họp và thường xuyên sinh hoạt với nhau. Ông Đỗ Thanh Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã Vĩnh Trạch, chia sẻ: “Các anh em trong CLB đều là những nông dân hoặc làm nghề buôn bán nhỏ.
Tuy cuộc sống còn chưa thoải mái lắm nhưng các anh em luôn gắn bó với nhau, dành thời gian để đeo đuổi nghệ thuật ca hát của ông cha ta từ lâu đời. Nhờ vậy, tình làng nghĩa xóm càng trở nên gắn bó.
Ban đầu, chúng tôi chỉ tập trung lại cùng đờn hát rồi thưởng thức tô cháo gà nóng hổi và nhâm nhi vài ly rượu cho tâm hồn lâng lâng hơn, giọng hát tình tứ hơn nhưng sau này CLB được nhiều người dân thích và yêu cầu chúng tôi biểu diễn trong các buổi đám tiệc”.
Thật vậy, ngày nay từ nông thôn cho đến thành thị, mỗi khi có đám tiệc, như: Đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, liên hoan... đều không thể thiếu âm nhạc ĐCTT. Từ những người lớn tuổi hay trẻ tuổi, từ thanh niên đến phụ nữ đều có thể tham gia đờn hoặc hát theo những bản nhạc, vài ba câu vọng cổ mà mình yêu thích...
Từ tay chơi nghiệp dư đến sân chơi chuyên nghiệp:
Hiện nay, phong trào ĐCTT rất phổ biến tại các địa phương trong tỉnh. Về các huyện như An Phú, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Thành, Thoại Sơn… dễ dàng bắt gặp sinh hoạt của các CLB. Ban đầu, những người yêu thích cùng thành lập nhóm, CLB ĐCTT tại các ấp, sau mở rộng thành lập các CLB cấp xã và cấp huyện.
Riêng huyện Châu Thành đã có 15 CLB ĐCTT tại 15 ấp, tập trung ở 5 xã và 1 CLB cấp huyện, nơi tập trung những tài tử đờn và tài tử ca chuyên nghiệp phục vụ cho các chương trình văn nghệ, sự kiện lớn tại huyện. Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Châu Thành cho biết:
“Nhằm thúc đẩy phong trào ĐCTT tại địa phương và tạo sân chơi chuyên nghiệp cho các anh em mê ĐCTT, huyện đã thành lập CLB ĐCTT cấp huyện. Từ đó, các anh em được nâng cao hơn về tay nghề, có dịp giao lưu học hỏi các ngón nghề từ các CLB trong và ngoài tỉnh”.
Cùng mục đích như CLB ĐCTT huyện Châu Thành, CLB Hoa Phượng (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) được thành lập để thỏa mãn nhu cầu đàn hát và lưu giữ những giá trị nghệ thuật quý giá. CLB lấy tên cố soạn giả Hoa Phượng như một sự tri ân của thế hệ sau đối với người đã có công sáng tác những bản nhạc, tuồng kịch, cải lương viết về quê hương con người Nam Bộ nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng.
Nhạc sĩ Ngọc Duy, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Thoại Sơn cho biết, các tay chơi trong CLB ngoài đờn hát 20 bản tổ của ĐCTT, còn thay đổi phong cách đờn ca theo hướng cách tân là loại hình hát trích đoạn cải lương để làm cho các chương trình âm nhạc càng thêm phong phú.
Những tác phẩm của soạn giả Hoa Phượng, như: Tuyệt tình ca, Rồi ba mươi năm sau, Nửa đời hương phấn, Khi hoa anh đào nở, Sông dài, Trái tim núi Sập... là những bài mà các tài tử ca thích thể hiện và người dân cũng nghe hoài không chán. Đặc biệt, chính từ việc yêu thích chơi ĐCTT mà nhiều anh em còn sáng tác các bài hát mới để phục vụ công chúng, với nhiều nội dung mới.
Anh Lê Quang Bi (thường gọi là Lê Quang), Chủ nhiệm CLB Hoa Phượng, bộc bạch: “Tôi đam mê ĐCTT từ năm hơn mười tuổi. Từ việc biết cảm nhạc, biết hát, tôi đã học được kiến thức cơ bản của môn ĐCTT. Trong 2 năm gần đây, tôi cũng tập tành sáng tác và cho ra đời khoảng 10 ca khúc.
Những bài hát của tôi về quê hương Thoại Sơn, về danh thần Nguyễn Văn Thoại được các tay đờn yêu thích, các tài tử ca thể hiện thường xuyên đã mang lại cho tôi một niềm hạnh phúc lớn lao. Từ đó, tạo động lực giúp tôi tiếp tục đeo đuổi việc ca hát và sáng tác của mình”.
Chính những niềm đam mê bất tận về một loại hình nghệ thuật vừa mang tính bình dân, vừa mang tính bác học, thể hiện được những cung bậc cảm xúc nên đã xuất hiện nhiều tay chơi đờn lả lướt, những “soạn giả” ít học nhưng tài năng và những giọng ca trữ tình, ngọt ngào, ấm ấp đi sâu vào lòng người...