Thoát đó mà Lan Hương, Thanh Phú đã có 40 năm chồng vợ keo sơn, duyên phận sân khấu đã đưa họ gặp nhau năm 1973 trên sân khấu Hương Mùa Thu để rồi kể từ lần đầu tiên bộ đôi nghệ sĩ Lan Hương – Thanh Phú đã gắn bó gần cả đời mình với sân khấu cải lương.
Lan Hương tên thật là Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1948 tại Bến Tre, từ nhỏ đã hát cho đoàn Đồng Ấu Điền Viên, đi chung với ba là nhạc sị đờn kìm Nguyễn Văn Ký. Nghệ danh Lan Hương là chính ba chị đặt cho con gái. Khi chị được 15 -16 tuổi, Lan Hương rời đoàn Điền Viên gia nhập đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An vốn cũng là người Bến Tre đồng hương.
Ngoài những vai diễn đào nhì, đào ba, Lan Hương còn có biệt tài múa rất đẹp, tiết mục múa của chị hấp dẫn người xem, thời đó được tặng danh hiệu là Thần Vệ Nữ.Thanh Phú sinh năm 1946 tại Hóc Môn. Cha họ Nguyễn, sanh tháng Giêng, năm Tuất nên cha mẹ mới đặt tên anh là Nguyễn Giêng Tuất như tóm tắt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Từ mười tuổi đã khoái nghề ca hát, đi theo anh Hùng Anh, con trai của nghệ sĩ Minh Chí, một tay trống ở ban Trường Xuân. Tuổi nhỏ, ngoài thời gian học chữ, anh cứ lang thang theo các đoàn hát, diễn chung quanh thôn xóm gần nhà. Đi coi hoài cũng chán, từ bao giờ ước muốn trở thành nghệ sĩ cải lương đã hình thành trong tim người trai trẻ.
Đến năm mười bốn tuồi (1960) anh ý thức đươc rằng muốn trở thành nghệ sĩ phải học hành đàng hoàng từ nhịp điệu, bài ca đến vũ đạo, trình thức biểu diễn. Lúc gia đình ở đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) gần chỗ diễn của đoàn Đồng Ấu Minh Tơ (xưa là rạp Olimpic, nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc TP.HCM ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần bệnh viện Từ Dũ).
Vậy là anh quyết định xin vào đoàn học chung với Thanh Tòng, Trường Sơn, Xuân Yến, Thanh Loan, Bạch Lê, Bửu Truyện, Thanh Thế, Công Minh... được thầy Minh Tơ rèn cho đóng vai tướng võ, quan văn… thể hiện được nhiều loại vai trên sân khấu. Năm 1964, đoàn Đồng Ấu Minh Tơ giải thể, Thanh Phú xin vô đoàn Kim Chung, đi theo nghệ sĩ Minh Cảnh, vừa làm quân sĩ vừa nhắc tuồng, hay thế những vai phụ khi trong đoàn thiếu người.
Nổi tiếng là người chuyên thế vai. Đặc biệt trong đời đi hát của mình Thanh Phú có nhiều lần thế vai danh ca bạc triệu đầu tiên của sân khấu cải lương Thanh Hải trên sân khấu Kim Chung, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, hay hát thay vai kép độc Hoàng Ghi, kép chánh Út Hiền hay danh ca Thanh Tuấn sau này để rồi được đồng nghiệp phong tặng cho biệt danh “Vua thế tuồng”.
Cuộc đời Thanh Phú lắm gian nan, năm lần bị bắt quân dịch, năm lần tìm cách trốn thoát rồi theo sân khấu cải lương, khi lưu lạc ở miền Trung, khi trở về Kim Chung, khi đi đoàn Minh Cảnh. Anh có thể hát nhiều loại vai từ kép độc cho đến kép chánh. Thiếu vai nào có vai đó.
Thới đó các nam nghệ sĩ thường dính tuổi quân dịch nên cuộc đời đi hát của Thanh Phú chịu biết bao nhiêu gian nan, khổ ải, có lúc cận kề bên cái chết, may mắn thoát được trong dường tơ kẽ tóc. Dù hoàn cảnh có ra sao vẫn không làm thay đổi tình yêu anh dành cho sân khấu cải lương.
Suốt 13 năm dài phiêu bạt, mãi tới năm 1973, khi anh về hát đoàn Hương Mùa Thu, được dịp may hát thế vai kép chánh của Hà Bửu Tân đã tạo được sự chú ý của cô đào trẻ Lan Hương. Họ hát chung với nhau qua các tuồng Bà Chúa Ăn Mày, Bình Lan Xuân… tình yêu từ vai diễn đã đưa họ đến với nhau bằng tình yêu cuộc đời.
Được sự chủ hôn của nghệ sĩ Hoàng Giang cùng một số anh em nghệ sĩ ở đoàn Hương Mùa Thu, sau một lễ cưới long trọng, từ đó chồng đâu vợ đó, đôi nghệ sĩ Lan Hương – Thanh Phú đã nắm tay nhau đi qua các đoàn hát Minh Cảnh, Hương Dạ Thảo Phương Bình, Du Sĩ Ca Quốc Trầm.
Sau đó họ lại về cộng tác với công ty Kim Chung đi từ đoàn 1 qua đến đoàn 6 nhưng sự nghiệp nghệ thuật của Thanh Phú – Lan Hương rực rỡ nhất là đoàn Kim Chung 5, vai diễn ấn tượng nhất của Thanh Phú là vai Dư Hải Long trong kịch bản Xin Một Lần Yêu Nhau, sau này là vai Hồ Diên Trúc cũng trong kịch bản này.
Còn Lan Hương với gương mặt sáng trở thành một cô đào đẹp của đoàn Kim Chung. Sau năm 1975, hai vợ chồng cùng về cộng tác cho nhà hát Trần Hữu Trang, Lan Hương là nghệ sĩ chuyên thế tuồng cho nghệ sĩ Lê Thiện và nghệ sĩ Thanh Vy. Rồi sau đó về đoàn Văn Công Thành Phố. Cho đến ngày giải nghệ (năm 2000), ở nhà vui sống với con cháu, chấm dứt hơn 40 năm theo nghiệp đờn ca của gia đình.
Lan Hương là người đầu tiên hóa trang cho nghệ sĩ Kim Tử Long bước ra sân khấu ở đoàn Đồng Ấu Kim Đồng do chính Thanh Phú lập ra vào thập niên 80, với các vai diễn nhí là con cháu trong nhà cùng với con của các nghệ sĩ bè bạn như Minh Cường, Kim Tử Long, Lê Giang, Bảo Ngọc, Bảo Quý, Thiên Kim (đã chuyển qua hát nhạc là ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại)… Một thời nhóm Đồng Ấu Kim Đồng nổi tiếng với một số trích đoạn: Thái Hậu Dương Vân Nga, Trần Quốc Toản Ra Quân…
Ngoài thời gian cộng tác cho nhà hát Trần Hữu Trang, đôi vợ chồng Thanh Phú, Lan Hương dành thời gian còn lại chăm chút cho nhóm cải lương của mình. Thanh Phú cũng chính là nghệ sĩ đầu tiên hóa trang cho Minh Vương lần đầu bước ra sân khấu. Giữa Lan Hương và Thanh Phú có những sự trùng hợp ngẫu nhiên mà dường như số phận đã đưa họ đến với nhau, cả hai người tính tình hiền lành, vui vẻ, sống chan hòa với mọi người, hài lòng với những gì mình đang có.
Nổi bật nhất là tình yêu họ dành cho nhau, thời son trẻ hai người đều là những nghệ sĩ tài sắc, nhưng họ đã biết nâng niu, chắt chiu hạnh phúc của mình đã có, không như những đôi vợ chồng nghệ sĩ khác thường hay tan vỡ, chia ly để lại phía sau là những nỗi buồn hụt hẫng cho con cái. Hạnh phúc gia đình là những cuộc phiêu lưu tình ái vốn để lại nhiều tai tiếng trong giới nghệ sĩ.
Đôi nghệ sĩ Lan Hương, Thanh Phú đã đem tình yêu của họ để vun đắp cho mái ấm của họ. Ngày nay các con đã trưởng thành, có người làm ăn phát đạt, không khí gia đình luông ấm áp, chan hòa, trên dưới thuận lòng, nề nếp gia phong được anh chị xây dựng cho các con. Họ hài lòng với hạnh phúc của tuổi về chiều.
Thanh Phú thì có thời gian gắn bó với sân khấu nhiều hơn Lan Hương, bởi chị đã thay anh để lo cho hậu phương yên vững, tập trung dạy dỗ các con. Còn anh tham gia nhiều chương trình cải lương truyền hình, video, một phần vì sân khấu còn cần những nghệ sĩ như anh, một phần cũng là niềm vui và sinh kế để anh cùng chia sẻ những vất vả, gian lao của chị.
Hôm nay thì Thanh Phú, Lan Hương có thể an tâm vui hưởng tuổi về chiều của một đời nghệ sĩ vui buồn cùng sân khấu. Ở nơi họ, vẫn còn có tình yêu từ thuở nào, từ năm 1973 của thế kỷ trước cho đến hiện nay. Thời gian có thể đổi thay hình thức bên ngoài nhưng tình nghĩa vợ chồng của họ ngày càng thắm thiết, nồng đượm hơn.
Anh chị vẫn thường xuyên tham gia nhiều công tác từ thiện, chia sẻ với cộng đồng bằng tấm lòng nhân ái, bằng sự thấu hiểu từng trải của kiếp đời nghệ sĩ gian nan, nghèo khó. Gia đình Thanh Phú – Lan Hương luôn là nơi gặp gỡ của bạn bè đồng nghiệp, những nghệ sĩ không may gặp hoàn cảnh khó khăn được đón tiếp bằng tình cảm ân cần.
Họ luôn có sự chân thành rộng mở với tất cả mọi người. Riêng với Thanh Phú, ngoài trách nhiệm và tình cảm với gia đình, thú vui của anh hiện nay là hằng ngày được gặp gỡ, cà phê, tâm tình chuyện đời, chuyện sân khấu với các nghệ sĩ bạn bè, nhất là những nghệ sĩ có thời gian dài gắn bó với vợ chồng anh ở sân khấu Kim Chung.