Từ lâu, Ngọc Thảo luôn là giọng ca hay, nằm trong top những giọng ca trẻ xuất sắc nhất hiện nay. Ngay từ nhở, ở cái tuổi 13 – 14, Thảo đã được các Cô, các Chú ở CLB đờn ca tài tử xã Đông Thạnh phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của cô bé.
Thảo hồn nhiên theo các Cô/Chú đem tiếng hát của mình phục vụ bà con làng xóm, từ xã lên huyện, rồi đến tỉnh hay đi đàn ca giao lưu với đội bạn ở ngoài tỉnh, ở đâu Thảo cũng được mọi người nâng niu, thương mến, với họ, nếu tiếng hát ấy được tôi luyện có thể sẽ trở thành một giọng ca vàng, một danh ca trẻ không xa.
Chuyện đời không hề đơn giản, Ngọc Thảo thành danh trong quần chúng rất sớm, nhưng để đi đến một đẳng cấp thật sự, được giới chuyên môn chính thức nhìn nhận phải mất thời gian ngắn 10 năm, có lúc tưởng như Ngọc Thảo vẫn mãi là giọng hát của phong trào.
Giai đoạn thứ nhất, lúc 16 tuổi, rời Cần Giuộc lên Sài Gòn thọ giáo với thầy Minh Nhường, với ước muốn thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, được giới thiệu ca đài phát thanh, cọ xát với môi trường chuyên nghiệp ở TP. Ngọc Thảo có sự tiến bộ rõ nét, 3 năm sau (2003) lần đầu tiên Thảo được hưởng hạnh phúc của người đoạt giải, dù là giải III Giọng hát hay hằng tuần của Đài Tiếng nói nhân dân TP.
Hai năm sau (2005) bằng cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, Ngọc Thảo đã vượt qua Thạch Tiên ở vòng chung kết xếp hạng, giành giải I Bông lúa vàng, vượt qua hơn 2.000 thí sinh ở khắp mọi nơi, với thời gian thi rất dài, cuộc sát hạch gắt gao để chọn người xuất sắc nhất, mở ra giai đoạn mới trong hoạt động ca hát của Ngọc Thảo. Thành danh sớm, được mọi người khen ngợi, đi hát tới đâu đều được khán giả ái mộ.
Album CD đầu tiên của Tạ Thiên Tài (HCV Bông lúa vàng 2003) hát chung với Ngọc Thảo được người nghe nồng nhiệt đón nhận, đôi song ca nầy thổi luồng mới vào phong trào giới thiệu những giọng ca hay từ sóng phát thanh, trong khi thị trường CD của nghệ sĩ ngôi sao đang bão hòa.
Ngọc Thảo nghĩ mình được như thế quá đủ, từ sự chủ quan của bản thân, cộng thêm một số sự cố từ cuộc sống riêng, Ngọc Thảo cứ buông trôi, bất cần đến sự thành bại, liên tiếp nhiều lần bị rơi từ vòng ngoài giải Chuông Vàng Vọng Cổ. Danh vị Giải nhất Bông Lúa Vàng tưởng chừng như là một kỷ niệm xa xôi, nấc thang cuối cùng của một giọng ca trẻ nhiều triển vọng.
Ngọc Thảo là cô gái có cá tính mạnh, dễ bị sốc, dễ vấp ngã nhưng cũng biết tự mình đứng lên. Nhìn bè bạn, thậm chí có những đàn em lần lượt vượt qua mình, Ngọc Thảo thấy chạnh lòng, cô quyết tâm làm lại từ đầu. Nghiêm túc với nghề nghiệp hơn, biết chăm sóc bản thân, bằng nỗ lực phi thường, Ngọc Thảo đã tự vượt qua chính mình, đến với giải Chuông Vàng Vọng Cổ năm 2012 một cách tự tin, đĩnh đạc.
Ở vòng chung kết xếp hạng, có lúc tưởng chừng như Ngọc Thảo sẽ là người nắm chiếc huy chương vàng nhưng vào giây phút cuối của cuộc thi Huyền Trang đã xuất sắc vượt lên chiếm giải nhất, Huyền Trang đã toàn diện hơn. Về nhì nhận giải bạc, song mọi người vẫn dành cho Ngọc Thảo sự yêu mến với một giọng ca hay, qua đó Ngọc Thảo có dịp đánh giá lại mình chính xác hơn, một bài học về kinh nghiệm, bản lĩnh sân khấu của một diễn viên chuyên nghiệp.
Thảo có giọng ca hay, sắc vóc đẹp đúng chuẩn một cô đào chánh, nhưng tâm lý chưa vững, điều cần khắc phục nếu muốn trở thành một nghệ sĩ sáng giá. Ban đầu Ngọc Thảo cũng chưa đánh giá hết hiệu quả việc nâng cao nghề nghiệp khi đi thi Chuông Vàng Vọng Cổ.
Qua các vòng chung kết được các đạo diễn chăm chút, chỉ dạy, học thêm chút nghề, chút bản lĩnh sân khấu, áp lực khi đứng trước màn hình khác hẳn khi hát trên sóng phát thanh, Giải Chuông Vàng Vọng Cổ không dành cho những người yếu bóng vía, thiếu sự chuẩn bị chỉnh chu.
Thảo đã dần thoát ra khỏi cách ca solo chủ yếu là để biễu diễn khoe làn hơi, thay vào đó, Thảo đã biết diễn, biết kết hợp cách ca hòa vào tâm lý nhân vật, qua các cuộc tập huấn ấy, Ngọc Thảo được khám phá thêm, hiểu biết thêm sự độc đáo của nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu cải lương, vượt qua tầm suy nghĩ của một giọng ca từ đờn ca tài tử bước sang lĩnh vực ca hát chuyên nghiệp.
Ngọc Thảo bắt đầu yêu sân khấu, thích được hát những vai diễn có số phận hơn là vẫn phải đi ca những bài ca lẻ. Ngọc Thảo thấy mình như hạt cát nhỏ trong biển lớn mênh mông vô tận của nghệ thuật cải lương. Thảo ao ước được sân khấu nghiêm túc với những kịch bản hay những vai diễn tốt, những người bạn diễn trang lứa, tài năng góp phần làm cho cải lương có thêm sức sống mới.
Dù thực trạng có khó khăn, có làm nản lòng nghệ sĩ, với Thảo một tình yêu mới dành cho sân khấu đang trỗi lên mãnh liệt dù thực tế có ra sao thì vẫn cứ ấp yêu niềm mơ ước. Sau Giải bạc Chuông vàng vọng cổ, cách ca của Ngọc Thảo đã thay đổi rất nhiều, mang sắc thái riêng của mình. Trước đây, Ngọc Thảo rất ái mộ giọng ca của NSƯT Cẩm Tiên, học nhiều luyến láy và những bài hát của thần tượng cố sao cho giống bởi vì quá yêu.
Có lúc người nghe thấy Ngọc Thảo ca khá giống Cẩm Tiên nên gọi vui là “Cẩm Tiên em”. Trong ban chỉ đạo giải Chuông Vàng Vọng Cổ có người từng góp ý thẳng thắn, Ngọc Thảo nên ca bằng giọng ca của mình chớ đừng bắt chước thần tượng, bởi bản photo không thể nào hơn bản chánh, muốn tạo thế đứng riêng phải bằng giọng ca riêng của mình. Giải Chuông Vàng Vọng Cổ đã giúp Ngọc Thảo có sự lột xác tách ra khỏi cái bóng thần tượng.
Trong nghệ thuật ca hát, việc bắt chước học theo thần tượng vẫn là điều tốt, nhưng học để hiểu, để trang bị cho mình vốn liếng chớ không nên sao chép nguyên si. Sự thành công trong nghệ thuật chính là sự sáng tạo rất riêng ở mỗi cá nhân người nghệ sĩ. Bài học của Ngọc Thảo cũng là một kinh nghiệm để các diễn viên trẻ điều chỉnh lại mình, tránh vết xe Ngọc Thảo đã đi qua.
Thấy Ngọc Thảo ngày càng tiến bộ hơn, nhiều khán giả ái mộ giọng ca của cô rất mừng, họ rất hy vọng rồi đây Ngọc Thảo sẽ đứng vào hàng những danh ca trẻ đủ khả năng tiếp bước các tài danh đi trước.
Cám ơn Long An, Cần Giuộc – vùng đất “địa linh” của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương đã sản sinh ra những Chuông Vàng, Chuông Bạc: Võ Thành Phê, Hồ Ngọc Trinh, Lê Văn Gàn, Ngọc Thảo… Hy vọng vùng đất “địa linh” ấy sẽ còn tiếp nối nhiều tài năng trẻ xuất chúng khác, bổ sung vào đội ngũ kế thừa những giọng ca vàng của sân khấu cải lương.