Định mệnh của NSƯT Thanh Sang
12.01.2009 01:14
Giọng hát buồn, phong thái từ tốn, chậm rãi, đôi mắt lúc nào cũng u uẩn...như dự báo cho cuộc đời lận đận của anh đánh cá trở thành kép hát. 15 tuổi bỏ nhà đi theo gánh hát, 50 năm gắn liền với sân khấu là một giấc mơ buồn nhiều hơn vui, sóng gió nhiều hơn an bình...
Hẹn 9g30 sáng tại nhà riêng, đúng 9g25 Thanh Sang về, ngồi sau xe của vợ. Đã mấy năm nay ông không lái xe được, sau cú ngã vì tai biến mạch máu não. Người nghệ sĩ già ngoài đời không có gì khác biệt với trên sân khấu, vẫn phong thái nhẹ nhàng, khoan thai... Ông diện áo hồng bên trong, vest trắng bên ngoài, chỉn chu, đạo mạo như một công chức. “Lịch làm việc” buổi sáng của Thanh Sang vừa hoàn thành: thức dậy từ sớm, đi ăn sáng, châm cứu ở nhà thầy. Đáng lẽ ra còn vài việc phải làm, nhưng ông vội về vì đã có hẹn, không trễ dù chỉ một phút. Nửa ngày còn lại của ông sẽ là đọc sách, xem tivi đến khi nào cảm thấy mệt thì nghỉ ngơi. Kép đẹp từng nổi tiếng trong làng cải lương Nam bộ đã quen với nếp ngày như vậy hơn mười năm nay...
NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh là nghệ sĩ cải lương Nam bộ có giọng ca trầm buồn, làn hơi khỏe khoắn, ngân vang, phong cách diễn chững chạc. Trong thập niên 1960, Thanh Sang nổi lên như một tài danh, ngoài khả năng của một kép đẹp còn diễn rất thuần thục những vai lão. Anh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1964 với nhân vật Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ long.
Những vai diễn để đời của NSƯT Thanh Sang: Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga), thế tử Ngũ Châu (Đường gươm Nguyên Bá), Thi Đằng (Tiếng hạc trong trăng)...
*
Gặp anh cách đây không lâu trong live show của Bạch Tuyết - Phượng Liên - Ngọc Giàu, thấy rất mạnh, nhưng giờ thì nhìn không khỏe lắm?
- Thì khỏe sao được. Ở trên thế gian này ai có bệnh gì thì tôi có bệnh nấy: viêm gan siêu vi C, suy thận mãn, loãng xương, huyết áp, tiểu đường, mật có sỏi, tai biến mạch máu não. Bây giờ mới được khuyến mãi thêm viêm cơ vai. Chừng đó bệnh mà còn ngồi nói chuyện được như vầy là vui rồi.
*
Vậy mà năm ngoái anh còn làm hẳn một live show?
- Ở ngoài thì thấy rệu rạo thế, nhưng lên sân khấu thì khác. Cái cố gắng chỉ có 30% là từ lòng yêu nghề, còn 70% là nhờ sự động viên của khán giả, làm tinh thần của mình phấn khởi lên. Còn hát được thì vẫn làm, để khi mình chết có cái còn lại kỷ niệm. Vả lại lâu quá tôi không xuất hiện, làm để đáp lại tấm thịnh tình của khán giả
còn thương mình. Đâu có ngờ Nhà hát thành phố nhỏ quá, giá vé cao, khán giả của tôi lại là khán giả bình dân, lớn tuổi, nhiều người không vào xem được...
*
Anh chỉ còn 30% lòng yêu nghề thôi sao?
- Vì sức khỏe, chứ tôi đã chọn nghề cải lương thì chết sống với nó. Đến bây giờ ít đi diễn, nằm coi truyền hình tôi thấy các em nhỏ nhiều đứa diễn không đúng, chẳng hạn làm vua - hoàng hậu mà cầm quạt (họ sợ tay bị trơ, không biết để ở đâu), thấy muốn ghét.
*
Anh làm một sô diễn “cháy vé” giữa thời cải lương đang “thoi thóp”, cảm giác vui hay buồn nhiều hơn?
- Cải lương gần giống như tôi, thoi thóp, nói chính xác có khỏe hơn tôi một chút. Trong nhiều nguyên nhân, bây giờ người ta thích phim ảnh nhiều hơn, thành ra cải lương như con bệnh tàn tạ. Nhưng chết thì không bao giờ chết. Tôi chết nhưng cải lương không bao giờ chết.
Chuyến đi 50 năm của... “Kinh Kha”
“Tôi học ca vọng cổ theo tiếng đờn của Văn Vĩ trên đài phát thanh, 12 giờ khuya hằng đêm. Khi biết ca rồi, tôi năn nỉ mấy thầy đờn dượt giùm những lúc họ rỗi rảnh, có người tốt bụng giúp mình, riết rồi thành ca hay. Về diễn xuất cũng vậy, tôi không được học hành gì. Đầu tiên, gắn với nghề này vì yêu mến là một chuyện, nhưng nguyên nhân chính là vì mình bỏ quê, bỏ nghề đánh cá đi hát thì phải làm sao coi cho được, để khi về quê còn nói chuyện với bạn bè, người thân. Tôi quê ở Phước Hải, Long Hải, ngày xưa đi hát giống như Kinh Kha qua sông Dịch đi thích khách Tần Thủy Hoàng. Đi phải thành công, không thành công thì bỏ xứ đi luôn”.
Đó là chặng đầu tiên, bắt đầu 50 năm sóng gió đi hát trong cuộc đời của NSƯT Thanh Sang...
*
Chưa nói đến được vai này vai nọ hay được danh tiếng, chỉ từ một anh đánh cá mà trở thành kép hát chắc không đơn giản?
- Ở quê, tôi không phải dạng ca hay, nhưng về vóc dáng thì thuộc loại ưa nhìn. Điều thứ hai là tướng tá, tôi ốm yếu không thích hợp nghề làm biển. Sau khi bệnh lớn tim do làm việc quá sức, tôi không ra biển nữa, ngồi đan lưới mướn, gặp được bầu đoàn hát, người ta rủ đi theo gánh.
Đi mà trốn bạn bè, vì chẳng biết mình đi có thành công không. Trong đoàn hát có 10 vở thuộc cả 10 vở, thuộc cả những vai đào, thiệt tình hồi đó cứ mong cho người nào bệnh hoạn để mình lên thế. Mà sao chờ hoài đa số kép chánh không có bệnh, chỉ có kép phụ bị làm khó làm dễ rồi xin nghỉ. Tôi bị phân vào thế đúng những vai lão. Mười mấy tuổi đã đóng vai lão, nên có thời người ta nói Thanh Sang chuyên đóng dạng vai này, trong đó có những vai để lại dấu ấn trong lòng khán giả như Tạ Tốn hay vai Lữ Khánh Nhạc.
*
Gần như tạo thương hiệu với vai phụ, rồi làm sao anh được lên đời... vai chính?
- Ngay cả ở Dạ Lý Hương, đoàn hát tôi tham gia khi đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, người ta cũng ít giao cho tôi vai chính, vì ở đó có những người nổi hơn như Hùng Cường, Tấn Tài, Út Trà Ôn... Lần đầu tôi được đóng chính là tuồng Tần nương thất. Sau đi đoàn Thanh Minh - Thanh Nga 2, đến đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường, tôi có thế vai chính của anh Hùng Cường trong tuồng
Tuyết phủ chiều đông, do ảnh đánh lộn bị ra tòa.
Cuộc đời tôi ngộ lắm, đi đoàn nào thì đoàn đó rã. Vì thường tôi đi đoàn hát vào mùa mưa, người ta hát ế nên rã gánh. Có lần tôi ký hợp đồng lãnh lương với một đoàn rồi, hát đúng một đêm thì đường ai nấy đi, đúng tuồng mang cái tên
Hai bữa cơm chiều ly biệt... Lặn lội trở về quê, nhà ở cạnh rạp hát, thấy người ta về, cứ đàn hát bên tai mình, ngứa nghề chịu không nổi, vậy là cuốn gói theo nữa...
*
Gia đình có phải là chỗ dựa cho anh sau những vất vả trong đoạn đầu của nghề hát?
- Gia đình tôi ở đậu nhà người ta. Ngôi nhà mà người ta đồn là ma quỷ nhiều nhất, không ai dám ở mới cho gia đình tôi ở nhờ. Nhà nghèo lắm, má tôi bị lao phổi, chị em tôi ai cũng “tả tơi” hết, mà tôi lại là con trai duy nhất trong nhà, lúc nào cũng thấy mình mang nặng mối lo trong lòng. Sau này tôi đi hát nổi tiếng ở đoàn Hoa Mùa
Xuân, ký được hợp đồng lớn, lấy tiền mua nhà cho má tôi và chị em. Sau chiến tranh loạn lạc, tôi đem gia đình lên Sài Gòn, lại cảnh ở mướn.
Cuối cùng tôi mua đất ở Biên Hòa, dời gia đình lên đó, còn mình thì ở mướn nhà nhạc sĩ Hoàng Mai. Đi hát cũng lâu rồi, khi được Nhà nước bán hóa giá cho nhà ở đường Lê Văn Hưu, tôi mới bán nhà đó ra lấy tiền gầy dựng làm ăn tới bây giờ. Bây giờ thì bớt, chứ hồi đó nằm ngủ thức dậy cứ tưởng mơ, không dám nghĩ mình ở trong cái nhà
đàng hoàng.
*
Cuộc sống bây giờ là sự bù đắp cho những gì anh đã trải qua?
- Bù đắp hay không cũng chẳng biết nữa. Tôi bệnh, tưởng chết cách đây 6-7 năm. Cách đây ba tháng thì bị tai biến. Bây giờ hằng ngày không làm gì cả. Ai kêu đi hát thì đi. Vừa rồi hát
Tiếng trống Mê Linh, ra bậc thang tam cấp tôi muốn nhủi xuống...
Ai cũng nói rằng cuộc đời tôi buồn, tôi cũng nhìn nhận như vậy, vì tôi có bảy đời vợ, một người vì ở không được mà bỏ, còn những người khác bỏ đi vì tôi nổi tiếng nhưng... quá nghèo, không bảo bọc được người ta. “Giữa thời buổi ngựa xe như nước áo quần như nêm, giữa chốn dập dìu xe ngựa, đâu còn ai rỗi rảnh để thương ai”, thành ra người ta phải ra đi thôi. Nói rõ ràng là đương thời của tôi thì tôi rất nghèo, nghèo không tưởng tượng được. Đến nỗi má tôi thèm sầu riêng, tôi mua mà bà không dám ăn, phải nói dóc rằng Lái Thiêu người ta đem xuống bán rẻ lắm...
*
Chọn cuộc sống bình thường, nhìn lớp trẻ kế thừa mà nhiều khi lòng muốn “chửi”, chắc cũng có cảm giác tiếc nuối sức mình không còn để làm cho thỏa chí?
- Thời của mình đã qua thì nhường chỗ cho người khác chứ không thể làm cục đá chắn đường lớp trẻ được. Tôi không nói tôi diễn hay hơn người khác, tôi diễn rất bình thường, thậm chí dưới mức bình thường, trong cải lương gọi là diễn thiếu chứ không đủ hoặc dư. Nhưng diễn thiếu vẫn coi được hơn diễn dư, diễn dư quá giống như con rối múa, không ra gì hết. Nghệ sĩ trẻ bây giờ đa số cái danh nổi trước cái tài, chỉ biết ca, có nghệ sĩ đã già rồi mà vẫn chưa biết diễn.
*
Anh không được học cao, nhưng trong giới lại là người nổi tiếng hiểu rộng, thông tuệ nhiều thứ. Những điều này có được từ đâu?
- Tôi đọc sách nhiều, tự nghiên cứu đạo giáo và lịch sử. Tôi quy y ở chùa Cần Thơ đã hơn 30 năm. Tánh tôi hay nóng nên muốn xin pháp danh và mấy câu kệ để trước khi ngủ hay những khi nóng tánh đọc lên tự trấn an mình. Pháp danh tôi được Phật cho là Chân Từ, có nghĩa là chân thật và từ bi, tôi giữ pháp danh đó đến mãn đời.
*
Nói thì có lẽ dễ, nhưng xếp ngang nghề đã theo mấy chục năm chắc không đơn giản?
- Tôi có ý chí cương quyết dữ dội, không gì thay đổi được. Hút thuốc 41 năm, vợ tôi nói nhà chỉ còn một gói, tôi bỏ là bỏ. Tôi uống rượu nổi tiếng hơn đi hát, nhưng dứt là dứt cái một. Chuyện đánh bài, cờ bạc cũng khó ai qua tôi, nhưng nói không rớ là không bao giờ rớ nữa.
*
Vậy nghệ sĩ tính của anh có kém?
- Tôi là người nghệ sĩ tính hoàn toàn, nhưng những cái xấu của nghệ sĩ trong đầu tôi hoàn toàn không có. Không phải nói xấu - nhưng trong nghệ sĩ, nhiều người không có chữ tín. Tôi thì coi chữ tín là quan trọng bậc nhất. Ai mà tôi không thích thì tôi không hứa, chứ không thất hứa với ai bao giờ.
*
Anh là người được coi có ít bè bạn, vì sao?
- Bạn thân để chết sống với nhau thì tôi không có, có lẽ tôi là người không tốt thành ra không tìm được người bạn tốt, chứ nói rằng không có người nào hiểu mình thì quá võ đoán.
*
Nhưng anh lại nổi tiếng là nghệ sĩ lãng mạn với nhiều mối tình thời xuân sắc?
- Thần kinh của nghệ sĩ rất nhạy bén, cái lãng mạn trong người ai cũng có. Người mình không yêu thương cũng ôm ấp đêm này qua đêm nọ trên sân khấu mà. Trớ trêu, tôi ôm gần hết nghệ sĩ trang lứa với mình, mà lại hát chung đến ba thế hệ. Thế hệ đầu là chị Thanh Hương, thế hệ thứ hai là Thanh Nga, Bạch Tuyết, Phượng Liên..., thế hệ thứ ba là Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm..., toàn đóng vợ chồng với họ. Nghệ sĩ nào chất phác quá diễn không hay. Tôi dám nói như vậy.
*
Đã sống gần trọn một kiếp người với đủ buồn vui, suy cho cùng thì đó cũng là hạnh phúc?
- Cuộc đời tôi buồn nhiều hơn vui. Có những chuyện buồn tôi tập niệm Phật để quên đi. Nếu nghĩ hoài về nó thì mình tự khổ, cuộc đời thành ra chán lắm. Như chuyện hồi xưa, tôi muốn ăn đủ thứ mà không có tiền ăn, giờ muốn ăn gì cũng được nhưng lại không ăn được... Thành ra nếu nói sòng phẳng, tôi thấy cuộc đời này không công bằng với mình. Duy tâm thì tôi cho rằng mình tu không khéo ở kiếp trước thành ra kiếp này nhận lãnh phần đó. Còn theo duy vật thì tôi hiểu rằng trong cuộc đời mình có hai hũ mật ong và mật gấu. Hồi trẻ mình đã nhắm hết mật ong nên đến giờ còn mật gấu thì ráng nếm thôi...
Theo ĐỖ HUY
Tuổi trẻ cuối tuần