Đến Bạc Liêu vào những ngày tháng tám, chúng tôi được đắm mình vào không khí rộn ràng tại một trong những cái nôi của đờn ca tài tử đất phương nam. Giữa nhịp sống sôi động, điệu Dạ cổ hoài lang của nghệ sĩ Cao Văn Lầu ra đời ngót thế kỷ vẫn đắm say lòng người.
Trên quê hương Dạ cổ hoài lang
Lần đầu chúng tôi đặt chân tới Bạc Liêu vào một ngày mưa gió. Mưa trắng trời, trắng đất. Mưa ngập đường phố. Bạn đồng nghiệp ở đây giới thiệu mà như tự trả lời cho thắc mắc của anh: "Ở đây ít khi mưa to và dai như hôm nay. Đã tới Bạc Liêu, các anh dành thời gian thưởng thức đờn ca tài tử sẽ hiểu thêm đất và người nơi đây".
Thật tình cờ và may mắn, ngay ngày đầu tiên ở Bạc Liêu, chúng tôi đã được nghe khúc Dạ cổ hoài lang. Trong cơn mưa tưởng chừng không dứt, giọng ca Thúy An, diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu cất lên da diết: "Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng.Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng thêm đau...".
Đã nhiều lần nghe điệu Dạ cổ hoài lang trên đài phát thanh, truyền hình, hay qua băng, đĩa, lần đầu trực tiếp thưởng thức trên đất Bạc Liêu, sao mà thiết tha, đắm say đến thế.
Bài Dạ cổ hoài lang do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 đã trải qua hành trình xuyên thời gian gần một thế kỷ. Tuổi ấu thơ lênh đênh chìm nổi của cậu bé Cao Văn Lầu gắn liền với những câu hò, điệu lý phương nam xao xuyến.
Lớn lên, thời gian tầm sư học đạo với thầy Hai Khị, một bậc thầy về đờn ca tài tử ở Bạc Liêu là cơ sở quan trọng giúp ông nắm vững nhạc lý và sử dụng thành thạo các nhạc cụ đàn kìm, đàn tranh.
Nhưng chính những năm tháng cách xa người vợ hiền thảo Trần Thị Tấn do hoàn cảnh gia đình éo le trở thành nỗi đau day dứt để ngón đờn điêu luyện của người nghệ sĩ nghèo thăng hoa viết nên những dòng da diết của bài Dạ cổ hoài lang.
Tình nghĩa tao khang giữa Cao Văn Lầu với người vợ hiền thảo được ông gửi vào khúc hát để đời. Để rồi bài Dạ cổ hoài lang với 20 câu, mỗi câu hai nhịp ấy được các nghệ sĩ sau này chuyển lên bốn nhịp, tám nhịp, 16 nhịp, 32 nhịp rồi 64 nhịp, trở thành một trong những bản nhạc gốc của nhạc vọng cổ và đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật cải lương rực rỡ sau này.
Lần thứ hai chúng tôi được nghe khúc Dạ cổ hoài lang sâu lắng trên đất Bạc Liêu cũng từ một thành viên của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Tối ấy, trong buổi giao lưu với các đồng nghiệp ở Bạc Liêu, chúng tôi nghe Ngọc Hoa, nữ nghệ sĩ trẻ "dốc lòng" với những bài vọng cổ sâu lắng.
Mở đầu cuộc gặp, Ngọc Hoa trình bày bài vọng cổ bằng giọng ca truyền cảm, ngọt ngào, mang đến giai điệu mượt mà với tà áo dài thướt tha. Ngọc Hoa trình bày xong, các khán giả lại xung phong lên hát đáp từ. Cứ như thế, buổi giao lưu diễn ra trong không khí thân mật và ấm cúng tưởng chừng không dứt.
Những buổi gặp gỡ với con người phương nam trên vùng đất Bạc Liêu mặn mòi càng giúp chúng tôi hiểu thêm giá trị của khúc Dạ cổ hoài lang. Nó đã trở thành máu thịt, niềm tự hào của người dân đất phương nam. Rất nhiều nghệ sĩ đã thành danh cũng từ bài này.
Những cái tên sáng giá của nghệ thuật cải lương Nam Bộ như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Thanh Sang, v.v đều để lại dấu ấn trong sự nghiệp với bài Dạ cổ hoài lang.
Có thể nói, Dạ cổ hoài lang đã trở thành "bài đinh" của vọng cổ. Hiếm có bài vọng cổ nào được các học giả, các nhà phê bình âm nhạc, giới đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử quan tâm và có nhiều bài viết, đánh giá đến như thế trong ngót một thế kỷ tồn tại.
Giáo sư Trần Văn Khê đã có nhận xét chính xác vai trò của bài Dạ cổ hoài lang trong kho tàng âm nhạc dân tộc: Bài Dạ cổ hoài lang gợi lên được cái buồn bí ẩn trong thâm tâm con người Việt Nam...
Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nào được như bài Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể, có từ đầu thế kỷ 20, lớn lên, sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong và ngoài nước.
Mạch sống bền bỉ
Hôm chúng tôi đến Bạc Liêu đúng vào ngày huyện Phước Long tổ chức hội nghị tổng kết báo cáo kết quả vận động Quỹ An sinh xã hội - Xây dựng nông thôn mới.
Buổi tổng kết có chương trình văn nghệ đặc sắc do các nghệ sĩ của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu và một số nghệ sĩ thành danh như: Quế Trân, Thanh Thúy, Trọng Hữu, v.v biểu diễn.
Những bài ca vọng cổ, những tích truyện chuyển thể cải lương cất lên rộn ràng thu hút đông đảo nhân dân đến thưởng thức.
Thật bất ngờ là trong khi ở nhiều địa phương, công tác vận động an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới là một chủ đề tương đối khó tuyên truyền, tuy nhiên, với Bạc Liêu, không khí hội nghị lại diễn ra rất rộn ràng với phần văn nghệ.
Những bài vọng cổ ngân vang, những tràng vỗ tay tán thưởng các bài ca hay, giọng ca đẹp giúp không khí hội nghị càng thêm vui vẻ.
Bạn đồng nghiệp giải thích với tôi rằng: "Đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc sắc của người Bạc Liêu. Những khúc nhạc thiết tha đã đi sâu vào đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân nơi đây. Các đám tiệc, giỗ, cưới đều có đờn ca tài tử". Trải nghiệm những ngày ở Bạc Liêu, tôi càng thấm thía điều chia sẻ ấy.
Với người dân nơi đây, đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu. Từ cụ già đến em nhỏ, ai cũng đam mê được nghe và hát vọng cổ. Ở nhiều ấp, khóm, phường, xã ở Bạc Liêu, đi tới đâu chúng ta cũng có thể được thưởng thức những màn biểu diễn đờn ca tài tử ấn tượng.
Dạo quanh TP Bạc Liêu xinh đẹp, nơi có nhà của công tử Bạc Liêu chơi ngông vang bóng một thời nay trở thành bảo tàng, những điểm hấp dẫn những người yêu câu vọng cổ chính là các điểm hát đờn ca tài tử. Nhu cầu được nghe, được hát, được giao lưu với các nghệ sĩ đờn ca tài tử đất Bạc Liêu là động lực thôi thúc những người dân nơi đây hay khách đường xa lặn lội đến thưởng thức.
Có dịp dạo qua các quán ca cổ Miền Tây, Phú Cường, Minh Chiến, Công Trang vào mỗi buổi tối, chúng tôi lạc vào bầu không khí văn nghệ đặc trưng. Khách đến nghe nhâm nhi ly cà-phê, tách trà rồi ngồi thưởng thức các làn điệu quê hương.
Các nghệ nhân ca và nghệ nhân đờn của Bạc Liêu thuộc rất nhiều giai điệu, lời ca. Những cuộc giao lưu văn hóa ấy để lại ấn tượng sâu sắc với những người đam mê vọng cổ.
Ý thức được vai trò quan trọng của công tác gìn giữ và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử giữa các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng như với các tỉnh bạn.
Các cuộc thi biểu diễn đờn ca tài tử của tỉnh tổ chức hằng năm được truyền hình trực tiếp trở thành kênh thông tin quan trọng giới thiệu với công chúng những gương mặt mới, những tay đờn giỏi đóng góp vào phong trào rộng khắp.
Anh Văn Công Diệp, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Bạc Liêu báo tin vui tỉnh đã được Chính phủ đồng ý cho tổ chức Festival đờn ca tài tử Việt Nam lần thứ nhất vào năm 2014.
Hiện nay, Sở VH, TT và DL Bạc Liêu đang phối hợp các ban, ngành chức năng của tỉnh triển khai công tác chuẩn bị cho liên hoan.
Đây sẽ là dịp quý báu để công chúng yêu đờn ca tài tử có cơ hội trực tiếp chứng kiến, giao lưu với các nghệ nhân ca, nghệ nhân đờn của các tỉnh trên cả nước.Thông qua liên hoan, phong trào đờn ca tài tử sẽ được tiếp thêm "luồng sinh khí" mới.
Tâm tình người yêu vọng cổ
Các nghệ sĩ đờn ca tài tử đất Bạc Liêu với niềm đam mê luôn suy tư, trăn trở với nghề. Gặp lại Ngọc Hoa khi cô đang chuẩn bị đi biểu diễn đám cưới. Nghệ sĩ trẻ quê ở huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng này mới 19 tuổi đã có ba năm tuổi nghề.
Cô kể: "Từ nhỏ, em thường nghe các bài vọng cổ yêu thích trên đài phát thanh rồi hát theo. Thấy em thích hát, vào mỗi dịp hè, ba em thường đưa em đi học nhịp, học hát tại các nghệ nhân trong xóm.
Rồi em bắt đầu tham gia các cuộc thi đờn ca tài tử dành cho thiếu nhi tổ chức ở thị trấn, huyện và đều đoạt giải cao.
Tham gia Đoàn cải lương Cao Văn Lầu năm 2012, em được thầy trưởng đoàn, NSƯT Minh Chiến hướng dẫn cách nhấn nhá ca từ, lấy hơi, luyến láy nhịp.
Qua các buổi tập, em được các anh chị đi trước hướng dẫn từ cách đi, dáng đứng, tư thế tay, ánh mắt để sao thật tự nhiên khi biểu diễn. Em vừa đóng vai Bích Chi trong vở cải lương Huyền Trân công chúa. Đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, em rèn tốt hơn kỹ năng, thần thái lúc ca và khả năng kiềm chế cảm xúc".
Với nghệ nhân đàn Quốc Dũng, thành viên CLB đờn ca tài tử nhà hàng khách sạn công tử Bạc Liêu, nghệ thuật cải lương gắn bó với anh từ trong máu thịt.
Cha anh là nghệ nhân Nguyễn Ngọc Đức, có 30 năm hoạt động đờn ca tài tử ở Đoàn cải lương Ngọc Ẩn - Sài Gòn. Quốc Dũng học đờn ca tài tử từ năm 15 tuổi do cha và nghệ nhân Sáu De ở An Giang truyền dạy. Vốn có khiếu từ nhỏ, Quốc Dũng nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật đờn và thuộc nhiều điệu.
Anh am hiểu 20 bản tổ, các điệu thức Bắc, Hạ, Nam, Oán và Vọng cổ. Với cây đàn ghi-ta và đàn sến, anh đã tham gia hàng nghìn buổi biểu diễn ở địa phương cũng như đi lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài.
Ngoài thời gian phục vụ các buổi diễn, đám tiệc, nghệ nhân Quốc Dũng còn dành thời gian truyền nghề cho ba học trò là Hoàng Đệ ở Châu Đốc, Thanh Dũng ở An Giang và Hoàng Có ở Bạc Liêu. Những tình yêu thiết tha với nghệ thuật đờn ca tài tử cứ như thế có điều kiện lan truyền.
Phó Giám đốc Thường trực Sở VH, TT và DL Bạc Liêu Nguyễn Văn Thanh, người trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, hồ sơ đang đệ trình UNESCO xét duyệt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm nay cho biết.
Tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị của đờn ca tài tử. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tổ chức một đoàn nghệ sĩ biểu diễn đờn ca tài tử tại Pháp vào cuối năm giới thiệu với công chúng Việt Nam và quốc tế những giá trị độc đáo của môn nghệ thuật này.
Sở VH, TT và DL Bạc Liêu vừa ra mắt cuốn sách giới thiệu 562 nghệ nhân đờn và nghệ nhân ca sinh hoạt tại gần 100 CLB đờn ca tài tử chuyên nghiệp và nghiệp dư của tỉnh. Sở xây dựng phương án đầu tư trang thiết bị, nhạc cụ cho các CLB, mở lớp đào tạo hát các điệu thức bài bản, chính xác.
Sở cũng có kế hoạch mở lớp hướng dẫn cho lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh hát những điệu thức vọng cổ chuẩn mực và giảng dạy vọng cổ trong trường học ở Bạc Liêu.
"Nỗi lo của những người làm công tác văn hóa của tỉnh hiện nay, là phần lớn các nghệ nhân, nhất là nghệ nhân đờn, tuổi đã cao. Nếu không có biện pháp trao truyền cho thế hệ trẻ, nguy cơ mai một nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ xảy ra" - anh Thanh chia sẻ.
Chúng tôi dời Bạc Liêu trên chuyến xe khách cuối cùng. Trong tâm trạng vấn vương bài hát Về Bạc Liêu của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, "Lòng đây thiết tha mong đợi xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Hoài lang tiếng ca đang gọi ta quay về Bạc Liêu mến yêu". Chợt hiểu rằng, khi đã đam mê câu vọng cổ, thì sẽ còn nhiều lần trở về vùng đất phương nam.