Tối 4-9, Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TPHCM sẽ giới thiệu với quý vị khán giả chuyên đề sân khấu Đào tính cách trên sân khấu cải lương trong chương trình Làn điệu phương nam tại Nhà hát TP. Vé được phát miễn phí cho khán giả vào xem suất hát đặc biệt này.
Đêm diễn có sự tham gia của các NSND Ngọc Giàu, NSƯT Kim Tử Long, NS Vũ Luân, Mỹ Chi, Kiều Phượng Loan, Thanh Thế, Chí Linh, Vân Hà, Hiếu Cảnh, Mai Thế Hiệp, Võ Hoàng Phương, Nguyễn Bình Trọng, Bình Tinh, Nhật Minh, Chấn Cường, Lê Như, Cao Mỹ Châu, Hoàng Việt, Trung Tính, Tuyết Nhung, nhóm Siu Band, vũ đoàn Vần trăng… Có trích đoạn với một số vai diễn tính cách như: đào lẳng, đào mụ, đào độc mùi… sẽ được các nữ nghệ sĩ thể hiện.
NS Kiều Phượng Loan cho biết: “Đối với tôi để diễn cho ra vai tính cách người nghệ sĩ phải đúc kết vốn sống từ trường đời. Tôi bao giờ cũng mong được học hỏi kinh nghiệm diễn xuất của các cô, các chị đi trước. Trên thưc tế để diễn những vai đào lẳng đòi hỏi phải có tìm được sự sáng tạo hơn vai đào mùi.
Vì đào mùi hay còn gọi là đào chính có một dàn bao để đẩy tâm lý nhân vật, còn đào lẳng, đào độc trong kịch bản chỉ xuất hiện một lớp ngắn nên phải hết sức tập trung. Khó diễn là ở chỗ phải nắm chắc tâm lý, phải ứng biến để có được sự sáng tạo đồng bộ. Từ sân khấu cải lương bước sang sân khấu tuồng cổ tôi luôn tuân thủ những nguyên tắc nghiêm nhặt của các thế hệ nghệ sĩ đi trước đã vun đắp cho dạng vai tính cách.
Trên sân khấu tuồng cổ diễn vai đào độc đòi hỏi phải vận dụng vũ đạo, kết hợp với nội tâm. Tôi đã học được nhiều bài học từ sự chỉ dẫn của các nghệ sĩ như: Bạch Mai, Thanh Loan, Thanh Thế, Ngọc Đáng, anh Vũ Linh, anh Năm Thanh Tòng… Có khi chỉ học bên cánh gà, có khi được thị phạm, được chỉ dẫn tận tình để thể hiện thật tốt vai diễn của mình.
Vai đào tính cách có những bài học rất khó, đó là phải thể hiện sự phức tạp nội tâm của nhân vật. Diễn cho ra sự giằng xé với mưu tính và thủ đoạn hại người là điều không dễ. Ví dụ trong vai Hoàng hậu của Nghi cung án, tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ nguyên nhân dẫn đến sự thâm độc của nhân vật này, để thể hiện hết sức đơn giản nhưng bên trong chứa đựng những mưu mô mãnh liệt”.
NS hài Tuyết Nhung (Đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang) tâm sự: “Theo em được học thì có rất nhiều vai đào tính cách như: đào độc, đào lẳng, đào mụ, đào võ và trong mỗi tính cách còn tùy thuộc theo độ tuổi mà diễn. Rất có thể trong mỗi kịch bản tác giả qui định đó là nhận vật trung tâm thì vai diễn đó sẽ được tập trung khai thác cho đúng với yêu cầu tác giả, đạo diễn.
Được mời tham gia xuất diễn tối 4-9 này là một vinh dự, khi em được đứng chung sân khấu với cô Mỹ Chi, một nghệ sĩ hài mà em ngưỡng mộ vì cô có nhiều vai tính cách rất hay. Sau khi diễn vai bà Năm trong vở Dòng nhớ - được đứng chung sân khấu với chú NSUT Thanh Nam, em có thêm sự tự tin để gắn bó với duyên diễn vai đào tính cách. Trong trích đoạn Nghi cung án, em sẽ diễn vai Á Thị”.
NS hài Mỹ Chi tâm sư: “Theo tôi thì không có loại vai nào dễ, vì khi đã đứng trên sân khấu, được đặt vào vai trò diễn viên thì phải đảm bảo hiệu quả nghệ thuật chung. Nhưng cái khó lớn nhất khi diễn vai đào tính cách đó là phải đem lại sự sinh động cho sàn diễn.
Nếu vai đào mùi, đào thương thường chinh phục khán giả bằng giọng ca, bằng nét diễn thương cảm, bởi số phận nhân vật thường trong sáng, chung thủy, được tôn vinh ca ngợi, thì những vai đào tính cách phải mang nét khác với đào mùi ở chỗ ra sân khấu với thời lượng ngắn và thường phải mang lại những tình huống cao trào cho tuyến kịch”.
Riêng NS Vân Hà đây là lần đầu tiên chúng tối – những nghệ sĩ chuyên đóng vai đào tính cách được hội tụ để nói lên những kinh nghiệm biểu diễn vai đào tính cách. Chị nói: “Trình bày những kinh nghiệm, những kỷ niệm vui buồn trong nghề sẽ giúp khán giả hiểu hơn về nghề của chúng tôi.
Theo tôi để định nghĩa về dạng vai tính cách chỉ cần nói ngắn gọn: Đó là những vai diễn đem lại những đợt sóng trên sân khấu. Ví dụ vai đào lẳng phải làm khán giả cười. Như quý vị khán giả đã biết đến NSND Ngọc Giàu chỉ với một cánh tay cán vá, ra sân khấu đã tạc được dấu ấn không quên.
Vai độc thì phải làm khán giả ghét như cô NSUT Thanh Vy đã kể lúc diễn Thần phi Nguyễn Thị Anh chị bị khán giả ghét vì dám ăn hiếp Thị Lộ - Ngọc Giàu, vài đào võ cũng vậy, ra sân khấu phải khí thế, oai phong, vai đào mụ thì phải làm khán giả khóc. Tuy nhiên tùy theo dạng vai, có mụ độc, mụ mùi, mụ lẳng, mụ hài.
Tùy theo độ tuổi và vị trí nhân vật trong vở diễn mà chúng tôi sáng tạo. Tôi cho rằng sự thiếu vắng đó xuất phát từ yếu tố kịch bản. Trước đây các tác giả được xem là thầy tuồng của các gánh hát đại ban đã sống gần gũi với nghệ sĩ, xem đoàn hát, rạp hát là nhà, nên khi họ sáng tác thường vận dụng yếu tố đo ni đóng giày để mỗi vai diễn thích hợp với mỗi giọng ca, mỗi sắc vóc.
Do đó mà có rất nhiều nghệ sĩ được các soạn giả dành riêng cho những vai đào độc rất hay. Từ đó cộng thêm những sáng tạo mới mà hình thành những vai diễn để đời thông qua diễn xuất của từng nghệ sĩ. Còn ngày nay, một số tác giả viết vội, cứ nghĩ cái độc, cái tác thì cứ phải là dã man, ghê tởm, chứ chưa thật sự đặt hết tâm huyết vào một vai độc, để lý giải được vì sao nhân vật làm ác.
Số phận của nhân vật từ đó bị cạn, mòn và cứ theo một khuôn mẫu nhất định để thể hiện. Tôi cho rằng ngay khâu kịch bản nếu người viết chắt lọc, đầu tư cho những vai đào độc thì tác nhân gây nên những bi kịch cho tuyến nhân vật chính sẽ hấp dẫn người xem. Tôi nghĩ chương trình Làn điệu phương nam khi đưa chuyên đề này đến với khán giả, dù chưa phải đầy đủ, chưa mang tính khái quát nhưng đó sẽ là một suất hát nhiều kỷ niệm cho các nữ nghệ sĩ chuyên diễn vai đào tính cách”.
NSND Ngọc Giàu cho biết: “Theo tôi có nhiều loại vai đào độc: diễn độc ngầm, che giấu sự hãm hại người lành phải diễn bằng ánh mắt, lúc dịu dàng, lúc dâng trào sự ngạo nghễnh; diễn vai độc lộ thì hung hăng, chứng tỏ sự chiến thắng; độc hiểm thì miệng lúc nào cũng cười, đôi mắt cũng biết cười nhưng dấu bên trong sư khinh bỉ, tận diệt đối phương…
Cái lẳng cũng có nhiều kiểu thể hiện, nếu chúng ta biết cách phân tích thì sẽ thấy thế giới diễn xuất của từng loại vai tính cách mênh mông và sâu rộng. Điều thú vị là chúng ta thay đổi cách nhìn của người xem khi đi vào vai diễn này, để có lúc người xem cưới với chất lẳng, có lúc bực tức, căm giận với cái ác của nhân vật phản diện.
Khâu kịch bản theo tôi là quan trọng, vì tác giả biết đào sâu nhân vật tính cách sẽ tạo ra chất xúc tác để gây cao trào. Có khi tác giả cứ mãi chăm chút cho nhân vật chính, quên đi đào tính cách và kép độc thì tuyến kịch bị hỏng. Phải có những vai diễn tính cách thì mới có thấy thương vai đào mùi, đào chính. Đời nghệ sĩ chuyên diễn vai đào tính cách có đầy ắp nỗi buồn và niềm vui, nhưng vui nhiều hơn vì mình đã góp phần mang lại hiệu quả nghệ thuật cho sân khấu cải lương”.