Sau năm 1975, kế thừa theo trường phái ca hơi dài độc đáo của danh ca Minh Cảnh; NSƯT Giang Châu, Linh Vương là hai giọng ca hay một thời khuấy động sân khấu cải lương miền Nam, để rồi tiếp theo đó thành một trào lưu, những Thanh Kim Huệ, Linh Huệ, Bình Trang, Phượng Hằng, Thái Kim Hằng, Cẩm Tiên, Châu Thanh, Vương Linh…
Mỗi người mỗi vẻ sáng tạo thêm nhiều kiểu ca hơi dài, rất được giới trẻ yêu thích. Trong số này, về phía nam có Giang Châu, Linh Vương, Châu Thanh là xuất sắc nhất, xứng tầm đứng vào hàng danh ca. Tiếp theo có nhiều giọng ca nam hơi dài nhưng không đủ lực, chẳng những không tôn lên, trái lại họ còn làm cho trường phái ca hơi dài bị phê phán.
Có một giọng ca nam khác, ca dài hơi, rõ chữ, rất ngọt, đã từng hát thay vai Linh Vương, Châu Thanh thời đỉnh cao, rất được khán giả ở đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Sông Bé Mới yêu mến. Đang có thể rất thành công ở vai trò diễn viên, một giọng ca hay, anh bỗng chuyển sang làm quản lý, và trở thành một trưởng đoàn giỏi ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là nghệ sĩ Dũng Thanh, Trưởng đoàn cải lương Sài Gòn 3 một thời lừng danh.
TỪNG LÀ GIỌNG CA DÀI HƠI ĐỘC ĐÁO
Nghệ sĩ Dũng Thanh tên thật là Lê Dũng Thanh, sanh ra ở Huyện Kế Sách, Tỉnh Sóc Trăng, trong gia đình có truyền thống cách mạng, cả nhà đều tham gia kháng chiến. Thuở nhỏ rất mê cải lương, thần tượng là giọng ca Minh Cảnh. Năm 10 tuổi lén nhà đi theo đoàn cải lương Rạng Đông Mỹ Lệ, làm hậu đài hoặc để người trong đoàn sai vặt, được vài năm trở về nhà đi học tiếp.
Tháng 3 năm 1974 gia nhập lực lượng bộ đội Huyện Kế Sách, cho tới 30 tháng 4 năm 1975 được vài tháng, xin ra quân và theo đoàn cải lương Tiếng Trống Hậu Giang, trong đoàn có anh Diệp Sơn (hiện đang định cư tại Mỹ) là diễn viên của đoàn nhận làm em kết nghĩa. Thấy Thanh có nết hơi giống nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm, anh Diệp Sơn mới đặt nghệ danh Dũng Thanh.
Mấy tháng sau, Tỉnh Hậu Giang (nay là thành phố Cần Thơ) gom các đoàn cải lương lại thành lập 3 đoàn cải lương Sông Hậu, Dũng Thanh được phân về đoàn Sông Hậu 2, hát kép phụ, kép chánh của đoàn là Tấn Tài, Minh Cảnh, Mộng Long (ba của nghệ sĩ Nhã Phượng), một năm sau được đưa về đoàn Sông Hậu 1 hát chánh cùng nữ nghễ sĩ Mộng Nghi, vài năm sau Dũng Thanh về Hương Mùa Thu lần thứ 1.
Lúc này lối ca hơi dài của nghệ sĩ Giang Châu ở đoàn cải lương Sài Gòn 2, rồi qua Sài Gòn 1 rất được ưa chuộng. Nghệ sĩ ca hơi dài ăn khách nhất thời ấy lại là Linh Vương. Thấy làn hơi của mình khỏe, cao, mềm mại, Dũng Thanh cũng luyện ca hơi dài, chỉ trong thời gian ngắn thôi, tên tuổi Dũng Thanh được nhiều đoàn chú ý. Đoàn Sông Bé Mới của bầu Xuân đã mời Dũng Thanh về hát nhì bên cạnh Linh Vương, Đỗ Quyên, hề Vũ Đức.
Nhờ hát chung với Linh Vương mà Dũng Thanh được học rất nhiều ở cách ca hơi dài điêu luyện, rõ chữ, ngọt ngào, nhiều lần hát thay vai Linh Vương khi anh vắng mặt ở đoàn, vẫn được khán giả khen ngợi, vẫn cách ca hơi dài chậm rãi, biểu cảm, Dũng Thanh đã thay thế Linh Vương một cách xuất sắc, dù anh luôn khiêm tốn, giữ phận mình là đàn em, rất tôn trọng, kính nể Linh Vương.
Với chất giọng kim pha thổ êm, cách nhấn dấu sắc của Dũng Thanh khi ca vọng cổ rất mượt mà, cao vút, nhẹ nhàng gần với cách nhấn dấu sắc của Tấn Tài, Dũng Thanh Lâm, Hà Bửu Tân, biết cách rút kinh nghiệm học hỏi từ cái hay của các danh ca tiền bối kết hợp với chất giọng tự nhiên của mình, Dũng Thanh có cách ca vọng cổ lạ, mùi mẫn, trẻ trung, dễ thu hút người nghe.
Thời kỳ ở đoàn Sông Bé Mới hay ở đoàn Hương Mùa Thu trong thập niên 90, chính là thời điểm giọng ca Dũng Thanh phát huy được ưu điểm của mình, đứng vào hàng những giọng ca trẻ mới lạ rất nhiều triển vọng. Hơn ba mươi năm đi hát, Dũng Thanh đã có những vai diễn hay để lại sự yêu mến cho đồng nghiệp và khán giả:
* Vai Lý Dũng Minh: trong vở Ngược dòng Lạc Thủy của tác giả Điêu Huyền ở đoàn Hậu Giang 1. Đây là vai diễn đa tính cách, là một nghĩa quân yêu nước phải làm nhiệm vụ nội gián giả đầu hàng giặc, hy sinh tình yêu với người con gái mình thương yêu nhất, chịu nguyền rủa vì lừa thầy phản bạn, cao nhất là sự phản bội quê hương, dân tộc.
Chỉ đến khi nghĩa quân toàn thắng, đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước trước ngày mừng thắng lợi, Lý Dũng Minh đã ra đi anh dũng, hoàn thành nhiệm vụ người nghĩa binh điệp báo, những hiểu lần được giải tỏa nhưng người nghĩa sĩ ấy đã nằm yên dưới mộ.
Một vai diễn hay, vừa phải chịu đựng những phũ phàng cay nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ đã được Dũng Thanh diễn rất tinh tế, sâu sắc, để rồi ở màn chót, khi bị thương nặng, sắp trút hơi thở sau cùng, những lời trăn trối bằng lời ca ngọt ngào, những oan ức được cởi bỏ, bạn diễn đã khóc và khán giả càng khóc nhiều hơn. Một vai diễn đã đi vào cuộc đời nghệ thuận của Dũng Thanh, trở thành báu vật thiêng liêng được cất giữ sâu kín trong tâm hồn.
* Vai Bác sĩ Hiếu: trong vở Mười bảy năm trường hận của tác giả Trần Dương của đoàn Sông Bé Mới, vai diễn nhẹ nhàng, trẻ trung tưởng như không có gì sâu sắc, nhưng với phong cách diễn chững chạc, lối ca ngâm như lời ru say đắm lòng người đã giúp Dũng Thanh thu được nhiều cảm tình của khán giả. Đây là vai diễn khi ca, Dũng Thanh nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng của khán giả nhất.
* Vai Lê Nhu: trong vở Gánh cỏ sông Hàn của tác giả Thu An ở đoàn Hương Mùa Thu. Đây là vai diễn trung bình, không có gì ấn tượng, nhưng trước đó nghệ sĩ Minh Cảnh đã tạo dấu ấn tuyệt vời trên sân khấu Hương Mùa Thu. Nhiều diễn viên trẻ về hát thế vai Lê Nhu không thể ca được như Minh Cảnh. Riêng với Dũng Thanh khi về Hương Mùa Thu hát vai Lê Nhu lại tạo hiệu quả bất ngờ, vai diễn rất hợp với Dũng Thanh.
Nhất là cách xử lý bài ca cũng như cách vô vọng cổ hơi dài rất độc đáo, tuy không giống Minh Cảnh nhưng Dũng Thanh cũng đủ sức tạo cho mình sức hút riêng bằng cách ca dài hơi rõ chữ, luyến láy trầm bổng điêu luyện, cả khán phòng phải lặng im lắng nghe để rồi bùng lên những tràng pháo tay như vỡ rạp. Mười mấy năm sau ngày thành công của Minh Cảnh, Dũng Thanh là người kế tiếp tạo thêm một vai diễn để đời cho mình.
* Vai Sơn: trong vở Con thuyền không bến của tácgiả Hoa Lư hay vai Cườngtrong vở Khi người điên trở lại của tác giả Thanh Liêm ở đoàn cải lương Sài Gòn 3 cũng là tiếp nối những vai diễn hay, tiếp nối sự thành công, khẳng định tài năng của một nghệ sĩ có giọng ca hay, có nhiều năm cống hiến cho sân khấu cải lương.
Những tưởng Dũng Thanh sẽ thành danh với nghiệp diễn, không ngờ sự đời đưa đẩy, đầu những năm 90, một bước rẽ quan trọng trong sự nghiệp của người nghệ sĩ trẻ này, Dũng Thanh được tín nhiệm bầu vào ban lãnh đạo của đoàn cải lương Sài Gòn 3, để từ đó, sự nghiệp của anh chuyển qua một bước ngoặc khác đầy gian nan sóng gió để chống đỡ bảng hiệu đoàn cải lương Sài Gòn 3 đang trong thời kỳ suy thoái, nợ nần chồng chất, tưởng như phải tan rã, xóa bảng hiệi….
Khi cường thịnh thì hân hoan chung hưởng, lúc suy vi thì cạnh mặt, rẽ chia. Nội tình của Đoàn Sài Gòn 3 đầu năm 1990 là vậy, sau những năm hùng mạnh vang danh, bắt đầu một chu kỳ đi xuống. Diễn viên thay đổi liên tục, kịch mục cũ thiếu sức hấp dẫn, doanh thu sa sút, đoàn thiếu nợ trên 60 cây vàng, ba trăm triệu tiền mặt, số nợ có truớc khi Dũng Thanh về đoàn.
Ông Tư Hiếu trên cương vị Trưởng đoàn, đã lớn tuổi, sau nhiều năm cống hiến cho sân khấu, quá mệt mỏi, muốn rút lui, nhưng vẫn chưa có điều kiện; ông không còn là người có tiếng nói quyết định, một số người khác trong ban phụ trách vì tư lợi hơn là vì sự còn mất của đoàn, nội bộ xảy ra mất đoàn kết dai dẳng, làm nản lòng những ai tâm huyết muốn củng cố, xây dựng lại đoàn.
Dũng Thanh dù là phó đoàn, nhưng là người mới, nhỏ tuổi nhất, lại ở tỉnh về, gần như không có sự hậu thuẫn nào đáng kể, có chăng là nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, anh nhận thức được Đoàn Sài Gòn 3 có thể làm ra tiền trả được nợ. Muốn thoát cảnh nợ nần bệ rạc, cần có sự thay đổi. Và điều thiết yếu nhất là phải có tiền, mà là tiền doanh thu do đoàn tự tạo ra, chứ không phải thiếu là tiếp tục đi vay nợ, với lãi suất rất cao.
Phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng, đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn, nguy kịch. Ở thành phố, Đoàn Sài Gòn 3 doanh thu yếu, vì khán giả quá nhàm chán, nếu lưu diễn các tỉnh, nhất là miền Trung vẫn có thể sống được. Sự ái mộ của khán giả dành cho đoàn rất lớn, bởi đoàn ít lưu diễn, tiếng tăm còn vang dội. Tập kịch bản mới, thay thế dàn diễn viên ít chịu lưu diễn, mạnh dạn đưa Ngân Tâm từ vị trí kép nhì lên kép chánh, mời Lệ Thu về hát cặp với Ngân Tâm, một Đoàn Sài Gòn 3 mới trẻ trung, chịu khó, sẳn sàng vì sự tồn vong của đoàn.
Kế hoạch này của Dũng Thanh bị hầu hết trong ban phụ trách chống đối, họ cho là phiêu lưu, không chắc chắn, làm mất đi bản sắc của một đoàn cải lương lớn của thành phố (mặc dù nó hấp hối). Chỉ có ông Tư Hiếu ủng hộ, với kinh nghiệm lâu năm của nhà quản lý sân khấu giỏi ông tin người phó đoàn trẻ của mình nghĩ đúng, chỉ còn chờ thực hiện...
Nhờ giao thiệp rộng, quen biết một số cán bộ lãnh đạo, họ đã thương mến, tư vấn mở nhiều giải pháp giúp Dũng Thanh. Vốn thẳng tính, chẳng ngại va chạm, Dũng Thanh hứa sẽ nhận mọi trách nhiệm, nếu chuyến lưu diễn đó thất bại. Đền bù tiền bạc thì không ngại, bao nhiêu năm đi hát Dũng Thanh và gia đình tích cóp cũng có dư chút đỉnh, đủ trang trải cho đoàn, nếu như... Vấn đề là danh dự cá nhân, sự tồn tại và phát triển của Đoàn.
Có người không làm điều lợi cho đoàn, trái lại còn vụ lợi từ đoàn, thâm tâm họ vẫn muốn kế hoạch thất bại. Ai chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Được sự ủng hộ của các diễn viên trẻ, sự đồng thuận của ông Tư Hiếu, Dũng Thanh dẫn đoàn đi lưu diễn miền Trung. Không ngờ chuyến lưu diễn đó thành công vang dội. Với lực lượng diễn viên trẻ đồng đều, kịch mục mới, hấp dẫn với bảng hiệu một đoàn lớn, doanh thu của đoàn cứ tăng mạnh, cải thiện đời sống của tập thể đoàn, tích lũy trả nợ dần. Từ đó, Đoàn Sài Gòn 3 đi lưu diễn nhiều vào mùa nắng, mùa mưa về thành phố.
Trong vòng 3 năm. với sự lèo lái của Dũng Thanh, đoàn đã trả hết nợ, sống được bằng doanh thu của mình. Ông Tư Hiếu thanh thản nghỉ hưu, Dũng Thanh được Sở Văn hóa Thông tin TPHCM bổ nhiệm vào vị trí Trưởng Đoàn Sài Gòn 3, đánh dấu sự thành công khác của Dũng Thanh trong vai trò nhà quản lý, làm lu mờ vai trò của Dũng Thanh từng là một giọng ca ăn khánh của sân khấu cải lương.
Sự thành công của Dũng Thanh ở Đoàn Sài Gòn 3, có người cho là ăn may, có người cho rằng Dũng Thanh khéo tính toán, biết nắm bắt cơ hội. Thật ra, Dũng Thanh về đoàn với tư cách là diễn viên, khi đoàn kiệt quệ tài chính, ban phụ trách mới vận động Dũng Thanh vào làm phó đoàn phụ trách tài chính để lo cơm áo gạo tiền, đúng hơn là giao cục nợ.
Ban đầu cứ nghĩ mình là thành viên của đoàn, thì cùng gánh vác khó khăn với đoàn, nhưng đoàn ngày càng lún sâu vào nợ nần vì những toan tính của vài thành viên trong ban lãnh đạo đoàn. Dũng Thanh ở cái thế đã rồi, làm cũng chết, mà bỏ, mình cũng chết theo. Phải cứu đoàn, thì mình mới cứu được mình, chính ở trong thế nguy đó mà Dũng Thanh đã có quyết định táo bạo, vạch ra kế hoạch cải tổ đoàn thông qua Ông Tư Hiếu Dũng Thanh không làm việc bằng cảm tính, mà rất khoa học.
Với kinh nghiệm và sự nhạy bén của một diễn viên trẻ ăn khách, đi qua nhiều đoàn lớn nhỏ, lưu diễn hiều nơi, cộng với tính tổ chức, kỷ luật được rèn dũa từ môi trường quân đội và bản thân là người rất quyết đoán, biết lắng nghe và có cả sự háo thắng của tuổi trẻ. Trong quá trình điều hành Đoàn Sài Gòn 3, Dũng Thanh luôn chấp hành nghiêm túc sự quản lý Nhà nước của Phòng Sân khấu, của Sở Văn hóa Thông tin TPHCM, là đoàn Tập thể có ý thức tổ chức tốt nhất.
Cái giá cho sự thành công cũng cay đắng lắm, có nhiều dư luận xì xầm, bàn tán về Dũng Thanh, có lúc anh buồn nản, muốn buông xuôi tất cả, trở về cuộc sống bình thường của một kép chánh, hơn là phải làm trưởng đoàn mà lúc nào cũng như cứ ngồi trên bàn chông. May mắn là lãnh đạo Sở Văn hóa thời ấy, luôn sâu sát, chỉ đạo, động viên kịp thời, luôn có niềm tin vào người trưởng đoàn trẻ tuổi.
Nhớ lại thời kỳ ấy Dũng Thanh không dấu được vẻ xúc động, và luôn biết ơn sự tin tưởng, thấu hiểu, cùng với đoàn tháo gỡ những khó khăn, giúp đoàn sống vững, giúp Dũng Thanh hoàn thành trách nhiệm của Phòng Sân khấu, của Sở Văn hóa Thông tin TPHCM.
ĐOÀN CẢI LƯƠNG TẬP THỂ ĐI HỘI DIỄN...
Kỷ niệm sâu sắc nhất là Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 tại TPHCM.
Sau khi thoát nợ, Đoàn cải lương Sài Gòn 3 là nơi qui tụ nhiều diễn viên trẻ đang lên, tạo nên gương mặt mới tràn đầy sinh lực. Đối thủ đáng gờm cho những đoàn cải lương mạnh khác. Đoàn quyết định tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 bằng nguồn kinh phí tự lực của mình, có sự hỗ trợ thêm một ít tiền của Sở Văn hóa Thông tin thành phố.
Đoàn chọn vở Khu vườn của ngoại của tác giả Lê Văn Duy - Đức Hiền, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá. Trong khi các đơn vị quốc doanh bề thế được Nhà nước đầu tư lớn trong Hội diễn này chỉ đoạt Huy chương Bạc, Huy chương Đồng, một số đoàn mạnh khác của thành phố trắng tay, chỉ có Đoàn Sài Gòn 3 và Trần Hữu Trang 3 gỡ gạt lại thể diện cho đơn vị đăng cai là TPHCM.
Ngoài 1 Huy chương Vàng cho toàn đoàn, còn có thêm 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương bạc của diễn viên. Nhắc lại điều này để thất Đoàn Sài Gòn 3 cải tổ và đi đúng hướng, dấu ấn của Trưởng đoàn Dũng Thanh là yếu tố quyết định. Dũng Thanh nhớ để hãnh diện, tự an ủi mình, nhưng cũng nhớ mà chua xót cho phận Trưởng đoàn cải lương tập thể, chưa ăn xôi đã chịu đấm, nếu không có bản lãnh chịu đựng, chưa biết bây giờ sẽ ra sao?
Sau năm 2000, hoạt động doanh thu của các đoàn cải lương rất khó khăn, như bao nhiêu đoàn khác, Đoàn cải lương Sài Gòn 3 ngưng hoạt động. Là người nhạy bén, am tường luật pháp, chính sách chủ trương của Nhà nước trong giai đoạn mới, Dũng Thanh đứng ra vận động, tư vấn cho các đoàn cải lương tập thể như Thanh Nga, Phước Chung, Hương Mùa Thu, Huỳnh Long, Minh Tơ và Đoàn Sài Gòn 3 mua nhà hóa giá theo chính sách của Nhà nước.
Nhờ vậy mà nhiều nghệ sĩ nghèo đa mua được nhà, ổn định việc học hành cho con cháu, có nơi định cư, tìm được công việc thích hợp sau khi rời ra sân khấu. Công việc này, vào thời điểm đó, nhiều trưởng đoàn mù tịt, hoặc hiểu lơ mơ, không dám làm gì hết, đều nhờ Dũng Thanh giúp, anh hướng dẫn tận tình, không công, miễn sao giúp được nghệ sĩ.
Mấy năm nay, Dũng Thanh lập công ty tổ chức biễu diễn, sự kiện trên cơ sở của Đoàn cải lương Sài Gòn 3 , qui tụ một số diễn viên trẻ hợp đồng lưu diễn nhiều nơi. Máu nghề vẫn còn nấu nung, ca hát cải lương đã thành cái nghiệp. Ngoài việc hát phục vụ giải trí, Dũng Thanh còn kết hợp với một số doanh nghiệp làm công tác từ thiện.
Đã cất được 7 căn nhà tình thương, tình nghĩa; tặng nhiều phần quà giá trị cho nhiều đối tượng khác nhau ở vùng sâu, vùng xa. Nhớ về sân khấu, Dũng Thanh chỉ nói ngắn gọn "Cải lương đi xuống vì đã lệch hướng rồi, chớ làm đúng, làm hay thì không đến nỗi nào, không biết người ta có thấy hôn...". Đúng là suy nghĩ của nhà quản lý giỏi, nhiều kinh nghiệm...