Vậy là Cao Thúy Vy đã có hơn bảy năm trời, nếm trải mùi vị của Ngôi sao vọng cổ (tên gọi lần tổ chức thứ I bây giờ đổi là Chuông vàng vọng cổ) về thứ ba, sau Võ Minh Lâm và Hồ Ngọc Trinh. Vì là lần đầu tiên tổ chức, nên giải năm đó lắm nhân tài ứng thí, chiến thắng thật vinh quang.
Những người đứng ở 10 hạng đầu bây giờ hầu hết đã thành danh, chỉ một vài người không theo nghề chuyên nghiệp, song họ vẫn bám phong trào, cho thỏa niềm đam mê đàn ca của mình.
Với Cao Thúy Vy hơn 7 năm nhìn lại vui buồn pha lẫn, nhưng có lẽ buồn nhiều hơn vui, phận nghệ sĩ hát cải lương giờ đây long đong quá, bon chen quá, vật chất và danh vọng cuốn xoáy những người trẻ mê ca hát vào cơn lốc nghiệt ngã, không phải do nghề mà do thế lực, do nhóm lợi ích tung hoành, tìm một sân khấu đúng nghĩa như đã từng được rao giảng khó quá, khác gì xuống biển mò châu, lên non tìm trầm.
Có lẽ vì quá mệt mõi Cao Thúy Vy đã chọn con đường khác để vẫn làm nghề, nuôi dưỡng niềm đam mê sân khấu vẫn luôn cháy rực sôi trào, bằng cách thi vào khoa Đạo diễn sự kiện (hệ đại học chính qui), đã học xong năm thứ nhất, bắt đầu học tiếp năm thứ hai.
May mắn sao trong trường Đại Học Văn Hóa có cô giáo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, xuất thân là cô gái miền Tây sông nước, cô đang nghiên cứu, ứng dụng đưa đờn ca tài tử vào sân khấu học đường, phải làm sao cho giới trẻ hiểu, đất nước mình đang có một bộ môn nghệ thuật dân tộc rất hay, nếu không khéo giữ gìn, phát triển sẽ mai một, thất truyền vào một thời gian không xa.
Còn mà không biết giữ, mất sẽ khó khôi phục lại. Giới trẻ ngày nay chưa biết nhiều về đờn ca tài tử, về sân khấu cải lương, một thời gian dài đứt mạch giao lưu giữa thế hệ trẻ với ca kịch cải lương, bằng mọi cách phải làm cho mối quan hệ nầy sống lại…
Cùng đồng cảm với cô giáo của mình, Cao Thúy Vy tình nguyện làm diễn viên đi diễn minh họa cho các bài giảng, thuyết trình của cô Mai thêm sinh động, hấp dẫn. Với Cao Thúy Vi đi đờn ca tài tử như sự trở về nguồn thú vị, nhiều cảm xúc. Ngày trước, cũng từ cái nôi đờn ca tài tử ấy ở quê nhà ra đi, bằng cảm nghĩ nhẹ nhàng, bình dị, đơn giản chỉ là niềm đam mê ca hát, nhu cầu được hát những bài bản, vọng cổ là món ăn tinh thần thường ngày của người dân Nam bộ.
Cao Thúy Vi đã hát bằng cả trái tim của mình với tình cảm đó, Vy nhìn ông nội cả đời mê và đánh đờn rất hay, truyền nghề lại cho con cháu, rồi ba mình, hay các cô, các chú đều là những tay đờn ca tài tử tầm cỡ, tuổi thơ của mình được ru võng từ những cuộc đờn ca ấy. Tám tuổi đã lên sân khấu, ca cứng nhịp, đúng giọng, xứng đáng là con nhà nòi.
Mười lăm tuổi vừa đi học phổ thông, vừa cộng tác với đoàn nghệ thuật Tổng hợp Tỉnh Tiền Giang. Vy hát đủ thể loại từ tân cổ giao duyên, bàn nhỏ, bài bắc, oán đến nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, hay những hành khúc hùng tráng với tốp ca nam nữ, đi phục vụ bà con trong tỉnh.
Những lúc đi diễn bằng thuyền máy đậu cặp mé sông, bà con đứng chật trên bờ, vui mừng tán thưởng, đêm diễn như ngày hội lớn, bà con mình yêu vọng cổ quá, những kỷ niệm ấy làm sao quên được, càng thôi thúc Vy mau làm nghệ sĩ. Đúng mười tám tuổi, sau khi tốt nghiệp phổ thông Vy chính thức ký hợp đồng với đoàn, trở thành diễn viên nồng cốt. Năm 2001, lần đầu đi thi được giải I Giọng ca cải lương Tiếng hát truyền hình Tỉnh Bến Tre.
Liên tiếp mấy năm sau 2 lần đoạt HCV trong hai kỳ liên hoan đờn ca tài tử do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Rồi đến năm 2005, đoạt HCB trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc bằng vai mụ. Sau khi đoạt giải III Ngôi sao vọng cổ (nay là Chuông vàng vọng cổ) năm 2006, Vy mừng lắm, những tưởng sẽ trụ được ở sân khấu chuyên nghiệp của tỉnh nhà, chuyện đời không giống ý mình, môi trường ấy không còn phù hợp cho Vy làm nghệ thuật, nói đúng hơn Vy đã bị bỏ bên rìa vì chưa phải là “ngôi sao” để được hưởng những biệt đãi của đoàn, vốn rất chuộng sao.
Biết phận mình non kém, Vy âm thầm nén nước mắt ra đi, một cuộc ra đi không hề mong muốn, nhưng không thể ở lại được nữa, mái nhà chung ấy đâu còn chổ cho mình, thôi thì cứ đi, tới đâu lo tới đó. Lên TPHCM buổi đầu còn bỡ ngỡ, đi hát rong mà tuổi thân lắm, dù đã có Ngôi Sao Vọng Cổ lận lưng. May sao lãnh đạo Đoàn văn Công Quân Khu 7 biết khả năng, nên mời về cộng tác với đoàn.
Nhiều năm sống có nề nếp trong đoàn nghệ thuật nhà nước, chuyện hòa nhập với đơn vị nghệ thuật quân đội khá dễ dàng, nơi đây đã chấp cánh cho Vy bay cao, những buổi phục vụ văn nghệ trong các binh chủng như trong đại gia đình, Vy đón nhận tình cảm thương yêu của bộ đội dành cho nghệ sĩ Văn công như người thân ruột thịt.
Ngoài giờ sinh hoạt đơn vị tại nơi đóng quân, hay những lúc đi hát phục vụ, thời gian còn lại vẫn được cho phép đi diễn giao lưu bên ngoài, nhờ vậy mà Vy có dịp cùng cô Lệ Thủy, chú Minh Vương, chú Thanh Tuấn, cô Thanh Kim Huệ… tham gia sân khấu vàng, một mơ ước cả đời không dễ gì có được. Rồi với vai Cua, vai Tiêu Phi Yến, vai Hoàng Hậu… trong các chương trình sân khấu truyền hình Ngân Mãi Chuông Vàng, Vy đã cùng các bạn Chuông Vàng “rung chuông” cho khán giả thưởng thức.
Có lúc nằm mơ thấy có nhiều sân khấu hát cải lương, mình đứng diễn trên những sân khấu hoành tráng đó… giấc mơ đẹp quá… Việc học đại học cũng được chỉ huy đơn vị khuyến khích, nhờ đó, dù học hệ chinh qui rất bận rộn, Vy vẫn không gặp khó khăn gì. Vy bây giờ như đứa em, đứa con của Quân khu 7, của Đoàn Văn Công Quân Khu 7.
Trong những ngày nối biển đảo với đất liền, Cao Thúy Vy rất vinh dự hai lần được mời tham gia cầu truyền hình, ra Trường Sa, đảo Song Tử Tây diễn, thăm bà con và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài biển đảo quê hương, đi nhiều, diễn nhiều cho quân đội, Vy tâm nguyện ngày nào còn hát được, ưu tiên hát cho bộ đội.
Bây giờ dự tính tương lai rất rõ ràng, không còn lan man nữa, trước mắt học cho xong đại học, vẫn đi hát với đoàn Văn Công Quân Khu 7, vẫn đồng hành cùng cô Mai, những công việc này là đam mê, tâm huyết một đời, Vy đang phấn đấu để tiếp tục theo đuổi ước mơ của với ngọn lứa luôn bùng cháy, mặc cho đời nhiều mưa bão.