Đêm chung kết xếp hạng chuông vàng vọng cổ 2012, Huyền Trang xuất sắc vượt lên đoạt HCV, một sự bức phá ngoạn mục như một tay đua kiệt xuất, đã bức phá bằng tốc độ thần tốc ở những mét sau cùng, qua các đối thủ để về đến đích, trong cuộc đua gay go , quyết liệt, đồng sức ,đồng tài. Đồng thời đoạt luôn giải thưởng do hội đồng giám khảo báo chí trao tặng cho thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi.
Nếu trong phần thi cầm bài ca hát tại chỗ, Trang điềm tĩnh vững vàng hát tròn bài, không bị sai nhịp, hành văn, sắp chữ mạch lạc, khẳng định bản lĩnh của một giọng ca sáng giá; thì trong vai bà Lê Thị Điền-phu nhân của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ở phần thi diễn trích đoạn cải lương.
Huyền Trang diễn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, phong cách đĩnh đạc, biểu cảm tâm lý sâu sắc, tinh tế từng ánh mắt, từng nét nhíu mày thể hiện tính cách nhân vật trong nỗi âu lo thương chồng, đồng thời phải bình tĩnh đối phó với mưu gian, kế hiểm của kẻ thù đang bủa lưới giăng chờ.
Lối diễn chân thực, giàu cảm xúc kết hợp với giọng ca ngọt ngào, trong sáng, mùi mẫn, ca trong diễn để bộc lộ nội tâm nhân vật. Huyền Trang thể hiện một bà Lê Thị Điền gần gũi, thông minh, xứng đáng là bạn đời tri âm, tri kỷ của một nhà thơ lớn.
Huyền Trang đã chinh phục Ban giám khảo-những cây cổ thụ của sân khấu cải lương. Để có những giọt nước mắt hạnh phúc trong đêm nhận giải vàng, đã bao lần Huyền Trang trượt ở những cuộc thi khác, đã bao lần phải vượt qua nghèo khó, buôn bán mưu sinh để dẹp qua một bên nỗi đam mê ca hát.
Càng khó khăn, càng thất bại, Huyền Trang càng cố gắng vươn lên, không cam chịu bó tay trước những gian nan của cuộc sống. Một cô gái đầy bản lĩnh! ….
Tên thật là Phạm Thị Huyền Trang, sinh năm 1986 tại quê cha-một làng quê xa xôi thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu; mẹ là người Vĩnh Long. Cả nhà bên ngoại đều biết đờn ca tài tử, người cậu thứ 3 đờn ghirta phím lõm rất hay.
Từ năm 8-9 tuổi, Trang đã yêu thích cải lương, mê nhất là Vũ Linh-Ngọc Huyền; trưa trưa thường hay lấy nhánh bình bát làm kiếm, lấy khăn rằn làm hoàng bào đóng vai công chúa, tiểu thơ; lời ca tự chế, tự hát cương. Từ nhỏ không có giọng nói con nít, tiếng như người lớn, cá tính mạnh mẽ, thích chuyện gì là phải làm bằng được.
Những năm tháng đó, ở Bạc Liêu còn rất nghèo, gia đình Trang làm đầu tắt, mặt tối vẫn không đủ ăn. Cậu ba có ghe lớn đi mua lúa khắp miền Tây, lần ghé qua nhà thấy cảnh khổ của em gái mới rước về quê ngọai ở Vĩnh Long sinh sống.
Năm lên 10 tuổi, Trang thích hát lắm, ba mẹ biết con gái có năng khiếu nhưng chưa biết cách nào định hướng tương lai cho. Buổi trưa, ba đang ngồi đương mê bồ (đan bồ) nuôi vịt, có người chị họ nghe Trang hát, khen hay nên đến nói với ba cho Trang đi học hát.
Thầy Lưu Minh Sang là tay đờn có tiếng ở Vĩnh Long, dù nghèo nhưng ba vẫn quyết tâm tầm sư cho con học nghề. Để tiện việc học, ba mướn nhà cho Trang ở gần nhà thầy, suốt 02 năm trời theo học “ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài”. Ước muốn trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn thôi thúc trong lòng.
Cố gắng học văn hóa để thi vô trường sân khấu nhưng rồi hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trang phải theo phụ mẹ đi bán trái cây, từ đó gia đình sống kiếp thương hồ, nổi trôi trên sông nước, xuôi ngược qua các chợ Miền Tây.
Những buổi tập đờn ca trên sông giúp Trang tạm quên cuộc vất vả mưu sinh. Bốn năm sau (năm 2007), Trang mới có dịp trở lại quê ngoại, tỉnh Vĩnh Long có cuộc thi vọng cổ, giải Út Trà Ôn.
Trang đăng ký dự thi, đạt giải khuyến khích; không ngờ lọt vào mắt xanh của Đoàn văn công Quân khu 9, lãnh đạo đến gặp gia đình xin cho Trang vào đoàn; được sự đồng ý của ba mẹ, Trang về hát cho đoàn được 02 năm.
Đoàn văn công Quân khu 9 hát ca nhạc nhiều, ít hát cải lương nên năm 2009 Trang xin ra khỏi đoàn đi ca vọng cổ cho thỏa thích.
Năm 2010, được giải nhất Tiếng hát phát thanh toàn quốc tổ chức tại Kiên Giang, Ban tổ chức không phát giải liền mà đợi đến ngày lễ mới tổ chức trao giải; dù biết chắc mình đoạt giải, về nhà Trang vẫn cứ lo, cứ sợ giờ chót bị mất giải, nỗi lo vu vơ đáng yêu của người mê nghiệp hát. Năm 2011, đạt Huy chương đồng giải Bông lúa vàng, đạt luôn giải thí sinh hát bài bản hay nhất. Năm 2012, thi Chuông vàng vọng cổ.
Sở hữu chất giọng kim pha chút ít thổ, làn hơi khỏe. Khi ca Trang chú ý đến diễn cảm hơn là khoe giọng, kỹ thuật vững vàng, rất tự tin khi ca. Vóc dáng đẹp, đúng chuẩn của một cô đào chánh, nếu có sân khâu, được đầu tư tốt chắc chắn đây là một ngôi sao sân khấu ca, diễn song toàn trong tương lai gần. Những vai diễn: Cô Bạch (Con cò trắng), Hạ Cơ (Xin một lần yêu nhau) bước khởi đầu cho những vai diễn tốt của Trang.
Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đối với Trang là kỷ niệm sâu sắc, lớn nhất trong đời. Ba đã cạo đầu, ăn chay cầu nguyện cho con gái. Từ vòng chung kết 3 trở đi, ba mở tivi từ trước 6h chiều, thấp thỏm chờ đợi. Trang vượt qua vòng nào, ba khóc mừng vòng nấy. Thầy Hữu Lộc tận tình chỉ dạy, nếu không có Thầy thì Trang không đủ tự tin để biểu diễn vai bà Lê Thị Điền.
Nhạc sĩ Hoàng Thành đờn, chỉ Trang cách ca, cách luyến láy, bỏ nhịp…. Anh Chiêu Hùng đã thắp nhang vái tổ cầu cho Trang… Nhiều lắm, từ việc lớn đến việc nhỏ, các anh trong Ban tổ chức, các nghệ sĩ diễn chung đã giúp Trang rất nhiều; vừa quý trọng, Trang vừa biết ơn. Trang giữ tất cả làm kỷ niệm trong thành công của mình.
Hiện Huyền Trang đang cộng tác với Nhà hát Tây Đô-Thành phố Cần Thơ, chờ tập tuồng mới, chờ vai diễn hay. Hy vọng trong năm 2013, Ngân mãi chuông vàng sẽ có những vai diễn mới cho Trang. Đang phấn đấu trở thành một nghệ sĩ sân khấu đúng nghĩa.
Lúc rãnh rỗi, Trang cũng tập tành viết bài ca vọng cổ, đã có gần 50 bài hoàn chỉnh, một số được các bạn thu phát thanh, phát hình. Tình yêu dành cho cải lương chiếm lĩnh trọn trái tim người nghệ sĩ trẻ, có tính cách mạnh mẽ, giàu cảm xúc, thẳng thắn, chân tình. Đường đến đỉnh ngôi sao đang chở Huyền Trang khám phá.