Chuẩn bị mọi tiềm lực để tổ chức festival Đờn ca tài tử lần thứ I
Trong thời gian chờ đợi UNESCO đưa Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại, mới đây Bộ VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch số 1682/KH-BVHTTDL về việc quảng bá nghệ thuật ĐCTT Nam bộ rộng khắp cả nước và quốc tế. Với vai trò là đơn vị vinh dự được Bộ VH-TT&DL giao quyền đăng cai tổ chức festival ĐCTT lần thứ I, Bạc Liêu đang xúc tiến quảng bá và chuẩn bị chu tất mọi tiềm lực để xứng tầm với sự kỳ vọng này! Cụ thể hóa kế hoạch… Với mục đích tôn vinh giá trị của di sản nghệ thuật ĐCTT Nam bộ thông qua nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh của các tỉnh Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung; tạo cơ hội giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong nước và hội nhập quốc tế; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, trình diễn, quản lý và phát huy giá trị của DSVHPVT nói chung, nghệ thuật ĐCTT nói riêng, Kế hoạch số 1682 đã bao hàm nhiều nội dung và chương trình hoạt động đầy ý nghĩa. Đó là việc tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về di sản đến kiều bào nước ngoài, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 và cộng đồng quốc tế; viết bài giới thiệu về nghệ thuật ĐCTT trên các phương tiện truyền thông; phối hợp với Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Bộ Ngoại giao để giới thiệu, quảng bá cho Hồ sơ nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong khuôn khổ các hoạt động ngoại giao văn hóa của ta ở trong và ngoài nước; tổ chức giới thiệu, lồng ghép di sản vào các ngày lễ, sự kiện, festival… trong nước và quốc tế.
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trong chương trình “Giai điệu phương Nam” lần thứ 14, tổ chức tại Bạc Liêu. Ảnh: K.C
Để ĐCTT Nam bộ thật sự xứng đáng là DSVHPVT của nhân loại, hơn bao giờ hết, chúng ta phải có một chiến lược quảng bá lâu dài, trước hết là để nhân dân cả nước thấm sâu tận gốc rễ những tinh hoa của nghệ thuật ĐCTT, để từ đó thấu hiểu, yêu thương và theo cách của riêng mình, mỗi người sẽ có những hành động thiết thực để sẻ chia cho cộng đồng và bạn bè năm châu tinh túy của di sản. Là địa phương được mệnh danh là “chiếc nôi” của ĐCTT, quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - “cha đẻ” của bản “Dạ cổ loài lang” (DCHL), Bạc Liêu càng ý thức rõ ràng hơn trọng trách nặng nề ấy!Đất Tổ cổ nhạc Bạc Liêu hàng năm đều long trọng tổ chức lễ hội DCHL để tưởng nhớ công ơn của các tiền nhân có công khai sáng nghệ thuật ĐCTT; đồng thời, để các nghệ sĩ, nhạc công giao lưu, học hỏi kinh nghiệm góp phần quảng bá nghệ thuật ĐCTT đến khán giả mộ điệu và bạn bè gần xa. Khi đến Bạc Liêu, du khách có thể nghe ĐCTT không chỉ ở khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mà ở mỗi điểm du lịch sinh thái, mỗi phường - xã, xóm - ấp… của Bạc Liêu, đâu đâu cũng có những thanh âm khoan nhặt bổng trầm của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Mỗi lần Bạc Liêu đăng cai tổ chức các giải đấu thể thao quốc tế, cũng chính là cơ hội để người Bạc Liêu chung tay cùng cả nước đưa nghệ thuật ĐCTT đến gần hơn với bạn bè năm châu. Đó cũng là những việc làm thiết thực mà từ trước đến nay Bạc Liêu góp công để ĐCTT Nam bộ tiến nhanh trên lộ trình trở thành DSVHPVT của nhân loại. Dồn tâm sức để đầu tư xứng tầm Bạc Liêu sẽ đăng cai tổ chức festival ĐCTT lần thứ I vào năm 2014. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Bạc Liêu trên hành trình “đi lên từ văn hóa”, lấy văn hóa làm sức mạnh nội sinh, làm động lực thúc đẩy sự phát triển. Trong khi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TP. HCM, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau… phong trào ĐCTT nở rộ, phát triển rộng khắp với nhiều đoàn cải lương danh tiếng; dàn nghệ sĩ, nhạc công với nhiều tên tuổi lẫy lừng làm rạng danh sân khấu cải lương, nghệ thuật ĐCTT thì Bạc Liêu lại là một tỉnh lẻ chỉ có một đoàn cải lương chuyên nghiệp, còn lại là các câu lạc bộ ĐCTT đơn lẻ ở các địa phương. Nếu đặt trong thế đối sánh kia, xem ra Bạc Liêu có vẻ hơi “lép vế”. Song bù lại, nơi đây là cố hương của bản nhạc lòng DCHL bất hủ và nếu không có Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, không có DCHL thì liệu rằng có được DSVHPVT của nhân loại đang đệ trình như ngày nay? Để xứng tầm, cũng như tạo ra những dư vị đẹp cho festival ĐCTT đầu tiên, Bạc Liêu đang dồn tâm sức để đầu tư nhiều hạng mục, công trình văn hóa trọng điểm nhằm phục vụ đắc lực cho ngày vui trọng đại ấy. Đó là việc nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường nội ô; đầu tư xây dựng thêm một số công trình, hạng mục tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu; sớm hoàn thành biểu tượng cây đờn kìm tại quảng trường Hùng Vương để tạo điểm nhấn văn hóa; chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh của các dịch vụ tại các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ vận động kinh phí và thi công công trình Núi Quan Âm tại Quán âm Phật đài để thu hút du khách trong dịp festival diễn ra… Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các câu lạc bộ ĐCTT, các nghệ nhân, nhạc công, cán bộ văn hóa, các ngành, đơn vị hữu quan cần nêu cao trách nhiệm trong việc tập dượt, trình bày, biểu diễn, giới thiệu, quảng bá… di sản theo hướng chuyên nghiệp, tinh tế, có chiều sâu; đồng thời, cần nêu bật phong cách người Bạc Liêu lịch sự, văn minh, hiếu khách để gây ấn tượng trong lòng du khách. Bà con nào biết đờn, ca thì hãy dùng lời ca, tiếng hát của mình để “níu chân” du khách, còn nếu ai không có sở trường ca hát vẫn có thể dùng sự am hiểu của mình về nghệ thuật ĐCTT, về hoàn cảnh ra đời bản DCHL, về tiểu sử bác Sáu Lầu… để chinh phục bạn bè gần xa. Tin rằng, khi tất cả mọi người cùng đồng thuận, cùng dốc toàn tâm toàn sức thì Bạc Liêu sẽ xuất sắc hoàn thành trọng trách của mình!