Tiếp theo đây mời cả nhà nghe vở tuồng”Tiếng Hạc Trong Trăng” của hai soạn giả Loan Thảo và Yên Ba, do Thanh Nga, Thành Được, Thanh Sang cũng những nghệ sĩ tài danh gạo cội ca diễn. Đây là một đoạn ca kịch bi hùng hương xa về tình phụ tử, chuyện người cha chịu đui mù, móc mắt tặng cho con nhưng người con từ khước ân tình vì cha mình là tên cướp, do đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trình diễn trên sân khấu và truyền hình, một thời làm xao xuyến lòng người, lấy nước mắt khán giả Miền Nam trước năm 1975. Thanh Nga vai Xuyên Lan, Thành Được vai tướng cướp Thi Đằng, Thanh Sang vai tráng sĩ Tô Điền,.... đạo diễn Đông Phương Tử, âm nhạc Phượng Linh. Nhắc đến Đông Phương Tử - Phượng Linh thì người ta luôn nhớ đến một nhạc sĩ tài hoa trước 1975 là Nguyễn Văn Đông. Vở tuồng có nội dung rất hay và chuyển biến sâu sâu xa, những oán thù của nhiều năm về trước và nhiều uẩn khúc chưa được giải tỏa. Vở tuồng kết thúc để lại nhiều suy nghĩ cho người nghe, nhiều khán giả phải đặt câu hỏi:" Rồi Xuyên Lang có nhận được Thi Đằng là cha mình hay không? Rồi Thi Đằng bỏ đi và đi về đâu, sống như thế nào,...?" Thù oán giải quyết xong, Lý Gia Trang tan rã, Lý Bình Thanh chết, Lý Phu Nhân chết,... Tướng cướp độc tí Thi Đằng (Vương Thiết Thạch) tìm lại được nguồn vui an ủi cuối đời là tìm được đứa con gái và làm tròn bổn phận người cha... Tuồng cải lương khá dài, thuộc trường phái ca diễn rất nhiều và thoại ít, mỗi câu thoại trong tình tiết luôn kịch tính. Đây là vở tuồng hiếm hoi Thành Được đóng vai cha của Thanh Nga, đoạn cuối tại gia cang thần y Đông Trạch là đoạn xúc động nhất trong tuồng:"
Té re tôi đã vô tình khơi gợi nổi buồn của tiểu thơ....
Đã chôn vùi tận đáy lâm sơn.
Vì tôi tưởng đâu chỉ riêng mình cô đơn
Ôi trời già sao mà oái oăm..."
Xuyên Lan vẫn thắc mắc trong suy nghĩ của mình:
"Xin cho tiện nữ được rõ đuôi đầu
Bởi duyên cớ nào người thương tưởng tấm thân tàn tật.
Tìm đến nơi hoang tịch, dâng cho tiện nữ đôi mắt ngọc vàng"
Thi Đằng cho đó không phải là sự thương xót mà đó là bổn phận của mình:
"Tiểu thơ đừng tìm hiểu sự hi sinh.
Cũng như một cành mai, đến độ trổ bông đừng ai quá bận lòng..."
Đến phút cuối cùng Thi Đằng vẫn giấu nhẹm Xuyên Lan là con ruột của mình. Câu xuống xề 6 Thành Được ca nức nỡ, khiến người nghe xúc động, câu ca lấn khuôn, không theo nhịp và rất khó ca nhưng Thành Được ca rất ngọt ngào:"Không, không phải ta thi ân mà đó là bổn phận của một người đối với con... con người bất hạnh. Tuy mới 2 lần gặp gỡ mà ta cảm thấy thương mến Xuyên Lan như đứa con ruột thịt, nếu ta phải hy sinh đời mình cho nó được niềm vui trong cuộc sống thì ta vẫn vui lòng..." Loan Thảo và Yên Ba đã sáng tác nên một tuyệt phẩm của SKCL.
+ Nhắc đến Nguyễn Văn Đông, trước 1975, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã từng là Giám Đốc Nghệ Thuật cho các hãng băng đĩa Continental, Sơn Ca ... Ông phụ trách nhiều chương trình tân nhạc chọn lọc có giá trị với sự cộng tác của nhiều ca nhạc sĩ nổi danh thời đó. Ngoài tên Nguyễn Văn Đông, Ông còn dùng bút hiệu khác như Vì Dân, Phượng Linh và đặc biệt là tên Đông Phương Tử cho tân cổ nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông là người duy nhất ở lãnh vực tân nhạc đã xông xáo vào trong sinh hoạt cổ nhạc miền Nam từ đầu thập niên 1960. Khi ấy ông là Giám Đốc Nghệ Thuật của các hãng băng đĩa nhạc Continental - Sơn Ca, chủ trương đưa bộ môn cổ nhạc phát triển song hành cùng với tân nhạc. Các soạn giả cổ nhạc tài ba như Nguyễn Phương, Hoàng Khâm, Năm Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Viễn Châu, Duy Lân đều có đóng góp tác phẩm cho Hãng đĩa Continental - Sơn Ca, một thời làm vang dậy tên tuổi những tài danh như Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, Hùng Cường,... thông qua số lượng đĩa nhựa 33 và 45 tours được yêu thích phát hành khắp Miền Nam thuở đó. Các danh cầm như Văn Vĩ, Năm Cơ, Hai Thơm rất được trọng dụng, được đón mời bằng những hợp đồng đắt giá. Bước sang lãnh vực cổ nhạc, Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông lấy thêm bút danh là soạn giả Đông Phương Tử và Nhạc sĩ Phượng Linh. Ông đã thực hiện hàng trăm chương trình ca nhạc Tân cổ giao duyên và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng thuộc loại kinh điển của Miền Nam như các vở: Nửa Đời Hương Phấn, Bóng Chim Tâm Cá, Sân Khấu Về Khuya, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tuyệt Tình Ca, Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, San Hậu,....