Nam danh ca vọng cổ Út Trà Ôn được khán giả ái mộ và báo kịch trường thường xuyên nhắc nhở trong mấy chục năm liền. Còn nữ danh ca Thanh Hương thì ít được nhắc tới vì cô mất sớm( năm 1974) và vì một chuyện tình riêng của cô mà dư luận thời đó không tán thành và báo chí kịch trường cũng lên án nên không nhắc nhở đến tên tuổi của Thanh Hương.
Song thân của Thanh Hương
Mẫu thân của Thanh Hương là nữ danh ca Tư Sạng. Cô Tư Sạng là nữ danh ca được hãng dĩa Asia ký hợp đồng độc quyền thu thanh giọng ca của cô trong thập niên 1940 đến 1955, cô Tư Sạng nỗi danh với các bộ dĩa Trãm Trịnh Ân, đào Tam Xuân báo phu cừu, xủ án Bàng Quí Phi, Hoa rơi cửa phật tức chuyện tình Lan và điệp, và rất nhiều dĩa ca vọng cổ độc chiếc mà đến ngày nay thính giả còn nhắc nhở như các dĩa đêm Khuya trông chồng, Tình Mẩu Tử.
Sáu câu vọng cổ Tình Mẩu Tử do cô Tư Sạng ca, một thời đã là khuôn vàng thước ngọc để dạy các cô gái cách cư xử khi về nhà chồng. đêm hôm trước lễ tân hôn, nhà gái thường tổ chức nấu tiệc cổ bàn chuẩn bị đón gia đình họ đàn trai và chàng rể, đồng thời là đêm tâm sự, đưa tiển con dâu, người ta thường cho hát dĩa hát Tình Mẫu Tử của cô Tư Sạng ca, xem đó là lời giáo huấn con gái trước khi về nhà chồng.
Nữ nghệ sĩ Thanh Hương thừa hưởng gương mặt đẹp của cha và giọng ca vàng của mẹ. Vào thập niên 1950, khi hãng dĩa Hồng Hoa( hãng dĩa Asia đổi tên) tung ra thị trường dĩa vọng cổ Cô Bán đèn hoa giấy ( tác giả Quy Sắc, ca sĩ Thanh Hương) Thanh Hương nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của làng dĩa nhựa : các rạp hát khi hát quảng cáo bằng loa phóng thanh trước cửa rạp đều có hát bài vọng cổ Cô Bán đèn hoa giấy của Thanh Hương ca. đài Phát Thanh Saigon và đài Phát Thanh Quân đội trong chương trình ca cổ cũng thường cho hát bài Cô bán đèn hoa giấy theo lời yêu cầu của thính giả của đài.
Lúc đó Thanh Hương và Út Bạch Lan là hai giọng ca nữ ăn khách nhất của sân khấu và của hãng dĩa. Sức hấp dẫn của giọng ca Thanh Hương là âm vực cao, tiếng rất trong trẻo, vang lộng, ngọt ngào mà khi ca những đoạn lâm ly thì nghe cũng rất mùi, rất êm tai.
Lời văn bài ca Cô bán đèn hoa giấy kể chuyện tình lãng mạn của một cô gái mới dậy thì với một chàng đẹp trai chưa hề quen biết, cũng là một yếu tố giúp cho Thanh Hương thành công qua bài ca vọng cổ nầy. Giọng ca ngọt ngào của Thanh Hương để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng thính giả qua bản vọng cổ Cô Bán đèn hoa giấy, cũng như mấy mươi năm trước, Mẹ cô, nữ danh ca Tư Sạng được nhắc nhở mải với giọng ca ngọt ngào thiên phú qua bản vọng cổ Tình Mẫu Tử.
Như trên tôi có nói qua vì một chuyện tình mà Thanh Hương đánh mất cảm tình của báo chí kịch trường và khán giả ái mộ cô. Nay thì cô đã mất rồi, tôi có nhắc lại thì cũng chỉ là để nói « nghệ sĩ là người của công chúng », mà giới truyền thông báo chí thời đó có ảnh hưởng rất lớn đối với dư luận của dân chúng. Có nghệ sĩ cũng phạm những lổi lầm như Thanh Hương, nhưng nghệ sĩ đó không bị đã kích nặng nề như Thanh Hương vì báo chí kịch trường thiên vị, làm ngơ.
Cặp danh ca Thanh Hương – Văn Chung
Chuyện là vầy : Trong những dịp thu thanh ở đài Phát Thanh hoặc trong các hãng dĩa, đôi danh ca Thanh Hương – Văn Chung gặp gỡ nhau, yêu nhau, đưa đến việc thành vợ thành chồng.
Năm 1952, cặp danh ca Thanh Hương – Văn Chung gia nhập gánh hát Thanh Minh của bầu Nghĩa khi gánh hát nầy hát ở Vũng Tàu. Văn Chung lúc đó là kép mùi, Thanh Hương và Út Bạch Lan là đào mùi , cả ba đang là diễn viên ăn khách nhứt của đoàn hát Thanh Minh. Cùng đứng trên sân khấu Thanh Minh còn có các kép ca như Năm Nghĩa, Minh Tấn, Quang Phục, Út Nhị và các diễn viên nổi tiếng như Hoàng Giang, Vinh Sang, Hề Kim Quang, hề Châu Hí, Hề Núi.
Năm 1954, Thanh Hương – Văn Chung về hát cho đoàn Việt Kịch Năm Châu. Thanh Hương thủ các vai chánh trong tuồng Miếng Thịt Người, Thanh Hương cũng thế các vai chánh của nữ nghệ sĩ Kim Lan khi cô nầy đau hay không đi được đến các vùng xa để hát. Văn Chung có lần đóng vai Gia Lử Sanh thế cho nghệ sĩ tiền phong Bảy Nhiêu trong tuồng Gió Ngược Chiều.
Năm 1956, Thanh Hương Văn Chung về hát cho gánh hát Hoa Anh đào - Kim Chưởng của bà Bầu Kim Chưởng.
Năm 1958, Thanh Hương sanh đứa con gái đầu lòng, đặt tên là Thủy. Thanh Hương và Văn Chung lập gánh hát, lấy bảng hiệu Thanh Hương – Văn Chung. Thủy được cha mẹ đem theo trong đoàn hát. Năm Thủy được 3 tuổi thì cha mẹ cô ly dị nhau. Văn Chung bỏ về Sàigòn, Thanh Hương một mình lèo lái gánh hát, cô đành phải đem con về gởi cho bà Nguyễn Thị Giàn là người chị thứ ba của anh Năm Châu( tức là cha của cô). Chị Ba Giàn nuôi cháu Thủy tại trại Phước Chung, ở dưới dốc cầu Bông phía đi về hướng tòa đô chính Gia định.
Văn Chung về Saigon, đến ông Phạm Văn Triệu, cảnh sát trường Quận Nhì, đầu đơn kiện anh Hùng Minh, một kép trẻ trong đoàn đã lấy vợ anh và lập tức các ký giả kịch trường biết, họ liền khai thác triệt để cái tin giựt gân nầy. Nên nhớ là sau năm 1954, hòa bình được lập lại sau nhiều năm dài chiến tranh, dân chúng làm ăn phát đạt nên người ta dám mua sắm, ăn mặc và dám tốn tiền để xem hát giải trí, các đoàn hát nhờ vậy mà phát triển, đời sống của nghệ sĩ cũng được nâng cao, hết cảnh ăn quán ngủ đình, nhiều người mua xe, mua nhà cao cửa rộng do đó khán giả càng thích tìm hiểu về đời tư của nghệ sĩ.
Anh Năm Châu và ký giả lão thành Trần Tấn Quốc nhật báo Tìếng Dội, chủ trương gầy dựng một phong trào « đời Sống Mới » trong giới nghệ sĩ sân khấu cải lương, chống tệ đoan tứ đổ tường để xóa đi cái thành kiến xướng ca vô loại của dân chúng đối với nghệ sĩ.
Những tệ nạn như nghệ sĩ ghiền hút xách, cờ bạc, say sưa be bét và trai gái, đĩ bợm, tình yêu bất chính, đều bị báo chí kịch trường lên án, gây dư luận ồn ào đến mức là các ông bà Bầu các gánh hát không dung chứa những nghệ sĩ bị sự kết án của công luận. Thanh Hương lại là con gái của anh Năm Châu, người chủ xướng cái phong trào giáo dục đạo đức cho người nghệ sĩ, chống tệ nạn tứ đổ tường và tệ nạn thay chồng đổi vợ nên báo chí càng làm dử, Thanh Hương và Hùng Minh trở thành con dê tế thần đầu tiên của phong trào nầy.
Khi Thanh Hương đổi bảng hiệu gánh hát là Thanh Hương – Hùng Minh thay cho bảng hiệu Thanh Hương Văn Chung, khi đi hát ở địa phương nào cũng bị khán giả phản đối. Có nơi họ lén lấy dao rạch nát các tấm panneaux quảng cáo tuồng. Vì vậy gánh hát Thanh Hương Hùng Minh phãi rã gánh.
Năm 1974, Thanh Hương có thai và trong một ca sanh khó, cô mất ở dưới tỉnh, nơi đoàn hát đang lưu diễn. Bài ca Cô Bán đèn hoa giấy, ba câu sau dường như có dự báo về cuộc tình duyên của Thanh Hương. Xin mời qúy thính giả nghe ba câu chót của bai vọng cổ Cô Bán đèn hoa giấy.
Con em là chiến tuyến của lòng
Ngăn không cho em theo người tình cũ
Nếu Thanh Hương nhớ hai câu thơ nầy trong đoạn kết của bài ca, Thanh Hương nhớ đến con Thủy, con của Thanh Hương và Văn Chung để kịp dừng lại trước mối tình trẻ đầy quyến rủ của Hùng Minh thì thảm kịch đã không xảy ra.
Sau khi Thanh Hương mất, cô Kim Chưởng nhận Thủy về hát trong đoàn cải lương Kim Chưởng và đặt cho nghệ danh Hương Chung Thủy. Hương là tên Mẹ; Chung, tên Cha và cộng với tên con thành ra Hương Chung Thủy. được cô Kim Chưởng thương yêu và trực tiếp dạy cho nghề hát nên hiện nay Hương Chung Thủy là một diễn viên sáng chói của cải lương miền Tây.