Nghệ sĩ Lê Tứ, tình yêu đầu đời
Trong các thập niên 50, 60 thì có những người say mê đờn ca hát xướng nên mới bỏ nhà ra đi theo đoàn hát và từ đó cố gắng rèn luyện để rồi trở thành một nghệ sĩ tài danh, ta có thể kể đến các nghệ sĩ như Hữu Phước, Tấn Tài, Thanh Sang, Ngọc Giàu…
Trong các thập niên 80, 90 thì lại có trường hợp do cha mẹ, ông bà thích cổ nhạc, thích sân khấu nên hướng dẫn con cháu mình đi theo nghề hát mặc dầu từ giữa thập niên 80 trở về sau nầy nghề hát cải lương là một nghề có cuộc sống bấp bênh nhất, thu nhập không ổn định, đó chưa nói là tương lai thấy trước là rất mù mịt chớ không sáng lạn như thời hoàng kim của nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong các thập niên 50, 60, 70… Các nghệ sĩ mới nầy chấp nhận những thử thách cam go để cố gắng đeo đuổi theo cái nghiệp dĩ mà cha mẹ hay ông bà mình thích để rồi tự vươn lên đến đỉnh cao của nghề nghiệp.
Thưa quý thính giả, nghệ sĩ Lê Tứ là một trong những người theo nghề hát vì anh theo sở thích của ông nội và ông ngoại của anh.
Đờn ca tài tử
Lê Tứ sinh ra và lớn lên ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Lúc Lê Tứ lên bảy, tám tuổi, ông nội, ông ngoại em đi chơi đờn ca tài tử trong thôn xóm, thường dẫn em đi theo để hai ông sai vặt, khi thì đi mua chai xị đế, khi thì nấu nước pha trà, khi thì phụ với chủ nhà dọn chén dĩa trong các bữa ăn cháo khuya. Lê Tứ ngoài những việc làm vặt vãnh đó thì em ngồi kế bên nghe ông nội, ông ngoại đờn, ca với các cô chú trong thôn xóm. Em được các cô chú dạy ca vài bài bản nhỏ, em bắt chước gỏ song lang, em học nhẩm theo các bài ca mà em ưa thích. Ông Nội dạy em ca cho đúng nhịp, đúng hơi, đúng điệu. Khi lên tám tuổi thì em đã bắt đầu thích chép những bài bản, bài ca và gạch nhịp như những người mới học đờn. Lê Tứ sáng dạ, siêng năng cần mẫn và dạn miệng, học biết được bao nhiêu thì Lê Tứ cũng dám ca bấy nhiêu trong những dịp đi khi theo ông nội ông ngoại đi đờn ca tài tử.
Năm 1991, Lê Tứ thi đậu tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học ở huyện Lai Vung 2 - Đồng Tháp.
Thi vào trường Sân Khấu
Lê Tứ lên Saigon định thi vào Đại Học nhưng rồi em tự thấy có khả năng ca cổ nhạc nên em đăng ký thi vào trường Sân Khấu để thực hiện ước mơ của mình. Năm 1992, Lê Tứ thi đậu vào khóa Trung Cấp Diễn Viên cải lương Trường Cao Đẳng Sân Khấu - Điện Ảnh Saigon. Lê Tứ được các giáo sư Đổ Quyên, Văn Môn, Văn Hai tận tình chỉ dạy.
Vốn có năng khiếu đờn ca cổ nhạc từ bé, khi học nghệ thuật ca diễn, Lê Tứ tiếp thu bài học dễ dàng và em có thể diễn như những diễn viên chuyên nghiệp thể hiện các nhân vật trong buổi diễn tập trên sân khấu của trường.
Năm thi cuối khóa, Lê Tứ đậu tốt nghiệp loại giỏi với vai diễn An Lộc Sơn trong tuồng Tình Sử Dương Quý Phi.
Ra trường, Lê Tứ hằng đêm đi ca vọng cổ và hát trích đoạn ở quán của hai nghệ sĩ Hoài Thanh - Đổ Quyên, vừa tìm kế mưu sinh vừa rèn luyện thêm tay nghề.
Lê Tứ dành dụm được một số tiền và có thể kiếm sống được trong khi đi ca hát ở các quán nghệ sĩ nên anh đăng ký thi vào hệ Cao Đẳng Sân Khấu Điện Ảnh Saigon.
Trong thời gian anh còn đang học tại trường, anh hai lần được chọn với các bạn học viên Thy Trang, Hà Như, Kim Tiến, Thiên Kiều, đi biểu diễn vở ca vũ nhạc của đạo diễn EoSola. tại Paris nhân dịp Tết năm 2000 và năm 2002.
Đoạt nhiều huy chương vàng
Năm 2001, Lê Tứ đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang qua hai vai diễn: Nguyễn Địa Lôi trong tuồng Bức Ngôn Đồ Đại Việt và vai An trong tuồng Ánh Sáng Phù Du.
Nghệ sĩ Thy Trang và Lê Tứ. Hình của soạn giả Nguyễn Phương.
Sau khi đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Lê Tứ được mời diễn trong các chương trình cải lương của Đài Truyền Hình, các hãng dĩa DVD cải lương và các buỗi diễn của Câu lạc bộ Điểm Hẹn Tài Năng của trường tổ chức. Lê Tứ đã nổi danh qua các vai chánh tuồng Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Ngai vàng và tội ác.
Năm 2002, Lê Tứ thủ diễn vai Ngọc trong tuồng Hoàng Hôn Mong Manh và đoạt giải thưởng nhân dịp tham dự Liên Hoan Sân Khấu Cải Lương miền Nam tại Cần Thơ.
Năm 2005, Lê Tứ đoạt được huy chương vàng Hội Diễn Sân Khấu Cải Lương Chuyên Nghiệp Toàn Quốc với vai Thuyết trong tuồng Tìm Lại Tình Yêu.
Nghệ sĩ Lê Tứ được mời làm giảng viên trường Cao Đẳng Sân Khấu - Điện Ảnh Saigon và là diễn viên của Nhóm Thắp Sáng Niềm Tin hát thường kỳ trên rạp Hưng Đạo.
Khán giả tán thưởng Lê Tứ là một diễn viên trẻ, yêu nghề, ca hay, diễn giỏi. Lê Tứ từng khẳng định tên tuổi của mình trên địa hạt sân khấu của các đoàn hát đại ban qua các vai diễn như Thuyết trong tuồng Tìm Lại Tình Yêu, Sũy trong vở Rồi Ba Mươi Năm Sau, vai Trường Giang trong vở Cung Đàn Nào Cho Em, Ngọc trong vở Hoàng Hôn Mong Manh, vai Hứa Tiên trong Thanh Xà Bạch Xà, vai Nguyên Chương trong Truyền Thuyết Hồ Đoạt Mệnh, vai Vương Hồ Vũ trong tuồng Mùa Thu Bạch Mã Sơn, vai Tám Hổ trong tuồng Hai Hình Ảnh Một Cuộc Đời…
Ngày xưa, một diễn viên chuyên nghiệp mà muốn có được một vai hát hay để cho khán giả nhớ đến mình đã là một điều quá khó, nhưng nghệ sĩ trẻ Lê Tứ lại diễn thành công được nhiều vai chánh trong nhiều tuồng mà các ký giả kịch trường và khán giả ái mộ không ngớt nhắc nhở đến, quả là một sự thành công quá lòng mong ước của chính bản thân Lê Tứ và của các giáo sư cũ của anh ở trường Cao Đẳng Sân Khấu và Điện Ảnh Saigon.
Lê Tứ tâm sự: Khi mới quyết định học nghề hát, Lê Tứ nhớ đến ông nội, ông ngoại đã dạy Lê Tứ ca hồi nhỏ, nếu hai ông biết Lê Tứ chọn theo cái nghiệp cầm ca theo sở thích của hai ông, chắc hai ông ở dưới suối vàng cũng sẽ vui lòng vì có đứa cháu ngoan. Thế rồi vào học trường nghệ thuật sân khấu. gần thầy gần bạn, bị mê hoặc vì tiếng đờn, câu ca và ánh đèn sân khấu, Lê Tứ quyết tâm thực hiện ý nguyện trở thành một diễn viên hay, vừa thỏa được mộng ước đam mê của chính mình vừa dùng được nghệ thuật sân khấu để đáp ơn khán giả và truyền bá những điều hay lẽ phải thông qua các vở tuồng hát trên sân khấu.
Gia đình hạnh phúc
Người bạn học đồng lớp tâm đầu ý hiệp và cũng là người bạn đời mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho Lê Tứ là nữ nghệ sĩ Hà Như, tên thật là Lê Thị Hà Như, quê ở làng Long Hồ - Vĩnh Long. Nữ nghệ sĩ Hà Như học chung trường chung lớp với Lê Tứ từ năm 1992. Cả hai đều là học viên loại giỏi, được hai lần tuyển chọn qua Paris trình diễn nhân các dịp Tết.
Hà Như là một cô gái đẹp của vùng sông nước Vĩnh Long, có nét hồn nhiên, trong sáng, giọng ca của Hà Như nghe rất êm, rất ngọt khiến cho khán giả khi nghe Hà Như ca là phải mê mẩn tâm hồn. Lê Tứ bị thu hút vì cái nét đẹp hồn nhiên trong sáng và giọng ca quyến rũ của Hà Như mà anh đeo đuổi theo Hà Như dệt mộng. Những buổi tập dượt trên sàn diễn, những lúc đi lưu diễn xa nhà, Lê Tứ tận tình chăm sóc Hà Như, tình cảm chân thành của Lê Tứ làm rung động con tim của cô gái Vĩnh Long chơn chất.
Lê Tứ và Hà Như được gia đình chấp thuận và tổ chức hôn lễ năm 2000.
Sau khi thành hôn, Lê Tứ và Hà Như là đôi bạn diễn sáng giá trong các chương trình Thắp Sáng Niềm Tin trên sân khấu Hưng Đạo. Lê Tứ và Hà Như cũng thường hát trên các tụ điểm văn hóa như Hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, công viên Lê Thị Riêng, sân khấu Trống Đồng…
Đến năm 2004, Lê Tứ và Hà Như có được một đứa con đầu lòng yêu quý, đặt tên là Lê Hà Nhựt Đăng. Nữ nghệ sĩ Hà Như với ý thức làm mẹ, làm vợ, lo gia đình trên hết nên cô tự nguyện lui về chăm lo gia đình, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Lê Tứ an tâm theo đuổi sự nghiệp sân khấu.
Khả năng đa dạng
Lê Tứ càng diễn càng bôc lộ khả năng đa dạng. Em có thể hát những vai mùi, ca diễn hết sức là tình tứ quyến rũ, nhưng khi vào những vai tính cách, vai độc lẳng thì Lê Tứ cũng thể hiện được một cách sắc xảo những nhân vật bê tha, trụy lạc, rượu chè bê bét hay có tâm địa độc ác, nham hiểm. Từ vai hiền qua diễn vai ác, Lê Tứ bộc lộ được một trình độ nghệ thuật có căn bản, biết tiết chế liều lược diễn chứ không hò hét quá trớn khi vào các vai ác. Có thể Lê Tứ ý thức được anh là giảng viên của một trường dạy nghệ thuật sân khấu nên khi hát trên bất cứ đoàn hát nào, vào vai diễn nào, Lê Tứ cũng phân tích tính cách của nhân vật, lựa chọn phương cách thể hiện tốt nhất, đúng tính cách nhân vật nhất giống như đó là những tiểu phẩm dạy diễn ở trường. Anh thật tận tâm và vất vả với các nhân vật diễn của anh, anh không muốn có những sơ hở, những vụng dại hay thờ ơ trong diễn xuất mà các học trò của trường anh đang dạy có thể lấy đó mà bình phẩm anh.
Tất nhiên, nghệ thuật là một con tàu suốt, không có sân ga trạm cuối cùng. Sự cố gắng của Lê Tứ vẫn chỉ là những thành đạt có chừng mực, anh vẫn phải cố gắng tự trao dồi mãi về giọng ca lối diễn nếu anh còn đeo đuổi theo nghề hát.
Phần thưởng mà Lê Tứ đạt được là vị trí và cuộc sống nghệ thuật và gia đình hiện nay của anh. Anh được khán giả mến, các bạn đồng nghiệp và học sinh của anh thương yêu, và gia đình vợ con đầm ấm, hạnh phúc, kinh tế gia đình ổn định.
Lê Tứ mỉm cười vui vẻ, nói: “
Nghề hát bây giờ mà có được cuộc sống ổn định và gia đình hạnh phúc như cháu đây, thì còn mong muốn gì hơn nữa chứ?”
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc xin chấm dứt, Nguyễn Phương xin hẹn vào giờ nầy tuần sau.
Soạn giả Nguyễn Phương, RFA
2009-01-25