Trong giới cổ nhạc xưa nay, hiếm soạn giả nào có gia tài đồ sộ hơn 2.000 bài vọng cổ và nhiều kịch bản cải lương đóng góp cho kho tàng sân khấu Việt Nam như ông. Ông chính là “Vua vọng cổ” - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Viễn Châu (tức danh cầm Bảy Bá), năm nay đã 92 tuổi.
NSND Viễn Châu
Khi nói về cổ nhạc, NSND Viễn Châu luôn dành tình cảm đặc biệt. Ngày xưa, chính tình yêu, sự say mê cổ nhạc mãnh liệt đã khiến chàng trai 18 tuổi “liều mình” ôm cây đàn cổ nhạc lên Sài Gòn lập nghiệp. Ở đất Sài Gòn mới lạ, không một người quen, ông lại làm liều khi đến thẳng Đài Phát thanh Sài Gòn (nay là Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM) xin đánh đờn. Nhờ sự mạnh dạn này mà ông được “nhà đài” tạo cơ hội cho tiếng đờn của ông được ngân vang trên sóng phát thanh.
Và cũng nhờ làn sóng phát thanh mà gia đình ông có thể yên tâm khi biết ông đã đến được Sài Gòn và có được một chỗ để lui tới đánh đờn thỏa niềm đam mê. Ngoài đánh đờn, ông còn tham gia viết thơ văn, sáng tác vọng cổ cộng tác với gần một chục tờ báo để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ông bảo, hồi đó ông viết truyện ma với bút danh Mai Thanh Phượng được nhiều độc giả thích nên mấy tờ báo đặt hàng viết mỗi tuần 1 mẫu. Làm thơ, viết truyện, viết vọng cổ, kịch bản cải lương và còn đánh đờn điêu luyện nên ông sớm được nhiều người mến mộ.
Bây giờ nhớ lại “một thời đã xa” ấy, NSND Viễn Châu nhìn nhận mình rất lãng tử, vui là chính, còn tiền bạc không quan trọng, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít. “Chắc là nhờ tâm hồn nghệ sĩ như vậy mà tôi mới sống được đến từng tuổi này thì phải” - NSND Viễn Châu cười vui bảo. Nhưng đâu chỉ có ngày xưa tâm hồn ông mới đầy ắp chất nghệ sĩ mà hiện nay, dù tuổi đã ngoài 90, tóc trắng toát thì cái chất tài tử trong ông vẫn còn vẹn nguyên. Mỗi khi anh em nghệ sĩ đến nhà thăm hỏi, ngón đờn điêu luyện của danh cầm Bảy Bá lại được dịp vang lên.
Ông phấn khởi kể: “Ai đời, hôm rồi Lệ Thủy lại thăm, tôi đờn Lệ Thủy hát lại mấy bài từ thời Lệ Thủy mới có 14, 15 tuổi như Anh đi xa cách quê nghèo, Cô bán chè tươi; rồi Ngọc Giàu hát Áo tình đắp mộ người yêu mà tôi viết “đo ni, đóng giày” cho Ngọc Giàu sau khi được Minh Chí giới thiệu rằng ở bên Thủ Thiêm có một con nhỏ hát giọng khá hay và tôi có dịp nghe Ngọc Giàu thử giọng. Tôi còn nhớ, sau bài Áo tình đắp mộ người yêu Ngọc Giàu được nhiều khán giả đón nhận, tôi viết cho Ngọc Giàu tiếp bài thứ hai là Lan và Điệp, bài hát đã đưa tên tuổi Ngọc Giàu - khi ấy chỉ mới 15 tuổi - lên hàng “ngôi sao”…
Nghĩ lại cái nghiệp sáng tác này cũng thiệt là vui!”. Hỏi gần đây ông có viết thêm bản vọng cổ nào không, ông cười khoe: “Viết chớ. Lúc nào sức khỏe không cho phép thì thôi, chứ lúc mạnh khỏe thì cũng ôm đờn ngồi viết một chút. Hôm rồi ở bên Mỹ, bà con Việt kiều khai trương quán hát với nhau đặt hàng tôi viết một vài bài, tôi cũng đã viết xong và đã gởi tặng bà con ở bên đó, nghe đâu họ cũng vui lắm. Mà nói mới nhớ, kể ra tôi cũng đã viết khá nhiều bài vọng cổ tặng bà con ở bên Mỹ vào những dịp họ khai trương quán xá, cửa hàng. Sau đó, có người làm ăn được cũng gởi về tặng tôi ít tiền uống cà phê… Bà con của mình tuy sống xa quê nhưng tình nghĩa lắm”.
Khi hỏi bí quyết thành công của ông là gì và ông có truyền nghề cho ai chưa? Ông cười vui vẻ, giọng nói vẫn thanh trong: “Có bí quyết gì đâu. Sở dĩ lâu nay tôi sáng tác được nhiều bài vọng cổ mà các nghệ sĩ dễ ca, dễ đi vào lòng khán giả là nhờ tôi biết đờn, tôi vừa sáng tác vừa đờn để tự mình có thể chỉnh sửa lại câu văn, vần điệu.
Bên cạnh đó, công việc sáng tác đòi hỏi phải có một vốn văn hóa, vốn kiến thức vững vàng, kể cả những văn tự Hán Nôm thì lúc viết mình mới thuận lợi, phong phú văn tự, ngữ nghĩa. Vả lại, hồi nhỏ tôi cũng là người yêu thích thơ văn, dành dụm được bao nhiêu tiền cũng đều mua sách thơ, văn đọc hết. Cho nên, trong nhiều bài vọng cổ của tôi, nếu nghe kỹ, khán giả sẽ dễ dàng nhận ra những vần thơ trong đó. Còn chuyện truyền nghề à? Khó quá.
Hiện giờ tác giả viết vọng cổ sao mà cứ na ná nhau, ít bản sắc riêng. Còn một số ngón đờn hiện giờ thì phần nhiều là khoe tài, phô diễn, đờn dồn dập chứ không phải đờn để nâng giọng ca của nghệ sĩ như cái thời mà bộ ba đệ nhất danh cầm “Cơ - Bá - Vĩ” (Ba Cơ, Bảy Bá, Văn Vĩ - PV) của chúng tôi hoạt động”.
Sau một hồi lâu ngồi nhắc lại chuyện xưa, chuyện nay, “vua vọng cổ” - NSND Viễn Châu bảo, ông rất vui với cái nghiệp sáng tác của mình và ước mong sang năm mới 2013 sức khỏe được ổn định để có thể sáng tác thêm những bài vọng cổ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt là những sáng tác dựa trên ý thơ của các bài thơ do chính ông viết trong nhiều năm qua