Từ khi bắt đầu biết đi, bé Châu (tên gọi quen thuộc trong gia tộc của NSƯT Quế Trân) đã biết cầm cây kiếm bằng nhựa ra bộ bên cạnh bàn viết tuồng của cha - NSND Thanh Tòng. Và cứ thế, cô bé lớn lên theo từng bước dìu dắt, nâng đỡ của cha cũng như nền tảng của một gia tộc có 5 đời theo nghề hát.
|
NSND Thanh Tòng trên sàn tập hướng dẫn cho các thành viên trong gia tộc |
Trong giới nghệ thuật tuồng cổ, NSND Thanh Tòng được xem là tướng soái. Sau khi người dượng rể - NSND Thành Tôn (cha của NSƯT Thành Lộc) qua đời, ông chính thức là trưởng môn nhân, lèo lái dòng chảy nghệ thuật của gia tộc có 5 đời nối nghiệp tiền nhân.
Nền tảng nào đã giúp ông xây dựng “thương hiệu” một gia đình sân khấu sống bằng nghề hát? Câu hỏi đó đã thôi thúc ông rèn nghề để không định hướng con cháu nối nghiệp một cách bản năng, mà phải biết hệ thống những bài học, kinh nghiệm được tích lũy qua bao đời để thế hệ sau tiến bước vững chắc.
Nền tảng kế nghiệp
NSND Thanh Tòng cho biết, có lẽ ý thức được tầm quan trọng này, ngay từ năm 18 tuổi đã được cha là nghệ sĩ Minh Tơ huấn luyện việc tập viết tuồng. Kịch bản Bao Công vô lò gạch là tác phẩm đầu tay của ông.Tính cách của toàn gia tộc, người trong họ hàng ít khi khen nhau, mà tìm những mặt hạn chế để “khích tướng”, nên tác phẩm này dù được công chúng ngất ngây nhưng người nhà vẫn không hài lòng.“Bệnh của nghề hát dễ lây lan nhất là tính tự cao, tự đại. Ba tôi chưa bao giờ khen tôi.
Chỉ một lần duy nhất khi tôi bị tai nạn trên đường lưu diễn ở Long An, bị gẫy chân trái, vẫn băng bột ngồi trên băng ca hướng dẫn các em trong đoàn tập vở Tô Hiến Thành xử án để kịp phúc khảo, nhìn các em tôi khiêng băng ca đưa tôi đến sàn tập, lúc đó, cha tôi nói một câu làm tôi rơi nước mắt: “Bây coi đi mua nhân sâm về nấu cho anh uống, để mau lành vết thương!”, NSND Thanh Tòng kể lại.Từ ngày bắt đầu viết tuồng, NSND Thanh Tòng đã nhìn thấy sự hạn chế của việc “hát cương” mà không có văn bản ghi chép. Ông tìm hiểu rồi sao chép bằng cách ghi lại những bài ca, câu thoại, kể cả cốt truyện để sau đó hệ thống một cách khoa học.
|
NSND Minh Tơ |
Ông tìm hiểu những điển tích, điển cổ mà các kịch bản xưa đã viết, nâng cao hơn tinh thần trung - hiếu - tiết - nghĩa của những nhân vật trên sân khấu cải lương.
Niêm luật sáng tác cải lương tuồng cổ do ba ông và người chú thứ tư (Khánh Hồng), người dượng rễ thứ bảy (cố NDND Thành Tôn) hình thành đều có những mối liên hệ với nhau.Suy từ những bài học của người xưa để hình thành nhân cách sống ngày nay, thông qua các vai diễn trên sân khấu, chính điều này đã giúp cho bộ môn cải lương tuồng cổ vẫn tồn tại trong lòng khán giả, vì “dẫu có xưa nhưng luôn dạy người ta những điều tích thiện, tu tâm”, NSND Thanh Tòng nói.
Nghĩ đến công lao vun đắp của gia tộc từ thời bà cố Vĩnh Xuân đến ông nội Bầu Thắng, rồi đến cha mình, điều mà cả giới sân khấu đều công nhận là cuộc sống nghiêm túc với chính bản thân của NSND Thanh Tòng. Ông tuyệt đối không dính đến những scandal của kép hát, dù điển trai, hát hay, múa đẹp và có rất nhiều nữ khán giả sủng ái. .Dư luận một thời bàn tán chuyện một nữ tiếp viên hàng không mê nhân vật Võ Tòng mà yêu luôn người đóng.
Cô này sau mỗi chuyến bay kéo thẳng vali đến đình Cầu Quan cốt cho kịp giờ xem Võ Tòng đả hổ.Tiền, vàng, đô la, thậm chí kim cương được gói lại trao tặng người mà cô yêu. Tuyệt nhiên cô bị từ chối, si tình đến nỗi cô chỉ biết khóc mỗi khi xem Võ Tòng. Với NSND Thanh Tòng, ông sống nghiêm khắc với bản thân không phải giữ gìn danh tiếng cho ông mà cho cả gia tộc.
|
NSND Thanh Tòng và NSUT Quế Trân |
NSND Thanh Tòng kết hôn với bà Ngọc Nhung và sinh hai người con: Nhựt Tân và Quế Trân. Từ năm lên 6, lên 7 tuổi, cả hai đã được cho theo nhóm đồng ấu Bạch Long để học nghề.
Từ chiếc nôi này, cũng giống như cha – NSND Thanh Tòng là thành viên đầu tiên của nhóm đồng ấu Minh Tơ, cả hai đã có nhiều vai diễn được khán giả nhớ. Lớn lên Nhựt Tân chuyên tâm học nghề kinh doanh, chỉ có Quế Trân nối nghiệp cha trong niềm tin yêu của cả gia đình.
Giữ chữ tâm trong sáng
NSƯT Quế Trân kể rằng, cô lớn lên trong sự ốm yếu triền miên nên gia đình rất lo. Năm lên 8 tuổi mà chỉ nặng 22 ký. Lúc đó cô được cha cho đóng vai Na Tra trong vở Na Tra đại náo thủy cung, nhìn cô bé tập mà nước da xanh tái, NSND Thanh Tòng không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con gái.Lo cho Quế Trân, gia đình họp lại, quyết định cho cô bé nghỉ nhóm đồng ấu để dồn tâm huyết cho việc học văn hóa. Cô bé khóc ròng trong suất diễn chia tay với nhóm để yên tâm đi học.NSƯT Quế Trân kể: “Lúc đó, tôi rất buồn nhưng không muốn làm ba mẹ buồn, nên cố gắng học tập để tạo nền tảng vững vàng.
Ba tôi thường nói giới nghệ sĩ sân khấu thường bị khinh là “cải lương ít học”, ba tôi không muốn các con ra đời kiến thức yếu kém. Tôi cắp sách đến trường, cấp 2, cấp 3 luôn đạt thành tích học sinh xuất sắc. Rồi vào cao đẳng kinh tế, trong lúc đang học, tuyệt nhiên ba tôi không muốn con mình xao lãng vì chuyện hát xướng. Ba tôi không muốn tôi dính dáng đến nghề hát khi chưa hoàn thành việc học".
|
NSND Thanh Tòng và NSUT Quế Trân giao lưu văn hóa với nghệ sĩ sân khấu cổ truyền Nhật Bản |
Năm 1998, phải quỳ xin được về với sân khấu, đỡ đần gánh nặng gia đình, Quế Trân mới được sự đồng ý của cha. Năm đó cũng là năm cô đạt Huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang.
NSND Thanh Tòng đã khóc trong đêm trao giải không phải chỉ mừng vì con có danh tiếng mà vì biết con gái có thể thực hiện tâm nguyện của cha, giữ gìn bản sắc của bộ môn cải lương tuồng cổ.Ngày NSƯT Quế Trân trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, được phong tặng danh hiệu NSƯT, có một người cha đã khấn nguyện trước bàn thờ gia tộc, khi con gái mình đã nối nghiệp một cách vững chãi, được nhân dân tin cậy, được công chúng yêu thương.Hai cha con đã đồng hành trên một con đường, cha viết tuồng, con biểu diễn.
Quế Trân cũng học ở cha nhiều nguyên tắc sáng tác, để có thể tập tành chỉnh lý như cái thưở cha cô 18 tuổi được ông nội dạy viết tuồng.Nhiều người trong nghề quan tâm đến cuộc sống riêng tư của NSƯT Quế Trân, bởi cô đào duyên dáng, khả ái với mái tóc dài và đôi lúm đồng tiền đến nay vẫn chưa có bạn trai.Quế Trân cười: “Tôi muốn chú tâm đến nghề hát. Hiện nay sân khấu đang lâm vào tình trạng khó khăn, việc giữ nghề có nhiều áp lực. Cha tôi đã già yếu, mong ước của tôi là làm được nhiều điều tốt cho sân khấu sáng đèn, cho bộ môn tuồng cổ Việt Nam được xem trọng. Tôi không dám nghĩ đến hạnh phúc cá nhân khi chưa làm được điều gì để ước mơ đó chắp cánh”.