Nhân dịp Xuân về Tết đến, chúng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc giọng ca độc đáo của những nghệ sĩ tài danh về thể điệu Cải lương có tên “ Xuân “ là Nam Xuân và Xuân Tình của mỗi người một vẻ, nhưng họ lại hòa kết được nhau trong kỹ thuật ca ngâm, tạo những âm điệu – cung bậc hòa quyện nhau đậm đà hương sắc Cải lương. Đó là những cố NSND Út Trà Ôn, NSND. TS Bạch Tuyết, NSUT Minh Vương, NSUT Thanh Sang đã có mối quan hệ với nhau trong ca ngâm qua vai diễn. CỐ NSND ÚT TRÀ ÔN – BAY BỔNG DỰNG HƠI XUÂN
Có lẽ khi nhắc đến Vua vọng cổ - cố NSND Út Trà Ôn, công chúng không còn xa lạ vói giọng ca và tên tuổi của ông, cho dù giới trẻ nhất. Một tên tuổi của Nghệ sĩ lớn, một giọng ca độc đáo nhất chưa ai thay thế nổi đã đi vào lịch sử Cải lương. Trong cuộc đời ca ngâm nghệ thuật Cải lương, khi nói đến ca Vọng cổ thì ông nổi tiếng rất nhiều bài, trong đó có bài “ Tình anh bán chiếu “, không chỉ được khán giả mến mộ thành thần tượng của họ, mà còn làm cho nhiều người mê đến nỗi học theo thuộc cả bài ca. Khi nói đến vai diễn của cố NSND Út Trà Ôn thì người ta nghĩ ngay đến vai ông Cò – Cảnh sát trưởng trong vở “ Tuyệt tình ca “ ( hay còn gọi là Ông Cò Quận 9 ).
Mặc dù trước đó, ông Út đã nổi danh từ bài Vọng cổ nhịp 16 “ Tôn Tẩn giả điên “ nhưng chưa được danh hiệu là “ Đệ nhất “ , mãi đến đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, ông mới khẳng định danh hiệu “ Đệ nhất “. Đó là giai đoạn ông ca hàng loạt bài Vọng cổ 6 câu – nhịp 32 của soạn giả Viễn Châu trên đài phát thanh và hãng dĩa Asia, như: Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu, Trúc Lan Phương Tử, Gánh nước đêm trăng, Tần Quỳnh khóc bạn… Kỹ thuật hơi – giọng càng sắc sảo hơn, ngoài việc xử lý buông hơi, sắp văn như nói trên, ông lại sáng tạo kiểu ngâm phong cách thơ Vân Tiên, và bài Vọng cổ Ông lão chèo đò soạn giả Viễn Châu viết đậm đặc chất thơ Vân Tiên ( bài có 6 đoạn Vân Tiên ). Nếu như trong “ Ông lão chèo đò “NSND Út Trà Ôn sáng tạo kỹ thuật hơi – giọng qua thơ Vân Tiên, thì ở bài “ Tình anh bán chiếu “, ông lại có lối “ Hò…ơ” và dựng hơi Xuân rất độc đáo trong Vọng cổ câu 6.
Giữa câu, trước khi xuống “ Xề “, còn 8 nhịp dứt bài, ông lại dựng hơi Xuân, âm giọng tràn ngập nỗi niềm man mác, qua âm giọng “ Đồng “ du dương, văng vẳng “…Tôi ngồi yên sau lái đôi mắt vẫn hướng về nẻo cũ vườn xưa ( về Vọng cổ ), hỡi ơi, con sông Phụng Hiệp chảy ra ngã bảy thì lệ của tôi cũng lai láng muôn dòng…”, âm điệu bay bổng như đang dặt dìu trong gió. Lối sáng tạo này đã ảnh hưởng mà sau này nhiều nghệ sĩ thế hệ sau đã học theo, âm điệu ca ngâm mượt mà tựa hồ như gió Xuân đang thoang thoảng, hoa Xuân đang lay nhẹ trước gió Xuân về….
Đối lập với âm điệu dìu dặt, mượt mà của lối dựng hơi Xuân thì cố NSND Út Trà Ôn đã để lại cho đời một phong cách ca Bắc hùng tráng, xôm tụ, âm điệu bay bổng, vang vang…Đó là thể điệu Xuân tình ( vai Cảnh sát trưởng – CST ) và NSND Bạch Tuyết ( Lê Thị Trường An – LTTA ) đối thoại trong vở “ Tuyệt tình ca “:
CST: Cô An, cô nghe tôi hỏi đây Ngoài cái tội phạm gian cô còn tội chi khác nữa? Vì cô phải chịu luật hình Sao cô cứng đầu cứng cổ với tôi Trong khi tôi đứng thì cô lại ngang nhiên ngồi
LTTA: Nếu ngồi mà phạm thêm một tội Thì ông cứ ghi vào hồ sơ cho tôi lãnh thêm tù Tôi đến đây ông lại mời ngồi Rồi bây giờ ông bắt bẻ nghĩa là sao?
CST:Chắc trong gia đình cô là đứa con ngỗ nghịch Nếu tôi là cha cô, tôi vặn cổ cô rồi
LTTA:Cha của tôi đã chết tự lâu rồi Nhưng ông tòa nào phải là cha tôi?...
Mỗi ca từ được ông xử lý hơi giọng độc đáo ở chỗ nhấn trọng âm, gằn giọng để biểu đạt ý nghĩa của từ. Ông ca theo lối tự sự như đang tâm tình bằng phong cách hội thoại hơn là ca ngâm, nhưng âm giọng vẫn hùng hồn, chất chứa hơi Bắc – Xuân tình mạnh mẽ, đối đáp tạo không khí sinh động, rộn ràng về mặt thể điệu; biểu hiện trạng thái nhân vật qua tính chất Xuân tình về mặt tâm lý và tính cách vai diễn…Nét độc đáo của ông Út là ở chỗ đó.
NSND.TS BẠCH TUYẾT - ĐỘC ĐÁO HƠI GIÓ TRONG NAM XUÂN
Âm giọng của NSND.TS Bạch Tuyết cơ bản là cao và mạnh, độ dài bình thường nhưng khi ngân – rung giọng kéo dài những thanh điệu ( dấu ) sắc, hỏi hoặc thanh ngang chị sử dụng kỹ thuật thanh đới, tức khép môi ngân trong hầu, hoặc nín mũi rung dây thanh tạo tiếng thanh như ngân dài ra. Âm sắc của chị là là âm thanh giữa “Kim” pha “Đồng” nên khi chị nói thì tiếng nói trầm ấm, còn khi ca thì bổng lên không nhận nghe được âm trầm.
Do vậy, nhờ chất “Kim” mà chị cất cao giọng bổng lên một cách nhẹ nhàng, nhưng vì bị pha một chút “Đồng” có một chút âm hưởng vừa rền vừa ré tựa hồ độ vang của tiếng chuông, nên tiếng ca hơi đục so với giọng chánh “Kim”. Nhưng khi ca thể Nam Xuân thì chị xử lý hơi giọng rất tinh tế, khi thì cất giọng lên chất Kim bay bổng ( hơi gió ) nghe thanh thoát, khi xuống những âm trầm thì chất Đồng như loang tỏa độ vang nghe trầm ấm; bổng trầm hòa quyện thành âm điệu du dương sâu lắng, một chút hơi Xuân miên man…
Trong vai Kiều Nguyệt Nga với vở cùng tên, NSND.TS Bạch Tuyết đã xử lý kỹ thuật hơi giọng của mình rất điệu nghệ như nói trên trong 1 lớp Nam Xuân, trong tình huống Nguyệt Nga giữa đường gặp bọn lục lăng thảo khấu, Vân Tiên ( NSUT Thanh Sang ) ra tay cứu giúp, hai người ca đối đáp qua nhân vật hòa quyện nhau rất tuyệt vời:
Kiều Nguyệt Nga: Thị nữ tên là Kiều Nguyêt Nga…quê nhà ờ quận Tây Xuyên, cha làm Tri phủ mọi miền Hà…Khê. Giữa chốn huê phòng trau dồi sử kinh, cũng được phụ thân sớm lên đường đến phủ vương. Gĩa biệt Tây Xuyên một sáng sương mờ, ra đi vẻ đượm bơ phờ, khiến đưa đến chuyện bất ngờ, giữa đường gặp trường xưa…
Lục Vân Tiên: Chốn khổ toàn hay đó là bổn phận, việc nghĩa giữa đường nào phải riêng ai, xin tiểu thơ đừng bận tâm lo ngại, bóng đã xế dài xin hãy dời chân.
Chị luyến những ca từ mang dấu sắc hoặc hỏi bổng lên ( chữ in đậm ) với sự tiết chế vừa phải, âm hưởng của giọng gió vút lên nghe lảnh lót. Chị hạ giọng trầm những âm tiết mang dấu huyền khiến âm sắc sâu lắng, nhưng chất Đồng ngân vang nên âm điệu dịu êm và ấm áp.
Khi ca lối tự sự thì NSND.TS Bạch Tuyết khỏi phải nói, lối hội thoại của chị như tài hùng biện, dễ thuyết phục người nghe bằng ngữ điệu phát âm truyền cảm. Chị ca Bắc qua thể điệu Xuân tình, chỉ xuất hiện mấy câu trong lời đối đáp của Lê Thị Trường An với ông Cò Quận 9 : “ Tôi đến đây thì ông mời ngồi, rồi bây giờ ông bắt bẻ có nghĩa là sao? Nếu ngồi mà phạm thêm một tội, vậy ông hãy ghi vào hồ sơ cho tôi lãnh thêm tù…Cha của tôi đã chết tự lâu rồi, nhưng ông Cò nào phải cha tôi…”
Chị ca như nói, như lời tâm sự của nhân vật. Những trọng âm ở nhịp chính ( chữ in đậm ) chị chỉ nhấn giọng để biểu đạt nội dung ca từ, và hầu như khi ca Xuân tình chị chỉ phát huy chất Đồng của giọng tạo nên âm giọng sang trọng hơn, bởi sự trầm ấm của tính nói trong ca. Và phong cách ca này mà hơi – giọng của NSND.TS Bạch Tuyết hòa quyện được nhiều chất giọng khác như: NSND Út Trà Ôn, NSUT Minh Vương, NSUT Thanh Sang…
NSUT THANH SANG – CA THỂ ĐIỆU “ XUÂN “ SANG TRỌNG
NSUT Thanh Sáng vốn thiên phú làn hơi chất giọng “ Thổ pha Đồng “, cái lợi thế của “ Thổ “ là pha “ Đồng “, vì âm vực giọng Thổ có cao độ thấp hơn các loại giọng khác, nhưng âm trầm và họa âm rất đầy, lại pha thêm ít chất Đồng khiến âm trầm có độ sang, cao độ được nâng lên khi cần thiết như ca cấn lên, hoặc lúc phát âm những âm tiết mang dấu sắc và hỏi có thể âm thanh ca trở nên bay bổng.
Bình thường anh nói chuyện, người nghe giọng anh có chút khàn khàn và đục bởi chất Thổ, nhưng khi nói lối và ca Vọng cổ thì trở thành một làn hơi chất giọng sang trọng, ngọt chẳng thua mía lùi, mùi buồn nghe não ruột , người nghe không khỏi mềm lòng…Đặc biệt, anh ca bài bản Bắc nhờ giọng pha chất Đồng nên độ vang trở thành âm giọng hùng tráng kết hợp với bộ pháp vũ đạo nên ngữ điệu ca ngâm hùng hồn và oai phong , cụ thể qua Xuân tình- lớp 1 trong vở Lục Vân Tiên : “ Như tôi đây là Quốc trạng nguyên nhung Bình Phiên đại … soái, ra biên quan phụng mệnh triều đình, xua quân dốc long trừ giậc Ô Qua, đem lại chothứ dân một cuộc sống an hòa.
Vừa đến biên cương thì đụng ngay đại quân của giặc. Trống đánh, chiêng khua kịch chiến lở đất long trời. Hớn Minh uy vũ ngang dọc tung hoành. Địch quân hốt hoảng đốt quả mù giải vây. Bất ngờ chúng xua quân tướng hùng Cốt Đột. Bổn chức phải tra tay ngăn giặc đến xế chiều. Thây phơiđầy đồng, máu chảy thành sông. Trống giục tấn công giặc lùi, ta đuổi. Hoàng hôn chật vật Cốt Đột chạy dài…”
Khi ông ca hơi Xuân ở thể điệu Nam xuân, âm giọng cũng không kém phần điệu nghệ với kỹ thuật biểu đạt hơi giọng trở nên sang trọng hơn. Nếu ở Xuân tình ông gằn giọng, nhấn nhá trọng âm ( chữ in đậm ) tạo nên âm sắc trầm hùng thì ở Nam xuân âm sắc có phần cất bổng lên một chút, cùng với kỹ thuật buông hơi nhẹ nhàng xuống “xang” của Nam xuân ngân nhẹ nên âm điệu du dương, miên man như gió mùa xuân mang theo nhạc điệu…Tiêu biểu phong cách ca ngâm NaM xuân của NSUT Thanh Sang hòa quyện cùng Bạch Tuyết trong “ Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga “ …
Lục Vân Tiên: chốn khổ toàn hay đó là bổn phận, việc nghĩa giữa đường nào phải riêng ai, xin tiểu thơ đừng bận tâm lo ngại, bóng đã xế dài xin hãy dời chân.
NSUT MINH VƯƠNG – THANH THOÁT VỚI XUÂN
NSUT Minh Vương có làn hơi đầy đặn, chất giọng “ Kim pha Đồng “ một trong những loại hơi giọng hiếm của Cải lương, âm lực vừa cao vừa thanh trong khi ca cao, ca cấn, một chút “ Đồng pha “ nghe rổn rảng, hùng hồn khi ca Bắc, nhất là ông ca thể điệu Xuân tình.
Mặc dù ở thể điệu Xuân tình, NSUT Minh Vương không có bài riêng, chỉ ca đang xen với các nghệ sĩ khác trong nhiều vở, nhưng ta cũng có thể cảm nhận được kỹ thuật ca ngâm của ông, đó là cách ca chắc nhịp chắc âm. Có nghĩa âm gắn liền với nhịp rõ ràng, từng âm tiết có đủ trường độ và cường độ để biểu đạt sự tinh tế của hơi Bắc trong Xuân tình. Khi ca ông buông hơi một cách thuần túy, không cần kỹ thuật luyến láy mà âm sắc của hơi Xuân vẫn thanh thoát bổng lên.
Còn ca Nam-Oán nghe ngọt như mía lùi, nhất là Vọng cổ, ông ca với tâm trạng đầy trắc ẩn, cảm xúc được bộc lộ qua hơi – giọng vừa “ Kim “, vừa pha “ Đồng “ âm sắc bi thương như ai oán. Đặc biệt, NSUT Minh Vương còn có dáng vẻ riêng khi ca Nam xuân.
Có lẽ, hơi Xuân của ông độc đáo nhất gắn liền với vai diễn để đời của ông, đó là Nguyễn Trãi trong “ Rạng Ngọc Côn Sơn “ được ông bộc lộ nỗi xót xa cho thân phận mình bị vu oan, nỗi lo là lo cho xã tắc đang hồi loan lạc vì bọn quyền thần…Có lẽ đây là một trong những lớp ca diễn hay nhất trong vở ( lớp phục hiện Thị Lộ nhớ Nguyễn Trãi ). Âm giọng của ông hùng hồn, nhưng lại chứa một tâm sự đầy trắc ẩn, đượm buồn va xúc động qua thể điệu Nam Xuân:”…
Còn nghe lời Thầy văng vẳng lúc ra…đi, Thầy dặn rằng sống phải làm việc nhân, cứu khổ sanh linh, ta chẳng bao giờ phân vân. Hôm nay đây trước cảnh dân tình trong cơn nguy nàn sao ta lại ( cất giọng bổng lên ), ta lại chẳng đau lòng…” Những âm tiết mà ông nhấn trọng âm, hơi Xuân cất lên âm điệu miên man, âm tiết ở độ cao thì ông nâng hơi ngân nhẹ tạo thanh âm thanh thoát như những âm tiết có cánh bay bay trong gió…
Tóm lại, trong thể điệu Nam Xuân ( của ba Nam ), Xuân Tình ( của sáu Bắc ) hầu như vở Cải lương nào cũng được các tác giả quan tâm khai thác, và nhiều nghệ sĩ ca diễn hay ở hai thể điệu này; nhưng có thể khẳng định không ai có thể qua kỹ thuật ca ngâm của những nghệ sĩ tài danh nói trên, từ nét hay riêng và sự hòa kết nhuần nhuyễn, cái hay của người này trong cái hay của người kia. Bởi đó là sự hòa kết phù hợp mà người trong nghề gọi là ăn ý hay tâm đầu ý hợp, mà ở đây chúng tôi gọi là âm giọng – âm điệu họ hòa quyện vào nhau thành âm giọng đầy sắc màu và cung bậc.