BỐN TỪ HÁN VIỆT TRÊN CÓ NGHĨA: THUỞ TRƯỚC, KHÔNG CÓ NGƯỜI HƠN VỀ TÀI. CHỦ ĐỀ BÀI NÀY ĐỀ CẬP ĐẾN ĐỆ NHẤT DANH CA CỦA NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG - NSND ÚT TRÀ ÔN.
Biệt danh đệ nhất danh ca là nghĩa rộng, khẳng định tài ca vọng cổ hay nhất, mà còn ca giỏi các thể điệu hay nhất trong rừng cổ nhạc cải lương Nam Bộ. Và, Út Trà Ôn đã đạt tầm cao từ Nam đến Oán, nhất là các bản Bắc. Giữa thập niên 40 (thế kỷ XX), bộ dĩa (3 dĩa) nhịp 16 Sầu vương biên ải là bệ phóng nhiều mã lực đưa NS Út Trà Ôn lên đài danh vọng. Nó như một cơn địa chấn làm ngẩn ngơ nhạc giới lẫn công chúng thính giả. Ông trở nên một hiện tượng độc đáo với giọng đồng tinh chất, du dương ,truyền cảm, lại đậm đầy chính khí của con người đất phương Nam.
Bộ dĩa được phổ biến rộng rãi, rất ăn khách, hầu như nhà nào có máy hát dĩa là không thể thiếu nó. Bộ thứ hai (hai dĩa) Tôn Tẩn giả điên cũng do cậu Mười Út ca độc chiếc nhịp 16 càng thành công vang dội hơn. Đặc biệt, lúc Tôn Tẩn điên, ông đã sáng tạo cách ca trở hơi Bắc pha Nam (độ chiêu), xuống song lang tuyệt vời, gây hiệu ứng cao, doanh thu choáng ngợp. Chỉ hai bộ dĩa vọng cổ, ông đã chễm chệ nơi ngôi vị độc tôn, làm sao không tác động tâm tưởng các danh ca thời ấy như: Tám Thưa, Hồng Châu, Ba Giáo, Năm Phồi, Ba Khuê, Bảy Cao, Năm Nghĩa... qua những cảm giác phức hợp, khó tả.
Tiếp theo là nhiều bộ dĩa cải lương như Kim Vân Kiều, Một người anh, Ngày về cố quận... đã hổ trợ đắc lực khi ông bước vào thánh đường nghệ thuật sàn diễn. Vở Hoàng tử lưng gù (soạn giả Mộng Vân) ở thập niên 50 rất thành công doanh thu với cặp danh ca Út Trà Ôn - Thanh Tao vai hai huynh đệ hoàng tử. Thời điểm ấy, trường phái "Kép ca, đào ca" có thế mạnh áp đảo trường phái diễn. Đây là chuyện tế nhị về dân trí, về cái gu (gout) thưởng ngoạn; nó làm chao đảo phương hướng con thuyền nghệ thuật.
Là người nặng nợ với cải lương từ thưởu thanh xuân còn ngồi tù Côn Đảo, ký giả Thanh Tâm Trần Tấn Quốc tự nguyện làm người mở đường; với loạt bài đầy tính học thuật, giải bày, phân tích tính chất nghệ thuật cải lương, rồi đi đến kết luận rằng hai yếu tố Ca - Diễn nhất định là sự gắn kết Xương - Thịt ắt có và mang tính sống còn trong chủ thể loại hình dân tộc ưu hạng này. Lãnh hội sâu về thế đứng của một nghệ sĩ phụng nghiệp Tổ, ông đã tôi luyện về diễn. Thành tâm được đáp ứng bằng thành quả; sau đêm diễn khai trương vở Lỡ bước sang ngang (soạn giả Thu An), báo chí hết lời khen ngợi Út Trà Ôn trong vai chú Ba tài xế bên cạnh những ngôi sao Hoàng Giang, Ba Thanh Loan, Hữu Phước, Thanh Nga.
Ông đã thể hiện xuất thần một người tài xế bộc trực, vì nghĩa mà chấng lại người anh giàu sang thế lực đến phải đi tù, bị tra tấn... qua lời thoại sắc bén và những câu vọng cổ hò 6 cao vút, góp phần hưng thịnh thêm cho một đại ban Thanh Minh cuối thập niên 50. Đầu thập niên 60, tài nghệ ca diễn ở đẳng cấp cao như hai luồng nội lực sung mãn đã cùng ông đột phá sâu vào lãnh vực băng dĩa và sân khấu.
Các bài ca lẻ Tình anh bán chiếu, Gánh nước đêm trăng, Ông lái đò (soạn giả Viễn Châu), Tình phụ tử (soạn giả Quy Sắc)... Các vở Tần nương thất (vai người em chồng), Tuyệt tình ca (vai giáo Hương)... đã đưa ông lên chót đỉnh vinh quang. Khán giả hào hứng tán thưởng (Tần nương thất) qua lớp diễn đặc sắc tỏ tình cùng Tần khi ông ta đang cơn túy lúy. Cũng trong vở này, có mấy câu vọng cổ vừa ca vừa lên cơn suyễn, đài từ kết hợp hơi mũi phát ra âm thanh óot... óot (thuật lại lúc người anh sắp chết) nghe rất lạ, rất buồn cười. Thật ảo diệu.
Đỉnh điểm cao nhất của ông là vai ông giáo Hương, vai diễn bất hủ theo kịch bản, hay kịch bản trở nên bất hủ nhờ giáo Hương - Út Trà Ôn, nói sao cũng đúng. Trong Tuyệt tình ca, những Út Trà Ôn, Bạch Tuyết (vai Trường An), Hồng Nga (vai bà Lan) đã lấy của khán giả bao nhiêu là nước mắt. Người viết bào này bị thẫm thấu tận tâm can, bi thiết tận trí não để mỗi lần đi từ Sài Gòn về phà Mỹ Thuận, nhìn lục bình trôi, qua chợ Trường An bỗng như vẳng nghe ông giáo Hương than thở: "Tôi đứng đây mà tưởng như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, lúc mình quay xuống trở lại với hai con.
Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, cơn nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chieều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương đã lẫn khuất giữa sông... đầy". Ôi! cả một thảm kịch tình yẹu dang dở. Giọng đồng rặt của chú Mười Út, tôi đã nghe từ cuối thập niên 40 cho đến ngày ông quá cố, thuộc loại du dương, âm vực rộng. Thế mà vai ông Cò Hương, chú đã thể hiện giọng bi tuyệt hảo thay cho âm sắc sang sảng của chất đồng. Qủa là một giọng ca "tiền vô cổ nhân". Giọng ca người nghệ sĩ quá đổi bi ai, cuốn hút tâm tư người nghe vào một thế giới mà kiếp nhân sinh lắm điều hệ lụy.
Dẫu biết đó là hư cấu, nhưng vở diễn và tài năng diễn viên đã khắc dấu ấn cảm xúc vào người xem quá đậm, chẳng thể phai màu theo thời gian vốn dĩ nghiệt ngã khôn lường. Sau 30/4/1975 ông tiếp tục hành trình chinh phục bằng một Văn Hiếu oai phung trung liệt (Bình Tây đại nguyên soái, soạn giả Nguyễn Thành Châu); một Trùm Sò (Ngao Sò Ốc Hến) oái ăm, tráo trở, keo kiệt, xảo biện để bật lên sắc nét một lão trọc phú đa nhân cách, độc nhất vô nhị.
Út Trà Ôn và Giang Châu trước sau lần lượt vào vai Trùm Sò, đã cùng soạn giả Nguyễn Thành Châu lôi tuột nhân vật sàn diễn quăng vào chợ đời để phong phú hoá ngôn ngữ dân gian theo dạng Nguyễn Du với Sở Khanh, Hoạn Thư; Nguyễn Đình Chiểu với Cốt Đột, Bùi Kiệm... những ô danh được gắn gán cho những kẻ chẳng ra gì. Bài ca lẽ Đài hoa dâng Bác, giọng hát của ông vẫn đẹp đến xao xuyến lòng. Vẫn đường nét chân phương kinh điển, tuân thủ nhạc căn, ông ca như nói, hát như thở, không cần khoe hơi, lạng lách, uốn éo cường điệu đài từ để tạo nét lạ. Bài ca của tác giả Trần Nam Dân này, ông thể hiện với một chuyển biến mới: cách ly lối ca tình cảm du dương cố hữu, thay thế bằng lối ca hùng.
Tinh tế phối hợp nhuần nhuyễn nội dung, ca từ, kỹ năng, giọng đồng ấm áp sĩ khí với chất lượng kỹ thuật cao, ông đã cùng bài ca thăng hoa rực rỡ. Vai diễn sân khấu Tám Khỏe trong Người ven đô (kịch bản Minh Khoa, chuyển thể Ngô Hồng Khanh - Nguyễn Gia Nghiêm) có lẽ là vai để đời cuối cùng của ông. Đó là một ông lão nông đặc chất nam Bộ của 18 thôn vườn trầu giàu truyền thống chống giặc giữ nước. Tám Khỏe của Út Trà Ôn đã cùng Bảy Đờn (Thành Được) và những hạt gạo cội của đoàn Sài Gòn 1 đưa một vở diễn thể loại truyền thống đấu tranh lên tầm cao nền nã, sang trọng.
Họ đã tạo nên một bức tranh tả thực ảm đạm với những thân phận đáng thương , những tấm gương yêu nước khả kính, đích đáng vạch mặt những kẻ phản diện đáng nguyền rủa. Công chúng xúc động đến tê liệt cả người, có chăng chỉ là sự vận hành của bao dòng lệ cảm, đó là lớp Tám Khỏe, thét to: "Tôi là Tám Khỏe, tôi xin tuyên vố ly khai Việt cộng". Tiếng la thét với ngữ âm hoảng loạn hoà lẫn tiếng chó sủa, tiếng la khóc của những nạn nhân và được hấm dứt bằng tiếng cười đắc thắng ngạo nghễ của kẻ thù dân tộc. Câu tuyên bố lỡ thốt ra Tám Khỏe - Út Trà Ôn bàng hoàng, ánh mắt lạc thần, tay run run che miệng. Ông thẫn thờ chẳng biết mình vừa làm gì.
Nhưng rõ ràng ông vừa phạm tội tày trời: phản bội Tổ quốc, phản bội xóm làng. Lời đã nói ra làm sao lấy lại? Bất giác, ông rối rít, lập bập vái lại: "Tôi lạy bà con, tôi không muốn nói như vậy mà... Tôi không có nói... Tôi không muốn nói..." cả cơ thể già nua đổ gục vì cơn sốc phủ phàng. Bản Ái tử kê (được đạo diễn Ba Vân sáng tạo lúc dàn dựng) được Đệ nhất danh ca nhập cuộc, lời ca uất nghẹn đài từ, giai điệu chấp chới nửa tỉnh nửa mê, nước mắt diễn viên ràn rụa, hình tượng nhân vật bèo nhèo, xác xơ nhưng lại đẹp dáng thiên thần.
Làn điệu trở nên đắt giá vì được thiết kế cực kỳ chính xác, cộng hưởng nét diễn xuất thần, tài ca hoàn hảo đã bật lên ánh hào quang nghệ thuật mỹ lệ mà bi tráng. Đã hơn chục năm, người nghệ sĩ lớn đi vào cõi vĩnh hằng; nhưng những gì ông cống hiến cho công chúng để cho nghệ thuật dân tộc vinh quang và in đậm nét son chói lòa trên trang sử cải lương. Là một khán giả hậu bối mấy thập niên theo dõi dấu chân hành hương nghệ thuật của ông, mong ông nhận nơi đây tấm lòng tri ân, tri ân người đã cho tôi vinh hạnh thâm nhập vào thế giới diễm tuyệt của bao nhiêu nhân vật muôn vẻ, muôn màu.