PN - Vở Con cò trắng (soạn giả Thu An, ĐD-NSND Trần Ngọc Giàu) diễn đêm 29/11 là một trong số hiếm hoi những vở diễn của chương trình Ngân mãi Chuông vàng (NMCV) khiến khán giả tương đối hài lòng.
Vở diễn có sự góp mặt của khá nhiều gương mặt đoạt giải tại các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) truyền hình từ trước đến nay: Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng, Thu Vân, Phạm Thị Huyền Trang, Nguyễn Thanh Nhường, Thúy Loan….
Chưa thật xuất sắc nhưng mỗi diễn viên đều thể hiện nỗ lực có một sự xuất hiện đầy đặn trong mắt khán giả. Đoạn kết khá xúc động với cảnh hội ngộ không toàn vẹn của những người thân trong gia đình sau mười mấy năm lưu lạc. Tiếc rằng ở tổng thể vở diễn, những điểm sáng quá hiếm hoi, trong khi đó nỗi bực dọc của đa số khán giả bao trùm lên toàn bộ vở diễn là kiểu cắt xén vô tội vạ tác phẩm gốc của soạn giả Thu An để đủ thời lượng phát sóng.
Nỗ lực của diễn viên bị sự rời rạc của vở diễn phá hỏng - Ảnh: A.K.
Mệt và khó hiểu khi theo dõi vở diễn là tâm trạng chung của không ít khán giả khi bước chân ra khỏi Nhà hát Bến Thành. Vì sao Bạch vừa cướp chồng của Trinh, vừa tỏ vẻ ăn năn hối hận và nguyền rủa Lộc vì Lộc ruồng rẫy Trinh và đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà? Ở cảnh đầu, rõ ràng khán giả thấy Lộc có tư tình với Bạch và thản nhiên đuổi vợ để sống với Bạch, cớ gì ở cảnh sau, khi đã sang đoạt gia tài của Lộc, Bạch vẫn căm thù Lộc và cho rằng Lộc đã lừa dối Bạch? Bà Cò (Thúy Loan) là người từ phương trời nào lạc đến? Sao liên tục xuất hiện ở nhà Lộc?...
Mạnh là người ra sao mà bỗng dưng tốt bụng cứu thầy giáo Danh để rồi ngu ngơ bị bà Cò lừa vào tròng? Quá nhiều chi tiết rời rạc, tình huống khó hiểu khiến khán giả vừa xem, vừa tự suy luận, do kiểu cắt đại một cảnh hay một đoạn cho “nhanh gọn lẹ” mà thiếu hẳn khâu biên tập, xâu chuỗi các sự kiện, nhân vật… để vở diễn dù ngắn gọn hơn nhưng vẫn phải hợp lý, số phận, tính cách nhân vật phải rõ ràng.
Con cò trắng, vở diễn mang nhiều ý nghĩa về lòng mẹ, về cái giá phải trả cho sự bội bạc, bất hiếu của soạn giả Thu An ngày xưa giờ trở nên lạc lõng, thiếu điểm nhấn. Sự gấp gáp, vội vã khi đẩy diễn tiến vở diễn cho người xem cảm giác như đang xem một… cuộc đuổi bắt tốc độ hơn là một vở cải lương cần phải có chất trữ tình, tự sự. Điểm lại 12 vở diễn của chương trình NMCV thì việc cẩu thả trong cắt xén, biên tập các vở diễn dường như đã là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”! Khán giả phản ứng, nhà đài vẫn làm ngơ “dọn món” theo kiểu “có gì cho nấy, miễn kêu ca, phàn nàn”.
Một số gương mặt đoạt giải các cuộc thi CVVC tham gia những chương trình NMCV trước đây từng bức xúc chia sẻ: “Nhiều lúc chúng tôi diễn chẳng còn cảm xúc, hào hứng. Bị cắt xén nhiều, tính cách, tâm lý nhân vật bị gãy khúc làm những diễn viên chưa nhiều kinh nghiệm như chúng tôi rất khó nhập vai. Đã vậy, nhiều lúc đang diễn, người phụ trách chương trình thấy gần hết giờ, đứng nhấp nhổm phía trong sân khấu hối thúc diễn cho lẹ. Diễn trong tâm trạng, không khí đó làm sao chúng tôi diễn cho tốt được?”.
Nếu quá khó để đáp ứng thời lượng của các chương trình cải lương truyền hình trực tiếp thì thà rằng tạm dừng để sắp xếp lại hoặc chuyển sang một kênh truyền hình khác có đủ “đất” cho một vở diễn trọn vẹn. Đừng cố làm cho có mà hỏng các tác phẩm cải lương từng được công chúng yêu mến.