NS CHÂU THANH LÀ MỘT TRONG NHỮNG ANH KÉP MÙI CỦA CẢI LƯƠNG NỔI TIẾNG NHỜ CA HƠI DÀI, CÁCH NGÂN NGA CŨNG LẠ HƠN NHIỀU NGHỆ SĨ KHÁC, ĐƯỢC XEM LÀ MỘT HIỆN TƯỢNG VÀO CUỐI NHỮNG NĂM THẬP NIÊN 80 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC. TUY NHIÊN, PHONG CÁCH CA HƠI DÀI TRONG THỜI ĐIỂM ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ MỚI MẺ, BỞI TRƯỚC ĐÓ ĐÃ CÓ NS MINH CẢNH TỪNG NỔI TIẾNG VỀ KỸ THUẬT CA HƠI DÀI RẤT ĐIỆU NGHỆ, KẾ ĐẾN LÀ NS LINH VƯƠNG, RỒI NSUT GIANG CHÂU, NS NGÂN GIANG...
NHƯNG NS CHÂU THANH CÓ PHONG CÁCH CA HƠI DÀI VÀ GIỌNG LẠ HƠN, NGỮ ĐIỆU PHONG PHÚ VÀ ÂM SẮC TRẦM ẤM SÂU LẮNG HƠN.
TỪ ANH NÔNG DÂN ĐỜN CA TÀI TỬ
NS Châu Thanh tên thật là Trần Tuấn Kiệt, anh sinh ra trong một gia đình nông dân (1957), ở xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Cha anh là nghệ nhân Minh Chương - nhạc Tài tử đờn Guitar phím lõm, nên hồi còn ở quê nhà anh được cha truyền dạy đờn va ca khá thông thạo hơi - điệu nhiều bài bản Tài tử và Cải lương. Những năm đầu Giải phóng (1975-1978), Tuấn Kiệt là hạt nhân nòng cốt của phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Anh đã được nhiều người khen va tiên đóan rằng, nếu anh theo Cải lương chuyên nghiệp thì anh sẽ sớm trở thành nghệ sĩ nổi tiếng. Có lẽ đây là liều thần dược tạo thành nguyên nhân chính để đưa Tuấn Kiệt đến với Cải lương chuyên nghiệp.
Thế là những buổi trình diễn văn nghệ quần chúng ở xả Phước Chỉ - Trảng Bàng, khán giả không còn trông thấy chàng Tuấn Kiệt ca ngọt như mía lùi nữa, khi hỏi lại thì mọi người mới biết anh đã đầu quân vào Đoàn Cải Lương Sài Gòn II rồi (1979). Tuy Tuấn Kiệt đã có chút ít vốn luyến đờn ca nhưng chưa biết gì về kỹ thuật tâm lý biểu diễn, nên vào Đoàn Sài Gòn II mấy tháng mà vẫn không được phân vai, chỉ làm phụ bầu những việc lặt vặt, ban đêm ngồi trong cánh gà sân khấu phụ đạo cụ và xem các đồng nghiệp đi trước diễn để học nghề.
Một hôm, Đoàn diễn vở "Khách sạn Hào Hoa", vai Chú Năm do một diễn viên khác đảm nhận nhưng đêm đó Kép này bị bệnh không diễn được. Thế là Tuấn Kiệt được Trưởng Đoàn cho diễn thế vai Chú Năm, vì đã xem vai này nhiều lần nên anh diễn tròn vai, được Trưởng Đoàn và tập thể khen khiến cho anh hưng phấn thành công những vai tiếp theo. Đặc biệt là sau đó, Tuấn Kiệt được lãnh đạo Đoàn ưu ái tăng lương và hát chia vai với kép chánh Tuấn An lúc đó.
Cũng xin nói thêm đây là thời kỳ Cải lương rất hưng thịnh nhất là ở miệt tỉnh nên có câu: "Cải lương về làng như phụng hoàng về miểu, đào kép Cải lương là những ông hoàng bà chúa", nhiều nghệ sĩ có tên tuổi thường tăng cường ở tỉnh cát sê cao hơn ở thành phố. Nên lúc này một số kép của Sài Gòn II thường hát show ở tỉnh, và mỗi lần như vậy thì NS Tuấn Kiệt được thế vai, một số vở như "Tìm lại cuộc đời", "Khách sạn Hào Hoa", "Tiếng hò sông Hậu", "Nếu em là hoàng đế", "Nắng ấm ngoại ô"...
Sau đó, Tuấn Kiệt được NS Phương bình mời về cộng tác hát chánh cho Đoàn CL Hương Biển, anh đổi nghệ danh là Bảo Châu (1980) trong các vở "Giọt máu oan cừu", "Sơn Tinh - Thủy Tinh", "Bạch Viên - Tôn Cát", "Thạch Sanh - Lý Thông"... Năm sau (1981), Tuấn Kiệt về Đoàn CL Sài Gòn III, anh có mặt trong các vở "Tình ca biên giới", "Nàng Sa-Rết", "Mái tóc người vợ trẻ"...
Khi Tuấn Kiệt rời Đoàn CL Sài Gòn III, anh về hát kép chánh cho Đoàn CL Cao Nguyên, và Đoàn chuyên lưu diễn ở miền Trung gần đến 5 năm (1982 - 1986) cũng từ giai đoạn này Tuấn Kiệt ca hơi dài, vì ít nhiều đã tích lũy được kinh nghiệm biểu diễn nên ca diễn có một bước tiến bộ hơn so với trước đó. Có lẽ từ giai đoạn này là ấu dấn đáng nhớ của anh để mở đầu cho phong cách kỹ thuật ca Vọng cổ hơi dài, là bệ phóng để khi anh về Đòan CL Trung Hiếu (1987) định hình và nổi tiếng "một Châu Thanh hơi dài".
THÀNH CÔNG TỪ MỘT KÉP CA
Khi NS Tuấn Kiệt về hát chánh cho Đoàn CL Trung Hiếu , anh đổi nghệ danh là "Châu Thanh" cũng nhằm khẳng định phong cách ca diễn của mình. Lúc này, NSUT Phượng Hằng cũng vừa rời Đoàn CL Tây Ninh về cộng tác với Trung Hiếu, mà cô đào Phượng Hằng lúc còn hát cho Tây Ninh đã có kỹ thuật ca hơi dài. Thế là hai nghệ sĩ này gặp nhau hát đào kép chánh cho Trung Hiếu rất tâm đầu ý hợp như một hiện tượng hơi dài lúc bấy giờ, mà công luận tặng cho mỹ danh là "Đôi sơn ca Châu Thanh - Phượng Hằng".
Những năm ở Đoàn CL Trung Hiếu, mặc dù hát chánh nhiều vở nhưng thật tình mà nói NS Châu Thanh không có được vai nào xuất sắc, ngay một thời gian anh và Phượng Hằng qua Đoàn CL Thanh Nga hát một số vở như "Tấm lòng của biển", "Nữ kiệt sang sông", "Giấc mộng trường sinh"...
Có một dạo NS Châu Thanh về Đoàn CL Sông Bé II, rồi Đoàn CL Huỳnh Long cũng không có vai nào nổi bật. Có lẽ trong cuộc đời hát kép chánh trên Sân khấu Cải lương của NS Châu Thanh là nhờ tài ca chứ không phải tài năng diễn xuất, ngay vở nổi tiếng lúc ở Trung Hiếu "Vụ án Mã Ngưu" cũng không ngoài ngoại lệ đó. Xét cho cùng nhân vật Quách Vương không mấy lý tưởng, tính văn học ca từ của vở không thuộc loại văn chương tiêu biểu, nhiều câu ca, từ ngữ sáo mòn ngữ nghĩa, cú pháp ngôn ngữ rất vụng về... Điều này có thể thấy, lớp Quách Vương bị mù đi xin lại ca những ca khúc "Nhớ người yêu", "Cát bụi"... một sự chấp vá, lắp ghép có tính cơ giới của tác giả khác mà không là của tác giả kịch bản.
Nhiều người cũng đồng tình với nhận định, vở "Vụ án Mã Ngưu" hay nhất là lớp Thục Oanh (Phượng Hằng) và Quách Vương (Châu Thanh) hồi quan (nhớ nhau) ca nhạc vàng và Vọng cổ hơi dài hay, thu hút khán giả chứ không phải hay vì tình tiết hay văn chương của kịch. Hay nhất là người ta được có dịp nghe lại ca khúc "Nhớ người yêu" và "Cát bụi" có ca từ trữ tình, mượt mà và giọng ca truyền cảm đi vào lòng người của Châu Thanh, cái hay là ở chỗ đó. Và nếu, không phải NSUT Phượng Hằng và Châu Thanh trong vở "Vụ án Mã Ngưu", mà nghệ sĩ nào đó cùng trang lứa đóng thì vở này chưa chắc đã ăn khách bằng lối ca Vọng cổ khác ?...
NS Châu Thanh được thiên phú một làn hơi chất giọng khỏe khoắn, đầy âm lực, có đủ âm vực: vang, trầm, bổng, một chút thanh trong... mà người ta thường gọi là âm vực rộng và cao. Âm vực được hiểu là quãng âm bao gồm tất cả các cung bậc của một giọng, hoặc một loại nhạc khí nào đó, mà quãng âm là âm thanh của một cung hay nửa cung của một dòng nhạc. Điều đó chứng minh rằng, hơi - giọng của NS Châu Thanh vốn phong phú về thể trạng, thêm vào đó anh lại có vốn căn cơ về âm nhạc Tài tử lúc học cha ở quê nhà, nên khi ca, anh xử ly hơi giọng một cách điêu luyện. Căn cơ đã có, bộ nhịp vững chắc nên luyến láy, nhấn nhá có điều kiện để phô diễn làn hơi chất giọng một cách tự tin, mà không e ngại chinh hay rớt nhịp.
Bên cạnh đó, Châu Thanh vận dụng kỹ thuật phát âm luyến và nhấn các thanh điệu khá thuần thục, như dấu sắc và hỏi (ngã) anh lại buông hơi dài để ngân nga, vừa rung giọng nên âm sắc của ca từ bay bổng với độ vang xa; khi ca từ trọng âm rơi ở những dấu huyền lúc xuống "xề hay hò" thì anh xử lý buông giọng từ từ, tiết chế âm lực cho hoạ âm trầm nhiều hơn nên âm sắc giọng ca trầm lắng nghe rất truyền cảm. Đặc biệt, những điểm nhấn trọng âm của NS Châu Thanh, anh lại xử lí kỹ thuật hơi mũi hoá (nasal) để ngân, và cuối âm sắc có âm gió là "hơ...hơ...ơ...", lại càng nghe âm sắc dặt dìu hơn, tô điểm ca từ thành những âm thanh mượt mà hơn...
NS Châu Thanh đạt được trình độ xử lí hơi - giọng như thế không đơn giản chút nào, anh đã kết hợp và khổ luyện từ hai tinh hoa hơi giọng của hai nghệ sĩ Tài danh: NSUT Giang Châu (hơi dài) và NS Hoài Thanh (tiết chế âm lực ngân âm "hơ..."), và anh đã rèn luyện thành một hơi giọng riêng cho mình không lẫn lộn với một ai. Cái hay của NS Châu Thanh xử lý kỹ thuật ca hơi dài nhưng không lùa văn, nuốt âm, không như đọc theo kiểu tụng kinh, mà có ngân nga, nhấn nhá trọng âm với những ca từ chính nhịp; người nghe vẫn cảm nhận được ngữ nghĩa từng lời (ca từ), ngữ điệu có nhặt khoan, trầm bổng...
Với những kỹ năng đó, NS Châu Thanh đã từng cuốn hút khán giả khi xem vở "Vụ án Mã Ngưu" qua kỹ thuật ca Vọng cổ: "Em ơi, tháng bảy mưa ngâu có cầu Ô Thước trên dải Ngân Hà Chúc Nữ hội ngộ Ngưu Lang sau một năm dài xa vắng. Còn anh nhớ em chỉ bằng giấc mộng, khóc hận vì ai gây cảnh đắng cay để giờ đây anh sống kiếp đơn côi, biết về đâu khi đường tương lai mịt mù tăm tối, mà lối đi về không có ngày mai, vì người ta đã cướp đi đôi mắt của anh... rồi...".
Tuy nhiên, phong cách và kỹ thuật ca hơi dài và cái "hơ..." của NS Châu Thanh cũng có một bộ phận dư luận không thích, thậm chí có một lúc, một số người phản đối. Dù vậy, nhưng đại bộ phận vẫn mến mộ phong cách ca ngâm, kỹ thuật xử lý hơi - giọng của NS Châu Thanh, nhất là giới trẻ. Thông thường, người đời có câu: "Biết làm sao cho vừa lòng người, ở rộng người cuời, mà ở hẹp người chê", và "đa số luôn thắng thiểu số", nếu thắng trọn vẹn được thì càng tốt, còn không chiếm đa số cũng đã thành công rồi.
Trong khoảng thời gian 1988 đến 1990, đôi sơn ca Châu Thanh - Phượng Hằng đã được một số hãng băng mời cộng tác, trong đó đã phát hành đến 5 Album cassette riêng "Tiếng hát Châu Thanh - Phượng Hằng" bán chạy như tôm tươi, ở nông thôn hầu như nhà nào có máy cassette là có băng "Tiếng hát Châu Thanh - Phượng Hằng". Điều này đã chứng minh được giang ca của Châu Thanh - Phượng Hằng đã đi vào thị hiếu của một bộ phận lớn trong công chúng, tạo một hiện tượng "Châu Thanh - Phượng Hằng" lúc bấy giờ, và đến nay vẫn còn không ít người mến mộ. Cũng phong cách ca hơi dài và kỹ thuật luyến láy đã nói ở trên,
NS Châu Thanh còn ca khá nhiều trên Đài TNND - TP. HCM, Đài TNVN, và một số Đài PTTH tỉng được thính giả biết đến; đặc biệt là hai bài: Tân cổ giao duyên "Nụ Hồng" và lời Vọng cổ của cố NSUT Thanh Vũ, anh ca chung với Phượng Hằng và bài "Giấc mơ" cũng của Thanh Vũ, anh ca chung với NSND Lệ Thủy, có một dạo hai bài này đã được bạn nghe đài yêu cầu các đài phát lại nhiều lần.
Sự phong phú của đời sống xã hội là muôn màu muôn vẻ, trong nghệ thuật cũng vậy, không quá rập khuôn theo một khuôn mẫu dù cái đó rất tuyệt vời. nhưng xét cho cùng, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng luôn đa dạng và phong phú, mỗi giai đoạn xã hội lại có nhu cầu và thị hiếu thẫm mỹ riêng, và khi người nghệ sĩ sáng tạo đáp ứng được phần đông trong công chúng coi như đã có sự thành công nhất định, bởi nghệ thuật không có đỉnh điểm tuyệt đối chỉ tương đối mà thôi.
Nói chung, NS Châu Thanh ít nhiều cũng đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán - thính giả mộ điệu bằng phong cách ca ngâm của riêng mình, và anh là một NS Cải lương có một sáng tạo riêng về xử lý kỹ thuật hơi - giọng được xem là một trong những bức phá mới vào giai đoạn cuối của thế kỷ 20.