Chuông Vàng Vọng Cổ lần này, Huyền Trang đoạt ngôi “Quán Quân” không gì là lạ. Bởi đối thủ của cô không phải là Nguyễn Văn Đáng, mà là Ngọc Thảo – một ứng viên từng xông pha trên khá nhiều trận mạc và đã giành một số giải thưởng cao.
Nhưng Ngọc Thảo đến kỳ thi này, sau hai lần được khán giả bình chọn nên bị “bịnh” chủ quan, thêm vào đó là chất giọng của Ngọc Thảo dường như muốn lão hóa so với những “trận” khác trước đây. Đến giai đoạn nước rút bản thân cô thiếu tự tin trong xử lí ca ngâm trước đối phương, nên tâm trạng ở mức thắng thua cô trở nên bối rối, tinh thần tự chủ bị chi phối…
Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM trao giải Chuông vàng cho thí sinh Phạm Thị Huyền Trang.
Với Huyền Trang, không những nổi trội về sắc vóc sáng đẹp; nếu xét về sân khấu thì cô rất triển vọng của một cô đào thương chánh cho Sân khấu Cải lương, khá lí tưởng cả thanh lẫn sắc; làn hơi chất giọng tuy chưa phải đặc biệt lắm, nhưng đủ sức đảm nhận vai trò một đào chánh Cải lương không thừa không thiếu. Căn cứ vào nguyên lí giữ âm thì giọng ca của Huyền Trang khá phong phú về âm sắc, đây cũng là vốn liếng để làm nền cho nghệ thuật ca ngâm, mà khi xử lí hơi – giọng cụ thể gọi là kỷ thuật hơi – giọng.
Với những khả năng nói trên của Huyền Trang được thể hiện rất rõ qua bài Vọng cổ “Dòng sông Trẹm” của soạn giả Phi Hùng, một bài Vọng cổ chưa từng quen thuộc mà cô mới đặt cái hồn mình vào đó. Từ việc sắp văn ca, canh nhịp, biểu đạt tình cảm qua nội dung các ca từ… một cách tương đối trọn vẹn về kỷ thuật và trạng thái tâm lí. Kỷ thuật ca ngâm, Huyền Trang đã biểu đạt không những chính xác về phát âm mà còn vận dụng khá hoàn hảo nhấn trọng âm từ và trọng âm câu. Có nghĩa là những ca từ mang thanh điệu sắc, huyền, nặng, ngang, hỏi, cô nhấn trọng âm khác nhau theo nghĩa của từ và nhịp chính; trọng âm câu thì cô chú hơn những nhịp kết thúc câu, cô buông hơi dài hơn trọng âm từ để cô ngân ca từ cuối câu, tạo âm sắc tươi tắn, mượt mà hơn, nhất là trọng âm cuối câu với những từ mang thanh sắc và hỏi.
Những ca từ mang thanh nặng, Huyền Trang không ngân mà nhấn, thanh huyền khi xuống “hò và xề” cô lại vừa luyến vừa ngân, nhất là ở cuối câu 5 và 8 nhịp cuối câu 6, hơi – giọng nhẹ hơn, ngân cũng nhẹ như hơi gió, âm sắc vừa trầm xuống vừa sâu lắng, buồn và mùi… Có lẽ, Huyền Trang đang biểu đạt kỷ thuật thì hàng ghế Giám khảo, chúng tôi thấy nhiều vị rất hài lòng, nhất là NSND.TS Bạch Tuyết mỉm cười thỏa mãn như khi bắt gặp một điều tri ngộ. Có thể thấy và nghe ở làn hơi chất giọng của Huyền Trang khá phong phú về âm vực, cũng như cô xử lí tinh tế về sự vốn có của mình. Nói đúng hơn, cô biết tiết chế ứng dụng hợp nhất những thuận lợi về khả năng của mình vào tiết mục ứng thí.
Thêm vào đó là Huyền Trang được thiên phú cho mình một làn hơi – giọng trung tín (Neutrer voice – là tính chất giọng hài hòa giữa các cao độ), là loại giọng có thể ca cao hoặc xuống thấp, thường là ca ngang là sở trường. Vì thế, khi nhấn trọng âm, xử lí thanh điệu trong âm tiết chính của ca từ là Huyền Trang cất giọng lên hay xuống thấp không có gì trở ngại; nghĩa là không sợ “phô” giọng hay đuối hơi, âm lực vẫn có độ bền vững trong quá trình luyến láy, ngân nga để tạo thẩm âm.
Nói nôm na là làn hơi đầy đặn, sức lực dồi dào nên kéo dài, ngắn, ngân thanh sắc, hỏi vẫn thoải mái. Nổi bậc ở kỷ thuật xử lí hơi – giọng trung tín của Huyền Trang là phong cách biểu đạt trạng thái khá đa dạng. Loại giọng này ca những thể điệu Bắc không kém hùng hồn, ca Nam – Oán mùi mẫn, Quãng sẽ vui nhộn trữ tình, và Vọng cổ thì tùy thuộc vào nội dung mà giọng trung tính đều thích nghi được. Vì thế, với loại hơi – giọng này, nữ có thể ca cấn, ca chồng hơi, với tình huống bi, hùng, trữ tình…; và điều đó Huyền Trangđã thể hiện được trong bài Vọng cổ quyết định.
Thật ra không phải thiên phú hoàn toàn cho Huyền Trang sở hữu những vốn quý, tinh hoa ca ngâm sẳn có nói trên, mà cô đã có một quá trình học tập và rèn luyện đáng kể. Quê cha của cô ở Bạc Liêu (cái nôi của Vọng cổ), quê mẹ cô ở Vĩnh Long (cái nôi Ca ra bộ nhạc Tài tử), Huyền Trang đang công tác tại Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ (nơi tiếp cận ca ngâm).
Một thời gian sống ở Vĩnh Long, Huyền Trang được học ca Cải lương với nhạc sĩ Lưu Minh Sang (danh cầm của Đài phát thanh Cần Thơ trước 1975) gần một năm, sau này cô có dịp đến An Giang học ca nhạc Tài tử với NSƯT – nhạc sĩ Thiện Vũ (một ngón đờn tiêu biểu của ĐBSCL), nên Huyền Trang ca khá nhuần nhuyễn 20 bài bản Tổ nhạc Tài tử của Cải lương. Trước đây, cô từng cộng tác cho một số Đà PTTH tỉnh, CLB ĐCTT, có 2 năm công tác tại Đoàn NTQK9…; giải tư cuộc thi “Giọng ca Út Trà Ôn – 2007” do Đài PTTH Vĩnh Long tổ chức, giải nhất ca cổ “Tiếng hát phát thanh toàn quốc – 2010”, Huy chương Đồng giải “Bông Lúa Vàng – 2011” và giải thí sinh ca bài bản hay nhất…
Với những thuận lợi, khả năng đã có, và những thành quả đạt được; nếu Huyền Trang được đào tạo về kỷ thuật tâm lý biểu diễn ở trường lớp chính qui thì cô sẽ thành cô đào chánh Cải lương rất triển vọng; tương lai sẽ đón cô ở ngưỡng cửa rực sáng hơn…