Người bán dùng hóa chất để các loại mực ống, mực nang ươn thối thành mực tươi ngon nhưng gần như không có cơ quan chức năng nào quản lý, giám sát.
Tại nhiều chợ ở TP HCM đi đâu cũng thấy mực tươi bán tràn lan. Do nhìn bắt mắt nên nhiều bà nội trợ đua nhau mua mà ít ai biết rằng các sản phẩm loại này đã từng được sơ chế hết sức đáng sợ bằng đủ loại hóa chất.
Tại lề đường bên hông chợ Hòa Bình, quận 5, hằng ngày, chưa tới 4 giờ sáng, nhiều người chuyên bán mực đã tập kết hàng về khu vực này để sơ chế chuẩn bị xuất bán cho tiểu thương các chợ lẻ. Đập vào mắt là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen. Bên cạnh la liệt những xô chậu được xả sẵn nước.
Những người bán hàng thản nhiên chế vào từng xô chậu một ít nước màu đục như nước vo gạo, rồi khuấy đều. Kế tiếp, họ cho mực nguyên liệu vào xô trộn đều và ngâm cả giờ... Khi trời sáng, mực được vớt ra bán. Những con mực tím đen trước đó, giờ đã trắng phau, tươi rói. Nhiều bà nội trợ cẩn thận cầm từng con mực lật qua, lật lại nhưng rồi cũng phải tỏ vẻ ưng ý và cứ thế chọn mua. Khảo sát nhiều chợ lẻ khác như chợ Phạm Thế Hiển, chợ Xóm Củi (quận 8), chợ Xóm Chiếu (quận 4) hay chợ Đo Đạc (quận 2),… đều ghi nhận được tình trạng sơ chế tương tự. Ngay tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), từ nửa đêm, nguồn mực các nơi đã đổ về. Hàng xuống khỏi xe là được đưa ngay vào các vựa để sơ chế.
Tại mỗi vựa có cả chục người hì hục phân loại, cho vào thùng chứa nước ngâm thêm khoảng nửa giờ, sau đó mới vớt ra ướp đá lạnh để giao về các chợ lẻ. Một chủ vựa ở chợ này nói: “Mực đã được xử lý sơ sơ rồi nên có thể bán đến trưa cũng không sao. Cứ yên tâm mà lấy hàng...”.
Ông Giang, một người chuyên bỏ mối thủy hải sản ở TP HCM cho biết mực chưa ngâm tẩm hóa chất sẽ có màu xám trắng hoặc xám đen và còn cả mai. Còn mực bán ở chợ phần lớn đã qua sơ chế bằng cách ngâm hóa chất nên người ta phải gỡ bỏ mai, màu mực thường trắng tươi.
Dân trong nghề gọi loại hóa chất này là “chất kiềm” có công dụng giữ cho con mực không bị hư hỏng và tích nước làm tăng trọng lượng (mỗi kg mực ngâm hóa chất này sẽ làm tăng trọng lượng thêm ít nhất 200 g). Trường hợp mực đã bị biến chất, người bán sẽ “xử lý” bằng cách ngâm chất tẩy trắng. Chất này không chỉ khử mùi hôi tanh (do mực đang trong quá trình phân hủy) mà còn tạo độ giòn, dai...
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa kỹ thuật hóa học Trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết có rất nhiều hóa chất để giữ nước được dùng trong các mặt hàng thủy sản như urê, carpopol, cellulos... Những chất này khi xâm nhập cơ thể người sẽ rất nguy hiểm vì nó không thể tiêu hóa mà tích tụ dần và gây phản ứng trong cơ thể. Các chất tẩy trắng cũng rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa; chất formol ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây dị ứng, gây tổn hại bao tử...
Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP HCM, cho biết lâu nay, chi cục chỉ giám sát, quản lý các mặt hàng thủy sản ở chợ đầu mối, còn chợ lẻ thì chưa kiểm soát được. Trong thủy sản, người ta không chỉ sử dụng hàn the, urê mà còn cho cả kháng sinh vào để giữ cho sản phẩm tươi lâu, không bị hư hỏng. Trước thực trạng trên, chi cục cũng đang tập trung kiểm tra, giám sát mặt hàng mực tại chợ đầu mối bằng cách hằng ngày sẽ mẫu kiểm tra nhanh tại chỗ, vài ba tuần sẽ lấy mẫu để kiểm tra về mặt định lượng.
(Người lao động)