Lớp đàn ca tài tử - cải lương cơ bản khóa II-2012, do Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh kết hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Gạo khai giảng vào trung tuần tháng 3 và bế giảng vào cuối tháng 6, do nghệ nhân Nguyễn Thế Châu trực tiếp hướng dẫn. Lớp có 30 học viên chủ yếu ở các huyện phía Đông. Cuối khóa học có 24 học viên được cấp giấy chứng nhận và 4 học viên được khen thưởng...
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, 55 tuổi (Quơn Long, Chợ Gạo) cho biết: "Nghe tin mở lớp, tôi liền đăng ký, mỗi tuần sắp xếp việc nhà đi học một ngày chủ nhật. Yêu thích ca hát cải lương, hiện nay tôi thường xuyên sinh hoạt nhóm đờn ca tài tử của xã, nhưng ca chưa "chắc" nhịp lắm nên học để củng cố kiến thức và hiểu biết thêm bài bản, ca hát sẽ tự tin hơn". Chị Thủy giới thiệu thêm, trong lớp có đôi vợ chồng là anh Bùi Văn Đực (65 tuổi) và chị Nguyễn Ngọc Vân (64 tuổi) cũng ở xã Quơn Long, hai anh chị là một trong những thành viên nồng cốt trong nhóm tài tử của xã và cũng là học viên khá giỏi của lớp.
Cứ mỗi chủ nhật, các cô, chú, anh, chị em đến lớp, quây quần bên nhau để nghe và tập hát, những cung bậc hò, xự, xang, xê, cống... như quyến rũ sự đam mê; những thanh âm, giai điệu của Lý con sáo, Lý Cái Mơn hay những bản vắn cải lương: Ngũ điểm, Bài tạ, Phi vân điệp khúc... càng nghe càng thích. Những mái tóc bạc, bên những mái đầu xanh cùng học, cùng thực hành, cùng giúp nhau tiến bộ.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Châu (đứng) và học viên trong một buổi học.
Nghệ nhân Nguyễn Thế Châu tâm sự: "Đa phần học viên có chất giọng tốt, nhưng yếu nhịp, kiểm tra giữa khóa học, 60% học viên hát có nhịp, đúng giọng. Đến cuối khóa học chất lượng của học viên đạt trên 80%. Đây là lớp học thứ hai do Trung tâm VHTT tỉnh mở, tổng số học viên 30 người vừa đủ để chúng tôi kiềm cặp từng anh chị em nên đạt chất lượng hơn lớp đầu tiên mở ở Cai Lậy 60 học viên..."
Có đến ngồi cùng lớp học, chúng tôi mới hiểu được sự yêu thích và cần cù của học viên, sự tận tụy của người hướng dẫn. Mặc dù sức khỏe yếu (vì vừa qua cơn bạo bệnh) nhưng nghệ nhân Nguyễn Thế Châu vẫn nhiệt tình hướng dẫn từng người, hát đi, hát lại những chỗ học viên chưa nắm bắt được, dạy cách lấy hơi, xếp văn, nhả chữ... Lớp học với nhiều thành phần và lứa tuổi: Em Mộng Toàn sinh viên mới vừa 21 tuổi cùng mẹ là Hiền Mai (xã Thanh Bình, Chợ Gạo), anh Lê Văn Pho 44 tuổi, cán bộ y tế xã Thạnh Nhựt (Gò Công Tây), nông dân làm vườn ở miệt cù lao Tân Thới (Tân Phú đông) Phạm Thành Công cũng chăm chỉ tập ca cho đúng nhịp đàn.
Nghệ nhân Phạm Thành Danh (Tám Danh) suốt cả ngày chẳng ngại mệt mỏi, tay liên tục lướt trên phím đàn, đàn đi, đàn lại cho học viên tập ca. Anh Pho bộc bạch: "Tôi mê hát cải lương lâu rồi, hồi xưa nghe người ta hát rồi hát theo, bây giờ theo học lớp này trước nhất là học cho vững nhịp, biết thêm bài bản mới, sau đó về chỉ lại cho bạn bè, em út để khơi dậy phong trào văn nghệ "cây nhà lá vườn"!".
Hiện nay, nhóm đàn hát tự phát ở các xóm, ấp có chiều hướng phát triển, các thành viên trong nhóm tổ chức xoay vòng mỗi tháng một lần tại nhà của mình. Hy vọng những lớp hướng dẫn đờn ca bài bản tài tử, bài bản cải lương, vọng cổ... như trên sẽ được phát huy để củng cố kiến thức cho những "ca sĩ" miệt vườn hát hay hơn và hát có nghề hơn, góp phần thắng lợi cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời muốn có sự kế thừa và phát triển đúng đắn ở loại hình nghệ thuật truyền thống này, điều trước tiên là phải học và học đúng cách - bởi đàn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đầy tính khoa học và sáng tạo.