Mới 6 giờ 30 phút tối nhưng tiếng đàn “rao” theo điệu xàng xê của anh Nguyễn Thành Dơn (Hai Dơn) đã vang lên lảnh loát tại điểm sinh hoạt văn hóa ở ấp Mỹ An, xã Nhị Mỹ (Cai Lậy). Nhờ hệ thống loa phóng thanh nên khắp xóm ai cũng nghe rõ mồn một, nó cũng là lời nhắc nhở mọi người hôm nay là đến lượt ấp Mỹ An “đăng cai”.
Thỉnh thoảng, anh ngưng tay, so lại dây của cây đờn ghi ta điện phím lõm rồi tiếp tục đờn sang bản khác. Anh quay sang nói với tôi:- Chú mày đợi một chút sẽ thấy, gần chục cái bàn này không thấm tháp gì đâu! Bà con ở đây thích hát vọng cổ, ca những bài bản tài tử, họ sẽ tới đông lắm.Lúc này, tôi mới để ý cái sân khấu “dã chiến” được mấy anh em trong xóm trang trí lúc chiều. Đó là mặt tiền của trụ sở ấp được phủ kín bởi một tấm màn lớn, trên đó có gắn dòng chữ “Giao lưu đờn ca tài tử”.
Thềm nhà trở thành sân khấu nhỏ đủ để nhạc công, nghệ nhân biểu diễn. Bên dưới sân, hệ thống âm thanh được bố trí hai bên cánh gà với những thùng loa công suất lớn. Do thềm nhà không cao lắm nên với cách thiết kế này, người đàn, người hát dễ dàng biểu diễn và giao lưu với khán giả. Nhạc cụ chủ yếu là ghi ta điện, đàn cò. Sân khấu là trung tâm, khán giả ngồi xung quanh thưởng thức, có bàn ghế, trà nước… Có “diện kiến” với các thành viên cũng như cách thức sinh hoạt của câu lạc bộ mới thấy được sự kỳ công và tâm huyết của những người yêu đờn ca như thế nào.Hơn 7 giờ, bà con trong xóm lục tục kéo đến rất đông, có cả người lớn và trẻ con.
Ngồi gần tôi, anh Âu Văn Hiếu - cán bộ Ban Tuyên giáo xã - khoe: “Trong số bà con đến đây còn có cả những người đam mê đờn ca tài tử, hát vọng cổ từ thị trấn Cai Lậy, xã Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông, Long Tiên… tới nữa. Dịp Tết có thêm Việt kiều về dự và cũng tham gia hát luôn”. Một bác nông dân khoảng 70 tuổi, nước da ngâm đen từ ngoài cổng chầm chậm bước vào đến bên bàn tôi kéo ghế ngồi. Anh Hiếu lật đật chạy lại vừa rót nước cho người đàn ông vừa giới thiệu:- Đây là bác Chín nhà kế bên đây. Gia đình bác ai cũng mê vọng cổ lắm. Hồi mới mở điểm sinh hoạt này, bác là người ủng hộ đầu tiên chẳng những kinh phí mà còn tham gia đờn hát luôn.
Bác Chín cười hì hì: “Bây quảng cáo quá chứ có gì đâu!”, rồi bác quay sang tôi trò chuyện:- Nghe thằng Hiếu nói chú mày ở gần đây hả?Tôi đáp:- Dạ, con bên xóm bưng.- Ừ, bác có mấy người quen bên đó cũng nhờ đờn ca tài tử. Hồi mới giải phóng, tối tối bác cùng mấy anh em xóm này qua bên đó, nay nhà này mai nhà kia ca vọng cổ, hát mấy bài bản vắn trong đờn ca tài tử mấy năm trời. Chỉ có cây đờn thùng bên ánh đèn dầu leo loét vậy mà ai cũng mê hát tới khuya hồi nào không hay. Hồi đó ước ao có được cây đờn điện, cái ampli và cặp loa hát cho sướng cái miệng mà không sắm nổi, đâu được như bây giờ…
Nói đến đây, bác chợt ngưng lại, ngồi trầm ngâm. Lúc này tôi mới nhìn kỹ bác, tuy già nhưng điển trai, cái nét đẹp của người lớn tuổi, gương mặt chữ điền lại hát hay chắc hẳn xưa kia cũng hút hồn bao cô thôn nữ. Có lẽ bác đang tiếc thời trai trẻ không ai đứng ra thành lập ở xã một đội đờn ca tài tử để đi giao lưu nơi này, nơi khác. Còn bây giờ ở xã nào của huyện Cai Lậy cũng có ít nhất một câu lạc bộ đờn ca tài tử. Ngay ở Nhị Mỹ nhen nhóm hình thành từ năm 2002 tại ấp Mỹ Cần với khoảng 10 anh chị em đam mê ca nhạc tài tử
Nam bộ.
Sau đó lãnh đạo xã Nhị Mỹ cho phép thành lập một câu lạc bộ đờn ca tài tử với các thành viên rải đều các ấp còn lại. Từ đó đến nay, phong trào đờn ca tài tử xã Nhị Mỹ luôn được duy trì, tạo sân chơi lành mạnh cho bà con nông dân sau những ngày làm việc mệt nhọc. Anh Hai Dơn nhớ lại:- Lúc đó việc tạo kinh phí hoạt động rất khó khăn. Chú Nguyễn Văn Thiệu, chồng của cô Hai Thúy đang hát đó, là Ủy viên thường vụ Đảng ủy xã, cũng là người đam mê đờn ca tài tử bảo tôi đứng ra thành lập một câu lạc bộ.
Chú còn vận động một số mạnh thường quân đóng góp kinh phí mua đàn và dàn âm thanh và xin Ủy ban xã thành lập đội văn nghệ. Mái hiên nhỏ trước nhà chú trở thành điểm sinh hoạt đờn ca tài tử đầu tiên của xã Nhị Mỹ.Nói như thế nhưng theo tôi biết anh Hai Dơn là người có công lớn trong việc thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử Nhị Mỹ, như lời anh Trần Văn Nhẹn - một thành viên của câu lạc bộ - thì “hiếm có người nào tâm huyết với đờn ca tài tử của xã như anh Hai Dơn”. Ở vào cái tuổi nghỉ hưu (sinh năm 1950) nhưng với bản tính sôi nổi, dễ hòa đồng anh vẫn thích mọi người gọi bằng anh hơn là chú, bác.
Tham gia hoạt động văn hóa thông tin xã từ năm 1976, dù trải qua nhiều thăng trầm, buồn vui của nghề nhưng lúc nào anh cũng thể hiện được sự tận tụy của mình trong công việc. Nhớ lại thời bao cấp, anh vui vẻ nói: “Lúc đó khó khăn hơn bây giờ gấp nhiều lần. Kinh phí eo hẹp, lại mang tiếng “ăn cơm nhà làm chuyện người ta” nhưng có được niềm vui từ sự nhiệt tình ủng hộ của bà con nên an ủi phần nào. Đêm đêm anh em rủ nhau luân phiên hết nhà người này đến người khác với cây đờn ghi ta thùng phím lõm hết ca vọng cổ đến những bản Tứ đại, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu hoàngvà những bài Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Long đăng, Tiểu khúc, Vạn giá, Xàng xê… với những cung bậc buồn vui với lời ca đậm nghĩa nặng tình đã đi vào đời sống, thấm sâu vào tâm hồn của chúng tôi”.
Có lẽ do có năng khiếu nên mỗi lần tổ chức văn nghệ quần chúng anh đều đứng ra đảm trách và luôn thành công. Dù không phải chuyên nghiệp nhưng các tiết mục anh dàn dựng đã đón nhận sự ủng hộ của bà con nông dân cũng như lãnh đạo ngành văn hóa thông tin. Ngoài ra anh Dơn còn viết khá tốt ở một số thể loại: kịch bản thông tin lưu động, chập cải lương, tiểu phẩm, đặt lời mới bài bản tài tử và vọng cổ, nổi bật có những bài ca cổ tự biên như: Chờ nhau, Tình em thợ trẻ, Hoa khóm tình quê, Nhớ mùa phượng vĩ… Chủ đề chính trong các tác phẩm của anh là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, trong đó có một số tác phẩm được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Vào những đêm sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các ấp, tiếng đàn mượt mà, réo rắt của anh có sức lôi cuốn kỳ lạ, thúc giục mọi người tìm đến. Nhiều anh chị em thường nói đùa: “Đêm nào có anh Dơn đến đờn chương trình văn nghệ như có hẳn mùa xuân”.Bên trên sân khấu, khi MC giới thiệu bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu tiếng vỗ tay đồng loạt vang lên cổ vũ cho chị Kim Quang quê ở xã Mỹ Hạnh Trung lên hát.
Khi giọng ca của chị cất lên thì tất cả đều im phăng phắt. Tiếng đờn, tiếng ca hòa quyện vào nhau khi trầm khi bổng dễ đi vào lòng người. Lời bài ca chân chất như người nông dân bao đời nay. “Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tin chàng. Năm ơ canh mơ màng .Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng quặn đau í a ... Đường dù xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khan. Đêm luống trông tin nhạn. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu…”.Mấy bác lớn tuổi ngồi gật gù, tay nhịp đều trên bàn theo giai điệu của bài hát, một số em nhỏ theo cha mẹ đến xem cũng nhép miệng theo lời ca dường như đã quá quen thuộc. Bài hát vừa dứt, tiếng vỗ tay lại vang lên.
Vài người đã chuẩn bị hoa từ trước bước lên sân khấu tặng chị Kim Quang cùng cái bắt tay chân tình. MC tiếp tục giới thiệu tiết mục ca cổ với bài ca nổi tiếng “Tình anh bán chiếu” mà người trình diễn là anh Thái ở thị trấn Cai Lậy. Giọng ca trầm ấm của anh cất lên như đưa mọi người đến với mối tình cảm động của đôi trai gái miền quê nhưng xuyên suốt bài hát, thay vào cách xưng hô “em - anh”, người nghe chỉ được nghe “cô - tôi” để thể hiện sự rụt rè, đúng bản chất của người dân Nam bộ “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra...chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào. Tôi đã vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi. Nhà của cô sau trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều đông bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm...
".Nghe anh Thái ca với chất giọng lúc trầm lúc bổng, cách luyến láy, nhấn nhá khá điêu luyện làm người ta quên đi hình ảnh của anh thợ sửa đồng hồ quen thuộc ở chợ Cai Lậy. Quả là đờn ca tài tử luôn có sức sống mãnh liệt bởi tính chất bình dân, ai cũng có thể tham gia. Phong cách chơi không hề bị câu thúc bởi lễ nghi phiền toái, trang phục đời thường, giản dị. Trong sân chơi này, người thưởng thức và người phục vụ thường không phân biệt. Suốt từ 7 – 10 giờ đêm, tiếng đàn hát không dứt, khách thi nhau lên sân khấu biểu diễn. Ai biết đờn thì đờn, ai biết ca thì ca, thậm chí đờn ca lỡ “rớt” nhịp cũng chẳng ai chê cười mà còn động viên cố gắng.
Ca cả bài không được thì ca vài câu. Hát chưa hay, chưa khớp nhịp thì người đờn hoặc người ca chỉ lại. Phương châm hoạt động của câu lạc bộ là phục vụ vô tư, không vụ lợi, không cần thù lao, gọi là giúp vui mang tính cộng đồng sâu sắc, cốt tìm người tri âm tri kỷ như Bá Nha - Tử Kỳ thuở xa xưa. Tuy không giống như các nghệ sỹ chuyên nghiệp được trang điểm, được mặc trang phục đúng bài bản, đúng vở tuồng, hầu hết các cô chú đến đây vì sự nhiệt tình, lòng đam mê nên họ không quan tâm nhiều về những cái bên ngoài. Các tiết mục tham gia đều tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, gương anh hùng liệt sĩ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, hiếu kính với ông bà, cha mẹ... Ngoài những bài bản tài tử, phần lớn những người tham gia biểu diễn hát vọng cổ với những bài quen thuộc như: “Chợ mới”, “Dệt chặng đường xuân”, “Đài hoa dâng Bác”… hoặc trích đoạn những vở cải lương nổi tiếng “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, “Lan và Điệp”, “Nửa đời hương phấn”, “Hàn Mạc Tử”...Hơn 9 giờ tối. Trăng đã nhô cao khỏi ngọn tre đầu đường tỏa ánh sáng lung linh, huyền ảo. Xe cộ qua lại mỗi lúc một nhộn nhịp.
Có lẽ hàng ngày bận rộn với việc mưu sinh nên nghe tiếng đờn ca, có người ngừng xe vào xem vừa giải trí vừa thể hiện niềm đam mê của mình. Sương đêm không làm họ lạnh, người mỗi lúc một đông hơn, họ đến chủ yếu là được nghe, được hát. Những người không biết đờn ca, đủ trẻ già trai gái cả người đi đường cũng tự nhiên đến ngồi nghe với thái độ chăm chú thưởng thức góp phần động viên người ca, người đờn hay hơn. Có người còn đem cả trà, bánh trái bồi dưỡng cho ban tài tử.
Nhờ vậy, hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này có sức sống riêng, thu hút rất đông “nam, phụ, lão, ấu” tham gia. Ở Nhị Mỹ này thường luân phiên tổ chức sinh hoạt định kỳ theo lịch cụ thể: thứ bảy hàng tuần tại ấp Mỹ Cần, mùng 10 âm lịch: ấp Mỹ Thuận, 12 ÂL: ấp Mỹ Lợi, đêm rằm ở Mỹ An, 20 ÂL: ấp Mỹ Định. Không những thế, câu lạc bộ còn tổ chức giao lưu với các xã, huyện bạn nên mỗi lần tổ chức cũng khá đông người ở nơi khác đến. Ngồi cạnh tôi, chú Hai Bé, một nhạc công đờn kìm quê ở Long Tiên, tâm sự:- Không biết từ khi nào, chú đã phát mê cái món đờn ca tài tử.
Mỗi lần trong xóm có cưới xin hay giỗ quải đều có mặt của chú. Có khi đến nửa đêm, gần sáng thầy đờn quắc cần câu không khẩy được nữa chú mới lọ mọ về nhà. Thấy chú ham, ba chú là một tay đờn kìm có tiếng ở Long Tiên, bắt đầu chỉ dạy và truyền nghề luôn. Vậy mà cũng mau thiệt, gần 50 năm còn gì. Một tuần không đờn, hát cùng bạn tri âm, không nghe một trong 7 bài bản lớn của nhạc tài tử thì cảm thấy thiếu vắng một cái gì không thể chịu được, tuổi già nhờ vậy mà sống vui. Điều làm chú hạnh phúc nhất là khi gặp người hiểu được tiếng đờn của mình.
Chú đi đờn cũng nhiều nơi nhưng ở Nhị Mỹ này tổ chức sinh hoạt có bài bản, số người am tường đờn ca tài tử cũng nhiều lại mang đậm tình làng nghĩa xóm.- Nhà chú cách đây hàng chục cây số về tối chú không ngại sao? - Tôi hỏi.Chú tươi cười:- Bây giờ đường nhựa, đường bê-tông chạy tới nhà. Lần nào đi thằng con tôi cũng chở đi bằng xe honda. Nó mê ca vọng cổ lắm. Thật ra ở xóm chú cũng có vài người vô đây vừa xem, vừa hát cho vui. Ngộ lắm có máu mê đờn ca tài tử rồi đâu mà không tới.Hơn chục cây số mà có người vẫn lặn lội tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử mới hiểu được nỗi đam mê của bà con ở Cai Lậy với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Có lẽ, cái khó khăn nhất của đờn ca tài tử hiện nay là làm sao để truyền lại cho giới trẻ. Nói thế không có nghĩa là lớp trẻ đều quay lưng với đờn ca tài tử mà còn nhiều người muốn thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ngay trong đêm diễn này cũng có không ít bạn trẻ lên hát vọng cổ hay ca những bài bản tài tử cũng khá hay. Hiện nay, trong câu lạc bộ của anh Dơn, ngoài những bạn bè chơi đàn lâu năm còn có thêm lớp trẻ kế cận cũng ham mê chơi đờn ca tài tử. Họ là cán bộ Đoàn, những người muốn và ước mơ đưa đờn ca tài tử trở thành một trong những hoạt động giao lưu thường xuyên của các bạn đoàn viên trẻ trong xã.
Cuộc vui nào rồi đến lúc cũng tàn, buổi giao lưu đờn ca tài tử miệt vườn đã kéo dài đến hơn 3 giờ đồng hồ mà mọi người vẫn còn sôi nổi, hào hứng... và muốn tiếp tục thể hiện chưa ai muốn kết thúc, nhưng cũng phải tạm dừng “để bà con nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày lao động mới” – như lời của MC chương trình. Thế nhưng nhiều người vẫn còn nấn ná lại. Bên chén trà họ bàn bạc việc tổ chức lần sau, chuyện đồng áng, chuyện chăn nuôi thật rôm rả. Anh Hai Dơn bộc bạch: “Sắp tới chúng tôi bổ sung thêm một số nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, tiếp đó học hỏi nâng cao ngón đờn, sưu tầm bài bản cổ, sáng tác bài mới và luyện tập nhuần nhuyễn hơn nữa”.
Bên ngoài, trăng càng tỏa sáng hơn, bóng tối từ từ nhường chỗ cho ánh sáng huyền dịu của vầng trăng. Bầu trời trong và xanh thăm thẳm, thỉnh thoảng có một vài đám mây trắng bay qua tạo cho bầu trời một không gian huyền ảo. Khung cảnh khá lãng mạn cho một đêm giao lưu đờn ca tài tử. Tôi tin rằng với sự xuất hiện ngày càng nhiều những câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương ở Nam bộ dần sẽ trở lại thời hoàng kim.
Và những người đam mê đờn ca tài tử như bác Chín, chú Hai Bé, anh Hai Dơn, anh Thái, chị Kim Quan… sẽ là đầu tàu giúp những bạn trẻ nhận ra hồn nước trong những tiếng đàn điệu hát, để trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, để người Việt Nam còn có dịp tự hào mỗi khi giới thiệu với bạn bè thế giới về những bài bản cải lương như một nét văn hóa Việt không thể
tách rời.