Cập nhật ngày: 30/07/2012 07:57:40
Ở Bạc Liêu, từ khi hình thành đến nay, phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của nhiều người, không chỉ ở khu vực nông thôn mà cả vùng thành thị. Mặt khác, ĐCTT còn giữ một vai trò tích cực trong phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương qua các sáng tác mới mang tính chất tuyên truyền... ĐCTT lại là một di sản văn hóa phi vật thể đang trong tiến trình gia nhập vào kho tàng văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sức sống của ĐCTT đã được kiểm chứng, tuy nhiên, làm sao để đẩy mạnh phong trào sâu rộng hơn trong quần chúng - đây lại là một vấn đề khó cần sớm tìm ra giải pháp!
Không thể phủ nhận sức sống của phong trào ĐCTT trong đời sống văn hóa của người dân Bạc Liêu. Bản thân loại hình nghệ thuật này vốn gần gũi và có sự cuốn hút người chơi, người nghe, người sáng tác. Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, khi các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh mẽ nhưng ĐCTT vẫn không thể thiếu trong mỗi sự kiện của nhiều gia đình, từ bữa tiệc mừng đầy tháng, thôi nôi, hay ngày giỗ, đến đám cưới, đám tang...
Đờn ca tài tử đã được đưa vào phục vụ du lịch. Ảnh: C.T
Trong những năm qua, ĐCTT đã và đang được các ngành quản lý văn hóa quan tâm, tạo điều kiện cho phong trào phát triển đúng hướng. Hàng năm đều có nhiều cuộc liên hoan ĐCTT từ cấp cơ sở đến tỉnh, khu vực... Đối tượng tham gia vào mỗi liên hoan như thế rất đa dạng, từ người nông dân trên đồng ruộng cho đến anh công nhân trong xí nghiệp, giới công chức…, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều biết ca tài tử ngọt lịm!
Những năm gần đây, ngành Văn hóa cũng phát động nhiều đợt thi sáng tác ĐCTT để “giữ lửa” cho phong trào không chỉ dừng lại ở phạm vi biểu diễn mà còn ở lĩnh vực sáng tác bài bản mới. ĐCTT còn gắn chặt với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; các đội, nhóm ĐCTT bao giờ cũng gắn chặt với các khóm - ấp văn hóa. Còn các dự án phát triển du lịch cũng luôn gắn với phong trào ĐCTT để quảng bá loại hình nghệ thuật này đến rộng rãi khán giả trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, để phong trào ĐCTT phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn và quan trọng là có một lớp hậu bối đủ “lửa” đam mê và tài năng để kế thừa thì cần tập trung đến nhiều nhiệm vụ cốt lõi! Hiện nay, đối tượng tham gia phong trào ĐCTT thường với ý thức tự phát, yêu thích là chính chứ chưa nắm vững bài bản; nếu muốn học bài bản đến nơi đến chốn thì chưa biết “tầm sư” ở đâu?!
Ngoài những “lò” đào tạo ít ỏi theo tính truyền nghề của một số nghệ nhân trong tỉnh, một vài lớp đào tạo tại trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật (chưa thu hút đông đảo đối tượng quần chúng) thì chưa có nơi nào đào tạo loại hình nghệ thuật đặc thù này. Điều đó cho thấy, các trung tâm văn hóa từ tỉnh đến huyện cần phải có kế hoạch đào tạo bài bản để phong trào có điều kiện phát triển mạnh hơn. Các đơn vị khi xây dựng chương trình ĐCTT biểu diễn hoặc liên hoan, hội thi càng chú ý đến lực lượng kế thừa.
Đó là đội ngũ trẻ tuổi vốn rất đam mê nhưng họ chưa có một “bệ phóng” để được tiến xa hơn. Các sản phẩm văn hóa như tuyển tập ĐCTT, băng đĩa hình về nghệ thuật này cần được sản xuất nhiều hơn để phát hành rộng rãi trong công chúng. Các chương trình ĐCTT trên hệ thống phát thanh, truyền hình ngoài việc giới thiệu các bài bản qua hình thức biểu diễn nên có những chương trình dạy ĐCTT để khán giả yêu thích được học hỏi.
Ngoài việc đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa thì không thể không tính đến chuyện “chiêu hiền, đãi sĩ”. Đối với những nghệ nhân có những đóng góp tích cực cho phong trào ĐCTT cần được đề xuất để Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Các đội - nhóm ĐCTT cần được đầu tư những phương tiện sử dụng cho hoạt động ĐCTT. Trong phong trào sáng tác các bài bản mới cần lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, nhưng phải đảm bảo yếu tố “mềm mại” để vừa phục vụ nhu cầu tuyên truyền và cả yếu tố nghệ thuật...
Thực hiện được những phần việc trên, tin rằng phong trào ĐCTT của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Nhất là khi ĐCTT sắp trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ĐCTT của Bạc Liêu đang rất cần có một đội ngũ kế thừa để duy trì và phát triển phong trào về lâu, về dài.
Quỳnh Trâm