NAM : ( Nói theo nhạc dạo đầu - Gọi lớn ) Mình ơi!
Chống xuồng ra đi, nước lớn rồi đó !
NỮ : ( Đáp từ trong ,tiếng vọng ra ) Ơi ! Em ra liền .
Nè mình ! Bữa nay cho em đi theo giăng câu hả ?
NAM : Ừ ! Cứ để tối ngày em cứ hỏi :" Đêm nay đi đâu ?" hoài hà !
NỮ : Ờ, thì đi đâu có vợ có chồng .
Chớ anh đi với...cha Hai " Cá Chép" em hổng có ưng bụng đâu!
NAM : Em nè! ( Ca ) Anh vẫn thường hay đi giăng câu.
NỮ : Trên đồng cạn, dưới đồng sâu.
NAM : Đó là cái thú tiêu dao. Em đừng có hỏi : " Anh đi đâu" !
NỮ : ( Nói ) Nhưng em muốn biết rằng nè!
( Ca tiếp ) Giăng câu ra sao ?
NAM : Giăng câu , trong đồng cá trèn, ngoài sông cá chép.
Giăng câu , dù mưa hay nắng chẳng quản dãi dầu !
NỮ : Miễn là con cá nó cắn câu.
NAM : Nè, anh bắt con rô mề !
NỮ : Em đem kho tộ.
NAM : Anh bắt con cá trèn.
NỮ : Em đem phơi khô.
NAM : Ngờ đâu cá chẳng cắn câu
( Nói ) Trời đất ơi! Ngồi chờ gần chết luôn vậy đó .
Phải mà anh biết trước nước cạn sâu đó hả...?
NỮ : ( Ca tiếp ) Thì không đến nỗi cắm sào hụt chân ? ( Thở ra )
NAM : Thì anh đâu đến nỗi....cắm sào...hụt...chân !
VỌNG CỔ
1 /- NỮ : Anh ơi! Mình giăng câu cả buổi rồi mà vẫn không có cá,
Vậy mình hãy nán lại nơi đây thêm vài giây phút nữa coi có cá hay không rồi ta sẽ...quay...về !
NAM Thở dài ) Ây da ! Kết quả hôm nay thiệt là quá ê chề !
Giá mà mình biết trước nước sâu hay cạn thì bây giờ sào cắm đâu đến nỗi hụt chân . (-)
Mình cũng phải giăng câu làm sao cá có được vài cân.
Không khéo bữa nay thằng Hai "Cá Chép" nó sẽ chê mình sao giống " cù lằn "!
NỮ : Anh đâu phải vô tài mà lại quá băn khoăn.?
Giăng thì cứ giăng nhưng đừng để cá băng sông chạy trốn!
2 /- NAM : Thì mình hãy cứ giăng câu cho mau để nước lên thì khốn ,
vì chiếc xuồng ba lá của ta không may mắn như lần nào !
Lần trước giăng câu sóng vỗ mạnh anh sắp bị lật nhào .
Cũng may mà anh quen sông quen nước, thấy sóng vỗ dập dồn anh vội tắp tới bờ trong ! (-)
NỮ : Anh nói phải đó! Bữa nay đâu chỉ có mình anh mới ra sông mà còn có em theo để cùng nghe ngóng .
Vậy thì bữa nay mình đừng vội ra sông rộng , cứ ở phía trong này coi có cá hay không?
NÓI - THOẠI
NAM : ( Gọi ) Em ơi! Có cá rồi nè, mau lên !
NỮ : ( Vui mừng ) Có rồi hả anh ?
Ây da ! Quá trời cá luôn vậy đó !
Vậy là mình không uổng công rồi !
NAM : Cũng may mà có cá, không thôi bà xã...( Cười cố ghẹo..) bà xã...
NỮ : ( Nhéo mạnh ) Bà xã sao ?
NAM : ( Nhăn mặt, hít hà ) Ui da !
VỌNG CỔ
5 /- NAM : ( Tiếp ) Đừng nhéo nữa bà xã ơi !
Hãy để cho anh bắt cá , em nhéo làm sao mà anh đau quá xá ?
Em mà cứ nhéo nữa thêm làm cái má anh nhăn nheo nhìn giống...ông...già !
Anh cũng sợ luôn cái tật hay ghen của bà xã này mà.
Bữa trước anh đi giăng câu em ghen hờn nghi oan anh đã không muốn nói !
Nay đi giăng câu cả hai vợ chồng mà em còn cái tánh ơ...bà Hoạn Thư . (-)
NỮ : Em có ghen hồi nào mà anh bão em : " Có tánh Hoạn Thư"?
Bởi thấy anh cứ nói chuyện mập mờ nên em mới ...nhéo thử ! ( Cười khúc khích )
NAM : ( Nhăn nhó ) Nhéo thử gì đâu mà sao quá dữ ?
( Giả làm giận )
Bà xã bắt cá một mình đi tui lội nước qua sông về ngay bây giờ !
6/- NỮ : ( Năn nỉ ) Mình ơi! Chúng ta đừng nên cải nhau nữa! ( Cười duyên )
Anh cũng đâu phải là người có tánh nhỏ nhen! Mà vợ anh nhéo...chút thôi anh lại làm màu giận dữ.
Vậy em xin mình rộng lòng tha thứ, thiệt tình từ lâu rồi em ...em hổng còn ghen.
Vợ chồng mình đâu có sống cảnh bon chen, thì mình đâu đến nỗi làm cho em tuyệt vọng.
Nên em đã dẹp bớt tánh hay ghen để xây nên lầu mộng,
cho đôi ta trọn đời chung sống một túp lều tranh với hai quả tim vàng! (-)
NAM : Bà xã cũng đừng vội quá xốn xang ! (-)
Từ nảy giờ anh cũng muốn tìm chuyện vui mà nói với nhau để chờ trời sáng .
Cũng bởi hôm nay vợ chồng mình giăng câu quá ư ...là ..ráng.
Gần nữa đêm rồi mới có cá đầy khoang . (-)
NÓI - THOẠI ( Tân nhạc tấu đệm để kết thúc bài ca )
NỮ : ( Cười dài ) Anh xạo hôn !
Cá không được năm ký lô nữa mà dám nói đầy khoang hả ?
NAM : Không tin hả ? Em coi kìa !
NỮ : ( Cả tin ) Đâu? Đâu cá đâu sao em hổng thấy ?
NAM : Đây nè, em nhìn lên coi !
NỮ : ( Ngước mặt lên ) Ở đâu anh ?
NAM : Đây ne ! ( Hôn lên mặt vợ )
NỮ : ( Mắng yêu ) Quỉ anh nè ! ( Hoảng hốt ) Coi chừng chìm xuồng !