20 năm tận tụy với nghề đủ thấy tình yêu của vợ chồng nghệ sĩ Công Minh dành cho trang phục tuồng là quá lớn.
Con nhà nòi Trong con hẻm nhỏ trên đường Bạch Vân, Q.5, nghệ sĩ Công Minh tiếp tôi bằng vẻ chân tình, xởi lởi của người Nam bộ. Anh là con thứ 9 của nghệ sĩ Minh Tơ, em ruột của những tên tuổi trên sân khấu Sài Gòn trước giải phóng như: Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Xuân Thu. Mẹ Công Minh, nghệ sĩ Bảy Sự, là cô đào hát bội tài sắc Sài Gòn xưa kia. Dượng bảy là nghệ sĩ Thành Tôn (cha của Bạch Lê, Thành Lộc), chú bảy là Khánh Hồng, cha của nghệ sĩ Chí Bảo, cô dượng tám là Bạch Cúc, Hoàng Nuôi - mẹ cha của đạo diễn Phượng Hoàng... Thế hệ con cháu của dòng họ nay là những nghệ sĩ thành danh như Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương.
Nghệ sĩ Công Minh và cặp lông chim trĩ - Ảnh: Đ.T
Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Công Minh còn nhớ nhiều kỷ niệm với người cha, kép hát bội lừng danh Minh Tơ. “Ngày xưa, nhìn cha và các cô chú diễn, tôi ngấm vào máu cách thiết kế đồ tuồng lúc nào không biết. Năm 10 tuổi, tôi phụ cha đi diễn ở khu Ngã năm Chuồng Chó (Q.Gò Vấp). Diễn xong, ông chở tôi ngồi sau chiếc xe Suzuki cà tàng, phun khói mù mịt về nhà dưới cơn mưa tầm tã. Tôi ngồi co ro ôm quần áo, đạo cụ, lạnh run người. Về nhà, kiểm lại mới hay tôi đã đánh mất bộ râu dài đen nhánh mà ông dùng hóa trang nhân vật Quan Công. Đây là bộ râu ông rất quý. Tôi bị mắng một trận tơi bời”.
Ông nội Công Minh là kép Hai Thắng, người Sài Gòn sống ở thập niên 1940 - 1950 đều biết. Nghệ sĩ Minh Tơ nối nghiệp bằng hàng loạt vai diễn tuồng cổ để đời: Lữ Bố, Dương Tôn Bảo, Quan Công, Cao Hoài Đức, Hoàng Phi Hổ, Bá Lý Hề... Suốt vài thập niên, cho đến tận ngày giải phóng miền Nam, Minh Tơ luôn được khán giả Sài Gòn bình chọn là kép hát bội xuất sắc nhất.
Gìn giữ nghệ thuật bằng nghề may Công Minh thú nhận, hơn 30 năm trước, lúc còn đi hát anh đã thấy thích trang phục tuồng. Năm 1992, trong một lần thực hiện trang phục cho vở Dương Quý Phi để Saigon Video ghi băng với diễn xuất của nghệ sĩ Lệ Thủy, Công Minh được đánh giá cao. Sau đó, anh làm tiếp phục trang và đạo cụ vở Xử án Bạch Quý Phi do anh Thanh Tòng thực hiện cho Đài truyền hình Cần Thơ. “Đây là thời điểm nhiều video cải lương ra đời nhưng trang phục lại hết sức lòe loẹt, diêm dúa, không theo đúng truyền thống nên tôi “nóng máu” quá, nhảy ra làm. Ở nhà tôi còn đầy đủ từ mũ mão đến trang phục quan văn võ, giáp lính, hia, cả cặp lông chim trĩ, chim bản do cha để lại. Tôi dựa trên nền tảng đó để thiết kế sao cho phù hợp với nhân vật”.
Anh cho biết, ngày trước cha anh phải mua trang phục những vở Hồ Quảng tận tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Riêng cải lương thì xuống tận Tiền Giang đặt các nghệ nhân làng nghề thực hiện phần phục trang. “Đó là nghề gia truyền của đất Nam bộ nhưng rồi dần dần bị thất truyền. Tôi phải tự mày mò thực hiện từng mẫu trang phục tuồng cổ, sử dụng dây tim đèn dầu hỏa, nhuộm màu rồi uốn lượn thành hoa văn trên áo. Vải thì dùng phi bóng, ka tê. Tôi thiết kế mẫu, pha màu nhuộm vải còn ông già vợ và nghệ sĩ Chí Tiên (em ruột NSƯT Bảo Quốc) lo phần may. Thập niên 1940-1950, phục trang cải lương ở Sài Gòn đều do bác Tám Trống cùng Năm Thịt (cha nghệ sĩ Bảo Ly) làm. Sau này, tôi kết thêm kim sa, vẽ kim tuyến lên bộ quần áo để lấp lánh hơn dưới ánh đèn sân khấu”, Công Minh thổ lộ.
Chí Bảo, Thanh Tòng, Linh Châu và Công Minh trong vở Lưu Quan Trương với trang phục
do Công Minh thiết kế - Ảnh: NV cung cấp
Hiện cả gia đình Công Minh đều làm phục trang sân khấu. Anh thiết kế, vẽ mẫu, vợ anh - chị Yến Phương may. Hai con gái và các cháu cũng phụ may, kết cườm. “Tôi và vợ đang truyền nghề lại cho thế hệ sau. Tôi không muốn nghề này bị mai một bởi đó không chỉ là may mặc bình thường mà giữ cả cái hồn, nét văn hóa của dân tộc. Cha ông đã để lại cho cháu con di sản đồ sộ về cải lương, về tuồng cổ, mình và thế hệ sau mà không gìn giữ là có tội với tiền bối”.
Ngoài phục vụ trong nước, anh còn xuất rất nhiều bộ trang phục tuồng sang Mỹ, Pháp, Úc, Canada... để nghệ sĩ Việt kiều biểu diễn. “Đó cũng là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”, anh nói. Một bộ trang phục tuồng cổ Công Minh thực hiện chỉ có giá từ 700.000 đồng đến 1,5 hay 2 triệu đồng là tối đa, không đắt nếu so với công sức đã bỏ ra. Rồi anh khoe với tôi 2 bộ lông chim trĩ, chim bản của cha để lại, giờ cực khó kiếm: “Muốn làm trang phục tuồng cổ, hát bội bắt buộc phải có lông chim này đính lên mão”.
Gia đình có đến 5 đời làm nghệ thuật, nổi danh Sài Gòn xưa và nay nhưng Công Minh không khỏi ngậm ngùi khi cải lương, hát bội dần ít được giới trẻ quan tâm. “Thôi, còn giữ được cái gì thì cố giữ. Sài Gòn mà mất đi cải lương thì khó mà hình dung ra nét văn hóa của vùng đất này”, anh tâm sự.
Phải gắn với lịch sử
Công Minh nói, nếu anh không làm, nghề này chắc chắn sẽ mất đi. Anh còn dành tặng nhiều bộ trang phục tuồng đẹp nhất cho Bảo tàng TP.HCM với mong muốn: “Con cháu mình sẽ nhìn vào đó để hiểu thêm về lịch sử sân khấu VN cách đây vài thập kỷ cho đến tận hôm nay. Tôi từng phá vỡ hình ảnh Hai Bà Trưng mặc áo dài khăn đóng, cưỡi voi xông trận, hay tướng Tô Định của Tàu kết tóc đuôi sam như trên một số tuồng trước đây đã làm. Thời Hai Bà Trưng làm gì có áo dài khăn đóng và tóc đuôi sam chỉ đến đời nhà Thanh thế kỷ 17 mới xuất hiện. Trang phục tuồng cổ phải gắn liền với lịch sử. Làm sai lệch sẽ bị khán giả phát hiện ra ngay”.