“Những ai là con của miền đất Nam Bộ, mê cải lương đều không thể không biết đến các vở: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa rừng khuya, Cây sầu riêng trổ bông, Kiếp chồng chung… trên sân khấu Đoàn cải lương Sài Gòn 2… đã đưa vai diễn của nghệ sĩ Diệp Lang, Mỹ Châu, Giang Châu, Thanh Tuấn, Ngọc Bích, Tô Kiều Lan, Tuấn Thanh, Lệ Thủy, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Tư Rọm… in sâu trong lòng khán giả mộ điệu. “Cha đẻ” của những kịch bản này chính là soạn giả Điêu Huyền”. Tác giả Lê Quang – Thanh Tâm đã nhấn mạnh như vậy trong loạt bài Những soạn giả một thời vang bóng.
Soạn giả Điêu Huyền – Ảnh: T.L
Giỏi từ nhỏĐiêu Huyền sinh năm 1915, tại xã Nhơn Nghĩa (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Ông tên thật là Phạm Văn Điều, là người con thứ chín trong một gia đình 11 anh em, thường được gọi thân mật là Chín Điều. Ông Phạm Hưng Thạnh (Năm Thạnh, nguyên Tham mưu phó Cục Hậu cần QK9) là cháu gọi soạn giả Điêu Huyền bằng chú, hiện đang sống tại miếng đất xưa kia vốn là nhà của vị soạn giả tài danh này. Theo lời ông Năm Thạnh, chú Chín Điều “giỏi từ nhỏ”. Hồi học Collège de Cantho, Điêu Huyền là 1 trong số 3 người được cấp học bổng. Ngoài ra, Điêu Huyền còn giỏi ở nhiều lĩnh vực khác. Ông có “hoa tay”, viết chữ rất đẹp, kể cả viết chữ Hán. Với tài hoa đó, ông tự tay thiết kế cảnh trí, phông màn cho vở cải lương Mười năm gian khổ do Đoàn cải lương Lam Sơn biểu diễn. Tài hoa này thể hiện ở chỗ ông còn là soạn giả vở diễn vừa nêu. Cái máu đờn ca tài tử có trong ông ngay từ khi còn nhỏ. Trước năm 1930, ở Nhơn Nghĩa có nhóm đờn ca tài tử Ái Nghĩa (tên cũ của Nhơn Nghĩa) với 12 anh em tham gia, là một trong vài ban đờn ca tài tử sớm nhất ở Cần Thơ. Trong ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa có ông anh thứ năm của Điêu Huyền là Phạm Văn Cận đờn cò rất giỏi. Nhờ đó, Điêu Huyền theo nhóm, mon men viết tuồng. Khi theo học Collège de Cantho, ông gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Lưu Hữu Phước chơi mandolin, Điêu Huyền chơi đờn tranh. Họ thành bạn thân từ đó.Khoảng năm 1952-1954, Điêu Huyền làm ở Ty Thông tin Cần Thơ. Đây là giai đoạn ông viết nhiều vở cải lương. Địa chí Cần Thơ (trang 565) viết: “Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đoàn tuyên truyền lưu động tỉnh được thành lập, vừa tuyên truyền, vừa diễn kịch Thiếu nhi thời loạn của soạn giả Điêu Huyền, tiêu biểu cho giai đoạn này (…). Cũng vào khoảng giữa năm 1952, Đoàn cải lương Lam Sơn thuộc Ty Thông tin tỉnh Cần Thơ ra đời, do soạn giả Điêu Huyền làm trưởng đoàn, vở cải lương Mười năm gian khổ do ông soạn đã trở thành vở diễn chính của đoàn”.Cũng nổi tiếng là vở Chim Việt cành Nam, nhưng Mười năm gian khổ (còn có tên Chén cháo Chí Linh) là vở cải lương nổi tiếng nhất của ông trong giai đoạn này, diễn rộng rãi ở miền Tây Nam bộ. Đáng chú ý là vở Nợ máu trả bằng máu khi diễn sơ khảo rất được nhân dân yêu thích, nhưng không được công diễn vì Tỉnh ủy phê là “tả khuynh”…
Ngôi nhà của soạn giả Điêu Huyền khi nhỏ, do ông vẽ lại, để tại nhà ông Năm Thạnh (ảnh chụp lại) – Ảnh: Phương Kiều
Chú rể Ba Năng trong Tiếng hò sông Hậu là ai?Sau năm 1945, Điêu Huyền lập đoàn văn nghệ tại ấp nhà, diễn viên chủ yếu là con cháu và người trong dòng họ. Vở tuồng nổi tiếng nhất là Thiếu sinh thời loạn, phản ánh tình yêu nước của lớp trẻ. Năm 1954, ông lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai với việc sáng tác tuồng cải lương. Những tác phẩm trong thời kỳ này của ông phần lớn thuộc loại dã sử, nói về người Việt cùng đồng bào dân tộc ít người đâu lưng chung cật chống xâm lăng. Đáng chú ý là vở Ánh lửa rừng khuya, sáng tác khoảng năm 1980-1981, với bối cảnh là cuộc chiến biên giới Tây Nam đánh quân Polpot. Ý tưởng tuồng này của ông Năm Thạnh, Điêu Huyền viết và mời ông Năm Thạnh làm cố vấn quân sự. Tác phẩm cuối cùng của Điêu Huyền là vở Gió bụi biên thùy (khoảng năm 1982-1983). Khi đoàn cải lương diễn vở này ngoài Bắc trở về, đưa số tiền nhuận bút, Điêu Huyền nói cả đời ông không bao giờ mơ thấy được. Ông Năm Thạnh bùi ngùi nhớ lại: “Năm 1983. Một bữa ăn cơm xong, đi rửa chén, chú Chín kêu nhức đầu (triệu chứng cao huyết áp), ngã ngang, đụng đầu vào lavabo, qua đời”.Soạn giả Điêu Huyền qua đời đã lâu nhưng người hâm mộ cải lương vẫn luôn nhớ đến các vở Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại cuộc đời, Cây sầu riêng trổ bông, Kiếp chồng chung… nhưng “đình đám” nhất vẫn là vở Tiếng hò sông Hậu. Xem vở này, ai cũng ghét thậm tệ nhân vật Hội đồng Dư. Tiếng hò sông Hậu thành công vì gây dựng được niềm tin trong lòng khán giả về luật nhân quả nhãn tiền: kẻ xấu, kẻ ác bị trừng phạt hoặc họ sẽ hồi tâm quay về nẻo chính.Nhưng có lẽ ít ai biết nhân vật Ba Năng, rể ông Hội đồng Dư, trong vở tuồng này là ai. Theo ông Năm Thạnh, nhân vật Ba Năng chính là soạn giả Điêu Huyền và Hội đồng Dư chính là cha vợ của soạn giả Tiếng hò sông Hậu. Chính vì là con rể của một tay địa chủ nên Điêu Huyền không được kết nạp Đảng, không được tập kết ra Bắc.Dù ở lại trong Nam, dù hoạt động sân khấu trong lòng địch, nhưng Điêu Huyền vẫn là một soạn giả sáng giá sáng tác những vở tuồng đề cao lòng yêu nước, kêu gọi toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Qua những vở tuồng đó, Điêu Huyền đã “vẽ” ánh hào quang cho nhiều nghệ sĩ làm nên tên tuổi. “Theo đạo diễn sân khấu, NSND Huỳnh Nga – người đã dàn dựng rất nhiều kịch bản của Điêu Huyền trên sân khấu Sài Gòn 2, thì Điêu Huyền là một tác giả tâm huyết với sân khấu và diễn viên, luôn tạo cho diễn viên mảnh đất tốt để diễn. Những kịch bản của Điêu Huyền được khán giả bình dân rất yêu thích, khi đã xem thì nhớ mãi, nhớ cả từng cái tên của nhân vật như cô Lài, anh Chơn, Thừa, Hội đồng Dư” (Lê Quang – Thanh Tâm).