Trong các khôi nguyên vọng cổ (3 người kia là Minh Thành, Nhật Thanh còn gọi là Văn Bảnh và Diệu Nga), NSƯT Minh Vương là người thành công nhất. Là giọng ca đứng trên đỉnh cao lâu nhất, là gạch nối của thế hệ nghệ sĩ năng lớp trước với thế hệ nghệ sĩ tài năng trẻ bây giờ. Đứng chung thế hệ trước, giọng ca Minh Vương là sự bổ sung tươi trẻ, mượt mà. Hát với các nghệ sĩ trẻ, giọng ca ấy vững vàng, điêu luyện, trữ tình và rất trẻ.
Minh Vương có chất giọng đồng - chất giọng độc đáo nhất, hiếm của cải lương. Trước Minh Vương, vua vọng cổ Út Trà Ôn, đệ nhất nữ danh ca Thanh Hương là những giọng đồng bất hủ. Giống như Út Trà Ôn, Minh Vương ca dây thấp nhất (hò) hay dây cao nhất (xề đậy) đều rất hay. Với làn hơi phong phú, bộ nhịp vững chắc, Minh Vương thể hiện các làn điệu xuân, ai, oán rất "độc” tạo bất ngờ thích thú cho người nghe.

Như trong vở cải lương Đường gươm Nguyên Bá, Minh Vương đã có một câu vô vọng cổ rất sáng tạo, 2 câu chót Lý Con sáo: "Càng buông lời lòng thêm xót xa, một mũi gươm nát tan đời hoa..." rồi chồng hơi vô vọng cổ: "Nhưng Nguyên Bá tôi đã cho mình đáng chết khi dùng đường gươm oanh liệt để tạo nên tì vết cho một đóa hoa hồng..." muốn ca chuyển giọng như Minh Vương phải có tàn hơi thật khỏe, chín và bản lĩnh vững vàng. Đó là thời Minh Vương mới nổi chưa chín chắn như thời Minh Vương hát Đời cô Lựu trong vai Võ Minh Luân, ở lớp gặp cha Võ Minh Thành (Thành Được đóng trước, sau là Thanh Tòng) tình cảm cha con sau bao nhiêu năm xa cách, dồn nén Võ Minh Luân Minh Vương bất ngờ chồng hơi vô Văn Thiên Tường lớp dựng (dây xề kép): "Ba... hỡi ba..." cao vút, vừa ngọt, vừa là tiếng kêu xé lòng... Tâm trạng nhân vật kết hợp với làn hơi trong như chuông ngân, Minh Vương có một điểm nhấn để khán giả nhớ hoài lớp diễn ấy, cách ca diễn đó chỉ có thể có ở những nghệ sĩ tài năng kiệt xuất.
Không ca cầu kỳ, kiểu cọ như Minh Cảnh hay Thanh Tuấn, Minh Vương ca chân phương, sang sảng vừa trẻ khỏe, vừa chân chất dễ thương, nghe lần đầu cảm thấy bình thường, nhưng càng nghe càng thấm. Minh Vương có thể ca hay nhiều thể loại từ anh hùng ca, chính luận đến những bài ca trữ tình sướt mướt. Đặc biệt hơn Minh Vương là trong số ít tài danh ca vọng cổ đối đáp dí dỏm, pha chút hài tươi tắn, rất có duyên, tiêu biểu là bài Bánh bông lan, Than thân trách phận...
Minh Vương và Thanh Kim Huệ là hai nghệ sĩ sáng tạo ra cách ca Lý giao duyên theo giọng Huế, nghe rất lạ và hấp dẫn. Xuất hiện trên video hay CD, băng, dĩa nhựa, giọng ca Minh Vương thường gắn liền với giọng ca của các nữ danh ca Lệ Thủy, Mỹ Châu, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ... Thật ra giọng ca Minh Vương không kén giọng nữ, từ út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết cho đến Tài Linh, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng, Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Thoại Mỹ, Tâm Tâm... hát chung với bất cứ nghệ sĩ nào Minh Vương đều có cách thể hiện rất ăn ý, có lẽ vì vậy Minh Vương là giọng ca được thu thanh nhiều nhất.
Nghe Minh Vương phân nhịp hiền có người tưởng Minh Vương bộ nhịp không hay, chính ra Minh Vương là trong số tài danh sân khấu có bộ nhịp hay nhất, lối ca nhịp lăn thường dễ, lại đòi hỏi một nền tảng căn bản vững vàng, Minh Vương được thầy Bảy Trạch luyện rất căn cơ ngay từ khi mới nhập môn.
Rất nhiều nam nghệ sĩ cải lương từ thập niên 70 đến nay ca theo phong cách của Minh Vương, thành công nhất là NSUT Kim Tử Long, nghệ sĩ này chịu ảnh hưởng giọng ca Minh Vương sâu sắc nhất. Đủ thấy, giọng ca Minh Vương rất được yêu thích, có sức lan tỏa sâu rộng, có thể vì, từ chất giọng cho đến cách ca của Minh Vương rất gần gũi, mộc mạc hợp với tính cách người nông dân Nam bộ. Minh Vương cất giọng lên nghe rất thật, hiền, rõ từng lời, từng câu, lên dấu sắc, hỏi, ngã"bể bể" vừa chín vừa mới, có lối "hơi sen sét" khi dứt vọng cổ câu 1 , câu 2 rất lạ, nghe qua biết là của Minh Vương. Ca chung với Minh Cảnh lúc đương thời, không bị lép vế là do Minh Vương có cách ca mới lạ đó.
Lâu nay bộ ba Minh Cảnh - Minh Phụng - Minh Vương được khán giả mộ điệu cải lương ghép liền với nhau hình thành một trường phái, một phong cách ca vọng cổ chung nhất vì họ cùng lấy Minh làm họ cho nghệ danh, cùng thành danh từ sân khấu Kim Chung, nổi tiếng trên hãng dĩa Việt Nam. Nếu xét tận tường, mỗi người đều có những độc đáo rất riêng, chính nhờ nét riêng đó mà sân khấu cải lương có 3 giọng ca vàng. Minh Cảnh đang thời, có Minh Phụng tiếp theo, đang tràn đầy phong độ, thì Minh Vương sáng lên thành ngôi sao mới, phong phú, đa dạng, người tiếp theo dường như có chút ưu thế hơn với người đi trước. Nếu Minh Cảnh rất xuất sắc trên Kiếm hiệp, thì Minh Phụng, Minh Vương từ SKCL kiếm hiệp đến xã hội họ là những tiếp nối thế hệ trước rất xuất sắc.
Giai đoạn đầu sự nghiệp ca diễn của Minh Vương có phần nào ảnh hưởng Minh Cảnh, Minh Phụng, sau đó dần dần Minh Vương khai thác ưu thế chất giọng, đề tìm lối đi riêng, trở thành ngôi sao lớn. Danh hiệu Khôi nguyên vọng cổ Minh Vương dành được ở tuổi 14 - 15 đã chứng minh nội lực tiềm năng của một giọng ca vàng. Trong số những nghệ sĩ trẻ sau Kim Tử Long chưa thấy ai có giọng ca đủ sức thay thế Minh Vương, như Minh Vương từng thay thế Minh Cảnh, Minh Phụng. Dù ngấp nghé tuổi 60, giọng đồng ấy vẫn vang lên sang sảng, để rồi nhìn lại SKCL thấy hiếm những giọng ca hay tuổi 19-20.
Phải có những giọng ca hay từ 18 đến 25, thậm chí suýt soát 30, may ra mới có lực lượng trẻ đủ sức khôi phục lại sự thu hút của cải lương. Nhìn lại những danh ca cải lương từ Thành Được, út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy, thanh Kim Huệ, Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm... đến Châu Thanh, Vũ Linh, Kim Tử Long, Phượng Hằng, Cẩm Tiên... họ khẳng định vị trí danh ca khi còn rất trẻ từ 16 - 25 tuổi. Lớp nghệ sĩ gọi là trẻ nồng cốt hiện nay, nữ trên 30, nam ngoài 40 mà sau lưng họ là một khoảng trống vời vợi.
Nhìn Minh Vương trong Rạng ngọc Côn Sơn mới đây với một ê-kíp trẻ, mới thấy rằng lực bất tòng tâm, Minh Vương bao sân tất cả, từ ca đến diễn, cố mà nhóm lửa, nhưng những vai diễn chung quanh quá non, họ chẳng trẻ tí nào, dù được gọi là trẻ. Thương cho "Khôi nguyên vọng cổ" chơi vơi bên những thần dân chân chất. Có nhiều người ca giống Minh Vương, nhưng để có chất giọng đồng và lối ca chắc chắn, vững vàng, chân phương mà sâu lắng, mộc mạc mà truyền cảm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn như Minh Vương thì vẫn như mò trăng đáy bể...
Giọng ca Minh Vương vẫn là giọng ca hiện đại, cho đến nhiều năm sau nữa giọng ca này còn ảnh hường sâu sắc đến thế hệ trẻ. Đây là giọng ca đại chúng, giọng ca của những ai muốn trở thành kép chánh trên sân khấu cải lương.
Tác giả bài viết: Việt Khang