Giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), cải lương (CL) bị phân hóa trầm trọng thành hai trường phái Ca – Diễn. Nghệ sĩ trường phái ca xuất thân từ danh ca đài phát thanh, dĩa hát.
Họ ca giỏi bản vọng cổ từ khi thể điệu này đã hạ “knock out” thể điệu Hành Vân vốn gắn bó cùng CL từ buổi hồng hoang và được công nhận là điệu thức không thể thiếu trong bất cứ một vở CL nào; để rồi bản vọng cổ tức vị đăng quang trở thành nhạc Vua nhịp 8. Vua lớn nhanh nhờ sự tài bồi của các nhạc sĩ năng động xuất chúng hai miền Đông – Tây Nam bộ thành vọng cổ nhịp 16, rồi 32. Và dừng lại ở cột mốc này vào giữa thập niên 50.
Vọng cổ nhịp 32 là thành tựu diệu kỳ của nhạc ngũ cung qua âm giai mượt mà sâu lắng từ bàn tay diễn tấu của người đàn; qua ca từ bay bổng trữ tình của soạn giả tổn hao tâm huyết; qua giọng ca lãng mạn du dương, mê đắm của nam – nữ danh ca; mặn mòi tình biển của thánh địa Bạc Liêu, hòa pha vị ngọt phù sa vùng miền Cửu Long châu thổ.
Năng khiếu bẩm sinh của danh ca cho phép họ ứng biến hữu hiệu tuyệt đối bản VC từ nhịp 8, rồi 16, đến 32. Họ rầm rộ chiếm lĩnh SKCL, trở thành kép ca, đào ca, ăn khách cực kỳ và trường kỳ sốt vé. Nơi nào, đoàn hát nào sở hữu danh ca là bội thu doanh số. Dễ ăn quá, các danh ca chung tay hùn hạp, hoặc đơn phương lập gánh để làm giàu. Còn các nghệ sĩ trường phái diễn lâm cảnh hẩm hiu, ngậm ngùi với cảnh lỡ vận. Một số không ít tài danh đành mai danh ẩn tích.
Nhà báo Trần Tấn Quốc - người sáng lập Giải Thanh Tâm. Ảnh: B.T
Nhà báo Thanh Tâm Trần Tấn Quốc là ngòi bút cự phách đất Sài gòn, tên tuổi lẫy lừng giới chính trị và báo chí từ thập niên 40 (thế kỷ trước), được công luận và độc giả tôn vinh đệ nhất ký giả thời buổi ấy. Khi phát minh trang báo kịch trường, ông tỏ rõ bản lĩnh một nhà phê bình tài ba do am hiểu sâu xa nghệ thuật bản sắc CL. Khi một vở diễn của một đoàn CL khai trương tại rạp Công Nhân bây giờ (tức rạp Nguyễn Văn Hảo, mệnh danh Hàng không mẫu hạm thuở ấy, bởi đó là nhà hát lớn nhất Sài Gòn; còn Nhà hát TP Sài Gòn bị chính quyền cũ biến thành trụ sở Quốc hội; và rạp Hưng Đạo thì được xây dựng đầu thập niên 60), ông Thanh Tâm đều đi xem và viết bài phê bình. Vở CL, từ nội dung cốt chuyện đến hình thức văn chương đều được “giải phẫu” chi li, chỗ hợp lý, chỗ bất hợp, chỗ hay, chỗ dở. Cả cách thiết kế bài ca, khéo hay vụng đều được “chiếu cố” tận tình; cũng bởi ông tích lũy một nội lực bài bản cổ nhạc Nam bộ vô cùng thâm hậu.
Diễn viên, ai ca hay chỗ này, đâm hơi chỗ nọ, rớt nhịp chỗ kia đều được lên trang báo do ông Quốc chủ biên. Nhiều nghệ sĩ, soạn giả bị phê trình thức diễn xuất, sự non tay trong sáng tạo soạn phẩm đã bao lần “nóng máu” phản bác lại ông trên báo khác hay trực tiếp đối diện bằng khẩu ngôn, ông đều phân giải đầy thuyết phục; cũng lắm khi, soạn giả và nhà báo mở cuộc bút chiến nảy lửa, độc giả đọc cả hai bên để chiêm nghiệm, tích lũy kiến thức về nghệ thuật CL, đồng thời xem đó như những phen tập huấn, thụ huấn về định hướng thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật. Và thú thực, một cậu học sinh Trung học như tôi được các đối tác – đặc biệt là ông Thanh Tâm – bồi dục khá nhiều, để đến hôm nay qua tuổi cổ lai hy vẫn còn chút “vốn liếng” viết ra phục vụ bạn đọc.
Cái tình, cái tâm của nhà báo Trần Tấn Quốc dành cho CL rất thâm sâu, cao đẹp. Bút danh Thanh Tâm (tấm lòng trong sáng) ông hiển thị trên các bài báo kịch trường và phương danh Thanh Tâm, tên một giải thưởng dành cho tài năng CL đã đi vào sử kịch hơn nửa thế kỷ là những biện chứng hùng hồn sự cống hiến cho nghệ thuật CL bằng nhu tâm, nhiệt huyết của bậc hiền nhân bất vụ lợi. Cũng vì thế, ngòi bút chính khí của ông bất chấp chuyện “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời thật chỏi tai), chẳng ngại khi dùng ngón “bút sa gà chết” để tranh đấu với những hiện tượng khả dĩ gây tổn hại nghệ thuật CL như đạo tuồng, lăng nhăng tình ái, vô trách nhiệm với nghề, xem thường nghiệp Tổ, cương ẩu, bỡn cợt khi đang biểu diễn… Ông thẳng thừng phê phán, chẳng thiên vị; cho dù đối phương là bằng hữu thâm giao hay bè bạn sơ giao.
Cũng bởi trung ngôn, lắm lúc ông bị mất lòng với các ngôi sao, siêu sao đến tổn thương tình giao hảo. Nhưng sau đó lắng lòng, bình tâm, những cá thể chân chính hiểu rằng ngòi bút ông chuyển tải ý tình phụng sự nghệ thuật; tuy có gai góc, nhưng chung chí hướng; nghệ thuật vị nhân sinh. Vậy là hết giận hờn, tình thân lại củng cố, bền chắc hơn xưa.
Uy thế ông Thanh Tâm ngày càng vang dậy. Báo giới kịch trường rất nể trọng, xem ông như kim chỉ nam để định hướng nghiệp vụ. Qua nhiều bài viết đậm tính học thuật, nhiều cuộc bút chiến mang tầm cao bảo vệ nghệ thuật chân chính, bênh vực nghệ sĩ, công nhân sân khấu giai cấp thấp bị kẻ quyền cao thế lực húng hiếp, khinh thường. Đúng là: chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà (thơ Nguyễn Đình Chiểu). Ông được cả làng giải trí tôn kính một cách hồn nhiên.
Đoàn hát nào lưu diễn đến Sài Gòn, từ bầu gánh đến các đào kép chính, phụ… ai cũng âu lo trông ngóng một người (nhân vật đặc biệt). Chốc chốc, có người từ hậu trường bước ra tiền trường, khẽ vén mí màn nhung (đang khép kín chờ giờ mở màn khai diễn), đảo mắt liếc qua mấy hàng ghế đầu (thượng hạng). Bỗng thấy một quý ông gầy gầy, trung niên, đeo mắt kính, áo nịt vào quần, cổ thắt cà – vạt (cravate), người ấy hớt hải chạy vào báo động: “Chết rồi, nghe! Chết rồi, ổng tới rồi!”.
Cả đoàn nhốn nháo, các đào kép đang hóa trang cũng vội dừng tay, hỏi dồn: “Ông nào?” “Ông Thanh Tâm chớ ai”. Ai nấy nét mặt căng thẳng. Bầu gánh vỗ tay mấy cái để mọi người lặng im: “Đoàn mình có giá, ông Thanh Tâm mới chịu dự khán. Anh chị em phải tác nghiệp hết mình, ca diễn nghiêm túc. Ông mà khen vài câu trên báo, chúng ta sẽ “hốt bạc”. Tuyệt đối cấm cương ẩu, nghen! Ai bê bối bị ông phê phán sẽ chịu trách nhiệm trước tập thể, trước Tổ nghiệp. Đêm nay thành công lớn về nghệ thuật, chúng ta sẽ ăn mừng”. Khỏi phải bàn, đêm ấy, ai nấy đều tận lực thi thố để vừa lòng VIP (very important person). Nhà báo Thanh Tâm oai danh đến thế là cùng.
Về đời tư, ông là phu quân của một ngôi sao nữ lừng danh sân khấu CL Nam bộ: cô Ba Thanh Loan (xin đón đọc bài viết về nữ danh tài này). Hai người chia tay nhau vào nửa cuối thập niên 50 sau thời gian mặn nồng phu thê qua môi giới là tình yêu nghệ thuật CL.
Khi trường phái CL ca phát triển mạnh, trường phái CL diễn bị suy đốn lâm nguy, ông Thanh Tâm đã viết lọat bài “Sân khấu CL đang giẫy chết” (đã đề cập trong một bài báo riêng); và đặc biệt là bài “Cải lương miền Nam vắng bóng bảy cô đào danh tiếng” đăng tải mấy kỳ, ca ngợi tài sắc bảy nữ nghệ sĩ: Ba Thanh Loan, Ba Hui, Tư Thanh Tùng, Tư Hê-len Hélène), Năm Kim Thoa, Sáu Ngọc Sương, Sáu Nết (thời điểm ấy, siêu sao Năm Phỉ đã qua đời; NS Phùng Há và Bảy Nam vẫn còn hoạt động mạnh). Sau mấy bài báo đó, có mấy nữ tài danh tái xuất phù nguy nghiệp Tổ như cô Thanh Tùng lập đoàn Thanh Tùng với cặp diễn viên chánh Tám Vân – Bích Thuận); đoàn Kim Thoa (do cô Năm Kim Thoa thành lập) với Văn Sa – Thiên Kim là diễn viên chính. Tội cho cô Năm, đêm khai trương vở Lấp sông Gianh (soạn giả Kinh Luân) tại rạp Nguyễn Văn Hảo, đoàn bị bọn phản động ném lựu đạn, chết và bị trọng thương mấy người (1955). Riêng cô Ba Thanh Loan, vài năm sau (1958) gia nhập đoàn Thanh Minh theo kế sách thống nhất hai trường phái Ca – Diễn của bà bầu Thơ.