Đến năm 1922, ở Bến Tre mới có gánh cải lương ra đời đúng với cái tên của nó. Không ít người cho rằng ca ra bộ là cải lương. Ý đó e không chính xác, vì từ ca ra bộ đến cải lương đòi hỏi một bước trưởng thành khá công phu về mặt kịch bản và diễn xuất, chưa nói đến âm nhạc và trang trí. Nói rằng ca ra bộ là tiền thân của cải lương có lẽ đúng hơn.
Đoàn ca ra bộ đầu tiên của Bến tre là của hội đồng Hoàng, ở Vàm Nước Trong (Mỏ Cày) ra đời khoảng năm 1917-1918. Nghệ thuật của đoàn này phát triển cao vào cuối năm 1920. Nghệ sĩ Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) có một thời gian ngắn đi diễn ở đoàn này, đóng vai Lâm Sanh trong vở Lâm Sanh – Xuân Nương(1).
NSUT:Tuyết Ngân Đào chánh đoàn CL Bến Tre
Sau đoàn của hội đồng Hoàng, đoàn ca ra bộ thứ hai của Bến tre ra đời năm 1920, lấy tên Tân Đồng Minh(2) của ông Cao Tấn Quyến. Ông Quyến người làng Tân Thanh, rất hâm mộ nhạc tài tử. Ông giỏi chữ Nho và nhạc lễ. Trong đoàn của ông, người ca, nam thì mặc áo dài, bịt khăn đóng, nữ mặc áo dài trắng, đen, hoặc màu, bới tóc thật khéo. Nội dung ca ra bộ của đoàn ông Quyến được trích lớp từ các truyện Tàu rất phổ biến ở Nam Kỳ lúc bấy giờ như Trang Tử cổ bồng do Tư Ngưu (chợ Mỹ Lồng) diễn, hoặc Dự Nhượng đả long bào do Ba Mạch (cầu Nhà Thương, thị xã) đóng, vừa ca bài Kim tiền (Huế) vừa ra bộ trông khá hùng dũng. Những người nữ đầu tiên của Bến Tre tham gia đoàn này có cô Năm Ca (vì hay ca, chứ không phải tên thật) và cô Tư Thu. Hai cô này thường đóng vai Nguyệt Nga.
Nếu hát bội không có đoàn nào diễn tuồng theo tác phẩm Lục Vân tiên, thì ngược lại ca ra bộ trích diễn nhiều lớp của tác phẩm này như: Vân Tiên đả Phong Lai, Nguyệt Nga thầm nhớ Vân Tiên, Bùi Kiệm thi rớt trở về, Bùi Kiệm ve vãn Nguyệt Nga, Nguyệt Nga cống Hồ, Ông Quán đối đáp Tiên, Trực, Kiệm, Hâm.
Theo lời nghệ sĩ Lê Long Vân (Ba Vân) lúc đoàn ca ra bộ Tân Đồng Minh mới tập họp “đào kép", ông bầu Quyến còn chiếu cố đến đặc điểm nông dân của đoàn. Đến mùa cấy, gặt đoàn tạm nghỉ trong một thời gian ngắn, xong gặt hái, họ tụ tập trở lại, đi biểu diễn trong mùa khô. Hai năm sau, tức năm 1922, đoàn ca ra bộ của ông Quyến phát triển thành một gánh cải lương. gánh cải lương Tân Đồng Minh, thành phần đoàn gồm toàn người trong dòng họ, và bạn bè thân thiết. Ông Cao Tấn Quyến là người bỏ vốn. Ông Cao Tấn Liêm làm hề. Cô Ba Điểu, vợ Cao Tấn Cảnh làm đào chánh. Cô Tư Tỉnh, vợ Cao Tấn Liêm, cũng là đào giỏi. Dàn nhạc có ông Cao Tấn Hân, Lưu Hữu Nhiêu đàn kìm, đàn cò có tiếng. Đoàn Tân Đồng Minh ra mắt tại chợ Hương Điểm, làng Tân Hào, với vở tuồng Tàu Phấn Trang Lầu do ông Nguyễn Đình Chiêm, con cụ Nguyễn Đình Chiểu soạn.
Tuồng Tàu, nói chung dễ diễn ở cốt truyện có sẵn, chỉ cần gia công đạo diễn. Truyện Tàu lại rất quen thuộc với quần chúng. Truyện tích Việt Nam cũng có, tuy không nhiều, như Lục Vân Tiên, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Lưu Bình – Dương Lễ, San Hậu... So với hát bội, tuồng cải lương gọn hơn, hát đêm nào dứt vở ấy, không kéo dài nhiều hồi, nhiều lớp.
Sân khấu ca ra bộ và cải lương Bến Tre diễn nhiều trích đoạn tác phẩm Lục Vân Tiên. Có ai ngờ rằng năm 1927, tại Aix-En-Provence (Pháp), du học sinh Việt Nam vui Tết bằng cách tự mình tập và diễn vở cải lương Lục Vân Tiên(3).
Năm 1970, đoàn cải lương Nam Bộ ở Hà Nội đã sang Pháp giúp Việt kiều ta vui Tết Canh Tuất với vở Sát Thát và những trích đoạn của tác phẩm Lục Vân Tiên.
Đến năm 1923, Bến Tre có thêm một đoàn cải lương thứ hai, lấy tên Đồng Thinh Ban của Lâm Thiên Tứ, một địa chủ ở Minh Đức (Mỏ Cày). Đồng Thinh Ban so với Tân Đồng Minh thì hơn hẳn, do đó đông người xem hơn.
Những người hâm mộ cải lương Bến Tre, trước tiên là thị dân, dần dần lan rộng đến nông dân. Công chức, trí thức trong tỉnh thời ấy không có gì giải trí hơn là cải lương. Chiếu bóng thì còn ở dạng phim câm (muet), thỉnh thoảng mới có phim hay và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người Việt Nam.
Ở Bến Tre, giống như vài tỉnh khác của đồng bằng sông Cửu Long, trước kia có vài cậu "công tử" bỏ tiền lập đoàn cải lương để có dịp ăn chơi và nổi danh trong thiên hạ. Họ không phải là người có máu "nghề nghiệp", nên sau một thời gian, họ bán đoàn lại cho người khác. Ở tại thị xã có ông Võ Văn Vạn (còn có tên Vũ Bá Vạn), lập đoàn Vạn Phước (1943). Nếu cộng tất cả các đoàn cải lương lớn, nhỏ của Bến Tre, từ lúc bộ môn này ra đời trong tỉnh đến trước CMT8-1945 có khoảng năm, sáu đoàn.
Sâu khấu Bến Tre lúc ấy cũng không tránh khỏi ảnh hưởng sân khấu Tàu, nhất là Quảng Đông, đặc biệt lúc Mã Sư Tăng, một ngôi sao của hý kịch Trung Quốc sang diễn ở Chợ Lớn. Nhưng có điều tuy diễn tuồng Tàu, diễn viên của ta vẫn thể hiện tình cảm bi ai, hùng tráng và vũ bộ theo phong cách Việt Nam. Nghệ sĩ Ba Vân có lưu ý rằng ngay vũ bộ sân khấu và võ thuật các đoàn của Việt Nam ngày xưa áp dụng trên sân khấu cũng xuất xứ từ võ Bình Định. Chúng ta cũng không quên ở Bình Định cách nay 200 năm, trong thời Tây Sơn, đã có diễn nhiều tuồng dã sử nổi tiếng, và Nguyễn Huệ rất thích hát bội. Do đó mà cho đến nay, trong những vở dã sử, diễn viên nào có vốn vũ bộ của sân khấu dân tộc đều diễn xuất đẹp.
Ngày xưa, những đoàn cải lương có tiếng chỉ đi diễn đến các quận có đời sống kinh tế trù phú. Khổ nhất là những gánh hát bội nhỏ. Phần bị sân khấu cải lương lấn ép, phần bản thân hát bội hàng trăm năm vẫn không đổi mới, nên quanh đi quẩn lại chỉ diễn ở các chợ nhỏ, hoặc sân đình. Những đêm vắng khách, lỗ lã thì từ diễn viên đến người lao công sống rất vất vả. Nhiều người, con cái nheo nhóc. Họ ăn cơm chung dọn giữa sân, người lớn, trẻ con ngồi xen lẫn từng mâm, thức ăn không có gì đáng kể. Đa số ngủ trên chiếu trải dưới đất, hoặc trên sàn sân khấu. Những người lao công nằm trên những tấm "đề co” (décors) cuốn tròn. Có người nằm dưới bàn thờ Tổ, chỉ đút cái đầu dưới bốn chân bàn, còn toàn thân ló ra ngoài, một chiếc chiếu rách đắp ngang.
Cái tệ nhất của diễn viên ngày xưa là cờ bạc. Sau buổi diễn, họ gầy sòng, sát phạt lẫn nhau. Hụt tiền ăn, thỉ ngửa tay vay chủ gánh. Một số diễn viên và nhạc công không biết giữ gìn sức khỏe, sống bê tha, rượu chè. Trong những đoàn cải lương cũng như hát bội, đa số diễn viên xanh xao, kém sức khỏe, nhiều người bị mắc bệnh không nguy hiểm lắm, song không có điều kiện chữa trị.
Cá biệt, cũng có trường hợp tự tử vì bế tắc, không thấy lối ra cho cuộc đời mình. Mọi tủi nhục, cay đắng chỉ có thể tạm quên khi học mặc "long bào", mặc giáp "nguyên soái" hay đội mão "công chúa" lấp lánh, rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu trong đêm biểu diễn. Những "ngôi sao" sáng trên sân khấu dưới chế độ cũ được hâm mộ thật, song không ai có thể giúp họ xóa bỏ định kiến lâu đời của xã hội xưa xem đào kép là "xướng ca vô loài".
Khoảng năm 1939, tại nhà việc làng Thành Hóa (nay thuộc xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày), có một đoàn hát bội nhỏ về hát. Sáng hôm sau, không rõ nguyên nhân, cô đào chính mắc bệnh rồi chết đột ngột. Đoàn thì nghèo, người chết không có thân nhân đi theo, nên mấy ông làng cho phép chôn người xấu số trên một đám đất hoang, chung quanh nước ngập, chỉ có cóc kèn, ô rô. Đến nay, nấm mộ của "bà hát bội" còn nằm đó.
Việc di chuyển, đổi địa điểm diễn của các đoàn hát lưu động cho đến nay vẫn quen gọi “đổi bến”. Phải chăng do ban đầu, phương tiện đi lại của các đoàn là ghe? Chỉ từ 1955 trở đi mới có việc di chuyển bằng xe vận tải. Thời Pháp, có lần đoàn cải lương Thanh Minh của ông Đoàn Văn Đỏ, người Bến Tre, ra diễn ở Ô Cấp (Vũng Tàu) một tuồng dã sử, nội dung đề cập đến việc nhà Minh âm mưu lật đổ triều Mãn Thanh. Ông chủ đoàn hát bị Sở mật thám gọi lên hăm he, gán cho ông muốn xúi giục người Việt chống chính quyền Pháp(!).
Những soạn giả cải lương người Bến Tre có tên tuổi là Đặng Công Danh (làng Tú Điền cũ, nay xã Phú Khương), ông Đoàn Văn Đỏ (Làng An Hội cũ, nay thuộc thị xã), ông Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi, xã Phước Thạnh, nay thuộc huyện Châu Thành).
Diễn viên xuất sắc có Ba Vân, sinh năm 1908 tại làng An Đức, huyện Ba Tri, được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”. Ba Vân học nhạc lễ từ nhỏ, chuyên vỗ bồng là một nhạc khí rất khó chơi. Ông hợp tác với nghệ sĩ Năm Châu cả thảy 12 năm, thời gian dài nhất trong đời hoạt động trên sân khấu cải lương. Ông đã đi lưu diễn ở miền Bắc 7 lần, từ năm 1927 đến 1950. Lần thứ tám, năm 1977 là khi đoàn Sài Gòn 1 được mời ra thủ đô tham gia hội diễn chào mừng đất nước thống nhất(4).
Nhiều nghệ sĩ sân khấu Bến Tre tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông ba Vân viết kịch cho Đoàn Thông tin - Tuyên truyền huyện Ba Tri, sau đó tham gia cuộc vận động giới nghệ sĩ sân khấu ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông Đoàn Văn Đỏ (Vân Hồng) làm nhân viên ở một phòng bào chế thuốc ở chiến khu miền Tây Nam Bộ. Ông bầu Liêm, nguyên trước là chủ gánh hát cải lương lớn Thanh Thinh, quê xã Lương Hòa, làm đạo diễn đoàn Văn công Lúa Vàng, huyện Giồng trôm (1963). Trước đó, ông là diễn viên của Đoàn Văn công Giải phóng của tỉnh Bến Tre, một nghệ sĩ lão thành giàu nhiệt tình đối với nghệ thuật.
Chú thích (1) Theo lời ông Võ Văn Vạn (Võ Bá Vạn) sinh năm 1907, nguyên chủ đoàn cải lương Vạn Phước, Bến Tre. (2) Theo lời ông Cao Tấn Liêm, sinh năm 1913, còn gọi là bầu Liêm, hoạt động sân khấu từ 1928 đến 1960 ở Bến Tre. (3) Sỹ Tiến, Bước đầu tìm hiểu sân khấu cải lương, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 7. (4) Theo lời kể của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân).