BT- Du lịch bụi hay còn gọi đi “phượt”, được giới trẻ thích thú vì qua đó khám phá bản thân. Chúng tôi 14 thành viên từ nhiều địa phương đã cùng nhau lên kế hoạch cho chuyến “phượt núi” Chứa Chan (Xuân Lộc, Đồng Nai).
1. Núi Chứa Chan còn có tên gọi là Gia Ray hay Gia Lào. Núi có độ cao 837m (cao thứ hai ở Đông Nam bộ - sau núi Bà Đen ở Tây Ninh - 986m) là điểm du lịch thu hút nhiều du khách hành hương. Vào các dịp lễ, tết số người hành hương khá đông.Trên núi có Chùa Bửu Quang xây dựng từ đầu thế kỷ XX, toạ lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng. Núi Chứa Chan ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích hoạt động cách mạng qua hai cuộc kháng chiến của người dân Đồng Nai, vì đây là căn cứ kháng chiến của huyện Xuân Lộc và chùa Bửu Hưng từng là căn cứ hậu cần, nơi trú quân của nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc chiến tranh giải phóng. Nhóm chúng tôi quyết định lên núi bằng lối đi hiểm trở nhất.
2. Từ nhà chú Dũng – một người dân địa phương, đoàn bắt đầu khởi hành theo đường bộ. Minh – con trai chú Dũng, dẫn đường cho chúng tôi. Chiều vùng núi nhiều mây, mưa đã bắt đầu rả rích. 14 thành viên tập trung ở chân núi để bắt đầu cuộc hành trình. Đường mòn trên núi không được bằng phẳng và dễ đi như Tà Cú, với dốc đứng và nhiều đá lởm chởm. Nhiều thành viên nữ trong đoàn bắt đầu lo lắng. Trời chuyển mây đen nghịt, nếu đi chậm, chúng tôi sẽ không thể tìm thấy lối đi và rất nguy hiểm. Đường lên núi có rất nhiều trụ điện. Đến trụ điện thứ 30 mọi người phải dừng lại nghỉ và đợi các thành viên, vì cả nhóm lúc này đã phân thành 4 top khác nhau. Trong top 3, Thanh Hâu nhỏ tuổi nhất (16 tuổi) phải đồng hành cùng người chị Thanh Thương “te tua” bởi trượt chân không biết bao nhiêu lần vì đá trơn. Top cuối có Hoàng, Nga, Luyện thì “không biết nói sao” khi thành viên Nghĩa bị vọp bẻ rồi chuột rút, nhiều lần. Vật lộn gần 3 tiếng đồng hồ, mới lên được đến đỉnh núi lúc sương mù giăng dày đặc. 5 chiếc đèn pin mang theo phải bật liên tục, để dựng lều. Mưa và gió lớn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nga và Long Châu giăng áo mưa che lò dã chiến bằng 3 viên đá trên núi. Mỹ Xuân rọi đèn pin cho Thanh Thương nhóm lửa. Mạnh ai nấy run cầm cập... Phải gần tiếng đồng, 3 cái lều cho 14 thành viên mới được dựng. Trước khi thực hiện kế hoạch, cả nhóm thống nhất thuê 5 lều, nhưng với tình hình thời tiết, buộc lòng chỉ dựng 3 cái, và chen nhau nghỉ. Lều đầu tiên được đặt trên vị trí bằng phẳng. Nhưng 2 lều còn lại phải chịu sự nhấp nhô của đá, vậy mà không hiểu sao vẫn có thể nằm nghỉ ngon lành.
3. Sau một cơn mưa lớn, buổi sáng trong veo trong ánh nắng nhẹ nhàng trên đỉnh núi Chứa Chan. Lại hâm nóng nồi cháo của buổi tối qua để làm bữa tiệc sinh nhật dã chiến cho thành viên Thanh Thương trong nhóm. “Bánh kem” là những trứng vịt bắp thảo tượng trưng. Tháng 6 mưa núi nhiều, nên cái ánh nắng yếu ớt chỉ kéo dài đến 9 giờ thì đã chuyển sang một màu xám. Mọi người sửa soạn xuống núi lúc 9 giờ 30 và xuống đến chân núi tại điểm dừng đến gần 1 giờ, ai cũng uể oải. Chú Dũng lại nhiệt tình đón cả nhóm. Chú Dũng là người ở huyện Hàm Thuận Bắc, vào Xuân Lộc lập nghiệp và sinh sống từ năm 1982 đến nay. Cởi mở, thẳng thắn nhưng cũng là người ấm áp khi lo lắng cho chúng tôi từ khi khởi hành đến lúc về. Chú Dũng chia sẻ: “Thấy mấy đứa đi như thế này vào lúc thời tiết mưa gió lo cho tụi bây quá, nhưng giờ thấy an toàn hết cũng mừng”. Chia tay Xuân Lộc, chia tay ngọn núi Chứa Chan một phần của đất nước mình. Cảm giác khi được đứng trên đỉnh núi, đó là một thử thách vừa là một niềm tự hào khi bản thân từng thành viên đã tự vượt qua bản thân mình. Một trải nghiệm đáng nhớ của lần đầu tiên phượt núi.