Đi qua nhiều khúc sông cuộc đời, vinh quang có, khổ hạnh, bần cũng có, ngôi sao của sân khấu cải lương Lệ Thủy chia sẻ: “Ngôi sao cũng chỉ có một thời thôi nên quan trọng nhất là sống và diễn sao cho khi đi qua thời của mình, người ta vẫn còn yêu thương, quý mến”.
MIỀN KÝ ỨC BUỒN Sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Tây, mẹ làm nghề chầm lá, cha đi làm thuê, với cô bé Lệ Thủy, mơ ước làm một ngôi sao không hề có trong suy nghĩ. Khi Thủy 3 tuổi, gia đình phải lo chạy ăn từng bữa còn khó thì nhà bị cháy. Ba má quyết định bỏ xứ lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng và mấy đứa con tìm kế sinh nhai.
Ba làm lao công trong Thảo Cầm Viên còn má nấu cơm tháng cho phu khuân vác ở bến tàu. Thủy đi học xong phải về nhà trông em. Hằng ngày, Thủy bế em ra hông chợ dỗ cho em ăn, bên hông chợ có một tiệm sửa radio, ngày nào người chủ tiệm cũng mở bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy. Cô bé Thủy thuộc lòng, ca theo những lúc dỗ em ngủ.
Người hàng xóm của Lệ Thủy là phụ trách ban văn nghệ trong xóm, nghe cô bé ca cải lương rất mùi, liền xin ba mẹ Thủy cho theo sinh hoạt. Chính anh hàng xóm nhiệt tình này dẫn cô bé Lệ Thủy tới gặp ông Năm Truyền, thợ hớt tóc trong xóm nổi tiếng với tay nghề đờn đàn kìm, để ông dạy cho Thủy ca cổ nhạc một cách bài bản. Chỉ vài lần lên sân khấu, Lệ Thủy đã trở thành đào nhì. 14 tuổi, cô bé phải đi giày cao gót, độn cao ngực để đóng người lớn. Duyên vọng cổ của Lệ Thủy đến hồn nhiên như thế.
Lệ Thủy nhanh chóng khiến người mộ điệu cải lương khắp cả nước biết đến qua những vở Máu nhuộm sân chùa, Đát Kỷ - Trụ Vương, Lá sầu riêng... Giọng ca khỏe khoắn, giàu cảm xúc của chị gắn với Minh Vương làm thành cặp bài trùng trên sân khấu từ những năm 1980...
NS: Lệ Thủy năm 15 tuổi
NGƯỜI ĐÀN BÀ SỢ ĐỔ VỠ Cũng vì sự ăn rơ nhau trên sân khấu, Lệ Thủy – Minh Vương được nhiều người nghiễm nhiên coi là... người tình của nhau. Lệ Thủy tâm sự, khi diễn, chị hóa thân hết mình vào nhân vật. Đó là những nhân vật đã yêu thì yêu hết mình, nặng tình nặng nghĩa. Tính cách này nhiều phần giống chị bên ngoài. Nhưng chị luôn đủ tỉnh táo để lập cho mình ranh giới giữa sân khấu và cuộc sống. Chị hiểu hạnh phúc với người nghệ sĩ thật mong manh nên luôn sợ sự đổ vỡ.
Từ nhỏ, nhiều người nói, sao tên Lệ Thủy nghe buồn thiu vậy? Nhiều người còn khẳng định cái tên có thể vận vào số mệnh nên chị sợ và cố gắng sống sao để những chuyện không hay đừng xảy ra.
Nhắc tới chồng mình, Lệ Thủy hãnh diện nói, chúng tôi quen nhau rất tình cờ. Anh từ quê vào Sài Gòn học, ở cùng chung cư với chị. Khi em trai anh nói: “Nhà đó có nghệ sĩ Lệ Thủy rất nổi tiếng”, anh thờ ơ: “Thế à?”. Anh biết vậy thôi chứ không quan tâm tới cải lương. Một lần, chị bị té gãy tay, anh viết thư hỏi thăm và xin được làm quen, vậy mới có cớ quen nhau. Cho đến giờ, người chồng luôn là chỗ dựa tinh thần lớn với Lệ Thủy. Anh luôn tin vợ mình là người phẩm hạnh. Chính vì thế, Lệ Thủy không có cớ gì mà không dành cho anh niềm tin yêu tuyệt đối.
Qua nhiều khúc sông cuộc đời, có lúc chồng Lệ Thủy bị ra tòa vì vụ án kinh tế, có lúc ngồi trại cải tạo. Lúc đó, chị phải che mặt để không bị nhà báo chụp ảnh. Nhưng chị quan niệm, chồng mình dù có thế nào cũng là chồng. Khi đã chọn anh ấy làm bóng tùng trong cuộc đời thì luôn tin tưởng. “Tôi không đòi hỏi gì hơn ở một người đàn ông như thế” - Trên dưới 40 năm chung sống, đó vẫn là suy nghĩ trước sau như một của người đàn bà yêu chồng tuyệt đối này.
NỖI NIỀM NGƯỜI Ở LẠI Khẳng định mình qua nhiều vai diễn không phải chỉ riêng Lệ Thủy làm được. Nhưng khiến hàng nghìn người dân đốt đuốc đi hơn 10km đến xem thì có lẽ hiếm ai có được hạnh phúc như chị. Người lớn, trẻ con chen nhau ngồi xa sân khấu cả hàng chục mét, nhìn không rõ mặt nghệ sĩ nhưng “chỉ cần nghe cô Lệ Thủy trò chuyện là tôi vui rồi”.
Băng đĩa cải lương có Lệ Thủy luôn bán chạy. Chị có những khán giả chung thủy một đời với mình. Có người đàn ông không bao giờ gặp mặt nhưng hàng đêm vẫn xem chị diễn, tặng hoa và nhờ người chuyển lời xót xa khi chị suýt vấp té trên sân khấu. Bạn bè vẫn trêu anh là “người tình giấu mặt” của chị...
“Ngôi sao vàng” của sân khấu cải lương một thời chia sẻ, bạn diễn bây giờ nhiều người vì điều kiện sức khỏe không còn đứng chung sân khấu được nhiều như trước. Minh Phụng đã mất, Minh Vương bị bệnh bao tử, mổ mắt cườm, có thời gian gián đoạn với sân khấu. Thanh Sang cũng bệnh... Có khi muốn đóng người mẹ cũng không có bạn diễn đóng người cha. Ngoài 60, chị thấm nỗi cô đơn của người đứng lại trên sân khấu...
Trước khi tạm biệt, chị chọc tôi: “Chị hỏi thiệt, tụi em trẻ vậy có thích nghe chị ca cải lương không?”. Không những thích nghe, tôi còn nhắc chị từng vai diễn của chị có gì hấp dẫn. Chị cười hiền lành – nụ cười rất đặc trưng của Lệ Thủy. Chị cho rằng, nghệ sĩ ngôi sao cũng chỉ có một thời nhưng nhiều thế hệ khán giả đã thấy Lệ Thủy vẫn chưa dừng lại dẫu đã nửa thế kỷ trên sân khấu.