“Tiếng vỗ tay hoan nghênh tỏa rộng với những giả dối ở đời giết chết…Tôi chết dần theo năm tháng.Chết dần theo mỗi lần thành công…Niềm tuyệt vọng cứ lớn dần, lớn dần đưa tôi đến chỗ mất thăng bằng.Có những lúc tôi điên lên trong nước mắt, trong tiếng thét thất thanh cầu cứu…” ( lưu bút của Kim Cương)
NSND Kim Cương tên thật là Nguyễn Thị Kim Cương (sinh năm 1938).Tuổi thơ của nghệ sỹ Kim Cương là những chuỗi ngày cô đơn và thiếu tình thương của gia đình. Nhưng cũng chính thời điểm này, Kim Cương đã nổi lên bằng vai nhỏ tuổi trong các vở như “Na Tra lóc thịt”, “Mẫu tử tình thâm” đã khẳng định vai trò của một thần đồng. Do chuyên tâm vào nghề nghiệp, bà Bảy Nam đã gửi Kim Cương theo học ở trường dòng. Cô sống trong không gian đầy nghiêm khắc. Hai mầu trắng và đen bao bọc lấy tuổi thơ của Kim Cương.
Vai Dì phước trong kịch truyền hình "Hai mùa Giáng sinh"
ĐA NĂNG- ĐA TÀI- KỲ NỮ:
Năm 16 tuổi, Kim Cương rời trường trung học Lê Tấn Thành để chính thức tham gia nghề diễn ở bản hiệu của đoàn Năm Phỉ (Sau này là đoàn Năm Phỉ- Kim Cương).Năm 1956, Kim Cương được 19 tuổi, lần đầu tiên đóng chính trong vở “Giai nhân và ác quỷ”. Ngay lập tức, cô được báo chí phong tặng là “Kỳ nữ Kim Cương”. Dư luận xôn xao bàn tán về sự ra mắt của cô đào trẻ, đẹp, khả ái.
Cũng chính cái nôi đoàn nhà này, Kim Cương được sự hướng dẫn của các dì Năm Phỉ, Mười Truyền và Má Bảy Nam để cho cô bé Kim Cương có dịp vun bồi và thể hiện mình trong làng sân khấu.Thời gian 1956, Kim Cương đã là một Điêu Thuyền lả lướt và tài sắc bên cạnh Má Bảy Phùng Há thời chín mùi của tài năng và sung sức để diễn một Lữ Bố oai hùng.
Với cố nghệ sỹ La Thoại Tân trong phim "Bẽ bàng"
Tham gia lĩnh vực điện ảnh thời kỳ phôi thai của nền điện ảnh Sài Gòn. Kim Cương đã tạo nên sức hút cho các nhà làm phim về việc lôi cuốn khán giả.Những năm cuối thập niên 1950, Kim Cương tuy còn rất trẻ nhưng đã được xem là một ngôi sao sáng của Sân khấu và màn bạc.Thu hút được nhiều cảm tình ở người xem. Từ phim đầu tay là “Lòng nhân đạo”, kỳ nữ Kim Cương đã được các hãng phim săn đón.Chỉ tính trong hai năm đầu theo nghề 1956-1958, Kim Cương “chạy sô” ở phim trường tối ngày. Hết tham gia “Ngọc Bồ Đề” rồi “Bích Câu kỳ ngộ” lại đến “Lý Chơn Tâm cởi cũi” của hãng An Pha Phim.
Chưa kịp nghĩ ngơi, Kim lại nhận vai Loan trong phim “Ám ảnh”.Trong giai đoạn này Kim Cương là ngôi sao trẻ đứng đầu về số lượng phim đóng và cát xê. Liên tiếp từ những năm 1950- những năm đầu của 1970, Kim Cương hoạt động tâm huyết và sôi nổi trong lĩnh vực điện ảnh với rất nhiều bộ phim như “Đôi mắt huyền”, “Mưa rừng”, “Nửa đời hương phấn”, “Chiếc bóng bên đường”, “Tứ quái Sài Gòn”….
Hình ảnh của Kim Cương ngự trên bìa rất nhiều tờ báo thời bấy giờ như Màn ảnh sân khấu, Kịch ảnh, Tiếng Chuông hay Lẽ Sống….
Là con nhà nòi, gia đình mấy đời gắn bó với cải lương, nhưng đến lượt mình sau một số vai thành công trong các vở như Đắc Kỷ, Điêu Thuyền…bên lĩnh vực cải lương , nàng Kim lại thấy mình thích hợp hơn với Thoại kịch..Kim Cương đã đúng khi thành công với rất nhiều loại vai, nhưng với “Lá sầu riêng” chị đã mang đến cho sân khấu một bóng dáng gái quê đẹp nhất và buồn nhất.
Cùng với “Lá sầu riêng”, “Dưới hai màu áo” cũng là một thành công rực rỡ của Kim Cương. Vở này là một minh chứng về khả năng đa dạng, sức sống lạ lùng trong những phong cách mà chị hoá thân
Nghệ sỹ Kim Cương những năm tháng tròn tuổi đôi mươi
Giai đoạn sau năm 1975, Kim Cương và đoàn kịch của mình là lá cờ đầu của nền thoại kịch có phong cách miền nam. Lúc đó đoàn Kim Cương có nhiều kịch thật hay và tập hợp dàn diễn viên thì nghe tên cũng thấy “phê” với những Tuý Hoa, Ngọc Đức, Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh, Kiều Phượng Loan, Huỳnh Thanh Trà, Vân Hùng..., Vân Hùng sau một thời gian vắng bóng đến năm 1987-1988 lại tái xuất giang hồ cùng diễn lại vở "Lá Sầu riêng" với Kim Cương ở nhà hát Hoà Bình.
Trong “Nhân danh công lý” Kim Cương thủ vai bà Mẹ, vợ một ông lớn, ra sức "chạy thuốc" cho cậu quý tử (Mai Trần thủ diễn) lỡ mang tội danh hình sự với cảnh độc đáo - mỗi khi bà mẹ chuẩn bị đi "gõ" ở cửa ông lớn nào thì bà lại bật cái dù ra che, biểu tượng ô dù này đi xuyên suốt vở kịch .
Kỳ Nữ Kim Cương trong phim "Đôi mắt huyền"
Kim Cương dựng kịch nước ngoài mà cụ thể là kịch Nga như vở "Tania" cũng rất hay. Trong vở này, Kim Cương thủ vai cô sinh viên y khoa ham chơi hơn muốn học.Cho đến khi con mình bị bênh Bạch cầu thì mới biết mình không đủ kiến thức để cứu con...
Rồi những vở như Lôi Vũ, Người tình trễ xe, Bông Hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao….đều thành công khi diễn trên sân khấu Kim Cương.
Nữ nghệ sĩ Kim Cương còn viết nhiều vở kịch thành công, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nữ tác giả sáng tác kịch bản sân khấu nhiều nhất Việt Nam. Kim Cương đã viết trên 50 vở, có những vở một thời vang bóng, đến nay vẫn còn đọng lại như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi làm mẹ, Vực thẳm chiều cao, Bông hồng cài áo…
Sở trường của Kim Cương mà khán giả ấn tượng nhất là vào những vai bi.Về giai thoại Kim Cương khóc, Cố NSND Phùng Há đã từng đề cập đến trong bộ phim Chân dung về cuộc đời bà.Ngoài ra chúng tôi còn sưu tầm được một mẩu chuyện khác nữa từng được đăng trên báo Truyện Phim năm 1957: Lần đó Kim Cương đóng phim “Trương Chi và Mỵ Nương”.Lúc đến cảnh Mỵ Nương nhìn chén ngọc thấy hồn Trương Chi trong chén, cô cảm động và khóc.Theo yêu cầu của đạo diễn, Kim Cương qua nhân vật Mỵ Nương, chỉ nên nhỏ vài giọt nước mắt rớt vào chén để cho hồn Trương Chi tan biến vào hư vô.Nhưng Kim diễn quá tình cảm, có lẽ do quá nhập tâm vào nhân vật mà cô Kim đã khóc sướt mướt, khóc ngon lành đến hơn 1h đồng hồ khi quay đi, quay lại.
với nghệ sỹ cải lương tuồng cổ Phượng Mai
KINH DOANH GIỎI NHƯ DIỄN XUẤT:
Làm nghệ thuật được phong kỳ nữ, kinh doanh nghệ thuật cũng thành công, đây là một điều mà xưa nay rất hiếm, bởi nghệ sỹ tài danh rất khó thành công trong kinh doanh. Nhưng Kim Cương đã làm được. Hơn mấy chục năm theo nghề hát chị đã đẩy mạnh thương hiệu Kịch đoàn Kim Cương ở vị trí số 1 trong làng thọai kịch miền Nam, trải qua bao thời gian, bao biến động của lịch sử vẫn là lá cờ đầu trong làng thọai kịch nước nhà.Bước qua phim ảnh, chị là nữ nghệ sĩ chiếm kỷ lục về đầu phim tham gia, là một nhà sản xuất phim năng động, nắm bắt thị hiếu khan giả tuyệt vời.
Từ những phim chị sản xuất trước năm 1975 như: Biển động, Mưa trong bình minh, Chiếc bóng bên đường…hay những phim thực hiện sau năm 1975 như: Lá sầu riêng, Biển động, Trà hoa nữ….đều có doanh thu cao, thành công rực rỡ về mặt tài chính.Kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, Kim Cương rất “cứng” khi đương đầu với mọi khó khăn. Càng thành công càng đưa đến cho Kim Cương sự buồn phiền, bị tai tiếng do vấn đề ganh tỵ trong nghề nghiệp mà ra. Những bộ phim do hãng phim Kim Cương thực hiện rất ăn khách. Trong khi nhiều phim Việt ra đời bị các rạp do người Tàu làm chủ không cho trình chiếu, đã phải ngất ngư nằm chờ chết, thì hai cuốn phim của Kim Cương lại được chiếu hết rạp này đến rạp khác, do đó mà kỳ nữ Kim Cương không tránh khỏi phiền phức do điều tiếng thị phi.
Với nhà thơ Chế Lan Viên
Trước những năm đất nước thống nhất, hàng triệu dân đô thành Sài Gòn mộ điệu sân khấu cải lương. Đi “coi hát” thành thói quen thường đêm của người dân thành phố. Không chỉ mê tuồng tích, khán giả đi coi hát còn để thoả mãn được tận mắt nhìn thấy các thần tượng của mình ca diễn, suýt soa bàn tán về các ngôi sao lừng danh… Kịch nói chỉ có đoàn Kim Cương là hấp dẫn với những vở diễn đậm chất bi thương như Lá sầu riêng, Dưới hai mầu áo…
Yêu nghề đến nỗi vì một lý do gì đó phải xa nghề đối với Kim Cương là một bất hạnh lớn. Cuối năm 1973, Kim Cương lúc đó đang mang bầu, nhưng chị vẫn tham gia diễn trong vở “Cô gái đồ long tân thời” trên truyền hình để phục vụ khán giả những ngày Xuân. Khán giả vẫn còn nhớ, “Cô gái đồ long - Kim Cương” trong vở diễn là một cô gái hiếu động, quậy phá và rất mê tiểu thuyết võ hiệp nhưng lại vận trên người những bộ quần áo rộng thùng thình vì lúc này nàng Kim đang sắp thực hiện thiên chức làm mẹ.
Kim Cương luôn là người dành được nhiều cảm tình trong lòng khán giả trong suốt hơn 40 năm hoàng kim của nghiệp diễn.Từng đoạt nhiều giải thưởng mà có thể Kim Cương nhớ không hết: Diễn viên được yêu thích nhất năm 1956-1957, diễn viên được yêu thích nhất của thoại kịch miền nam…đại diện phái đoàn nghệ sỹ Việt nam đón tiếp phái đoàn ca vũ kịch Phi Luật Tân, sánh bước và trò chuyện cùng Lý Thanh, Chân Trân, Kha Tuấn Hùng trong ngày điện ảnh Việt nam, bà chủ hãng phim Kim Cương, bà chủ đoàn kịch,Tác giả kịch bản phim đoạt giải quốc tế….
Với nữ nghệ sĩ Kim Lan thời đứng trên sân khấu cải lương Năm Phỉ thập niên 1950
Sau 1975, nữ nghệ sỹ Kim Cương bận rộn nhiều ở vai trò gánh vác đoàn kịch Kim Cương nên không nhận lời tham gia phim ảnh. Khi chuẩn bị thực hiện cuốn phim truyện màu Ngọn Lửa Thành Đồng nói về nhân vât Lê Văn Tám thời chống Pháp, đạo diễn Lê Mộng Hoàng đã từng mời Kim Cương đóng vai mẹ Lê Văn Tám; rồi vào năm 1982 đạo diễn Huy Thành khi casting chọn diễn viên vào vai bà tư sản Thuận Thành trong cuốn phim Xa Và Gần (dựa theo tiểu thuyết Những Khoảng Cách Còn Lại của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn) ông cũng đã mời Kim Cương đóng vai bà chủ này; thế nhưng cả hai vai diễn trên Kim Cương đều không thể tham gia được vì không có thời gian để theo đoàn làm phim để đi đóng phim.
Thành thử vai diễn bà mẹ Lê Văn Tám được bàn giao cho nữ diễn viên Thùy Liên đóng, còn vai bà chủ tư sản Thuận Thành về tay diễn viên Thụy Vân (người từng đóng vai chị Vân trong phim Nổi Gió của Huy Thành vào thập niên 60 ở ngoài Bắc).
Thời hoàng kim của lĩnh vực phim video, nghệ sỹ Kim Cương tham gia một số bộ phim do mình bỏ vốn thực hiện như: Trà Hoa Nữ (đạo diễn Trần Phương), Lá Sầu Riêng (đạo diễn Lý Sơn), Biển Động…
….Vinh quang không sao kể hết như hạnh phúc đơn sơ của một người phụ nữ, dường như Kim Cương quá chua xót, quá cô đơn. Chính Kim Cương có lần tâm sự với báo chí rằng: “Kim chết lên chết xuống vì yêu. Nếu không yêu thì thôi nhưng đã yêu thì Kim yêu qua từng hơi thở, từng phút, từng giờ…”. Tình yêu đối với Kim Cương đọng lại nhiều nỗi buồn khi mối tình vụt đến rồi ra đi. Sau những lần đó, công việc đã giúp chị quên đi nỗi buồn và siêng năng làm việc hơn. Kim Cương lao vào công việc để tìm hạnh phúc. Dù trong thời hoàn kim hay bây giờ, Kim đều lấy việc bận rộn làm lẽ sống đời mình.
Theo một bài báo đăng trên báo Thanh Niên thì Kỳ nữ Kim Cương chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là "đệ nhất mỹ nhân" trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà.
Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng đã được mệnh danh là "kỳ nữ". Sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó "kỳ kỳ", bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói: "Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi". Kim Cương ngần ngừ: "Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng tính...". Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới. Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới... 8 tuổi. Kim Cương hết hồn, thôi rồi ổng đúng là không bình thường!
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi: "Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá?". Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng "nương tử Kim Cương". Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ!
Giờ đây , khi không thể thường xuyên bước lên sân khấu, “Bà ngoại” Kim Cương lại bận rộn với công việc từ thiện. Bởi đối với NSND Kim Cương, làm từ thiện và làm diễn viên giống nhau một điểm: Là người của công chúng, thuộc về công chúng.
Hơn 15 năm qua, NSND Kim Cương không còn xuất hiện trên sân khấu nữa, mà tập trung thời gian vào các việc phúc lợi, làm việc từ thiện. Bà thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ trong công cuộc cứu trợ bão lụt, giúp cho các trẻ em mồ côi, những người tàn tật.
Xin mượn một đoạn tâm sự mà Kim Cương từng viết phía sau một tấm ảnh đã úa vàng theo thời gian m à bà thường bỏ trong ví từ những ngày đã rất xa x ưa để kết thúc bài viết v ề cuộc đời của người kỳ nữ tài danh này:
“Tiếng vỗ tay hoan nghênh tỏa rộng với những giả dối ở đời giết chết…Tôi chết dần theo năm tháng.Chết dần theo mỗi lần thành công…Niềm tuyệt vọng cứ lớn dần, lớn dần đưa tôi đến chỗ mất thăng bằng.Có những lúc tôi điên lên trong nước mắt, trong tiếng thét thất thanh cầu cứu…”