Làm mới cải lương để thu hút khán giả
Điểm hẹn Đờn ca tài tử - Cải lương “Khoảng trời phương Nam”
Cùng trong tháng 5.2012, Nhà hát Cải lương Việt Nam cho ra đời hai hoạt động lớn: Khai trương Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Cải lương Khoảng trời phương Nam và ra mắt chương trình biểu diễn có phiên dịch tiếng Anh với chủ đề “Dạ cổ hoài lang – Theo dòng thời gian”.
Chương trình Đờn ca tài tử và Cải lương Khoảng trời phương Nam do Nhà hát phối hợp xây dựng nhằm vào hai đối tượng khán giả là khách du lịch quốc tế và khán giả ái mộ nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương dưới hình thức kết hợp giữa ẩm thực và thưởng thức nghệ thuật dân tộc. Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN chia sẻ: “Chương trình nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc. Chúng tôi quyết tâm duy trì lịch diễn ổn định vào tối thứ 7 hằng tuần để tạo nên một địa chỉ quen thuộc cho khán giả ái mộ tìm đến. Ngoài ra chúng tôi còn sẵn sàng phục vụ theo mọi yêu cầu của khán giả về thời gian, không gian và thị hiếu nghệ thuật”.
Điểm hẹn Đờn ca tài tử và Cải lương Khoảng trời phương Nam được thành lập với mục đích là nhịp cầu giao lưu giữa các ngôi sao cải lương xứ Bắc và khán giả ái mộ nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương. Khán giả tới xem sẽ được giới thiệu một diễn trình hình thành hết sức ngoạn mục của loại hình nghệ thuật đặc sắc này qua các phần trình diễn: Giới thiệu các bài bản đờn ca tài tử; Giới thiệu quá trình hình thành các bài ca Vọng cổ, từ Dạ cổ hoài lang đến Vọng cổ nhịp 32; Giao lưu hát cùng khán giả; Chuyển thể cải lương và trình diễn trực tiếp các tác phẩm văn, thơ do khán giả sáng tác; Giới thiệu các tiểu phẩm, trích đoạn cải lương đặc sắc. Những giọng ca cải lương xuất sắc nhất của Nhà hát đều được quy tụ tham gia : NSƯT Vương Hà, NSƯT Trung Kiên, Dạ Ngọc Hương, Thiên Kiều, Thu Trang, Mai Lý, Như Quỳnh, Đức Hảo, Minh Hải, Xuân Đáng…
Đạo diễn chương trình, NSƯT Trung Kiên – một trong những nghệ sĩ nòng cốt của CLB cho biết: “Trong lúc sân khấu dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, những nghệ sỹ cải lương chúng tôi vẫn ngày đêm tìm tòi, thể nghiệm những hướng phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này. Chúng tôi muốn tạo dựng một không gian giao lưu trao đổi cho khán giả nội địa yêu mến loại hình nghệ thuật dân tộc này và quảng bá cả với khán giả nước ngoài”.

Chương trình “Dạ cổ hoài lang - Theo dòng thời gian”
Chương trình biểu diễn có phiên dịch tiếng Anh dành cho đối tượng khán giả hướng tới là du khách nước ngoài với chủ đề Dạ cổ hoài lang – Theo dòng thời gian nhằm giới thiệu lịch sử hình thành bản Vọng cổ. Đạo diễn chương trình Hoàng Quỳnh Mai cho biết: “Trên thực tế biểu diễn của Nhà hát đã xuất hiện người xem là khách du lịch quốc tế và đơn vị đã tiếp nhận được một số ý kiến phản hồi từ một số công ty du lịch lữ hành, một vài khách sạn… Là khán giả quốc tế muốn được hiểu và khám phá nhiều hơn về cải lương, xuất phát từ ý tưởng giới thiệu về lịch sử bản Dạ cổ hoài lang, đồng thời mở rộng hoạt động biểu diễn đến với du khách nước ngoài, chúng tôi đề xuất việc sử dụng phương thức dịch tiếng Anh theo nội dung của các tiết mục… để người xem quốc tế có điều kiện cảm nhận được nhiều hơn về sự hình thành và phát triển của bản Dạ cổ hoài lang rồi tiến đến các vở diễn trên sân khấu cải lương”.
Trong buổi lễ ra mắt chương trình biểu diễn có phiên dịch tiếng Anh, ông Andrew Rothberg (người Australia) đang công tác tại VN cho biết: “Mặc dù không hiểu từng từ của các tiết mục và lời hát bằng tiếng VN nhưng chúng tôi cảm nhận được cái hay từ nội dung cho tới làn điệu và diễn xuất của các nghệ sĩ. Chúng tôi cảm nhận được sự khao khát yêu, khao khát được dâng hiến cho người đàn ông của mình của nhân vật Cung phi Điểm Bích do nghệ sĩ Hồng Hạnh và nghệ sĩ Quang Hùng trình diễn trong trích đoạn Đêm định mệnh của nhà hát. Tôi thấy rất thú vị và nhất định sẽ giới thiệu với bạn bè của mình tới xem chương trình này, để thưởng thức được một loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc của VN”.
Sân khấu truyền thống đang gặp muôn vàn những khó khăn nhưng rõ ràng bằng các hoạt động này của mình, các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương VN đã và đang nỗ lực trong việc mở rộng địa bàn, thu hút khán giả và đặc biệt là phối hợp với doanh nghiệp để làm công tác xã hội hóa cho nghệ thuật cải lương. Đây có thể khẳng định sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tập thể cán bộ, nghệ sĩ của nhà hát.
Thúy Hiền (Theo baovanhoa)