Rạp hát Aristo, trước và sau năm 1954
(NS Út Trà Ôn: Hậu trường sân khấu Kim Thanh. Hình: ngocanh)
Aristo là một rạp hát cải lương lớn ở Sài Gòn trước năm 1954. Hồi đó ở Sài Gòn, chỉ có 4 rạp hát cải lương. Đó là rạp Nguyễn Văn Hảo - rạp lớn nhất được nghệ sĩ tặng cho biệt danh là Hàng Không Mẫu Hạm Nguyễn Văn Hảo - nằm trên đường Galliéni, tức đường Hưng Đạo sau này; kế đến là rạp Aristo, còn có tên gọi là Trung Ương Hí Viện, nằm trên đường Colonnel Budonnet tức đường Lê Lai; thứ ba là rạp Thành Xương nằm trên đường Yersin; và thứ tư là rạp Thuận Thành nằm trên đường Faucault, tức đường Trần Khắc Chân, Dakao Tân Định.
Đường Gia Long (tức đường De Lagrandière thời Pháp) có rạp chiếu phim Moderne. Năm 1940, rạp Moderne có cho đoàn hát cải lương Ứng Lập Ban Hà Nội của bầu Ứng hát cải lương khi Ứng Lập Ban theo đoàn đua xe đạp chạy vòng quanh Đông Dương, từ Hà Nội vô tới Sài Gòn. Đến chặn nào đoàn đua xe đạp nghỉ dưỡng sức thì gánh hát Ứng Lập Ban cũng dừng lại, hát bán vé cho khán giả ở địa phương đó. Sau này rạp Moderne được sửa lại thành rạp Long Phụng, một thời được gánh hát cải lương Phụng Hảo đóng thường trực, sau cho chiếu phim thường trực của Ấn Độ, và khoảng năm 1972 là nơi diễn thường trực của đoàn hát Hồ Quảng Thanh Tòng.
Rạp Aristo: Chứng tích quan trọng của lịch sử cải lương hai thập niên 50-60
Không ai còn nhớ tên người chủ rạp Aristo, tức Trung Ương Hí Viện, và cũng không ai biết nó có tự bao giờ. Tôi chỉ nhớ rạp Aristo có sau rạp Thành Xương, ở góc đường Phạm Ngũ Lão và đường Yersin.
Rạp Aristo mặt hướng về đường Lê Lai, đối diện bên kia đường là hàng rào của khu ga xe lửa Sài Gòn (khu ga xe lửa này hiện nay được xây thành khách sạn 5 sao với tên gọi là Sài Gòn New World Hotel). Thuở đầu tiên, đó là một nhà hàng sang trọng, có một sân khấu nhỏ để những tối thứ bảy, ban đờn ca tài tử đến ca giúp vui cho thực khách. Có khi chủ nhà hàng thay ban đờn ca cổ nhạc bằng một dàn nhạc nhẹ chuyên trình tấu các bản nhạc cổ điển Pháp, dàn nhạc Tây có piano, violin, saxo, clarinette. Trong số thực khách quen thuộc có ông Trưởng tòa Phan Văn Thiết, ông Đốc phủ Đỗ Văn Rỡ, ký giả Trần Tấn Quốc, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý, ông Nguyễn Công Thiện, Giám đốc hãng xăng Esso-Sài Gòn, là những người say mê nghệ thuật hát bội nên thường rước các ban hát bội về hát tại nhà hàng Aristo. Đầu năm 1940, do khán giả đến xem hát rất đông nên ông chủ nhà hàng mới dẹp cái restaurant đó, phá nó để xây lại thành một rạp hát đàng hoàng, có sân khấu theo đúng tiêu chuẩn của một rạp hát lớn, có hậu trường, có hầm sân khấu và khán phòng với 800 ghế ngồi bọc simili đỏ (vải cao su giả da màu đỏ) giống các rạp chiếu phim Tây như rạp Moderne, rạp Majestic, rạp Eden.
Rạp Aristo từng được các đoàn cải lương đại ban về diễn như gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ-Chín Bia, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh hát thi ca vũ nhạc Nam Hồng của bầu Trình, gánh hát Hoa Sen của bầu Bảy Cao, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu.
Có hai sự kiện đáng ghi nhớ về rạp Aristo, từ năm 1955 trở về trước:
1- Hai phong trào: Chấn Hưng Hát Bội và Canh Tân Hát Bội
Năm 1948-1949, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý và bác sĩ Võ Duy Thạch phối hợp với ký giả Trần Tấn Quốc, Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rỡ và Trưởng tòa Phan Văn Thiết mời các ban hát bội về diễn tại rạp Aristo, với các thành phần diễn viên tài danh nhất của ngành hát bội như Năm Đồ, Mười Sự, Minh Tơ, Mười Vàng, Tám Văn, Năm Còn, Tư Châu, Ba Út, Kim Chắc... Họ hát các tuồng thầy như: San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Trầm Hương Các; và các tuồng hát bội với cốt truyện Tàu như: Trảm Trịnh Ân, Đào Tam Xuân, Phụng Nghi Đình, Lưu Kim Đính, Xử Án Bàng Quí Phi...
Lúc đó, có những nghệ sĩ muốn Canh Tân Hát Bội bằng cách tuy vẫn hát tích truyện cũ nhưng lời văn bỏ bớt những câu chữ Nho, bớt lối văn biền ngẩu mà thay vào đó bằng những câu văn thường hoặc sau khi hát câu chữ Nho, nghệ sĩ nói lối thêm bằng văn thường để nói lên ý nghĩa của câu chữ Nho vừa mới hát giúp cho khán giả không biết chữ Nho có thể hiểu cốt truyện tuồng. Ngoài ra, những người chủ trương Canh Tân Hát Bội còn bớt lối hát Nam, hát Khách bằng cách xen vào ca các bài bản cải lương theo lối hát cải lương tuồng Tàu. Họ lượt bỏ khỏi dàn nhạc hát bội những trống chiêng, kèn lá, thêm tranh cảnh và y trang như các đoàn hát tuồng Tàu, các đoàn hát Quảng Đông.
Nhiều nghệ sĩ hát bội bậc thầy như Tám Văn, Mười Vàng, Năm Đồ, Ba Út và các nhà trí thức say mê nghệ thuật hát bội như các ông Đỗ Văn Rỡ, Thân Văn Nguyễn Văn Quí, ký giả Trần Tấn Quốc đã vận động báo chí ủng hộ sự thành lập Ban Chấn Hưng Hát Bội do ông Thân Văn Nguyễn Văn Quí và bác sĩ Võ Duy Thạch trực tiếp điều hành. Đây là một hội đoàn tư nhân, họ kiên trì vận động các nghệ sĩ hát bội có tâm huyết với nghề để bảo vệ nghệ thuật cổ truyền, chống sự lai tạp theo kiểu hát bội pha cải lương.
Hội Khuyến Học Nam Việt tích cực vận động các ký giả các nhật báo và tạp chí văn học, các nhà trí thức thích xem hát ủng hộ chủ trương đứng đắn của Ban Chấn Hưng Hát Bội, nên vào năm 1952 Ban Chấn Hưng Hát Bội xin được giấy phép thành lập Hội Khuyến Lệ Cổ Ca do chánh phủ Nam Việt cấp.
Hội Khuyến Lệ Cổ Ca lấy rạp Aristo làm trụ sở, mở nhiều cuộc hội họp diễn thuyết chủ trương của Hội là:
- Duy trì và chấn hưng hát bội.
- Giúp đỡ các nghệ sĩ hát bội (tạo cơ hội và phương tiện hành nghề, giúp tài chánh, thuốc men cho nghệ sĩ hát bội nghèo yếu, neo đơn).
- Viết tuồng hát bội và đào tạo nghệ sĩ hát bội.
Hội Khuyến Lệ Cổ Ca tổ chức hát hội mỗi tháng một lần để gây quỹ cho Hội, thực hiện ba mục đích trên. Ban Trị sự đầu tiên của Hội Khuyến Lệ Cổ Ca gồm có: ông Võ Duy Thạch, Lê Phát Vinh, Nguyễn Văn Quí, Nguyễn Văn Hoanh, Nguyễn Công Thiện, Phạm Văn Còn, Lê Văn Kiểm.
2- Đoàn Việt Kịch Năm Châu với chủ trương "Sân Khấu Thật và Đẹp":
Sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ thứ hai là đoàn Việt Kịch Năm Châu công bố chủ trương thực hiện một sân khấu Thật và Đẹp trong dịp tổ chức cúng Tổ năm 1952 tại rạp Aristo.
Đứng đầu các ký giả có nhiệt tâm với nghệ thuật sân khấu là ông Trần Tấn Quốc, ông nhiệt liệt hoan hô và tán thành chủ trương thực hiện một sân khấu Thật và Đẹp của nghệ sĩ Năm Châu.
Do quan niệm sân khấu cải lương Thật và Đẹp nên soạn giả Năm Châu hướng dẫn cho nghệ sĩ trong đoàn hát nên chú trọng nghệ thuật diễn xuất, biểu hiện nội tâm nhân vật qua lời đối thoại, bớt ca cổ nhạc. Trong tuồng ít viết vọng cổ và trước khi nghệ sĩ ca vọng cổ, dàn đờn không rao trước để cho nghệ sĩ bắt hơi. Nghệ sĩ diễn như diễn kịch và ca cổ nhạc theo khuynh hướng ca nói (ca như nói chớ không đưa hơi ơ... ơ... như lối ca từ trước đến nay).
Đoàn Việt Kịch Năm Châu mất dần khán giả vì trong thời kỳ này khán giả thích nghe ca vọng cổ với những giọng ca vàng như giọng ca của Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Hương, Út Bạch Lan. Họ đến xem cải lương để nghe ca vọng cổ và nhiều bài bản cổ nhạc. Đó là một trào lưu đang lên của khán giả thích những giọng ca vàng nên nhiều nghệ sĩ mới vào nghề, tuy nghệ thuật diễn xuất thua xa các nghệ sĩ đoàn Việt Kịch Năm Châu nhưng họ có giọng ca vàng, thu hút được nhiều khán giả ái mộ.
Đoàn Việt Kịch Năm Châu hát ở rạp Aristo, có suất hát chỉ được vài hàng ghế khán giả, ông Năm Châu vẫn mở màn hát và hát nghiêm chỉnh đầy đủ nghệ thuật như là hát cho hàng ngàn khán giả xem. Báo chí kịch trường khen nhưng nghệ sĩ chỉ được lãnh lương 20 đồng mỗi suất hát, tối về ăn cháo trắng với một thẻ đường tán.
Ông Trần Tấn Quốc và các ông trong Hội Khuyến Lệ Cổ Ca nhiều khi phải quyên tiền giúp cho đoàn Việt Kịch Năm Châu. Trong khi đó, đoàn Hoa Sen hát loại tuồng Cắc Bùm (tuồng chiến tranh có bắn súng) ca những bài bản nhỏ để gác vọng cổ, bị ký giả kịch trường cho là ca các bản cà chía, nhưng suất hát nào của đoàn Hoa Sen cũng nghẹt rạp. Nghệ sĩ đoàn Hoa Sen lãnh lương đủ và nhiều nghệ sĩ mua nhà, sắm xe hơi; trong khi đó nghệ sĩ đoàn Việt Kịch Năm Châu thì nghèo sát ván, ôm lấy cái chủ trương Thật và Đẹp, bỏ bài ca cổ nhạc để diễn như diễn kịch nói có bài ca...
Rạp Aristo: Nơi khai sinh đoàn cải lương Kim Thanh - Út Trà Ôn
Cuối năm 1954, sau khi mãn hợp đồng với đoàn hát Thanh Minh bầu Năm Nghĩa, các nghệ sĩ Kim Chưởng, Út Trà Ôn, Thanh Tao và Thúy Nga hợp tác với nhau thành lập đoàn hát Kim Thanh-Út Trà Ôn (Kim Thanh-Út Trà Ôn là tên ghép của ba danh ca Kim Chưởng + Thanh Tao + Út Trà Ôn). Đoàn cải lương Kim Thanh mướn rạp Aristo với một giá thật rẻ để làm chỗ tập tuồng, đóng cảnh trí và quy tụ nghệ sĩ.
Từ năm 1953-1954, ít khán giả đến rạp Aristo xem hát vì các đoàn hát lớn hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Thành Xương, là những rạp ở mặt tiền đường lớn. Rạp Aristo bị hàng rào ga xe lửa án ngữ phía trước, bên hông rạp hát là một ngõ cụt thông ra ngã sáu, con đường này ít có đèn đường nên về đêm khu này có vẻ âm u, bọn xì ke ma túy tập trung ở đường này rất nhiều để mua bán thuốc phiện lậu và chích choát. Dân làm ăn lương thiện ít đi vào con đường ngõ cụt này nên các đoàn hát ít có khán giả khi về đây diễn. Ông chủ rạp cho đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn mướn với giá rẻ để đoàn hát làm chỗ tập tuồng với ý muốn nhờ đoàn Kim Thanh mà phục hồi phong độ của rạp Aristo như hồi cực thịnh (năm 1940-1952). Trong thời gian tập tuồng và suốt ba tuần lễ hát khai trương tuồng Tình Duyên Hoa Thắm đoàn Kim Thanh đã cho chăng hai dây đèn 100 bóng loại 100 watts dọc theo con đường trước mặt và bên hông rạp, khiến cho cả vùng này sáng chóa như một hội chợ đêm.
Đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn khai trương tuồng Tình Duyên Hoa Thắm vào ngày 04 tháng 01 năm 1955, thành phần nghệ sĩ gồm có danh ca Út Trà Ôn, Thanh Tao, Phước Trọng, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thúy Nga, Út Bạch Lan (mới vào nghề hát), hề Ba Vân, soạn giả Thu An, Viễn Châu, Nguyễn Ang Ca, họa sĩ Loka, và hát các tuồng: Trăng Nước Lam Giang, Tình Duyên Hoa Thắm, Thoại Khanh Châu Tuấn, Sau Bức Màn Nhung.
Theo lời nữ nghệ sĩ Kim Chưởng, một trong bộ tứ giám đốc của đoàn hát Kim Thanh-Út Trà Ôn, thì chỉ trong một tháng đầu hát khai trương, đoàn Kim Thanh đã thu hồi được số vốn đã bỏ ra khi thành lập gánh hát. Như vậy, chúng ta biết là khán giả đến xem đoàn hát Kim Thanh nghẹt rạp hằng đêm và rạp Aristo đã là địa điểm thu hút những người thích giải trí, xem hát về đêm của đô thành Sài Gòn trong những tháng năm hòa bình đầu tiên của Việt Nam (1954-1955).
Cuối năm 1957, bộ tứ giám đốc của đoàn Kim Thanh mãn hợp đồng cộng tác, nữ nghệ sĩ Kim Chưởng hợp cùng danh ca Thanh Hương lập đoàn hát Kim Chưởng-Thanh Hương. Hai vợ chồng nữ nghệ sĩ Thúy Nga-Phước Trọng lập gánh hát Thúy Nga-Phước Trọng. Danh ca Thanh Tao lập đoàn cải lương Thanh Tao. Chỉ riêng danh ca Út Trà Ôn về ký hợp đồng một triệu năm trăm ngàn đồng để hát hai năm cho đoàn hát Thanh Minh của ông bầu Nghĩa.
Rạp Aristo: Nơi khai sinh và diễn thường trực của đoàn Kim Chung - Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt
Tháng 01 năm 1954, đoàn Kim Thanh-Út Trà Ôn về rạp Aristo tập tuồng và hát khai trương bảng hiệu liên tiếp trong một tháng, sau đó không có đoàn hát nào mướn rạp Aristo hát nối đuôi đoàn Kim Thanh nên rạp Aristo bị bỏ trống.
Vào tháng 10 năm 1954, ông bầu Trần Viết Long ký hợp đồng mướn rạp Aristo trong một năm với một giá rất rẻ để làm nơi tập tuồng và củng cố lại đoàn hát Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt vừa mới di cư vào Nam sau hiệp định đình chiến Genèvre 54.
Thành phần nghệ sĩ của đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt gồm có: Huỳnh Thái (đệ nhất danh ca miền Bắc), Bích Hợp (chuyên về đào thương), Kim Chung (chuyên về đào võ), Phúc Lai, Hề Tư Vững, hề Ba Hội (ba trạng hề), Ngọc Toàn, Tư Bửu, Quang Hữu, Thúy Liễu, Thu Hương, Khánh Hợi, Án Tuyết, Thành Hội, Ái Lan, soạn giả Ngọc Văn, Vạn Lý, Ngọc Huyền Lan (bút hiệu của ông bầu Trần Viết Long). Tuồng hát có hai vở: Trăng Giãi Đêm Sương và Ngọn Cỏ Gió Đùa (phóng tác theo tiểu thuyết Ngọn Cỏ Gió Đùa của nhà văn Hồ Biểu Chánh).
Thời kỳ đó chưa có đoàn hát nào ở miền Nam hát thường trực hằng tháng ở một rạp. Thế nhưng đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt đã lập kỷ lục hát liên tục 40 suất một vở tuồng (tuồng Trăng Giãi Đêm Sương) tại rạp Aristo, khiến cho báo chí, nghệ sĩ và các ông bà bầu gánh hát cải lương miền Nam phải chú ý và để tâm nghiên cứu hiện tượng này.
Qua nghiên cứu và phân tách, tôi (Nguyễn Phương) cho bà bầu Thơ và ông Năm Nghĩa biết như sau:
- khi mới di cư vào miền Nam, đoàn hát Kim Chung không có nghệ sĩ giỏi hơn, đẹp hơn hay ca mùi hơn các nghệ sĩ miền Nam,
- nghệ sĩ miền Bắc ca vọng cổ và cổ nhạc với giọng Bắc cũng không được khán giả ưa thích như đã ưa thích các danh ca miền Nam như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Kim Anh, Hữu Phước...
- y trang tranh cảnh của Kim Chung cũng không đẹp hơn y trang tranh cảnh của các đoàn Thanh Minh, Hoa Sen hay Kim Thanh.
- Trăng Giãi Đêm Sương là tuồng hát phóng tác chuyện Hồng Lâu Mộng, cốt truyện mà các gánh hát cải lương pha hát bội đã từng trình diễn. Chuyện tuồng cũng bình thường, nhiều khán giả biết rõ cốt truyện, văn chương hay bài ca trong tuồng không có nét nào đặc sắc hơn những tuồng hát cải lương của Kim Thanh, Thanh Minh, Việt Kịch Năm Châu...
Vậy lý do nào khiến đoàn hát Kim Chung có thể hát một vở tuồng liên tiếp trong 40 suất tại một rạp duy nhất? Đó là do ông bầu Long thực hiện một kế sách tăng thu giảm chi, cụ thể như sau:
- Ông bầu Long ký hợp đồng mướn rạp Aristo mỗi suất hát chỉ đóng cho chủ rạp 10 phần trăm doanh thu của buổi hát. Thu nhiều đóng nhiều, thu ít đóng ít. Bầu Long chịu trách nhiệm chi phí về điện dùng trong đêm hát, điện sinh hoạt của nghệ sĩ và chịu trách nhiệm vệ sinh của rạp hát.
- Các đoàn hát như Hoa Sen, Thanh Minh, Việt Kịch Năm Châu, Tân Hương Hoa, Phụng Hảo mướn rạp Nguyễn Văn Hảo hay Thành Xương phải trả tiền mướn rạp là 20 phần trăm của tổng số thu mỗi suất hát. Phần điện chủ rạp chịu, phần vệ sinh trong rạp hát do đoàn hát chịu.
- Nghệ sĩ đoàn Kim Chung mới di cư vào Nam được bầu Long nuôi ăn ở và trả lương tháng, contrat của các kép chánh Huỳnh Thái, Bích Hợp thấp hơn contrat của các ông bầu trả cho Út Trà Ôn, Hữu Phước, Kim Thanh, Kim Chưởng...
- Y trang tranh cảnh của đoàn hát Kim Chung lúc mới khởi nghiệp cũng không phải may theo nhu cầu của từng tuồng. Họ mặc xen vào áo Tàu lẫn áo Ta, mặc y phục hát theo kiểu gánh hát rong nên mọi chi phí trong một đêm hát rất thấp nếu so với các đoàn hát đại ban của miền Nam lúc bấy giờ.
- Vì ở cố định ở một rạp hát nên bầu gánh không tốn tiền xe di chuyển mỗi cuối tuần, không tốn tiền vẽ panneau mới theo kích thước khác nhau của các rạp hát. Tiền in programme quảng cáo tuồng cũng rẻ hơn khi in nhiều vì không thay địa chỉ và tên rạp hát nên giá in rẻ hơn.
- Tóm lại về chi tiêu thì Kim Chung chi ít hơn các đoàn hát miền Nam nên khi thu vào, dù số thu khán giả không nghẹt rạp, bầu Long vẫn có lời.
Đến năm 1958, đoàn Kim Chung không thu hút được khán giả nữa, ông mới thu nhận các danh ca trẻ miền Nam, nhận tuồng của các soạn giả miền Nam và nhận đào kép hát sinh trưởng ở miền Nam để làm thành một công ty Kim Chung với năm đoàn hát.
Và sau năm 1958, khi Kim Chung mướn rạp Olympic làm nơi diễn thường trực thì rạp Aristo bị bỏ hoang, cho đến sau năm 1975, vùng đất này được dùng làm nơi cất lên khách sạn năm sao, Sài Gòn New World Hotel, chấm dứt vĩnh viễn sự tồn tại của rạp hát Aristo.
Nhớ chuyện đời xưa, tìm lại dấu xưa.