LAN VÀ ĐIỆP
TG: LOAN THẢO
LAN: Bộ lát chiều …. đi hả?
ĐIỆP: Chiều nay tôi đi
LAN: Bộ ở trển vui lắm hả?
ĐIỆP: Đối với tôi không ở đâu vui bằng ở đây, không chốn nào đẹp bằng chốn này. Mỗi ngày được gặp Lan, nói chuyện với Lan là trong lòng tôi vui lắm rồi. Nhưng vì tương lai của tôi, của chúng ta sau này nên, tôi phải tạm xa Lan. Lan cũng nên vui lên, để tôi an lòng mà …
LAN: Tui đâu có buồn, tui vui lắm chớ … người ta đi lo cái chuyện công danh mà, tôi đâu có cản chi … (bùi ngùi) mà đều người ta đi rồi chắc cái nhà này buồn lắm. Một năm mười hai tháng dài đăng đẳng người ta chỉ chờ đợi mấy tháng hè.
Mỗi khi thấy trời bắt đầu lất phất hạt mưa, mấy con ve nhỏ kêu trên ngọn me tây ngoài nhà việc, trời đất thì buồn vậy đó mà lòng vui không kể xiết, vì biết rằng “người ta nầy” sắp gặp lại” người ta đó “sau gần một năm xa cách …”
VỌNG CỔ
15/ Mong chờ. Gặp mặt thì hỏng biết nói chuyện chi, mà xa thì trong dạ bồi hồi. Tuy ở gần đây mà có khi cả ngày cũng đâu có gặp mặt, nhưng biết người ta có ở nhà nên trong lòng tui hổng có thắc mắc âu lo. Chiều nay người ta lại phải đi xa, tui lại thấy buồn, thấy nhớ. Chiều chiều ra bến ngó mong rồi giận hờn con đò nhỏ, ngày mấy lượt sang sông sao hồng nhạn mịt mùng.
ĐIỆP: (an ủi) Thì hồi nào tới giờ tôi cũng về nghỉ hè rồi trở lên tỉnh chớ đâu phải mới lần nầy sao mà Lan buồn quá vậy? Hồi nào tới gờ có lúc nào mình ở gần nhau hoài đâu, ờ có cái hồi nhỏ xíu chưa biết gì thì có.
LAN: 16/. Phải rồi, hồi đó mình nhỏ xíu chưa biết gì, nhưng không biết người ta có quên hôn, chớ tui thì tui vẫn nhớ, nhớ mỗi lần hai đứa trốn nhà đi tắm sông hái ổi, về nhà bị đòn “người ta” chịu tội thế cho tui.. Mới ràng ràng đây chớ có xa xôi gì lắm đâu. Rồi người ta lớn lên, người ta ra tỉnh học. Thiên hạ thường nói “xa lòng cách mặt” tui thì tui không ngại gì cái chuyện thay lòng đổi dạ lúc xa nhau. Nhưng thường thì khi con ve sầu bắt đầu ngưng tiếng hát lá vàng ngoài sân rơi lác đác người ta mới lại đi cho kịp buổi tựu trường. Nhưng lần này người ta về rồi đi vội vã, tui bỗng thấy buồn, thấy sợ mông lung. Sợ đưa người như “sáo” sang sông, biết đâu rồi sáo xổ lồng bay xa.