VỌNG CỔ
QUÊ TÔI VÙNG SÂU
* NGUYỄN TRUNG NGUYÊN
Nói lối:
Quê tôi – bè bạn gọi vùng sâu
Độ mặn của nước tính bằng lớp lớp váng phèn
bám vào da cha – da mẹ
Tóc ông nội bạc lẫn cả màu vàng của nắng
Lưng bà còng – cong như con ốc lác mùa khô
VỌNG CỔ
I. Như con ốc lác mùa khô, lưng bà tôi ngày thêm còng xuống. Còn bông lúa đồng xa nắng cháy úa thêm… dần. Vùng sâu quê tôi gian khó chất chồng. Ngày cha tôi sinh ra, ông nấu nước chụm rơm làm lông mày cháy xém; cánh đồng giáp hạt ngày chào đời cha nhận làm nôi. Ông hay tự trào: “Tao dốt đặc cán mai, bây ráng học để làm người nhân nghĩa”. Vậy mà Lục Vân Tiên không hiểu sao ông chẳng quên một chữ; cái nghĩa “bất bằng” bám vào ông như rễ còng, rễ đước.
II. Vùng sâu quê tôi quanh năm nghèo khó, hết sợ đạn bom lại tới nạn thiên thời. Thiếu mặc, đói ăn cái điệp khúc ấy cứ ngân hoài. Bông súng, cù nèo càng ngày, càng ít; hạt gạo dầu hơi nửa trắng, nửa vàng không có mà ăn. Chúng tôi lớn lên bằng tiếng hò ơ; bằng số phận nàng Kiều trong câu thơ lục bát. Mẹ bảo chúng tôi nhớ câu: “nhân sinh tự cổ”; cha cũng dạy rằng: “cái cò lặn lội bờ sông”.
Ngâm:
Hò ơ!
Quê mình nghèo lắm ai ơi!
Hai sương một nắng mong ngày ấm no
Chiều nghiêng nắng trĩu con đò
Bôn ba nhớ bóng mẹ dò trước sân
VỌNG CỔ
V. Vùng sâu quê tôi bạc tiền không có, nhưng dư dã yêu thương và thắm đượm nghĩa… tình. Biết tìm được ở nơi đâu như chốn quê mình. Thiếm Bảy chèo xuồng đưa tôi ngày lên phố học; bác Năm nghẹn ngào dúi mấy đòn bánh tét kèm theo. “Ráng học nghe con thành tài về giúp quê, giúp nước”. Suốt bao nhiêu năm dẫu gặp nhiều gian khó; tôi cũng không quên câu dặn dò chung của cả xóm nghèo.
VI. Vùng sâu quê tôi hôm nay đã dần thay đổi. Cũng bến nước con đò, hàng cau đường làng rũ bóng. Cũng người nông dân nhọc nhằn sớm tối, hạt gạo nồng nàn thắm đượm mồ hôi. Cũng lũ bạn đầu trần chân đất, thân nhau từ độ mới biết bò, biết lẩy. Vùng sâu quê tôi xưa nay vẫn vậy, chỉ khác chăng đầu làng cuối xóm, trong ánh mắt thân thương quanh đây đã vang rộn tiếng cười.
Thành thị xa cứ nhớ mãi vùng sâu
Đêm thắt thỏm tiếng ểnh ương: “quềnh quệch”
Mẹ lên thăm kể: “Quê mình có điện”
Tôi nghe mà nước mắt cứ rưng rưng.