Có từ trước năm 1975, Bình Hưng Hòa là nghĩa trang chính, lớn nhất tại TP.HCM với hơn 75.000 ngôi mộ, thuộc địa bàn phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM).Trước đây, có nhiều người gặp bế tắc và chán nản cuộc sống, đã tìm đến cái ao nằm trong khu vực nghĩa trang để quyên sinh. Đến năm 2008, khi bắt đầu có kế hoạch di dời, Ban quản lý nghĩa trang đã tổ chức lấp ao.Thế nhưng, nhiều người vẫn khẳng định rằng, các oan hồn nơi cái ao vẫn chưa siêu thoát, còn quanh quẩn tại đây và vẫn hát cải lương “đều đặn” vào những đêm trăng Rằm.Để làm rõ những điều kỳ bí được đồn thổi xung quanh nghĩa trang này, chúng tôi đã đến tận nơi để tìm hiểu.
Tiếng cô gái hát cải lương đầy ai oán trong nghĩa địa?
Rời quận Tân Bình, dọc theo con đường Tân Kỳ Tân Quý, chúng tôi đến nghĩa trang Bình Hưng Hòa cuối giờ chiều, đèn hai bên đường lác đác sáng.Dừng gửi xe tại một quán nước đối diện nghĩa trang, chúng tôi bị câu hỏi của bà chủ quán giữ chân: “Sao giờ này mà còn vào nghĩa trang làm gì? Không sợ à?”.
Có từ trước năm 1975, nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nghĩa trang chính, lớn nhất tại TP.HCM với hơn 75.000 ngôi mộ.
Theo lời kể của bà chủ quán, trước đây, tại khu đất chôn cất ở Bình Hưng Hòa có hai cái hồ rất lớn, một hồ nước nằm ở sát đường Bình Long bây giờ, còn một hồ khác nằm ngay giữa nghĩa trang. Từ bao giờ, người xưa đã đặt tên cho cái hồ ở giữa nghĩa trang là hồ “Âm phủ”.
Hồ “Âm phủ” cũng là nơi xuất hiện nhiều lời đồn ma quỷ nhất trong nghĩa trang, trong đó lời đồn khiến nhiều người khiếp sợ và kinh hãi nhất là lời đồn về “hồn ma cô gái hát cải lương vào đêm trăng Rằm”.Đó là câu chuyện về một cô gái 16 tuổi, con của một quan huyện giàu có ở vùng Bình Chánh (hiện thuộc đất Bình Hưng Hòa). Thiếu nữ này nổi tiếng xinh đẹp và mê ca hát, đặc biệt cô hát cải lương rất hay.Trong một lần cùng tham gia với đoàn hát cải lương nổi tiếng, cô tình cờ gặp một chàng trai và phải lòng chàng. Không muốn con gái mình yêu một kẻ hát rong, không môn đăng hộ đối, cha cô đã quyết liệt can ngăn và bắt chàng trai đầu quân ra chiến trường.Vài tháng sau, cô nhận được tin báo người thương đã tử nạn ngoài chiến trường. Đau buồn, ôm lòng uất hận cô đã tìm đến hồ “Âm Phủ” kết liễu cuộc đời mình. Mãi đến một tuần sau gia đình mới thấy xác cô nổi lên.
Bà Trần Thị Thủy, người sống hơn 20 năm trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Từ đó về sau, theo lời đồn, vào những đêm trăng Rằm người ta vẫn thấy một cô gái mặc đồ trắng đứng hát cải lương bên hồ. Tiếng hát văng vẳng ra tận khu dân cư khiến nhiều người ám ảnh. Người ta tin rằng đó chính là cô gái năm xưa, do mang nỗi niềm uất hận nên oan hồn không thể siêu thoát.
Năm 2008, khi hồ “Âm Phủ” được lấp đi theo chỉ đạo của Ban quản lý nghĩa trang, những tưởng oan hồn của cô gái cũng sẽ theo đi mất. Thế nhưng, theo lời kể của một số người, đến ngày trăng Rằm người ta lại thấy bóng trắng ngày nào xuất hiện, cất tiếng hát trên một cây cổ thụ gần đó.Nhiều người khi bắt gặp oan hồn cô gái, vì sợ nên đã bỏ chạy và họ đều bị bóng trắng ấy đuổi theo.Cũng theo lời kể của bà chủ quán nước, tuy oan hồn khiến người ta kinh hãi là vậy, thế nhưng, trong nghĩa trang vẫn có những con người sống gắn bó cả đời người bên những nấm mộ.
“Tất cả chỉ là thêu dệt và đồn thổi”
Theo chỉ dẫn của bà chủ quán, chúng tôi men theo con đường nhỏ được bao quanh bởi hàng nghìn ngôi mộ, dẫn vào túp lều của bà Trần Thị Thủy, người đã sống hơn 20 năm trong nghĩa trang.Trong một biến cố lớn của gia đình, bà Thủy phải bán hết tài sản để rồi bồng bế đứa con trai chưa đầy 5 tuổi tha phương cầu thực. Sau những ngày tháng “ăn bờ, ngủ bụi”, cùng đường thế cực, bà chọn nghĩa trang là nơi để gắn bó phần đời còn lại cùng con trai.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa lại trở thành nơi ăn chốn ở, thành nhà của mẹ con bà Thủy.
Nhắc tới những câu chuyện ma quái, linh thiêng mà nhiều người vẫn đang bàn tán xung quanh nghĩa trang, bà Thủy lắc đầu khẳng định: “Tất cả chỉ là thêu dệt và đồn thổi thôi. Tính đến nay, tôi cũng đã có hơn 20 năm sống ở đây. Ăn trên mộ, ngủ trên mộ, sinh hoạt mọi thứ đều trên mộ mà có bao giờ thấy gì đâu. Đêm trăng Rằm hay đêm thường đều như nhau, không có ma quỷ nào cả”.
Bà Thủy cho biết thêm, hồi bà cùng con trai mới tới đây sống, nghe mọi người xôn xao nhiều về “cô gái” hát cải lương nên cũng sợ. Cả mấy tháng đầu không đêm nào bà ngon giấc, nhưng rồi thời gian trôi đi, đến bây giờ thì bà dám khẳng định đó chỉ là lời đồn.Tuy nhiên, dù không tin vào chuyện ma quỷ và biết rõ những bàn tán xung quanh nghĩa trang chỉ là lời đồn, thế nhưng, trong những năm tháng sống tại đây, mẹ con bà Thủy vẫn luôn “chu toàn” trách nhiệm với những người đã khuất. Hằng ngày vẫn đều đặn quét dọn, tết đến vẫn thắp nhang đầy đủ cho các ngôi mộ quanh túp lều mà mẹ con bà đang sống.“Vì mình sống trên đất “người ta”, biết “người ta” sẽ không làm gì nhưng tự tâm mình cũng phải sống đàng hoàng chứ”, bà Thủy giải thích.Lý giải về những điều kỳ quái mà người dân vẫn đang đồn đại, bà Thủy cho biết: “Tôi cũng suy nghĩ nhiều về việc này, vì thường thì những lời đồn hay các câu chuyện bịa đặt đều có mục đích của nó.Theo tôi, trước kia nạn mại dâm, ma túy ở nghĩa trang diễn ra quá nhiều, đêm đêm mấy người đó lại kéo nhau vào đây để hút chích rồi mua vui. Vì muốn chấm dứt tình trạng đó, nên người dân sống xung quanh mới nghĩ ra những chuyện ma quỷ đầy ghê rợn như vậy, để hù dọa những đối tượng xấu này thôi.Rồi thời gian trôi đi, lời đồn ngày một lan rộng và dường như không thể dập tắt. Tuy nhiên, tôi thấy vậy cũng hay, vì có những đồn đại đó mà nghĩa trang yên bình hơn xưa nhiều”.
Nguồn VTC :
Mã:
http://www.vtc.vn/giai-ma-su-that-oan-hon-hat-cai-luong-trong-nghia-trang-binh-hung-hoa-d305918.html