Nghệ sĩ: Út Trà Ôn | Soạn giả: Hồng Mão | Ðóng góp: MEM | Lượt nghe: 10346 | 128K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn
Lời Nhạc Về lại với sông Trà
Đóng góp: MEM
VỀ LẠI VỚI SÔNG TRÀ
Soạn giả: Hồng Mão
Trình bày: NSND Út Trà Ôn

NÓI LỐI:
Hai mươi mốt năm xa,
Hôm nay về lại với sông Trà.
Xúc động, bồi hồi, bâng khuâng, bỡ ngỡ.
Uống vội ngụm nước trong cho thỏa lòng mong nhớ,
Ôi con sông quê hương,
Đã từng xâm chiếm tâm hồn tôi những trưa hè oi ả.

VỌNG CỔ:
Những chiều lộng gió ven đê trên đất Tổ sông... Hồng.
[1]: Nhìn núi nhớ sông, nhìn xóm nhớ đồng. Càng đi xa càng nhớ về quê nội, nhớ con sông Trà khúc ruột miền Trung. Tôi yêu sông từ thưở lên năm, tiếng đàn xe nước êm quay ru tôi vào giấc ngủ. Trong cơn mơ nghe quanh mình bồng bềnh ngàn con sóng vỗ...

[2]: Tạm biệt dòng sông tôi lên đường ra phía trước, bến nước Trà Giang lấp lánh bóng quân kỳ. Gần nửa cuộc đời dấn bước xa quê, tắm gội trăm sông vẫn nhớ về bến cũ hiền hòa. Hai mươi mốt năm ròng trải qua nhiều bão tố, nước sông Trà giữ vẹn xanh trong. Tôi về đây về với dòng sông, đã ấp ủ tôi từ những ngày còn đòi bồng đòi bế. Thiên Ấn Long Đầu nay đã lau khô dòng lệ, sừng sững oai nghiêm soi bóng nước Trà Giang...

LƯU THỦY HÀNH VÂN:
Trăng sáng soi triền ngô xanh biếc xanh,
Bồng con bao ân tình.
Xa xa vang tiếng khoan dô ấy hò dô khoan,
Đò sang ngang trăng sáng buông quanh mình.

NÓI LỐI:
Đã qua rồi mười ngàn ngày gian khổ,
Xích sắt quân thù khóa trái mọi con tim.
Ba mươi năm một cuộc hành trình lửa đỏ vì một góc quê hương,

VỌNG CỔ:
Vì một dòng sông nhỏ, vì một khoảng trời xanh lộng gió thanh... bình.

[5]: Để có hôm nay về lại với sông lành. Góp ngọn gió nâng đều sóng vỗ, gánh hai đầu quê chị quê anh. Trà Giang ơi, con sông của niềm tin đang trải mình với sông Côn nhịp nhàng vỗ sóng. Cổ Lũy cô thôn nối liền với đảo xanh ghềnh sáng, hai quê hương chung tên gọi Nghĩa Bình.

[6]: Vui giải phóng bốn phương trời lộng gió, mừng tự do đất mở rộng tầm xa. Buồm no gió nối liền xuôi ngược, con kênh xanh sóng sánh nước sông Trà.

LƯU THỦY HÀNH VÂN:
Trăng sáng soi triền ngô xanh biếc xanh,
Bồng con bao ân tình.
Xa xa vang tiếng khoan dô ấy hò dô khoan,
Đò sang ngang trăng sáng buông quanh mình.

[Tiếp câu 6]: Người đã vì sông dãi dầu mưa nắng, sông đang vì người chở nặng phù sa.
Dẫu rằng còn phải đi xa,
Hồn tôi sóng nước sông Trà bủa quanh.

Nghệ danh : Út Trà Ôn
Tên thật : Nguyễn Thành Út
Năm sinh : 1919
Thành tích nghệ thuật :
Út Trà Ôn (1919-2001) là nghệ sĩ cải lương tài danh. Ông tên thật là Nguyễn Thành Út, tên thường gọi trong gia đình là Mười Út (vì ông là người con thứ 10 và cũng là con út). Ông sinh tại ấp Đông Phú, làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Năm 16 tuổi, anh thanh niên Mười Út với lòng đam mê nghệ thuật cải lương học hát tại làng quê. Quê hương của ông cũng là một vùng đất nổi tiếng với nghệ thuật cải lương.

Năm 1937, Mười Út được người quen giới thiệu với Đài phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có nghệ danh Út Trà Ôn. Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng điện đã nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là bản: "Thức trót canh thâu". Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa. Đặc biệt, với giọng ca đặc biệt của mình, ông đã góp phần nâng cao uy tín cho hãng đĩa ASIA với bài vọng cổ "Tôn Tẩn giả điên" gồm có 20 câu, là một sáng tác của vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo).

Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hoá, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh...

Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, đây là lần đầu tiên ông làm bầu 1 đại bang danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ cao tuổi nhắc đến. Lúc ấy, đại bang này có nhiều nghệ sĩ tên tuổi lớn ví dụ như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thuý Nga cùng làm giám đốc.

Năm 1960, Út Trà Ôn cộng tác với đoàn Thủ Đô (chủ nhân của đoàn này là ông Phan Văn Bản và đồng thời là chủ nhân của hãng dĩa Hoành Sơn)

Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang (cũng là tên tuổi lớn) lập gánh Thống Nhứt, rồi cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung v.v..

Năm 1975, sau ngày 30/4/1975, ông cộng tác với đoàn cải lương Sài Gòn 1, Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng hay còn gọi là đoàn 2-84.

Tháng 3 năm 1997, ông được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Ông từ trần ngày 13 tháng 8 năm 2001 tại Thành phố Hồ Chí Minh, an táng tại Chùa Nghệ sĩ, Quận Gò Vấp. Hưởng thọ 82 tuổi.

Năm 1997: Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật cải lương.

Về địa hạt thu đĩa, nhắc đến ông người ta không thể không nhắc đến Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Gánh nước đêm trăng, Tôn Tẩn giả điên, Trụ Vương thiêu mình, Tình phụ tử... cũng như ông Cò Quận 9 trong Tuyệt tình ca trong địa hạt sân khấu.

Hiện tại chưa có ai bình luận !