Nghệ sĩ: Trọng Hữu | Khánh Linh | Soạn giả: Hải Đăng | Ðóng góp: utmientay | Lượt nghe: 385 | 128.00469422377K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn
Lời Nhạc Tiếng tơ lòng
Đóng góp: utmientay


Nghệ danh : Khánh Linh
Tên thật : Huỳnh Phúc Thiệt
Năm sinh : 1962-1999
Thành tích nghệ thuật :
Nghệ sĩ Khánh Linh tên thật Huỳnh Phúc Thiệt sinh năm 1962 tại Vĩnh Trinh, Thốt Nốt, Cần Thơ. Thân phụ của anh là ông Huỳnh Văn Động, cha làm nghề buôn bán nhỏ, mẹ là bà Trần Thị Cẩm Vân chủ một tiệm may áo dài trong xóm, em Thiệt học may và giúp mẹ trong việc may áo mướn. Ông Động biết đàn guitare cổ nhạc, ông dạy cho Thiệt ca cổ nhạc và dẫn em theo dự những buổi đờn ca tài tử trong xóm.

Năm 1976, đoàn hát cải lương của bầu Năm Nhánh đến hát ở Cổ Cò, em Thiệt muốn học hát nên em bỏ nhà trốn đi theo. Khi mới xuống ghe hát, em Thiệt được cho đóng vai Tiểu đồng trong tuồng Cô Gái Bán Gươm và được bầu Năm Nhánh đặt cho nghệ danh là Khánh Linh, ý nói giọng ca của em Thiệt giống Duy Khánh và hát giống Vũ Linh. Không biết có đúng như vậy hay là vì ông Bầu Năm Nhánh cần người giúp việc nên nói như vậy để dụ em Thiệt theo đoàn hát.

Sau những đêm diễn vai Tiểu đồng trong tuồng Cô Gái bán gươm, Khánh Linh không được ra sân khấu hát nữa mà em được ông bầu gánh phân công cho giữ máy đèn, làm placeur chỉ ghế hay làm hậu đài, khuân vác phông cảnh.

Khánh Linh không dám trở về gia đình nên ẩn nhẩn theo đoàn hát của bầu Nhánh. Năm sau, Khánh Linh trốn đi gia nhập đoàn hát Hoa Miền Nam của bầu Hồng Vũ. Đoàn nầy có những diễn viên trẻ như Tuấn Kiệt, Ngọc Châu, Tấn Vương, Minh Thuận, Hồng Vũ. Đoàn hát đi hát lại mấy tuồng Cô Gái Bán Gươm, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Giấc Mơ Rền Pháo Cưới đó, Khánh Linh được phân vai đánh võ, làm quân sĩ nhưng em âm thầm học thuộc nhiều vai trong các tuồng đó, hy vọng sẽ có dịp thế tuồng khi có diễn viên bịnh bất ngờ, nhưng anh Sáu Đài Trưởng buộc em phải nạp cho anh ta một số tiền thì anh mới phân cho Khánh Linh hát thế vai. Khánh Linh bèn rời đoàn, theo hát cho đoàn sơn đông mãi võ của anh Quyền ở chợ Lái Thiêu, nhưng rồi cũng không thấy có tương lai, nên Khánh Linh trở về quê cũ, sống với nghề thợ may.

Trong một chuyến đi Châu Đốc, Khánh Linh thấy đoàn hát An Giang tổ chức thi tuyển diễn viên trẻ. Anh vào thi thử, không ngờ được tuyển chọn. Nghệ sĩ trong đoàn hát An Giang có Ngân Vương, Trọng Hiếu, Quốc Thanh, Phương Hồng Thắm, Hương Châu, Kim Diệu, Hồng Vân, hề Trúc Giang, sau có thêm hề So Le tức anh ruột của Khánh Linh. Lúc đầu Khánh Linh được tập cho hát vai hề trong tuồng Sau Ngày Cưới và vở Sợi Chỉ Hồng. Sau đó, Khánh Linh được tập cho hát vai kép nhì trong tuồng Nước Mắt Nùng Kha và tuồng Cành Hoa Xứ Thái. Trong ba năm hát ở đoàn hát An Giang, có khi Khánh Linh được hát thế vai chánh.

Ông Hai Néo, trưởng đoàn hát Tiếng Ca Sông Cửu phát hiện giọng ca tốt của Khánh Linh nên thuyết phục Khánh Linh về cộng tác với đoàn Tiếng Ca Sông Cửu. Đây là cơ hội ngàn vàng để thăng tiến nghề nghiệp vì Khánh Linh được hát chung với các diễn viên trẻ tài danh như Tài Linh, Thanh Hằng, Thiên Nga, Khánh Tuấn, Trúc Giang, Tuấn Linh, hề Xâu.

Khánh Linh đã hát qua các tuồng Sự Tích Cây Uyên Ương, Công Chúa Tóc Thơm, Trở Về Mái Nhà Xưa, Áo Vải Phủ Long Bào, Hồn Thiêng Sông Núi, Truyền Thuyết về Tình Yêu. Khán giả các tỉnh miền Hậu Giang như Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An rất ái mộ nghệ sĩ trẻ Khánh Linh.

Năm 1986, Khánh Linh hết hợp đồng với đoàn hát Tiếng Ca Sông Cửu, Khánh Linh, và hai nữ nghệ sĩ Thiên Nga và Bo Bo Hoàng ký hợp đồng hát cho đoàn hát Sông Hương ở miền Trung. Đoàn đã có những nghệ sĩ như Bảo Vy, Điền Trung, Tài Bửu Bửu, Diệp Linh, Minh Hoàng, hề Vẹo. Đây là một thử thách tài nghệ với Khánh Linh vì anh đang hát những tuồng dã sử và cổ tích, đến đoàn Sông Hương anh phải hát tuồng hương xa Ấn Độ như tuồng Mùa Tôm, tuồng Đừng Quên Dòng Nước Mắt. Đó là những tuồng phóng tác theo phim ảnh Ấn Độ. Đoàn Sông Hương diễn ở các tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẳng, Quảng Trị và ra miền Bắc hát ở Vinh, Hải Phòng, Hà Nội.

Đến năm 1987, sau khi mãn hợp đồng với đoàn Sông Hương, Khánh Linh, Thiên Nga và Bo Bo Hoàng trở về miền Hậu Giang, Khánh Linh được trao cho chức vụ trưởng đoàn để củng cố lại đoàn hát Cửu Long 2 đang rệu rã. Trưởng đoàn Khánh Linh đổi bảng hiệu Cửu Long 2 thành đoàn hát Vĩnh Trà, tập hợp một thành phần nghệ sĩ hùng hậu, gồm có Khánh Linh, Thiên Nga, Trúc Giang, Vương Long, Kháng Sang, Bích Ngọc, Bo Bo Hoàng, Quốc Lâm, Thiên Thanh, Hồng Trang, Diễm Châu, hề So Le…

Đoàn hát Vĩnh Trà hát các vở tuồng Mạnh Lệ Quân, Công Chúa Sa Mi, Ta Là Vua…Tuy đoàn hát thu nhiều lợi nhuận, trả được hết số nợ do trưởng đoàn Cửu Long 2 để lại nhưng nghệ sĩ Khánh Linh quá mệt mõi vì công việc quản lý đoàn hát khiến cho anh không có thì giờ tôi luyện thêm nghề ca hát mà anh ưa thích. Anh giao đoàn hát lại cho Sở Văn Hóa tỉnh, anh về Saigon xin gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Lúc bấy giờ đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ có các diễn viên Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Ngọc Đáng, Bửu Truyện, Thanh Thế, Minh Tuấn, Thảo Nguyên, Minh Hùng, Tuyết Vân, Bửu Ấn. Nghệ sĩ Khánh Linh được nghệ sĩ Thanh Tòng chỉ dạy các vũ đạo tuồng cổ. Anh đã hát qua vai Hán Đế trong tuồng Bụi Mờ Ải Nhạn. Năm 1991, đoàn Hương Mùa Thu thiếu kép, Khánh Linh được mời về hát chánh với Ngọc Hương, Ngọc Lan, Hiếu Liêm, Phượng Ngân, Chiêu Hùng, hề Bảo Na. Khánh Linh cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu được hai năm, hát qua các tuồng Tiếng Súng Một Giờ Khuya, Tướng Cướp Ngư Long, Hai Chiều Ly Biệt…

Khánh Linh vẫn chưa tạo được tên tuổi lẫy lừng như anh mong muốn dù anh trở về Saigon, cộng tác với các đoàn hát Minh Tơ, Hương Mùa Thu và đoàn Trần Hữu Trang 2.

Mãi đến năm 1994, nghệ sĩ Khánh Linh hát trên sân khấu Thanh Nga, anh mới được khán giả đặc biệt quan tâm tán thưởng. Nghiệm ra anh biết là trước đây tuy anh đóng các vai chánh, hát cùng với các nữ diễn viên chánh như Kim Diệu, Phương Hồng Thắm, Thiên Nga, Thanh Hằng, Diễm Châu, Bích Ngọc, Ngọc Huyền, Cẩm Tiên, Thanh Ngân, tuy khán giả ưa thích nhưng anh thật sự nổi bật khi diễn chung với hai nữ nghệ sĩ: đó là Thiên Nga và Thanh Ngân.

Thời gian hát chung với nữ nghệ sĩ Thiên Nga là thời gian anh đi hát đoàn Sông Hương, khán giả các tỉnh Huế, Đà Nẳng, Vinh, Hải Phòng, Hà Nội rất thích cặp diễn viên Khánh Linh và Thiên Nga.

Thời gian Khánh Linh và Thanh Ngân diễn cặp trên sân khấu Thanh Nga đã tạo được tiếng vang lớn qua vở tuồng Đèn Đêm Nhỏ Lệ, Khánh Linh vào vai Phong, Thanh Ngân vai Linh. Doanh thu của đoàn Thanh Nga được kể là có số thu kỷ lục trong lúc mà các đoàn hát khác đang yếu khách hoặc phải trả vé vì ít khán giả.

Về Saigon, Khánh Linh có dịp hát đài Truyền Hình, thu băng video các tuồng Chiêu Quân Cống Hồ, Phùng Bửu Sơn, Hoàng Tử Vương Lâm, Chiếc Bóng Nổi oan tình, Tần Thủy Hoàng, Giai Nhân và Dũng Tướng, Tình Hận Thâm Cung, Vương Quyền Bạo Chúa…. Anh được khán giả ái mộ hơn và báo sân khấu kịch trường khen ngợi nhiều hơn.

Sau hơn hai mươi năm đeo đuổi theo nghề hát, Khánh Linh mới thấy sự thiếu học của anh là một lực cản khá lớn làm anh chậm phát triển trên đường sự nghiệp. Số vốn học văn hóa ít ỏi làm cho anh không đủ điều kiện để theo học các trường đào tạo diễn viên và đạo diễn chánh quy tuy về phương diện diễn xuất và đạo diễn mà anh đã thực hành trong các gánh hát, chứng tỏ là anh không thua bất cứ nghệ sĩ nào đang có học vị, có bằng cấp. Tuy nhiên khi không xuất thân từ các trường lớp thì các cuộc thi huy chương vàng Trần Hữu Trang hay huy chương vàng diễn viên tài sắc, Khánh Linh mất điểm rất nhiều.

Anh chỉ có một điểm tự hài lòng là anh xuất thân là người làm hậu đài, gác cửa, chỉ ghế, làm quân sĩ đánh kiếm hay các vai phụ, anh phấn đấu không ngừng, học ca cổ nhạc, học vũ đạo tuồng cổ và không ngừng học tập các bạn diễn để trở thành một kép chánh tên tuổi, đóng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tài sắc của thành phố và các tỉnh. Anh từng làm trưởng đoàn hát và làm cho đoàn hát anh phát triển, doanh thu cao. Anh thấy bằng sự cần mẫn, quyết tâm, anh khắc phục được những nhược điểm của mình để trở thành một nghệ sĩ chân chính. Cái huy chương mà anh được hưởng chính là sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả đã tưởng thưởng cho anh và các nghệ sĩ trong đoàn hát sau khi họ xem anh hát.

Nghệ sĩ Khánh Linh bị tai nạn giao thông và qua đời vào chiều ngày 20/1/1999 lúc anh trong độ tuổi xuân sắc nhất của nghề hát. Anh được chôn cất tại chùa nghệ sĩ - Gò Vấp.

Hiện tại chưa có ai bình luận !