Nghệ sĩ: Linh Tuấn | Hoài Linh (HN) | Soạn giả: Yên Lang | Hoài Linh | Tuấn Khanh | Ðóng góp: Khoailang | Lượt nghe: 339 | 128K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn
Lời Nhạc Quán nửa khuya
Đóng góp: Khoailang


Nghệ danh : Linh Tuấn
Tên thật : Nguyễn Văn Hải
Năm sinh : 1959
Thành tích nghệ thuật :
Nghệ sĩ Linh Tuấn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sanh năm 1959, quê quán tại Long Hải. Gia đình không có người nào sống bằng nghề hát.
Năm 1974, em Hải học ca trong lớp dạy ca tân nhạc của ca sĩ Khánh Băng. Sau đó em học cổ nhạc với nhạc sĩ Văn Vĩ. Năm 1976 Văn Hải gia nhập đoàn hát cải lương của quận Thủ Đức; Thành phần nghệ sĩ của đoàn hát Thủ Đức gồm đa số là các em học sinh trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, vì trường tạm đóng cửa sau ngày 30 tháng 4 nên các em học sinh khóa cải lương và kịch nghệ tham gia với các đoàn hát của các quận 8 và quận Thủ Đức.
Gần cuối năm 1976, đoàn cải lương Thủ Đức giải tán, Em Hải gia nhập đoàn hát cải lương Thống Nhứt - Tây Ninh. Đoàn Thống Nhứt Tây Ninh gồm có các nghệ sĩ cán bộ của đoàn văn công Tây Ninh và các nghệ sĩ vừa được đào luyện trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh nên sau vài tháng theo đoàn, em Văn Hải bỏ trở về Saigòn, gia nhập đoàn hát Tiếng Ca Sông Cửu của trưởng đoàn Hai Néo. Nhân dịp đoàn Tiếng ca Sông Cửu hát quanh quẩn ở các quận huyện của thành phố nên em Hải thi vô học trường nghệ thuật sân khấu. Trường nghệ thuật sân khấu vừa mới mở, cơ sở gồm có rạp hát Thăng Long và ngôi trường tiểu học cũ ở ngang cổng rạp Thăng Long đường Cống Quỳnh. Học sinh đều ở ngoại trú nên em Hải đi học trường Nghệ Thuật Sân Khấu ban ngày, ban đêm em Hải đi hát trên sân khấu đoàn Tiếng ca Sông Cửu, vừa rèn luyện thêm tay nghề, vừa có thu nhập để giải quyết cuộc sống.
Lúc đó các học sinh trường Nghệ Thuật Sân Khấu đều ở ngoại trú, việc quản lý học sinh của nhà trường chỉ thực hiện khi các em đến lớp và lúc tập diễn xuất các tiểu phẩm, thực tập trên sân khấu nên nhiều em đi hát ban đêm ở các đoàn hát đang diễn ra trong địa bàn của thành phố.
Năm 1980, khi đoàn hát Hương Mùa Thu trình diễn để kiểm duyệt phúc khảo tuồng mới trước khi lưu diễn miền Trung, em Hải được trưởng đoàn Thu An ký kết cho em Hải cộng tác với đoàn hát trong thời hạn 6 tháng. Ông Thu An đặt nghệ danh Linh Tuấn thay thế tên Hải và trao vai Mã Bình, một vai kép độc lẵng trong tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn cho Linh Tuấn hát.
Trong 6 tháng hát ở đoàn Hương Mùa Thu, nghệ sĩ Linh Tuấn đã hát qua các tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn, Trống Vang Ải Lạng, Bão Lửa, Cánh Hạc Chiều Đông và có lần thế vai Minh Phụng trong tuồng Cánh Hạc Chiều Đông hát với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương khi nghệ sĩ Minh Phụng rời đoàn Hương Mùa Thu.
Hết giao kèo sáu tháng với đoàn hát Hương Mùa Thu, Linh Tuấn được bà Mười Cơ, trưởng đoàn hát Tinh Hoa ở Biên Hòa ký hợp đồng, mời Linh Tuấn về hát kép chánh, hát cặp với nữ nghệ sĩ Kim Thoa, con gái của ông bà Bầu Mười Cơ.
Năm 1983, đoàn hát Phước Chung ký hợp đồng mời Linh Tuấn về hát chánh, chia vai với kép Dũng Tâm trong tuồng Thoại Khanh Châu Tuấn. Nghệ sĩ đoàn Phước Chung lúc đó có Giang Tâm, Dũng Tâm, Triều Giang Thủy, Hoàng Liêm, Hiếu Liêm, Vũ Phương Giang, Tố Loan, Phương Loan, Ánh Tuyết, Hồng Hoa. Nghệ sĩ Linh Tuấn hát các tuồng Núi Rừng Lên Tiếng, Hoa Mơ Trắng, Tiếng Đàn Trên Sông Tô Lịch, Rừng Ông Gốc. Gần cuối năm 1984, nghệ sĩ Linh Tuấn vượt biên, định cư tại Toronto Canada năm 1985.
Sau sáu tháng ổn định cuộc sống, học tiếng Anh và tìm nghề tay trái để mưu sinh, nghệ sĩ Linh Tuấn tham gia biểu diễn cổ nhạc trong các sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Toronto. Anh kết hợp với anh Nghĩa, anh Hoàng, hai nhạc sĩ đờn cổ nhạc và các bạn nghệ sĩ quen biết cũ ở Việt Nam đang định cư tại Toronto như nữ nghệ sĩ Thùy Dương, Linh Huệ, Kim Huê, Thanh Liễu( vợ của hề Tẩu Tẩu,) Hoài Trúc Linh, Minh Thành, Giang Thanh, Bảo Trâm và lão nghệ sĩ Việt Hùng thực hiện được ba suất hát với các tuồng Người Tình Trên Chiến Trận của soạn giả Nguyên Thảo, vở Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn của Yên Lang, và vở Tiếng Đàn Trên Sông Tô Lịch của soạn giả Nguyễn Phương. Ba suất hát được khán giả mua vé xem rất đông vì do Hội Cứu trợ thuyền nhân ở Biển Đông tổ chức để gây quỹ giúp thuyền nhân định cư tại Toronto.
Năm 1991, nghệ sĩ Linh Tuấn qua Nam Cali. Linh Tuấn và nghệ sĩ Chí Tâm lập nhóm sân khấu Văn Lang, Hòa Ca Cổ Nhạc, tổ chức trình diễn trên sân khấu mini của các restaurant, chương trình ca cổ nhạc, hát trích đoạn cải lương, tấu hài và ca tân nhạc, mỗi tháng tổ chức một hay hai suất hát có các nghệ sĩ cải lương định cư tại San Francisco, Santa Ana, Westminster tham gia như các nghệ sĩ lão thành Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Văn Chung, các nghệ sĩ tài danh Phượng Liên, Thành Được, Chí Tâm, Linh Tuấn, Thanh Huyền, Hương Huyền, Ngọc Đan Thanh, Hoài Trúc Linh, Hoàng Hải con của nghệ sĩ Hoàng Giang, Dũng Thanh Lâm, Phước Hậu, Kiều Mỹ Loan, Tuấn Hùng, Thu Hồng, các nhạc sĩ cổ nhạc có Văn Hoàng, Bích Thuận, Minh Phụng, hát các trích đoạn cải lương Bạch Hải Đường, Giấc Mộng Đêm Xuân, Nửa Đời Hương Phấn. Chí Tâm và Linh Tuấn thực hiện được 13 chương trình Hòa Ca Cổ Nhạc, có mời các nghệ sĩ Toronto sang hát như nữ nghệ sĩ Thùy Dương, Linh Huệ hát trích đoạn Sở Vân Cứu Gíá, ca tân cổ giao duyên.
Sau đó trung tâm băng vidéo Rainbow mời Linh Tuấn cộng tác thực hiện chương trình giới thiệu Quê Hương Việt Nam, danh lam thắng cảnh, món ngon vật lạ và giới thiệu các nghệ sĩ hài lão thành Tùng Lâm, Thanh Hoài, Văn Chung. Khi về Việt Nam quay vidéo, Linh Tuấn đã giới thiệu thêm giọng ca của ca sĩ Giang Tử, Trang Mỹ Dung. Đó là những nghệ sĩ vang bóng một thời, hiện sống ổn định với một nghề khác nhưng khi xuất hiện trước ống kính vidéo, ca sĩ Giang Tử và Trang Mỹ Dung vẫn còn phong độ, giọng ca vẫn truyền cảm như những ngày còn hoạt động trong các phòng trà ca nhạc ngày xưa.
Trong đợt các nghệ sĩ Việt Nam qua Nam Cali phối hợp với các nghệ sĩ định cư tại Hoa Kỳ, hát các tuồng Hồ Quảng, tuồng xã hội nổi tiếng trước năm 1975, lúc đầu hát đông khán giả, nhưng về sau thì số khán giả ít đến xem hơn vì các bạn cũng hát những tuồng hát cũ trước 75, chỉ khác là y phục hát đẹp hơn, nghệ sĩ đông hơn. Tuy nhiên hát trong rạp hát thì chi phí rất cao nên sau đó các bạn nghệ sĩ Việt Nam qua cũng hát ở các restaurant như các nghệ sĩ định cư tại hải ngoại. Tuồng hát trong rạp hát lớn thì hai, ba tháng mới tổ chức hát được một tuồng, còn hát trong sân khấu mini, hát trích đoạn, ca lẽ thì mỗi tháng có thể tổ chức được hai lần vào cuối tuần.
Thưa quý thính giả, nghệ sĩ Linh Tuấn là một nghệ sĩ yêu nghề, tận tâm với các bạn đồng nghiệp, lúc nào và ở đâu anh cũng muốn được hát cải lương và tổ chức cho các bạn đồng nghiệp hát để đỡ nhớ nghề, tăng thêm thu nhập. Năm 1992, anh đến Nam Cali, kết hôn với nữ nghệ sĩ Thanh Huyền, người phối ngẩu đồng tâm hiệp lực với anh tổ chức những show cải lương. Thanh Huyền cũng là bạn diễn ăn ý nhất của Linh Tuấn, hai vợ chồng Linh Tuấn – Thanh Huyền hợp thành một đôi chim sơn ca trên bầu trời văn nghệ Nam Cali.

Hiện tại chưa có ai bình luận !