Nghệ sĩ: Phượng Loan | Soạn giả: Đang cập nhật | Ðóng góp: Giang Tiên | Lượt nghe: 462 | 128K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn
Lời Nhạc Mộng (nhạc mở đầu)
Đang cập nhật lời nhạc

Nghệ danh : Phượng Loan
Tên thật : Phượng Loan
Năm sinh : 1968
Thành tích nghệ thuật :
NS Phượng Loan sau khi đoạt HCV Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1990 cũng có bước đi như thế, khi chị về cộng tác cho đoàn CL Trung Hiếu (thuộc Sở Công an TPHCM). Vào năm 1991 , mặc dù được diễn chung với nhiều diễn viên trẻ ăn khách như: Vương Cảnh, Đức Tài, Phượng Hằng, Hoàng Anh, Lê Xệ, Phượng Mai, Hiệp Thành, Quốc Thắng, Thái Sơn, La Kính, Phương Thành,... nhưng là "lính" mới nên Phượng Loan không được đoàn phân những vai hợp lý. Hơn nữa, đồng lương ở sân khấu này rất thấp (chế độ lương cữ) lại thường hay lưu diễn xa (miền Trung, miền Bắc) nên chỉ sáu tháng cộng tác Phượng Loan đã rời đoàn. Chị lại quay về tỉnh cộng tác cho đoàn Long An (đợt 2) được 6 tháng, rồi cộng tác cho đoàn Sông Hậu 1 gần hai năm rồi về nhà mở quán bán cà phê. Thật ra lúc này đoàn Sông Hậu 1 với lực lượng nghệ sĩ rất hùng hậu, gồm: Thanh Tuấn, Giang Châu, Vũ Tuấn, Diễm Châu, Thanh Kim Hạnh, Hoàng Đông, Thanh Đới,... đang hát có doanh thu cao, nổi tiếng ở miền Tây nhưng do Hậu Giang tách thành hai tỉnh là Cần Thơ và Sóc Trăng nên một số đoàn của Hậu Giang cũng bị chia lực lượng, rồi ngưng diễn một thời gian để củng cố nên Phượng Loan không chờ được, không biết sẽ chọn đoàn nào để cộng tác tiếp nên chị tạm xa sàn diễn một thời gian. Sau quá trình tách tỉnh Hậu Giang (cũ), đoàn Sông Hậu 1 được phân về tỉnh Sóc Trăng và đổi tên bảng hiệu thành đoàn Chuông Vàng – Sóc Trăng (hiện đoàn này cũng đã giải thể), đoàn Sông Hậu 2 được phân về Cần Thơ và đổi tên thành đoàn Tây Đô. Sau quá trình củng cố lực lượng, đoàn Tây ĐÔ tái hoạt động và tập kịch bản mới "Loài hoa không tên" (TG: Ngô Hồng Khanh - ĐD: Trọng Nam) để tham gia Hội diễn SKCN toàn quốc năm 1995 với lực lượng nghệ sĩ khá cứng nghề gồm: Trọng Hữu, Tấn Vương, Ngân Thủy, Kiều Mỹ Dung, Thảo Vân, Phượng Thu, Ngọc Nhung, Diệp Tính, Vương Kiệt,... nhưng lại thiếu đào chánh, nên bầu út Quắn lên thành phố mời Phượng Loan về cộng tác để chữa cháy, chứ chị không muốn đi diễn ở các đoàn tỉnh nữa. Không ngờ, sự chữa cháy vào giờ chót đã giúp chị có điều kiện khẳng định mình. Cùng với Trọng Hữu, Phượng Loan đã đem về cho đoàn hai HCV trong lần Hội diễn đó. Riêng Phượng Loan còn được Tạp chí Sân Khấu VN trao tặng giải Diễn viên Tài sắc (trong lần Hội diễn này còn có Hồng Vân, Thanh Thanh Tâm, Kiều Oanh cũng được nhận giải DV Tài sắc, ánh Hồng và Ngọc Hương được giải đặc biệt). Có thêm một HCV Hội diễn lại nhận được giải thưởng DV Tài sắc nên tên tuổi Phượng Loan được nhiều đoàn cải lương trên cả nước biết đến. Đoàn Văn Công TPHCM lúc này lực lượng rất mạnh, với: Minh Vương, Thoại Miêu, Diệp Lang, Hoàng Giang, Diệu Hiền, Dương Thanh, Văn Khoe, Thanh Liêm, Tí Ni,... nhưng lại thiếu đào chánh nên lãnh đạo đoàn đã mời chị về cộng tác. Lần đầu được hát trên một sân khấu đại bang vào hạng nhất nước như đoàn VCTP nên Phượng Loan rất mừng. Dưới sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp vào hàng cô, chú, đặc biệt NSND Diện Lang và NSUT Minh Vương đã tận tình hướng dẫn nên Phượng Loan đã vượt qua những bớ ngớ ban đầu để khẳng định mình qua một số vai diễn trong các vở Lời tâm sự của một người đàn bà, Ai giết tình em, Một chuyện tình buồn, Không là cát bụi,... Cộng tác được hai năm (1995-1 997) thì đoàn VCTP sát nhập vào Nhà hát CL Trần Hữu Trang và đoàn VCTP biến thành đoàn THTI nên Phượng Loan rời đoàn về cộng tác cho đoàn CL Tây Đô. Trên sân khấu này, Phượng Loan có dịp tái ngộ với NSUT Minh Vương (Minh Vương lúc này không hát chính thức cho một đoàn nào mà anh thường đi tăng cường cho các đoàn tỉnh). Minh Vương vốn là một anh kép mát tay dìu đào (anh không kén đào, trái lại thường hay giúp đỡ, dìu các cô đào trẻ để nâng họ lên) nên trong lần tái ngộ này, dù chỉ hát tăng cường nhưng Minh Vương đã hợp cùng Phượng Loan thành một đôi ăn khách trong các vở: Mũi tên oan nghiệt, Đứa con không tên, Giọt lệ đài trang,... Nhưng chỉ sau hai năm tăng cường cho đoàn Tây Đô, cuối năm 1999 Minh Vương quay về TP cộng tác cho đoàn Trần Hữu Trang 1 diễn chung với Lệ Thủy. Cùng lúc Phượng Loan hết hợp đồng với đoàn Tây Đô, chị quay về TP và được đoàn THTI mời cộng tác khoảng 6 tháng để dự bị cho Lệ Thủy. Bởi chị Lệ Thủy lúc này sức khỏe yếu, huyết áp thường tăng cao nên chị không diễn được nhiều. Tuy dự bị cho Lệ Thủy nhưng Phượng Loan vẫn hoàn thành xuất sắc các vai diễn của đoàn, giúp cho đoàn có những chuyến lưu diễn thành công. Có duyên với hội diễn Từ năm 1999 đến 2004, Phượng Loan diễn qua lại giữa hai đoàn Trần Hữu Trang 1 và Tây ĐÔ (Cẩn Thơ). Cứ sáu tháng ở đoàn này, sáu tháng ở đoàn kia và chị luôn hoàn thành trách nhiệm của một cô đào chánh cho cả hai đoàn. Nhưng hình như Phượng Loan có duyên với đoàn Tây ĐÔ qua các lần Hội diễn. Cho nên năm 2000, khi tham gia Hội diễn SKCN toàn quốc với vở "Huyền thoại một tình yêu (TG: Hùng Tấn - ĐD: NSUT Trần Ngọc Giàu), Phượng Loan lần nữa đoạt HCV (vai Thơm). Rồi sau đó hai năm (2002) khi tham gia Hội diễn SKCN các tỉnh phía Nam, trong vai cô giáo Hạnh (vở "Dòng sữa đỏ" - TG: Nguyễn Liêu, Cuồng Vũ - ĐD: NSUT Trần Ngọc Giàu), Phượng Loan cũng mang về cho đoàn Tây ĐÔ một HCV (năm này đoàn Tây ĐÔ còn tăng cường thêm kép chánh Chiêu Hùng và anh đã cùng Phượng Loan đoạt hai HCV cá nhân). Nếu tính từ lần đầu đoạt HCV (năm 1990 ở đoàn Long An) thì đến năm 2002, Phượng Loan đã có tất cả ba HCV Hội diễn cấp toàn quốc và một HCV cấp khu vực. Một thành tích rất ấn tượng chứ không hề ăn may. Điều đó khẳng định Phượng Loan có đẳng cấp cao trong nghề. Dù chị rất khiêm tốn, cho rằng do Tổ nghiệp thương, độ mình nên mới giục chị đừng nản lòng, hãy tiếp bước với nghề. Bởi không ít lần va chạm, thua thiệt Phượng Loan buồn chán muốn bỏ nghề để về nhà làm kinh tế phụ như: bán bánh mì, bán cà phê, bán quán nhậu, quán nghệ sĩ, bán nhu yếu phẩm, làm cò nhà, cò đất, . Mặc dù rất cố gắng nhưng tất cả những nghề phụ mà chị trải qua đều ế ẩm, thất bại. Sự nghiệp rực rỡ - gia đình hạnh phúc Sau thành tích đạt được rất xuất sắc ở Hội diễn năm 1995, Phượng Loan đã khẳng định vị thế của mình. Đã có rất nhiều đoàn đại bang từ TPHCM đến các tỉnh mời chị về cộng tác. Và Phượng Loan đã thỏa ước nguyện khi được hát chung với những kép chánh tên tuổi, là thần tượng của mình như: Minh Vương, Thanh Tuấn,... Cũng từ đó, Phượng Loan ngày càng đắt show truyền hình, audio, video. Cho đến nay Phượng Loan đã thu và quay trên 150 vở cải lương và trên 100 bài ca cổ cho các Đài HTV, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Long An. Tham gia trên 20 vầng trăng cổ nhạc ở HTV. Quay trên 40 vở cải lương video và rất nhiều vở audio. Phụ diễn liveshow, Những cánh chim không mỏi, Nghệ sĩ tri âm,... cho các nghệ sĩ Tấn Tài, Diệu Hiền, Thanh Tuấn, Phương Quang, Thanh Ngân, Châu Thanh, Phương Bình, Phú Quý, Bảo Quốc, Bảo Anh,... Phụ diễn cho các thí sinh tham gia giải Chuông vàng vọng cổ suốt ba năm liền. Tham gia diễn trên 40 show từ thiện từ TPHCM đến các tỉnh. Trực tiếp tham gia khoảng 30 đợt cứu trợ giúp đồng bào nghèo, thiên tai do Chùa Nghệ Sĩ, Hội chữ thập đỏ, các bệnh viện, các mạnh thường quân tổ chức. Ngoài ra Phượng Loan còn được mời làm giám khảo ở các cuộc thi giọng hát hay, Liên hoan tiếng hát truyền hình các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long, giải Bông lúa Vàng ớ Đài TNND TPHCM, giải Chuông vàng vọng cổ của HTV... Hiện Phượng Loan đã ngoài 40 tuổi. Tuy đã thành danh với nhiều vai đào chánh rất ấn tượng như: Thơm (Huyền thoại một tình yêu), Dạ Hương (Loài hoa không tên), Đặng Thị Huệ (Đêm hội Long Trì), Trang (Trà Hoa Nữ),... Nhưng với tuổi tác đã vượt ngoài khung cho phép nên gần đây chị không hát chánh nữa. Chị bắt đầu chuyển qua các vai tính cách và chấp nhận diễn vai thứ để làm nền nâng các diễn viên trẻ. Phượng Loan chỉ tiếc một điều là sự nghiệp sân khấu của mình phát triển chậm, dù hết sức phấn đấu với nghề. Nhất là với lĩnh vực video. Thời điểm chị có tên được nhiều khán giả và đồng nghiệp biết đến (sau năm 1995) , tuy có cơ hội nhưng do da mặt chị không ăn ảnh nên bị hạn chế khi tham gia các vở cải lương video, nên chị không bật sáng được như một số đồng nghiệp cùng trang lứa như: Thanh Ngân, Thoại Mỹ, Cẩm Tiên,... Tuy có hơi buồn nhưng Phượng Loan vẫn tự an ủi mình là được Tổ nghiệp ưu ái nhiều mặt khác. Đó là được bà con khán giả gần xa yêu mến, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSUT vào năm 2006 và hiện giờ show diễn của chị vẫn còn rất nhiều. Bên cạnh đó Phượng Loan còn được Trời đất ban cho một gia đình hạnh phúc. Chị đã tìm được một nửa trong đời cho mình. Năm 1998 chị lập gia đình lần thứ hai với anh Trần Công Dũng (Công ty thẩm định giá miền Nam) và từ đó đến nay cả hai người sống với nhau rất hạnh phúc. Phượng Loan cho biết, anh Dũng tính rất hiền, rất quan tâm đến nghề hát của vợ, rất tế nhị nên nhiều đồng nghiệp của chị khi gặp anh đều rất quý. Hai con của Phượng Loan đều học hành đàng hoàng, rất hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Xin cảm ơn Tổ nghiệp! Đó là lời tri ân chân thành nhất mà chị vẫn thường nhắc tới khi mở đầu cũng như kết thúc bài viết này. Đó là một nghĩa cử đẹp, thể hiện việc uống nước nhớ nguồn không riêng gì Phượng loan mà tất cả các diễn viên trẻ khi chập chững vào nghề cũng cần nằm lòng, giữ lấy những đạo lý cơ bản ấy để phấn đấu vươn lên hơn nữa trong sự nghiệp ca hát của mình.

Hiện tại chưa có ai bình luận !